Syndicate content

Chuyển động ngành

Ciber-CMC là đối tác vàng của SAP

(ICTPress) -  Công ty Liên doanh Ciber-CMC, thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC vừa trở thành  Đối tác vàng (Gold Partner) tại thị trường Việt Nam của SAP Channel Partner Services thuộc chương trình SAP PartnerEdge.

Với chứng nhận mới này, Ciber-CMC có thể cung cấp được các sản phẩm và giải pháp phần mềm đạt chất lượng quốc tế cho những khách hàng của mình, bao gồm các dịch vụ trọn gói từ tư vấn, thực hiện, triển khai, đào tạo và hỗ trợ cho các giải pháp của SAP (ERP, CRM, BO, BI/BW…) tại Việt Nam.

Đại diện Ciber-CMC cho biết: “Đạt được chứng nhận của SAP đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tập trung cao độ và không ngừng nâng cao chất lượng. Các điều kiện để trở thành đối tác vàng của SAP bao gồm: các bộ chứng chỉ chuyên ngành đặc biệt, đội ngũ chuyên gia tư vấn và dịch vụ chuyên nghiệp, hiệu quả kinh doanh và các hoạt động marketing, ngoài ra phải kể đến cả mức độ hài lòng của khách hàng với những sản phẩm và dịch vụ do Ciber-CMC cung cấp.”

Trở thành đối tác chính thức từ năm 2008, sự kiện Ciber-CMC được công nhận là Đối tác vàng của SAP đã chứng thực năng lực của đội ngũ chuyên gia Ciber-CMC và  khẳng định vai trò của Ciber-CMC trong lĩnh vực tư vấn và triển khai các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á. 

SAP Channel Partner Services là một kênh thông tin uy tín của Chương trình SAP PartnerEdge. Chương trình này sẽ trao giải thưởng, nâng hạng logo, đào tạo, chứng nhận sản phẩm, cấp chứng chỉ dựa trên Chất lượng dịch vụ/sản phẩm, sự hài lòng của khách hàng... cho các thành viên SAP.

LH

Đầu tư ra nước ngoài: VNPT đi hướng khác Viettel

Cho dù đánh giá hình thức đầu tư ra nước ngoài của Viettel là thành công, song lãnh đạo của VNPT cho hay sẽ không đi theo hướng này.

Vài năm gần đây, không chỉ khẳng định sức mạnh ở trong nước, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nổi lên như một "thế lực" khi liên tiếp đầu tư, thành lập mạng viễn thông tại nước ngoài. Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dường như chưa thấy... động tĩnh.

Về vấn đề này, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT, đánh giá hình thức đầu tư của Viettel đến nay là khá thành công nhưng VNPT lại đầu tư ra nước ngoài theo hướng khác.

Thận trọng!

- Thưa ông, khi mà Viettel "tiến quân" rầm rộ ra thị trường nước ngoài, thì VNPT hình như vẫn còn khá chậm?

Ông Phan Hoàng Đức: VNPT định hướng đầu tư ra nước ngoài khác so với các đơn vị khác. Về đầu tư mạng lưới hạ tầng và tổ chức, Viettel đã đi và thành công. Còn VNPT đi theo hướng hợp tác và đầu tư.

Tuy nhiên, môi trường hiện nay có những vấn đề khó khăn nên chúng tôi sẽ phải có những điều chỉnh lại để làm sao các bước đi ra nước ngoài đảm bảo sự bền vững.

- Đánh giá Viettel thành công, tại sao VNPT không lựa chọn cách mà Viettel đã đi?

Ông Phan Hoàng Đức: Mỗi một doanh nghiệp có những bước đi khác nhau, không thể đi cùng như nhau được. Hướng chúng tôi vẫn đang tập trung điều chỉnh lấy thị trường trong nước là thị trường chủ yếu.

- VNPT có tính đến chuyện bắt tay với một doanh nghiệp Việt Nam để cùng đầu tư ra nước ngoài không?

Ông Phan Hoàng Đức: Chúng tôi không ngoại trừ khả năng đó nếu có cơ hội. Song, vấn đề đầu tư phải có tính toán hết sức cụ thể.

- Ông có thể chia sẻ về định hướng mà VNPT thực hiện khi đầu tư ra nước ngoài?

Ông Đức nói, mục tiêu của VNPT là quyết tâm thay đổi để bước mạnh và vững chắc trên thị trường.

Ông Phan Hoàng Đức: Định hướng của VNPT là đầu tư dài hơi, và theo như thông lệ của thế giới là trên cơ sở của hạ tầng sẽ tham gia góp vốn vào các nhà khai thác có khả năng hợp tác tốt với Việt Nam. Có nghĩa là, chúng tôi sẽ hợp tác với các mạng lớn và hiện VNPT có những đối tác lớn như Orange France Telecom (Pháp), T- Mobile (Mỹ)...

Hiện nay một mô hình đối với VNPT là chúng tôi hợp tác với nước ngoài khai thác kinh doanh vệ tinh, theo hướng kết hợp với các doanh nghiệp quản lý vệ tinh trong khu vực để cho thuê. Mình truyền ra nước ngoài, đối tác truyền về khu vực của VNPT...

Ngoài ra, chúng tôi đang đặt vấn đề hợp tác liên doanh về sản phẩm công nghiệp thiết bị đầu cuối, để làm sao đưa các sản phẩm đó về Việt Nam. VNPT đầu tư hoặc đối tác đưa hệ thống các thiết bị về Việt Nam để sản xuất, rồi bán ra thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi đang hình thành một số công ty liên doanh với Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tiếp theo là đầu tư trên thị trường bằng cách góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác. Cái này là rất cởi mở... Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Không thụt lùi

- Nhắc đến sự phát triển của ngành viễn thông phải kể đến bước tiến của Viettel, và có một số ý kiến cho rằng VNPT đang thụt lùi, thưa ông?

Ông Phan Hoàng Đức: Nếu nói VNPT thụt lùi thì tôi không công nhận.

Năm 2010, sự tăng trưởng của VNPT vẫn là trên 30%, đó là điều rõ ràng bởi đóng ngân sách nhà nước không phải là con số ảo. Viettel cũng đang phát triển, và cả 2 cùng chiến thắng thì là điều tốt cho đất nước.

- Nhưng có vẻ như VNPT bước chậm hơn?

Ông Phan Hoàng Đức: Cái này cũng có phần đúng. VNPT là bước tiến của cả quá trình phát triển 66 năm rồi. Trước đây, trong môi trường độc quyền, VNPT chỉ là một nhà cung cấp. Công ích chưa có, chúng tôi phải đầu tư vào mạng điện thoại cố định, đầu tư cho vùng sâu vùng xa để đảm bảo thông tin liên lạc, bảo đảm trách nhiệm với nhà nước.

Bây giờ, VNPT vẫn đảm trách những dịch vụ đấy, vẫn phải duy trì, vẫn phải giữ và phát triển nó, công nghệ mới vẫn phải đưa vào, vẫn phải duy trì hệ thống cũ mà mạng cố định hiện nay không thể phát triển được.

Trong khi đó, một số mạng di động thành lập sau không phải lựa chọn công nghệ. Ví dụ như công nghệ GSM, VNPT đã thử nghiệm và thành công rồi. Do đó, họ có lợi thế rất lớn là không phải thử lại nữa.

Tôi khẳng định VNPT không bị thụt lùi, vì chúng tôi vẫn là doanh nghiệp đứng thứ hai nộp ngân sách nhà nước. Hai mạng di động của chúng tôi (VinaPhone và MobiFone - PV) lợi nhuận rất lớn nhưng vẫn phải chia ra một phần để giữ lại mạng cố định. Thêm vào đó, đội ngũ lao động của chúng tôi là 9 vạn người, và giải quyết vấn đề lao động cũng rất lớn.

Thêm vào đó, mảng bưu chính dù đã tách ra thành Tổng công ty và chuẩn bị được Nhà nước đầu tư là công ích nhưng hiện nay đang nằm trong VNPT. Bởi thế, mạng bưu chính công ích hiện VNPT vẫn phải đảm nhận.

Nhiều khi người ta đánh giá VNPT thay đổi chậm quá, chúng tôi cũng đồng ý nhưng mục tiêu của VNPT là quyết tâm thay đổi. Kinh nghiệm của thế giới khi họ tái cấu trúc, điều chỉnh để ra định hướng mới không phải là 1-2 năm mà phải mất ít nhất là 5-8 năm.

Xin cảm ơn ông!

Trung Hiền

(Theo Vietnamplus)

Bộ KHCN đầu tư 124 tỷ đồng vào dự án sản xuất chíp lớn nhất Việt Nam

Dự án có tổng kinh phí đầu tư 145,756 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ Ngân sách Bộ Khoa học và Công nghệ và 20,931 tỷ đồng từ Tổng Công ty Công nghệ Sài Gòn (CNS).

Một vi mạch do Việt Nam thiết kế. Ảnh minh họa.

Dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng" do Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC)  - Đại học Quốc gia TPHCM làm chủ nhiệm, sáng 24/11 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư.

Theo đó dự án được thực hiện trong 4 năm, thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN1632) và các lõi IP có liên quan, từ đó tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng thẻ chip RFID.

Trong dự án này, ICDREC sẽ hợp tác với các trường Đại học/ Học viện khác như Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (tất cả trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM); Học viện Kỹ thuật Quân sự; Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Bưu Chính Viễn Thông.

Sau khi kết thức dự án, CNS và ICDREC sẽ cùng phối hợp để kinh doanh các dòng sản phẩm đã được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công.

Công nghệ RFID được sử dụng rất nhiều ở các nước, nó được dùng để làm thẻ từ và đầu đọc nhằm sử dụng trong các hoạt động quản lý nhân viên ra vào, quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý giao thông, trong các siêu thị, hộ chiếu, CMND điện tử...

Loại công nghệ này đã được ứng dụng trong giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên của Việt Nam đã được hạ thủy thành công (Tập đoàn dầu khí) và Cần cẩu siêu trưởng, siêu trọng (Nhà máy cơ khí Quang Trung).

Hoài Lương

Theo KHĐS

CNTT sẽ thay đổi ngành giáo dục như thế nào?

(ICTPress) - Lần đầu tiên một diễn đàn mang tên NEST được tổ chức tại Hong Kong trong tháng 11 gồm 80 thành viên gặp nhau tại một điểm chung là tư duy một cách sáng tạo về tác động của CNTT đối với giáo dục trong một Xã hội kết nối.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao đổi tại diễn đàn NEST

Lần đầu tiên một diễn đàn mang tên NEST do Ericsson tổ chức (http://www.ericsson.com/nestforum/) tại Hong Kong trong tháng 11 gồm 80 thành viên gặp nhau tại một điểm chung là tư duy một cách sáng tạo về tác động của CNTT đối với giáo dục trong một Xã hội kết nối.

Thành phần tham gia diễn đàn NEST đa dạng một cách đặc biệt với sự tham dự của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đoạt giải Nobel Hòa bình, người đồng sáng lập Facebook; Chủ tịch và CEO Ericsson Hans Vestberg, cùng với Đại sứ Hàn Quốc Young-Shim Dho và GS.  Jeffrey Sachs. Ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các nhà giáo dục, CEO của các mạng viễn thông hàng đầu thế giới.

Sự quy tụ của những trái tim và khối óc trí tuệ trên thế giới đã đưa ra những góc nhìn rất tổng quan và thú vị xung quanh ba chủ đề: Vai trò của tiếp cận công nghệ trong việc định hình lại ngành giáo dục, Xác định lại những mô hình giáo dục phù hợp với xu thế Xã hội kết nối và ngành giáo dục có thể hỗ trợ như thế nào đối với sự chuyển động của xã hội.

 Các thiết bị ICT sẽ thay thế sách giáo khoa?

Người đồng sáng lập Facebook Chris Hughes cho rằng thách thức lớn nhất là tạo nên một nỗ lực tổng thể và đồng bộ để hiện thực các ý tưởng nhằm mang lại lợi ích cho học sinh, sinh viên trên quy mô toàn cầu. Hughes cho rằng "Mức ngân sách mà chính phủ các quốc gia phát triển và đang phát triển dành cho giáo dục là rất lớn, nhưng phần dành cho những chương trình mới và sáng tạo thì lại không nhiều. Sách giáo khoa sẽ không còn nữa. Trong vòng 5 đến 7 năm nữa, sách giáo khoa sẽ không còn là yếu tố cơ bản của giáo dục.". Hughes còn cho rằng sự xuất hiện hàng loạt các thiết bị mới sẽ dần thay thế cho cách học dựa trên đọc sách in. Tới cuối năm 2011, dự kiến 15% dân số Mỹ sẽ sở hữu máy tính bảng và điều này sẽ tạo nên nhu cầu mới về mạng băng rộng và đồng thời mang lại các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Wikipedia chính xác hơn sách giáo khoa?

GS. Harry Kroto, người được trao giải Nobel Hòa bình trong lĩnh vực hóa học đánh giá Wikipedia có tính chính xác hơn các bản in sách giáo khoa và chi phí thấp hơn nhiều đối với sinh viên và các nhà giáo dục. Trong quá trình chuẩn bị các bài phát biểu tại sáng kiến giáo dục toàn cầu về phương pháp đào tạo cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (GEOSET), ông cho biết ông không sử dụng một cuốn sách giáo khoa nào.

Internet làm thay đổi vai trò của giáo viên?

Học sinh ngày nay có thể học tập hiệu quả thông qua Internet và do vậy vai trò của giáo viên cần phải được xác định rõ, giáo sư Sugata Mitra, chuyên về công nghệ trong giáo dục tại Đại học Newscatle ở Anh thừa nhận. Ông đặt ra một câu hỏi rất hay "Nếu Google được xuất hiện trong lớp học thì tại sao cần phải có giáo viên? Và nếu giáo viên có thể thay thế bằng một cái máy thì hãy để điều đó diễn ra." 

Điều kỳ diệu của kết nối

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng "Chúng ta cần nhận thấy điều kỳ diệu của kết nối là liên tục được trải nghiệm những điều thú vị hơn. Chừng nào mục tiêu của chúng ta là làm một điều gì đó nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn, chúng ta không nên sợ về việc chưa có mọi lời giải đáp hoặc sợ vì thử làm một điều gì đó mà điều đó không chắc đã thành công."

Bạn đọc có thể bấm vào link này để xem bộ phim ngắn tóm tắt về sáng kiến này: http://www.ericsson.com/nestforum/hong-kong-2011/redefining-education/top-thinkers-nest-networked-society-forum-179#overlayer|video=0

MV

FPT tuyên bố gia nhập thị trường điện tử gia dụng

(ICTPress) - FPT vừa tuyên bố sẽ tham gia thị trường điện tử gia dụng vào năm 2012, và Công ty Cổ phần Thương mại FPT (FPT Trading) là đơn vị sẽ triển khai hướng kinh doanh mới này.

FPT muốn mở rộng kinh nghiệm trong ngành phân phối của mình sang thị trường điện tử gia dụng. Ảnh: FPT.

Theo ông Lê Trung Thành - Tổng Giám đốc FPT Trading, nếu không có gì thay đổi, công ty này sẽ triển khai mảng kinh doanh điện tử gia dụng vào quý 1 năm 2012 với kì vọng đạt tỉ trọng 10% toàn bộ doanh số của FPT Trading.

Ông Thành cho biết, thị trường sản phẩm điện tử gia dụng hiện nay dù cạnh tranh quyết liệt nhưng vẫn có nhiều tiềm năng, ước tính có độ lớn bằng cả thị trường sản phẩm CNTT và ĐTDĐ cộng lại.

Tuy nhiên, với thế mạnh sẵn có của mình trong ngành phân phối và quan hệ với các kênh bán lẻ, FPT Trading sẽ chỉ thâm nhập vào thị trường điện tử gia dụng dưới vai trò nhà phân phối. Theo đó, FPT Trading sẽ phân phối các mặt hàng điện tử gia dụng thông qua hệ thống bán hàng trên cả nước của các trung tâm điện máy tên tuổi như Nguyễn Kim, Pico...

Ông Thành cho hay, FPT Trading đã tiến hành nghiên cứu thị trường điện tử gia dụng trong thời gian qua và đã tiếp xúc, làm việc với các đối tác lớn của Nhật Bản như Panasonic, Toshiba...

Trước đó, hồi cuối năm 2010, một "đại gia" khác trong ngành ICT là Thế giới di động cũng công bố gia nhập thị trường điện máy với nhận định thị trường này có quy mô lớn gấp 3 lần thị trường điện thoại, trong khi số người kinh doanh điện thoại lại đang lớn gấp 10 lần điện máy. Đến thời điểm hiện tại, Thế giới di động đã mở 4 siêu thị điện máy tại TP. HCM, Đồng Nai và An Giang.

Thị trường hàng công nghệ điện tử của Việt Nam luôn được Hãng nghiên cứu thị trường GFK (Đức) đánh giá là hấp dẫn nhất trong khu vực. Theo báo cáo mới nhất cho quý 3/2011 của hãng này, tổng doanh số ĐTDĐ tại Việt Nam trong quý 3 đạt gần 6.000 tỉ đồng, nhóm sản phẩm CNTT đạt trên 8.000 tỉ đồng, trong khi tổng nhóm sản phẩm điện tử, điện lạnh và điện gia dụng đạt trên 10.000 tỉ đồng.

Lê Nguyên

Bưu cục với nhiều dịch vụ cộng thêm

Hiện nay, hệ thống bưu cục trên toàn quốc không chỉ là nơi giao dịch những công việc đặc thù của ngành bưu điện mà đã mở rộng nhiều dịch vụ hơn, làm đại lý thu cước, thu phí khác nhau.

Bưu cục giờ đây đã biết khai thác nhiều dịch vụ cộng thêm như: bán lẻ vé máy bay, thu tiền điện... (Ảnh: Thanh Hảo)

Thay vì đến điểm thu tiền của từng dịch vụ, ông Quốc (Quận 3, TP. HCM) chỉ cần bước ra đầu ngõ, rẽ vào bưu cục Nguyễn Văn Trỗi (nằm trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3) đóng tiền cho nhiều dịch vụ mà ông đang sử dụng, từ cước điện thoại di động cho đến tiền điện…

Hiện nay, hệ thống bưu cục trên toàn quốc không chỉ là nơi giao dịch những công việc đặc thù của ngành bưu điện mà đã mở rộng nhiều dịch vụ hơn, làm đại lý thu cước, thu phí khác nhau. Tại nhiều bưu cục là điểm nhận nộp phí bảo hiểm của một loạt các hãng; thu cước điện thoại cố định của EVN, thu cước điện thoại di động của Vinaphone, Mobifone, S-Fone; thu tiền điện; bán vé máy bay; thu cước internet MegaVNN… Đặc biệt, các bưu cục còn là nơi nhận tiền trả góp cho một số các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Với bưu điện trung tâm Sài Gòn có những nét đặc thù riêng - còn là di tích lịch sử nên lượng khách du lịch nước ngoài đến khá đông, nên bưu điện này đã thiết kế khu kinh doanh quà lưu niệm. Đây là bước đột phá của bưu điện TP.HCM trong việc khai thác tính hiệu quả từ một mặt bằng đẹp có hạng ở Sài Gòn.

Để kiếm thêm việc làm cho nhân viên, các bưu cục còn ký hợp đồng nhận thư, bưu phẩm và thanh toán dịch vụ tại các công ty. Theo hợp đồng, các bưu cục sẽ nhận sản phẩm theo ngày hoặc cách ngày, còn thời điểm cụ thể sẽ do khách hàng yêu cầu. Theo quy định của bưu điện TP.HCM, tổng mức cước và các dịch vụ khác trên 3 triệu đồng/tháng, bưu cục mới ký hợp đồng nhận hàng trực tiếp. Vào những dịp lễ tết, các bưu cục còn nhận gói và chuyển quà theo địa chỉ mà khách hàng yêu cầu. Để cạnh tranh với nhiều dịch vụ thu cước, thu phí của tư nhân đang nở rộ, công ty bưu chính TP.HCM còn có cả chính sách khuyến mãi dành cho khách đến đóng cước các dịch vụ tại các bưu cục.

Một nhân viên đang làm tại một bưu cục thuộc khu vực quận 3 (TP. HCM) cho biết: “Nếu không có những dịch vụ trên, chắc nhiều bưu cục giờ đây đã phải đóng cửa vì không đủ chi phí để duy trì hoạt động”. Được biết, mỗi hoá đơn thanh toán tiền điện, bưu cục sẽ được hưởng 1.000 đồng; còn các dịch vụ khác, nhân viên nói rằng tỷ lệ hoa hồng cũng như mức phí mà các hệ thống đại lý khác được hưởng.

Một khách hàng đến bưu cục Nguyễn Văn Trỗi đóng tiền điện, cho biết: “Từ khi bưu cục này có thêm dịch vụ thu tiền điện, tôi không tốn nhiều thời gian để đến điện lực đóng tiền mỗi tháng. Vì ở đây ít khách, chỉ tốn vài phút là xong việc”.

Gọi là năng động tìm kiếm thêm việc làm cho nhân viên và cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân, nhưng thời gian mở cửa của các bưu cục trong tuần chỉ năm ngày rưỡi (bắt đầu nghỉ từ 12 giờ thứ bảy và chủ nhật), thời gian mở cửa trong ngày bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc vào lúc 17 giờ. Từ ngày 1.1.2012, thời gian đóng cửa trong ngày sẽ kéo dài đến 18 giờ nhưng sẽ đóng cửa vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Việc mở cửa hoạt động trong thời gian trên khó có thể phát huy tính hiệu quả cao của các bưu cục.

Bưu điện TP.HCM đã cung cấp đường dây nóng qua số điện thoại 39247247 để phục vụ những thắc mắc của khách hàng nhưng khi chúng tôi thử gọi, có để lại yêu cầu cần được giải thích cũng như số điện thoại cần liên lạc nhưng hơn năm ngày qua vẫn không có nhân viên gọi lại.

Trọng Hiền - Thuỵ Minh

Sài Gòn Tiếp thị

Thêm một giải pháp Trung tâm dữ liệu được giới thiệu

(ICTPress) - Trong thời gian qua để đáp ứng sự bùng nổ dữ liệu, nhiều hãng ICT đã giới thiệu mô hình trung tâm dữ liệu đám mây. Năm 2010, ZTE  đã triển khai giải pháp VAS toàn diện dựa trên đám mây và cung cấp giải pháp điện toán đám mây toàn diện với thương hiệu “CoClound”.

Năm 2006, 161 EB (1 EB = 1018) dữ liệu được tạo ra trên toàn cầu, gấp 10 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trời khi được in ra. Năm 2007, 280 EB dữ liệu, trung bình mỗi người tạo ra 45G dữ liệu. Trong khi lịch sử loài người 5000 năm chỉ có 5EB. Theo công nghệ IT hiện nay, sẽ mất 5 USD để xử lý dữ liệu 5 GB. Chính vì vậy, đám mây điện toán được sinh ra để hỗ trợ sự bùng nổ của dữ liệu. Google đã công nhận điện toán đám mây là giải pháp có thể giảm chi phí trung bình cho mỗi GB là 25 cent. Trên đây là những thông tin do IDC cung cấp về sự bùng nổ dữ liệu và xu hướng tại sao ứng dụng điện toán đám mây.

Trong thời gian qua để đáp ứng sự bùng nổ này, nhiều hãng ICT đã giới thiệu mô hình trung tâm dữ liệu đám mây. ZTE bắt đầu phát triển điện toán đám mây từ năm 2005, với việc thiết kế server PC, server phiến, hỗ trợ phần cứng… cho nhu cầu điện toán đám mây. Đến năm 2010, ZTE đã triển khai giải pháp VAS toàn diện dựa trên đám mây và cung cấp giải pháp điện toán đám mây toàn diện với thương hiệu “CoClound”. Trong thời gian này ZTE đã triển khai 3 công nghệ điện toán đám mây ZXDHSS, ZXDFS, ZXVE. Giải pháp trung tâm dữ liệu dựa trên đám mây của ZTE được giới thiệu sáng nay 22/11 tại Hà Nội, có mô hình như sau:

Theo ông Ethan Van, Phó Giám đốc tiếp thị, Văn phòng đại diện ZTE tại Việt Nam, một đặc điểm quan trọng của giải pháp này là thiết kế. ZTE sẽ thiết kế giải pháp cho từng đối tượng khách hàng. Việc triển khai dự án Trung tâm dữ liệu được ZTE chia theo ba mô hình khác nhau: trọn gói (Full turnkey), bán trọn gói (half-turnkey) và không trọn gói (Non-turnkey).

ZTE cho biết đã triển khai một dự án Trung tâm dữ liệu Viễn thông trao tay ở Khartoum, Sudan và NOC quốc gia ETC ở Ethiopia năm 2009. Trung tâm dữ liệu viễn thông ở Sudan là một trung tâm dữ liệu thương mại cấp 4 (Tier 4) đầu tiên ở châu Phi. Tổng diện tích là 4.500m2 gồm Trung tâm vận hành mạng (NOC), phòng dữ liệu, phòng mạng, phòng kiểm thử và các phòng hỗ trợ. Trung tâm dữ liệu ở Addis Ababa, Ethiopia rộng 2.500 m2, gồm NOC, phòng server, phòng mạng và các phòng hỗ trợ.

Mai Anh

EVN thoái vốn ngoài ngành, chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lên phương án chuyển giao EVN Telecom cho Viettel. Phương án mua lại sóng 3G của Hanoi Telecom hoặc để VTC mua một phần mạng viễn thông điện lực chưa được tính đến.

Tại cuộc họp báo chiều 19/11 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho hay, đơn vị này đang có chủ trương thoái vốn toàn bộ phần kinh doanh ngoài ngành. Trong đó, trước mắt EVN Telecom sẽ chuyển giao cho Viettel.

"Riêng lĩnh vực bất động sản, chỉ có công ty con đầu tư khoảng vài tỷ đồng. Chúng tôi đang lên kế hoạch thoái vốn sớm đối với mảng ngân hàng, chứng khoán. Hy vọng 1-2 năm tới, về cơ bản sẽ thoái vốn xong", ông Thanh nói.

EVN Telecom sẽ được chuyển giao về cho Viettel. Ảnh: Hồng Anh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo Viettel và EVN Telecom tiến hành rà soát để báo cáo Thủ tướng và sẽ có quyết định chính thức trong thời gian tới. Về việc tách sóng 3G từ EVN Telecom thì chưa triển khai thực hiện và đó cũng chỉ là một đề nghị của EVN Telecom trước đây.

"Khi chuyển giao EVN Telecom sang cho Viettel thì tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới", ông Vượng nói.

Trước đó, Vietnamobile và VTC đều muốn mua cổ phần của viễn thông điện lực. Theo phương án mà Hanoi Telecom (đối tác Việt Nam trong mạng di động Vietnamobile) đề xuất, đơn vị này xin được mua riêng phần hạ tầng, sóng 3G của EVN Telecom để triển khai tiếp (EVN Telecom và Hanoi Telecom đứng liên danh trong việc thi tuyển 3G).

Hanoi Telecom cho biết, nếu mọi nguồn lực của EVN Telecom được chuyển giao cho Viettel bao gồm cả tài nguyên tần số 2G, 3G thì sẽ tạo ra một hãng viễn thông sở hữu trên 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia. Như vậy việc chuyển giao phần băng tần của EVN Telecom cho Viettel là trái với quy định của Luật cạnh tranh, tạo ra doanh nghiệp có vị trí độc quyền trên thị trường viễn thông Việt Nam. Còn nguồn tin của VTC chia sẻ hãng đề xuất thương thảo hợp đồng mua lại 30% cổ phần của EVN Telecom với số tiền đặt cọc ban đầu là 130 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN không đề cập đến phương án bán cổ phần của EVN Telecom cho Hanoi Telecom cũng như VTC.

Việc tái cơ cấu EVN theo hướng tập trung vào lĩnh vực chủ đạo mà Chính phủ giao là điện lực đã được đề cập đã lâu. Tốc độ phát triển thuê bao thấp, doanh thu không đạt kỳ vọng, kèm việc công ty mẹ bị yêu cầu tập trung vào lĩnh vực chính, EVN Telecom đang đối mặt với nguy cơ bị sáp nhập.

EVN Telecom là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam, sở hữu đầu số 096 và băng tần 450 MHZ. Đây là băng tần thấp và khả năng nhiễu sóng cao. Vì thế, sau gần 7 năm triển khai, EVN Telecom rơi vào tình cảnh rất khó khăn, lượng thuê bao phát triển thấp, doanh thu cũng không đạt được mức kỳ vọng. Hiện EVN Telecom đang nợ tiền rất nhiều đối tác trong đó có Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Hoàng Lan

Theo VnExpress

Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam tăng vọt, chỉ đứng sau ngành dệt may

Trong bảng thống kê kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu của ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 20,2% so với tháng trước và tăng 205,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất ĐTDĐ tại nhà máy Samsung Việt Nam. Ảnh: tinhte.vn

Với giá trị kim ngạch trên, trong tháng 10, ngành điện thoại các loại và linh kiện đã bỏ xa rất nhiều ngành vốn lâu nay là chủ lực của Việt Nam như, cà phê (gần 72 triệu USD), hạt điều (155 triệu USD), cao su (hơn 231 triệu USD), gạo (gần 257 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ ( hơn 349 triệu USD), giày dép các loại (hơn 545 triệu USD), hàng thủy sản (604 triệu USD)... và cũng gấp luôn hai lần xuất khẩu dầu thô, khi ngành này chỉ đạt hơn 532 triệu USD.

Duy nhất, giá trị ngành điện thoại các loại và linh kiện chỉ thua ngành hàng dệt, may (đạt hơn 1,2 tỷ USD).

Tính cả 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện vươn lên đứng ở vị trí thứ 4, đạt 5,12 tỷ USD, chỉ sau các nhóm ngành hàng là dệt may (hơn 11,6 tỷ USD), dầu thô (6 tỷ USD) và ngang ngửa với nhóm hàng giày dép các loại (5,19 tỷ USD).

Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ so sánh con số ở tháng 10 và 10 tháng đầu năm chắc chắn sẽ chưa thể "lột tả" hết tốc độ tăng trưởng và ý nghĩa của ngành hàng điện thoại và linh kiện.

Chỉ 5 tháng trước, ngành hàng này vẫn thuộc nhóm "Hàng hóa khác" do giá trị xuất khẩu vẫn còn thấp. Nhưng do tốc độ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu tăng nhanh và cao nên lần đầu tiên, tháng 6, Tổng cục Hải quan đã tách riêng ra, bổ sung thêm ngành hàng vào danh mục các mặt hàng xuất khẩu.

Khi đó, 6 tháng đầu năm, ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD (riêng tháng 6 mới đạt 405 triệu USD), và lọt vào top "câu lạc bộ" 5 nhóm ngành hàng cụ thể có giá trị xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD trở lên. Trong đó, ngành dệt may đạt hơn 6,2 tỷ USD, thủy sản đạt 2,6 tỷ USD, dầu thô hơn 3,4 tỷ USD, giày dép các loại (3 tỷ USD). Còn mặt hàng gạo thì đạt chưa đầy 2 tỷ USD.

Từ con số 6 tháng và tháng 10 cho thấy, tốc độ tăng của ngành hàng điện thoại và linh kiện là rất nhanh và ngày càng tạo khoảng cách lớn so với các ngành chủ lực khác. Chẳng hạn, so với xuất khẩu dầu thô, trong tháng 7, giá trị xuất khẩu của dầu thô đạt hơn 846 triệu USD, của điện thoại các loại và linh kiện là gần 445 triệu USD; tương ứng tháng 8 là 812 và 709 triệu USD; tháng 9 là 458 và 836 triệu USD.

Mặc dù Tổng cục Hải quan không đưa chi tiết tên tuổi các đơn vị xuất khẩu điện thoại và linh kiện vào danh mục tổng hợp các ngành hàng xuất khẩu, nhưng có thể thấy, giá trị xuất khẩu ngành hàng này có tỷ trọng đa số là thuộc về Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), thuộc tập đoàn Samsung.

Vì tại Việt Nam, mới chỉ có SEV sản xuất điện thoại để xuất khẩu. Công ty này cho biết, hơn 96% sản phẩm là để xuất khẩu.

Trước đó, SEV cũng cho biết, trong quý 1/2011, giá trị xuất khẩu điện thoại của công ty đạt 780 triệu USD, quý 2 là 944 triệu USD, dự kiến quý 3 là 1,276 tỷ USD và quý 4 là 1,340 tỷ USD; năng lực sản xuất của SEV dự kiến tháng 9 là 11,1 triệu sản phẩm/tháng và tháng 10 là 11,5 triệu sản phẩm/tháng. Công ty này cũng dự kiến giá trị xuất khẩu trong năm 2011 là 4,34 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina cho biết, sau khi Samsung đầu tư và đưa dây chuyền sản xuất điện thoại di động thứ hai đi vào hoạt động, chính thức từ tháng 9/2011, thì năng lực sản xuất của SEV trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn.

Hiện tại, nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Việt Nam cùng với nhà máy tại Hàn Quốc là hai nhà máy sản xuất điện thoại có quy mô lớn nhất trong tổng số 7 nhà máy của tập đoàn Samsung trên thế giới.

Việc Samsung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng đã kéo theo hàng chục doanh nghiệp nước ngoài vào cùng để chuyên cung cấp các linh kiện, phụ kiện cho nhà máy này.

Mạnh Chung

Theo TBKTVN

VNPT trình Chính phủ kế hoạch thoái 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành

Phải mất 5 năm, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới có thể tái cấu trúc toàn Tập đoàn, trong đó có việc tái cấu trúc lại các khoản vốn đầu tư ngoài ngành.

Ảnh minh họa.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT khẳng định, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn là chủ trương chung của Chính phủ, nhưng không phải thoái vốn ở tất cả các ngành. Hiện VNPT đang trình Chính phủ kế hoạch thoái 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn theo hướng: lĩnh vực ngoài ngành nào đầu tư hiệu quả, thì tiếp tục đầu tư, hoặc tăng mức đầu tư; lĩnh vực ngoài ngành nào đầu tư không hiệu quả, thì phải sắp xếp lại.

Mặc dù vậy, ông Đức vẫn khẳng định, việc đầu tư của VNPT vào các lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, ngân hàng, bất động sản đang an toàn. "Việc góp vốn của VNPT vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang an toàn và có thể tiếp tục duy trì. Trong lĩnh vực bất động sản, VNPT không góp vốn nhiều, nên cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh", ông Đức nói và cho biết, VNPT đang xem xét để triển khai dự án đầu tư bất động sản tại Nghệ An (vốn đầu tư 53 triệu USD - PV).

Theo thống kê, VNPT đang góp vốn đầu tư vào 85 công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn ở các lĩnh vực: bưu chính - viễn thông; quảng cáo truyền thông đa phương tiện; ngân hàng, tài chính; bất động sản; thiết kế xây lắp; du lịch... Tổng doanh thu năm 2010 từ các doanh nghiệp VNPT góp vốn đạt 7.300 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2009. Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/6 lần doanh thu của MobiFone (doanh thu của MobiFone năm 2010 là 36.000 tỷ đồng), công ty do VNPT sở hữu 100% vốn.

Vào tháng 8/2011, VNPT đã có những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) thông qua việc bán đấu giá quyền mua 25 triệu cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, VNPT đã không thành công, vì không có nhà đầu tư nào đặt mua. Nguyên nhân, theo ông Đức, là do thị trường chứng khoán quá xấu.

Thông tin mà phóng viên có được, VNPT hiện là cổ đông lớn thứ hai của Maritime Bank, với tổng số cổ phần nắm giữ 62.629.999, tương đương tỷ lệ sở hữu 12,53% vốn điều lệ. Mặc dù không thành công trong việc thoái vốn tại Maritime Bank, nhưng mới đây, VNPT đã rút được một phần vốn góp từ Công ty Truyền thông VMG, với số cổ phần nắm giữ từ 36%, xuống còn 29%, đồng thời giảm tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn tại Công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn từ 14,4% xuống còn 11%.

Mặc dù vậy, việc thoái vốn của VNPT tại các doanh nghiệp mà Công ty đang góp vốn đầu tư không phải là chuyện "nói là làm được ngay", vì hiện các công ty mà VNPT góp vốn đầu tư có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Hơn nữa, với tình trạng "chợ chiều" của thị trường chứng khoán hiện nay, nếu có thực hiện bán cổ phần của các công ty góp vốn, VNPT cũng không thể bán được với giá như kỳ vọng. Điều này cũng đã được chứng minh qua nhận định của ông Đức, Chính phủ cho phép VNPT thời hạn 1 năm để thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng điều này cũng liên quan đến tái cấu trúc Tập đoàn, do đó, trong thời hạn 1 năm, Tập đoàn không thể hoàn thành được, mà phải cần khoảng thời gian 5 năm.

Đức Huy

Theo Đầu tư