Syndicate content

Chuyển động ngành

Bảo tàng Israel tham gia vào dự án Nghệ thuật của Google

(ICTPress) - Bảo tàng Israel, Jerusalem cho biết bảo tàng đã tham gia vào Dự án Nghệ thuật của Google (www.googleartproject.com), giới thiệu những phòng trưng bày và hàng trăm hiện vật nổi bật từ Israel tới người xem trên mạng.

Dự án này nằm trong khuôn khổ chương trình mở rộng hợp tác toàn cầu của Google, hiện nay đã lên tới con số 151 đối tác từ 40 quốc gia. Khi dự án ra mắt vào tháng 2/2011, chỉ có 17 bảo tàng ở 9 quốc gia được giới thiệu. Hiện nay, hơn 30.000 hiện vật từ các bảo tàng trên thế giới, với hình ảnh có độ phân giải cao, được "trung bày" cho người xem thông qua dự án này.

Dự án Nghệ thuật Google hiện "trưng bày" 520 trong số những hiện vật quan trọng nhất trong các bộ sưu tập có tầm cỡ của Bảo tàng Israel, với các bức ảnh có độ phân giải cao, giúp người xem có thể xem được các chi tiết đặc biệt của hiện vật. Đi kèm là thông tin về hiện vật cũng như nghệ sỹ, nghệ nhân. Người xem còn có thể khám phá các khuôn viên của Bảo tàng Israel và các phòng trưng bày của bảo tàng bằng cách sử dụng công nghệ Street View của Google.

Bảo tàng Israel là một trung tâm văn hóa lớn nhất của Nhà nước Israel và là một trong những bảo tàng nghệ thuật và khảo cổ lớn nhất trên thế giới. Được thành lập từ năm 1965, Bảo tàng gồm các bộ sưu tập hiện vật thuộc nhiều lĩnh vực, có nguồn gốc từ các thời kỳ tiền sử cho đến đương đại, và trưng bày những bộ sưu tập hiện vật Kinh Thánh và từ miền đất Thánh lớn nhất trên thế giới, trong đó là Bộ sưu tập từ Biển Chết (Dead Sea Scrolls).

Chỉ trong vòng 45 năm, bảo tàng đã thu thập được gần 500.000 hiện vật, phần lớn là do nhiều nhà hảo tâm ở khắp mọi miền trên thế giới di tặng.

HM

RIM có thể "bán mình" khi bước đường cùng

BlackBerry đang thuê các chuyên gia để tìm kiếm lời khuyên nhằm vực lại công ty đang trượt xa dần khỏi danh sách các nhà sản xuất di động lớn.

"Những ngày nắng đẹp" đã rời xa RIM. Ảnh: Gadginator.

Mới nhậm chức được một quý, nhưng CEO Thorsten Heins của RIM đang phải đối mặt với cảnh RIM mất thị phần trầm trọng. Trong khi nền tảng BlackBerry 10 phải ít nhất 2 quý nữa mới chính thức ra mắt, các nỗ lực marketing cạn kệt dần, và các thiết bị dùng hệ điều hành BlackBerry đang tuột khỏi thị trường, Heins xác định RIM cần có biện pháp hiệu quả hơn.

Theo Bloomberg, để tìm ra biện pháp cần làm lúc này, RIM đã thuê một ngân hàng Canada và một ngân hàng thế giới nhằm đưa ra các lời khuyên tài chính giúp hãng đánh giá các lựa chọn chiến lược lúc này.

Những lựa chọn được đưa ra bao gồm cả khả năng RIM bán lại công ty cho một hãng khác, mặc dù điều này khó có thể xảy ra. Bởi vậy RIM đang nghiêng về hướng bán bản quyền nền tảng BlackBerry 10 sắp ra cho các nhà sản xuất khác, và phương án 2 là tìm kiếm đầu tư chiến lược từ các công ty khác.

Tuy nhiên, cả hai lựa chọn ưu tiên trên đều có vẻ không mấy khả quan. Theo những thông tin hiện nay, RIM đã bắt đầu tìm kiếm đơn vị đồng ý mua bản quyền BlackBerry 10 (BB10) từ vài tháng trước, và chưa thu hút được nhiều sự chú ý. Hoặc cũng có thể vì BB10 chưa có mặt trên sản phẩm nào, nên phải đợi đến khi nền tảng này chứng tỏ được khả năng của mình trên các thiết bị, lúc đó mới có hy vọng lôi kéo được đơn vị sản xuất ngoài. Và điều này chỉ có thể thành hiện thực sau vài tháng nữa.

BlackBerry Messenger, một trong những bằng sáng chế có giá trị nhất của RIM hiện nay. Ảnh: Engadget.

Bước đầu tư chiến lược nghe còn ít khả quan hơn. Hiện tài sản của RIM còn 1,77 tỷ USD và các mục đầu tư ngắn hạn. RIM có thể không thiếu tiền, nhưng chắc chắn họ đang thiếu biện pháp. Mới đây, các nguồn tin cho hay Samsung từ chối ý định mua hay đầu tư vào RIM, cả Microsoft cũng không thực sự cảm thấy hứng thú với chủ đề này. Tuy nhiên, chuyên trang tài chính Benzinga cho hay Microsoft đang có ý định đầu tư 3,5 tỷ USD vào RIM.

Nếu RIM không sớm bán được bản quyền của BB10, đồng thời không thu hút được đơn vị đầu tư chiến lược nào, có thể hãng sẽ phải tính chuyện bán bớt bằng sáng chế của mình. Các biện pháp đánh giá được đưa ra để tính toán giá trị của BlackBerry Messenger và các dịch vụ doanh nghiệp, mục đích tăng doanh thu. Kế hoạch này không khác với những gì mà cựu CEO Jim Balsillie "vẽ" ra trước khi từ chức.

Cuối cùng, nếu tất cả giải pháp trên đều thất bại, sẽ là lúc RIM phải tìm cách "bán thân". Trừ phi BB10 mang tính đột phá và tạo được tiếng vang, sẽ thật khó để định giá của RIM trong thời điểm này, nếu không tính giá trị các bằng sáng chế mà hãng đang nắm giữ. Những khách hàng lâu nay vẫn trung thành với sản phẩm của RIM đang hết sức kỳ vọng vào sự thay đổi mà BB10 có thể mang lại, mặc dù trước mắt, hãng còn cả một chặng đường dài để phục hồi và tiến lên.

Anh Quân

(Theo Số hóa)

VNPost dự kiến tách hoàn toàn khỏi Tập đoàn VNPT từ 1/1/2013

(ICTPress) - Bộ TT&TT vừa cho biết Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) đã lên phương án chia tách độc lập hoàn toàn khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và báo cáo với Lãnh đạo Bộ.

Theo đó, dự kiến VNPost sẽ tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn từ ngày 1/1/2013, với tên gọi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (tên viết tắt tiếng Việt là Bưu điện Việt Nam, tên viết tắt tiếng Anh là Vietnam Post).

Vietnam Post sẽ hoạt động theo mô hình Công ty THHH một thành viên không có Hội đồng Thành viên, áp dụng Chủ tịch Công ty và Ban Tổng Giám đốc với chủ sở hữu trực tiếp là Bộ TT&TT.

Cũng theo dự thảo, mô hình tổ chức và quản lý của Vietnam Post trong giai đoạn đến năm 2015 sẽ có các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc là 63 Bưu điện tỉnh, thành phố; 7 công ty con gồm 5 công ty TNHH một thành viên do Vietnam Post nắm 100% vốn điều lệ và 2 công ty cổ phần do Vietnam Post nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Ngoài ra còn có 1 đơn vị sự nghiệp thành lập mới là Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ bưu chính.

Bộ TT&TT cho biết, dự thảo phương án sau khi hoàn thiện sẽ được đưa ra xin ý kiến các Bộ, Ngành có liên quan để trình lên Chính phủ phê duyệt.

Mạng lưới hiện tại của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam:

Hệ thống điểm phục vụ: 16.436 điểm, bán kính phục vụ bình quân 2,53km/điểm; dân số phục vụ bình quân đạt 5.548 người/điểm.

Trong đó bao gồm: 2.715 bưu cục, 8.088 điểm BĐVHX, 4.484 đại lý bưu điện, 150 kiốt, và 999 hộp thư công cộng.

 Minh Anh

Học bổng VNPT về đất Bạc Liêu

(ICTPress) - Chương trình trao học bổng khuyến học “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt”, ngày 16/4, đã trao 15 suất học bổng đã được trao cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi và có thành tích học tập xuất sắc tại địa phương TP. Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Thanh Chinh, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu trao các suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó

Phát biểu tại Chương trình trao Học bổng Khuyến học VNPT tại TP. Bạc Liêu, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc VNPT Bạc Liêu cho biết, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, VNPT vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng những tài năng trẻ của đất nước, đặc biệt dành sự quan tâm lớn đối với chiếc nôi của những tài năng trẻ như tỉnh Bạc Liêu.

Theo đại diện ban tổ chức, trong số 15 suất học bổng được VNPT trao tặng hôm nay (mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng cùng những ưu đãi khác khi đăng ký sử dụng các dịch vụ của VNPT Bạc Liêu) thì có đến 4 suất học bổng dành cho các em học sinh dân tộc Khmer. Đây đều là những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt tại 4 trường tiểu học Vĩnh Bình C, THCS Hoà Bình, THCS Thuận Hoà 2 và THCS Trần Văn Ơn.

Qua gần 7 năm tổ chức (2006 - 2012), tính đến nay, VNPT, đại diện là Báo điện tử VnMedia đã dành hơn 9 tỷ đồng tổ chức trao học bổng cho gần 10.000 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi tại khắp mọi miền đất nước.

Với tôn chỉ, mục đích khuyến học khuyến tài, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của đất nước, VNPT mong muốn giúp đỡ toàn diện về vật chất và tinh thần cho các em trong thời gian học, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em ngay trên ghế nhà trường.

DL

Ngày 3/5 sẽ ra mắt Samsung Galaxy S III?

(ICTPress) - Samsung đã gửi giấy mời khai trương loại điện thoại thông minh Galaxy thế hệ kế tiếp dự kiến vào ngày 3/5.

Giấy mời không nói rõi chi tiết thiết bị kế tiếp mà đơn giản chỉ nói “hãy đến và chiêm ngưỡng Galaxy kế tiếp”.

Tuy nhiên, mọi người cho rằng Samsung sẽ tung Galaxy S III, từng được đồn đại tung ra tại Triển lãm Di động thế giới hồi cuối tháng 2 tại Barcelona, nhưng Samsung đã quyết định lùi ngày khai trương lại.

Trong trường hợp nào thì Samsung cũng sẽ trình diễn một điều gì đó thực sự ngoạn mục để vượt qua chip Tegra 3 của HTC.

HY

Theo Mashable

Microsoft có thể đổi Bing lấy cổ phiếu Facebook

Thông tin Microsoft sắp "đẩy" công cụ tìm kiếm Bing cho Facebook được cho là hợp lý, vì Bing đang tiêu tốn 2,5 tỷ USD mỗi năm của Microsoft mà chưa mang lại hiệu quả khả dĩ.

Microsoft đang xem xét khả năng hợp đồng với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, theo đó, nhà khổng lồ phần mềm sẽ chuyển cỗ máy tìm kiếm Bing của mình cho Facebook để đổi lấy cổ phiếu Facebook ngay sau khi mạng xã hội này lên sàn chứng khoán. Tin này được nhà phân tích nổi tiếng Gary Kaminsky của CNBC dẫn nguồn tin riêng đưa ra. Ông Gary cũng hứa sẽ sớm cung cấp các thông tin bổ sung liên quan.

Các chuyên gia khác cho biết, hợp đồng như vậy hoàn toàn hợp lý và rất có lợi cho Microsoft mặc dù hãng này chưa hề xác nhận. Rick Sherlund từ Nomura Equity Research nhận định: "Hiện thời Microsoft đang mất gần 2,5 tỷ USD mỗi năm cho Bing, bằng 7% lợi nhuận hoạt động. Con số này là quá cao! Các nhà đầu tư hoàn toàn không thích để Microsoft phát triển trong lĩnh vực tìm kiếm vì họ không nhìn thấy lợi ích nào trong hiện tại cũng như trong tương lai gần", Sherlund nói.

Một số nhà phân tích khác cũng nói rằng Microsoft đang nắm nhiều mảng khác để phát triển như hệ điều hành dành cho máy tính bảng hay là công nghệ màn hình chạm. Đó là những thị trường được xem là có triển vọng hơn đối với nhà khổng lồ phần mềm so với lĩnh vực tìm kiếm Internet, nơi mà Google đang thống trị tuyệt đối.

Duy trì Bing đầy mệt mỏi nhưng bỏ đi thì tiếc... Cho nên, Microsoft có thể đem Bing đi "cho" Facebook.

Ngoài ra, trong trường hợp giao Bing cho mạng xã hội lớn nhất thế giới, Microsoft vẫn có thể kiếm tiền hiệu quả nhờ các dịch vụ trực tuyến như Xbox Live và Skype. Sherlund cho rằng, hợp đồng như đã nói có thể giúp Microsoft gia tăng cạnh tranh với Google trên thị trường Internet.

"Vì sao Microsoft tham gia thị trường tìm kiếm Internet? Vì Microsoft muốn kiềm chế sự bành trướng của Google, không cho công ty này yên tâm củng cố vị thế để sau đó tấn công lại vào các thị trường mà Microsoft đang thống lĩnh. Tuy nhiên, Microsoft không thành công trong việc tạo sự cạnh tranh đủ mạnh để chống lại Google. Google vẫn như trước, đang chiếm đến gần 60% thị trường tìm kiếm. Vậy, tại sao Microsoft không giúp Facebook vì Facebook có nhiều khả năng để cạnh tranh với Google hơn?", Sherlund lập luận.

Các nhà phân tích khó khăn khi tiên liệu xem 2 công ty sẽ định giá Bing thế nào. Có ý kiến cho rằng Microsoft có thể nhận 1-2 % cổ phiếu của Facebook. Giá trị vốn hoá Facebook tính theo giá cổ phiếu trong đợt IPO sắp tới của hãng này ước tính vào khoảng 75 tỷ đến 100 tỷ USD. Hiện thời, nhà khổng lồ phần mềm đang sở hữu 1,6% Facebook.

NND

(Theo PCWorld/CNews.ru)

"Cơn bão" di động sắp giáng đòn mạnh vào các dịch vụ Web

Một thực tế mà các nhà cung cấp nội dung trên web kiếm tiền chủ yếu từ quảng cáo đang phải đối mặt là càng nhiều người truy cập dịch vụ qua điện thoại di động, nguồn thu của họ càng dễ bị đe dọa.

Facebook vừa mua Instagram với giá 1 tỷ USD như một giải pháp giúp họ có chỗ đứng trên nền tảng mobile đang ngày một lớn mạnh. Trong khi đó, Google trải qua quý thứ hai liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm của mô hình quảng cáo CPC (cost per click - trả tiền dựa trên số lượt click) khi một lượng truy cập lớn từ desktop/laptop đã chuyển sang smartphone.

Năm nay, các chuyên gia tin rằng thế giới sẽ chứng kiến sự lụi tàn của kỷ nguyên web 2.0 (giai đoạn con người sử dụng dịch vụ qua trình duyệt web trên máy tính). Thay thế là nền tảng Internet di động với trung tâm là tin nhắn và ứng dụng. Lúc này, mô hình quảng cáo truyền thống (dựa trên lượt truy cập) sẽ là một hướng đi sai và người ta cần tìm ra một giải pháp mới và hợp lý hơn.

Thiết bị di động nở rộ đang đe dọa web truyền thống. Ảnh: Aarp.

Patrick Pichette, Phó chủ tịch kiêm quản lý tài chính của Google, đã đề cập trong cuộc họp với các nhà đầu tư của hãng này tuần trước rằng mức tăng trưởng cost-per-click giảm 12% do các yếu tố như "sự chuyển dịch giữa điện thoại, tablet và desktop, giữa thị trường mới nổi và đã phát triển, giữa trang chủ google.com với mạng lưới dịch vụ của chúng ta".

Khi Android, iPhone và những nền tảng di động khác phát triển, mọi người dùng Instagram để chia sẻ hình ảnh thay cho Flickr hay Picasa. Họ dùng Foursquare để check-in địa điểm. Một điểm cần nhấn mạnh là không phải dịch vụ mới nào cũng có thể triệt tiêu hay khai tử dịch vụ cũ vì mỗi dịch vụ đều đóng vai trò riêng và đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi người. Nhưng xu hướng dùng ứng dụng di động, truy cập web di động, chơi game di động... là điều hiển nhiên đang diễn ra và không ai có thể phủ nhận. Nó giống như khi báo điện tử ra đời, nhiều người nói rằng họ vẫn thích đọc báo giấy hơn, tuy nhiên báo điện tử đã thay đổi rất nhiều cách con người theo dõi tin tức hàng ngày. Tương tự, khi smartphone thịnh hành, không ít người khẳng định thích xem nội dung trên màn hình to như laptop, desktop hơn, nhưng rõ ràng lượng người đọc qua di động vẫn tăng lên không ngừng vì sự thuận tiện và dễ dàng chia sẻ mà các thiết bị khác không đáp ứng được. Trong thế giới đó, quảng cáo dựa trên pageview, cửa sổ pop-up... và các mô hình khác trên web không còn phát huy tác dụng.

Các công ty ra đời trong kỷ nguyên web và đã tập trung đầu tư phát triển nội dung trên môi trường web sẽ sớm phải tìm hướng đi mới. Facebook đang bị thách thức bởi sự chuyển dịch này (và họ phải bỏ 1 tỷ USD để mua Instagram). Google cũng đang bị thách thức bởi sự chuyển dịch này (sự phổ biến của Android vừa là niềm tự hào với Google, vừa là "tội đồ" khi thúc đẩy xu hướng mới). Yahoo về mặt nào đó đã bị "xóa sổ" vì không bắt kịp xu thế mới.

Ngoài việc tạo ứng dụng mobile, các công ty cần nghĩ cách kiếm tiền từ ứng dụng đó. Ảnh: Hubspot.

Trong hồ sơ IPO, Facebook cũng thừa nhận: "Số lượng người sử dụng Facebook trên các sản phẩm di động, nơi chúng tôi chưa đặt quảng cáo, đang tăng mạnh. Nếu người dùng tiếp tục truy cập ứng dụng di động thay vì qua máy tính cá nhân, và nếu chúng tôi không có khả năng triển khai được các chiến lược có thể kiếm ra tiền dựa trên lượng người dùng đó, doanh thu và kết quả tài chính của chúng tôi có thể bị ảnh hưởng một cách tiêu cực".

Xu hướng này mới chỉ đang manh nha và chưa tác động mạnh đến mô hình web truyền thống, nhưng cũng là lúc để các công ty dịch vụ và nội dung Internet lên kế hoạch xây dựng chiến lược mới nhằm xác định vị trí và kiếm tiền từ di động, nếu không họ sẽ sớm bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, đây cũng là bài toàn khó vì ngay cả những hãng lớn như Facebook, Google, Twitter và các ứng dụng mobile miễn phí như Instagram, Foursquare vẫn đang đau đầu tìm cách kiếm lời từ kho người dùng khổng lồ trên smartphone của họ.

Châu An

(Theo Vnexpress)

Các thành viên rời HĐQT của FPT sẽ tham gia “Hội đồng sáng lập”

(ICTPress) - FPT cho biết, HĐQT Công ty đã quyết định thành lập "Hội đồng sáng lập FPT" trực thuộc HĐQT.

Hội đồng gồm 13 người, sẽ xây dựng, khuyến nghị cho HĐQT FPT về các biện pháp phát triển dài hạn và bền vững, các vấn đề trọng yếu, gìn giữ và phát triển các giá trị của FPT.

Trong đó gồm các toàn bộ 10 thành viên HĐQT khóa trước đang công tác tại FPT, gồm các ông, bà: Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Hoàng Minh Châu, Trương Thị Thanh Thanh, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, Trương Đình Anh, Nguyễn Điệp Tùng.

Ngoài ra, Hội đồng sáng lập còn bổ sung thêm 3 ông Trần Quốc Hoài (Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại FPT – FPT Trading), Lê Trường Tùng (Hiệu trưởng Trường ĐH FPT) và Phan Ngô Tống Hưng (Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT).

Hội đồng sáng lập gồm toàn các lãnh đạo kỳ cựu của FPT.

Hội đồng sẽ đảm nhận nhiệm vụ do HĐQT FPT giao phó; Xem xét và khuyến nghị cho HĐQT về nhân sự cao cấp; Tư vấn, kiến nghị cho HĐQT các vấn đề liên quan tới chiến lược, phát triển dài hạn, bền vững, các vấn đề trọng yếu cho FPT, gìn giữ và phát triển các giá trị của FPT.

Các thành viên Hội đồng được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của FPT; được gửi khuyến nghị, đề xuất tới HĐQT và Chủ tịch HĐQT.

Với việc vừa đưa tới 3/7 thành viên bên ngoài tham gia vào HĐQT, cùng với việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo thế hệ kế tiếp tại cả Tập đoàn mẹ và các công ty thành viên trong thời gian gần đây, quyết định thành lập một hội đồng tư vấn với toàn các lãnh đạo kỳ cựu thể hiện nỗ lực của FPT nhằm chuyển giao các thế hệ lãnh đạo một cách nhịp nhàng, xuyên suốt.

An Du

Vượt Java, C dẫn đầu danh sách những ngôn ngữ lập trình nổi tiếng nhất

Bảng xếp hạng ngôn ngữ lập trình nổi tiếng của TIOBE được thực hiện căn cứ vào số lượng kết quả tìm kiếm theo từ khoá tương ứng trên các website hàng đầu trên thế giới.

TIOBE Index tháng 4/2012 cho thấy sự thay đổi vị trí giữa C và Java so với TIOBE Index 2011. C đã vượt lên dẫn đầu danh sách các ngôn ngữ lập trình nổi tiếng nhất. Các kết quả của TIOBE cho thấy, tháng Tư năm nay, C được 17,555% các nhà phát triển sử dụng còn Java thì có 17,026% số nhà phát triển sử dụng. Trong bảng xếp hạng của tháng trước, Java có 17,1% còn C có 17,09%.

Ngôn ngữ lập trình Java từ năm 2001 lại đây liên tục nằm ở vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng TIOBE. Nó chỉ đánh mất "danh hiệu" vô địch trong các năm 2004 - 2005 và vài tháng của năm 2010.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Java có khuynh hướng suy giảm và cuối cùng cũng dẫn tới sự nhường vị trí cho ngôn ngữ C ngày càng nổi tiếng. Các nhà lập bảng TIOBE Index cho rằng C sẽ còn ở lại vị trí dẫn đầu thêm khoảng 2 tháng nữa. Mặc dù vậy, uy tín của Java trong tương lai gần vẫn còn đủ cao nhờ sự phổ biến của nền tảng Android.

Trong số 50 ngôn ngữ lập trình nổi tiếng nhất lần này có thêm các ngôn ngữ "mới" là Visual FoxPro (vị trí 42), Scala (45) và Alice (48). Các ngôn ngữ mất vị trí của mình trong top 50 là Eiffel, PL/I và Tcl. Top 10 ngôn ngữ nổi tiếng còn gồm C++, Objective-C, C#, PHP, Visual Basic, Python, JavaScript và Perl.

Dưới đây là bảng xếp hạng 20 ngôn ngữ lập trình nổi tiếng nhất của TIOBE.

NND

(Theo PCWorld/IDG News Service)

6 lãnh đạo kỳ cựu của FPT rời Hội đồng quản trị

(ICTPress) - Trong số 7 thành viên HĐQT được đề cử và thông qua tại Đại hội cổ đông năm 2012 của Công ty FPT vừa tổ chức ngày hôm qua (14/4) đã không còn có mặt 6 lãnh đạo kỳ cựu - trong đó có những người tham gia sáng lập FPT từ ngày đầu.

Ngay trước khi Đại hội cổ đông diễn ra, HĐQT của FPT đã thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 11 xuống còn 07 thành viên trong nhiệm kỳ mới (2012-2017).

Bốn thành viên HĐQT khóa trước tiếp tục được bầu lại gồm các ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT khóa trước), Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước), Đỗ Cao Bảo (Ủy viên HĐQT khóa trước, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống Thông tin FIS) và Trương Đình Anh (Ủy viên HĐQT khóa trước, TGĐ FPT). Ông Trương Gia Bình tiếp tục được bầu là Chủ tịch HĐQT.

Sáu lãnh đạo kỳ cựu sẽ không còn tiếp tục có mặt trong HĐQT của FPT gồm bà Trương Thị Thanh Thanh (chị gái ông Trương Gia Bình) và các ông Lê Quang Tiến, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, và Nguyễn Điệp Tùng.

Trong số này, ngoại trừ ông Nam Tiến được bầu vào HĐQT FPT năm 2004 và ông Điệp Tùng (năm 2006), những người còn lại đều là thành viên HĐQT ngay từ khi FPT trở thành công ty cổ phần năm 2002 đến nay. Đây cũng là thế hệ lãnh đạo đầu tiên tại FPT đã có rất nhiều đóng góp và cùng đưa FPT qua những giai đoạn phát triển đỉnh cao.

Được thay vào đó là 3 thành viên bên ngoài đại diện cho các cổ đông lớn của FPT là Quỹ Orchid Fund (cổ đông lớn nhất, giữ 9,8% cổ phần FPT), Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (giữ 6,16% cổ phần), và Quỹ Red River Holdings (giữ 5,26% cổ phần).

HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 của FPT có 4 thành viên FPT và 3 thành viên bên ngoài. Ảnh: FPT.

Theo ông Trương Gia Bình, sự tham gia của các cổ đông lớn thể hiện mong muốn đồng hành lâu dài của các cổ đông này cùng FPT trong quá trình phát triển; đóng góp cho sự ổn định và bền vững của Tập đoàn. Thêm vào đó, các cổ đông lớn sẽ giúp FPT nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch và độc lập.

Ông Bình cũng cho biết, việc HĐQT FPT giới thiệu các cá nhân bên ngoài vào HĐQT nhằm tách bạch giữa các hoạt động quản lý và điều hành, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của công ty.

"Các thành viên cũ trong HĐQT vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho FPT ở các cương vị khác nhau", ông Bình chia sẻ thêm.

Đây có thể xem là bước thay đổi đáng lưu ý của FPT khi lần đầu tiên đưa tới 3/7 thành viên bên ngoài tham gia vào HĐQT, bên cạnh việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo thế hệ kế tiếp tại cả Tập đoàn mẹ và các công ty thành viên trong thời gian gần đây.

6 lãnh đạo kỳ cựu của FPT không còn tham gia HĐQT:

Ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước, là một trong 13 thành viên sáng lập FPT. Trong suốt thời gian từ 1988-2009, ông Tiến là trụ cột về lĩnh vực tài chính cho cả Tập đoàn FPT, ông là một trong những đồng tác giả của hệ thống tài chính FPT - hệ thống được FPT đánh giá là tiên tiến và minh bạch bậc nhất Việt Nam hiện nay. Ông Tiến hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong.

Ông Hoàng Minh Châu - Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước. Ông Châu là Giám đốc Chi nhánh FPT TP. HCM từ ngày đầu thành lập năm 1990 đến 10/2009, ông đã xây dựng từ một tổ chức nhỏ bé, lần lượt vượt qua những công ty nổi tiếng về CNTT tại TP. HCM để trở thành một đơn vị hàng đầu tại đây. Ông Châu được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Tập đoàn này.

Bà Trương Thị Thanh Thanh - Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước. Bà Thanh là người đầu tiên bắt tay xây dựng Chi nhánh FPT TP. HCM.

HĐQT FPT nhiệm kỳ trước (từ trái qua): Đỗ Cao Bảo, Trương Thị Thanh Thanh, Hoàng Minh Châu, Bùi Quang Ngọc, Lê Quang Tiến, Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam, Trương Đình Anh, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Điệp Tùng và Jonathon Ralph Alexander Waugh.

Ông Nguyễn Thành Nam - Ủy viên HĐQT khóa trước, là một trong 13 thành viên sáng lập FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông Nam, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) là một trong những công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực gia công phần mềm (100%/năm), với doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng năm 2010. Ông Nam được bổ nhiệm giữ chức TGĐ FPT trong vòng gần 2 năm, sau đó chuyển giao lại cho ông Đình Anh vào tháng 2/2011. Ông Nam hiện là Giám đốc Dự án Phát triển thị trường Nigeria của FPT.

Ông Hoàng Nam Tiến - Ủy viên HĐQT khóa trước. Ông Nam Tiến là "chiến tướng" từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng của Tập đoàn FPT, với đỉnh cao là giai đoạn 2003-2008 khi Công ty Phân phối FPT do ông làm Tổng Giám đốc đã nhanh chóng phát triển được mạng lưới phân phối lớn nhất tại Việt Nam và liên tục đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn FPT. Tháng 10/2011, ông Nam Tiến được bổ nhiệm thay ông Thành Nam giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm FPT (FPT Software).

Ông Nguyễn Điệp Tùng - Ủy viên HĐQT khóa trước. Ông Tùng đã kinh qua các vị trí: Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính FPT. Tháng 07/2007, ông Tùng được bổ nhiệm là TGĐ Công ty Chứng khoán FPT.

Ngoài ra, HĐQT FPT nhiệm kỳ trước còn có một thành viên người nước ngoài là ông Jonathon Ralph Alexander Waugh.

An Du