Syndicate content

Chuyển động ngành

Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020

Ngày 22/12/2021, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 74 điểm cầu trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các sản phẩm số Make in Viet Nam tại Diễn đàn Quốc gia DN công nghệ số 2021 được tổ chức ngày 11/12

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và ngành TT&TT nói riêng nhưng với tinh thần chủ động, nỗ lực sáng tạo, trong năm 2021, toàn Ngành đã cố gắng, phấn đấu đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia. Tổng số lao động toàn ngành TT&TT năm 2021 đạt 1.431.041 lao động, tăng 8% so với năm 2020.

Năm 2021, ngành TT&TT tăng trưởng 9% so với năm 2020, gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia (Nguồn: Bộ TT&TT)

Trong thời gian rất ngắn, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng CĐS trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, DN trên cả nước. Chính trong quá trình CĐS này, các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực của ngành TT&TT trong năm 2021 đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/172 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020). Về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI) (từ vị trí 50 năm 2020 lên vị trí 25 trong năm 2021). Năm 2021, số tên miền quốc gia ".vn" đạt 544.361 tên miền, tăng 5,2% so với năm 2020, Việt Nam thuộc top 11 châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu. Xếp hạng chỉ số phát triển viễn thông IDI của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020).

Lĩnh vực bưu chính đưa 3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT

Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT nhằm tập trung hỗ trợ SXNN, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương.

Các DN bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy TMĐT, logistic, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số, như "Hệ thống chia chọn tự động tại trung tâm vận chuyển và kho vận miền Trung" tại Đà Nẵng của VNPost và Trung tâm logistics Miền Nam tại Hồ Chí Minh của Viettel Post.

Đến tháng 11/2021, đã có hơn 3 triệu hộ SXNN được đưa lên sàn TMĐT; tháng 10/2021, Bộ đã chỉ đạo hoàn thành sớm chỉ tiêu "100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ", theo đó, hiện mạng bưu chính công cộng đã thiết lập 9.215 điểm phục vụ bưu chính tại 8.295 xã trên cả nước.

Lĩnh vực viễn thông ước đạt doanh thu 130.768 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020

Lĩnh vực hoàn tất việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất - chính thức hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện; hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố chỉ trong 2,5 ngày.

Bộ TT&TT đã phối hợp với các DN viễn thông công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng kéo dài trong 3 tháng; tổ chức 6 đợt nhắn tin truyền thông vận động ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 (2,7 triệu tin nhắn ủng hộ Quỹ 120,9 tỷ đồng). Bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Ngay trong lễ phát động, 1 triệu chiếc máy tính tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng đã được quyên góp, ủng hộ.

Đại diện VNPT trao máy tính bảng cho học sinh ở Long An

Ngành đã hoàn thành hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, kết nối VPCP với 100% điểm xã, phường, thị trấn trên toàn quốc (10.596/10.596 điểm xã, phường, thị trấn).

Năm 2021 ghi nhận số lượng thuê bao di động năm 2021 ước đạt 123,76 triệu thuê bao trong đó có 92,88 triệu thuê bao là smartphone, chiếm khoảng 75%; doanh thu dịch vụ Viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020; tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020; đồng thời chính thức cấp phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money cho VNPT, MobiFone, Viettel.

CĐS quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Trong năm 2021, CĐS quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%; tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%; tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%; ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.

Đại dịch COVID-19 lây lan do tiếp xúc, vì vậy, các hoạt động không tiếp xúc trên môi trường số phổ biến rộng khắp, người dân nhanh chóng tự học cho mình các kỹ năng số cần thiết, tạo tiền đề cho năm 2022 chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sẽ tiếp tục phát triển bứt phá.

Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu

Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng. Ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Bộ đã ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn và lần đầu tiên công bố xếp hạng mức độ bảo đảm ATTT các bộ, ngành địa phương năm 2020.

Lĩnh vực kinh tế số: hơn 2,5 ngàn DN đăng ký sử dụng nền tảng số

Lĩnh vực đã xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số và xã hội số; 22 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế số đã được bổ sung vào Luật Thống kê; chỉ đạo xây dựng nền tảng địa chỉ số Việt Nam, là nền tảng hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế số; hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các DN lớn trong Ngành phát triển thành các tập đoàn công nghệ số để dẫn dắt CĐS, phát triển kinh tế số; xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS của DN.

DN nhỏ và vừa đã được hỗ trợ CĐS, với gần 88.000 lượt DN truy vấn hỗ trợ từ Chương trình. Theo số liệu, đã có gần 15.000 DN tiếp cận chương trình; hơn 2,5 ngàn DN đăng ký sử dụng nền tảng số, trong đó có gần 2.000 DN sử dụng nền tảng số để CĐS thành công.

Lĩnh vực công nghiệp ICT với 64.000 DN công nghệ số

Bộ đã công bố bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2020 (Vietnam ICT Index 2020). Ngày 09/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thành lập Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ - Khu CNTT tập trung đầu tiên của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Bộ đã công bố Hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam tại địa chỉ http://makeinvietnam.mic.gov.vn với hơn 64.000 DN công nghệ số (tăng 9,5% so với năm 2020).

Ngoài ra Bộ còn phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 nhằm tìm kiếm, tôn vinh các sản phẩm Make in Viet Nam xuất sắc, có giá trị đóng góp thực tiễn cho phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Ngày 11/12/2021, Diễn đàn Quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 do Bộ TT&TT chủ trì đã được tổ chức thành công với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Báo chí, xuất bản chuyển tải ra thế giới thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam

Công tác truyền thông, báo chí đã tích cực cập nhật, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Lĩnh vực đã tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế, đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Đồng thời, lĩnh vực cũng chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Lĩnh vực đã hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp.

BộTT&TT đã ban hành "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội", xây dựng và vận hành Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam. Lĩnh vực báo chí đã tăng cường xử lý thông tin vi phạm trên mạng và tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp cũng như mạng xã hội. Đồng thời ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 – 2025./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Đầu tư trung tâm trung chuyển tăng cạnh tranh chuyển phát nhanh

J&T Express hiện đang đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 tại Việt Nam với diện tích lên đến 60.000 m2, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2022.

Việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển là một trong những yếu tố giúp tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) chuyển phát nhanh trong việc tối đa hoá trải nghiệm của khách hàng, đồng thời đáp ứng tốt sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT).

Theo báo cáo hàng năm SYNC Southeast Asia được thực hiện bởi Facebook và công ty Bain & Company, Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trong những năm gần đây cùng thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành trong và sau đại dịch đã mở ra cơ hội cho các DN chuyển phát nhanh, khi giao nhận được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định hình trải nghiệm của khách hàng trên hành trình mua sắm trực tuyến.

Cũng theo báo cáo này, số người tiêu dùng số dự kiến sẽ đạt 71% dân số Việt Nam vào cuối năm 2021, nâng tổng số người sử dụng TMĐT lên đến 53 triệu người. Với số lượng đơn hàng ngày một gia tăng và mở rộng sang các tỉnh thành khắp cả nước, việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển sẽ giúp đảm bảo việc vận chuyển được thông suốt, hạn chế thất thoát và hư hỏng hàng hóa so với việc xử lý thủ công, đồng thời, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.

Nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu và bối cảnh của thị trường hiện tại, các đơn vị vận chuyển không ngừng nâng cao năng lực và tối ưu giải pháp hậu cần để có thể mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express cũng không nằm ngoài xu thế trên với việc đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 tại Việt Nam. Đây là trung tâm hiện đại và lớn nhất cả nước với diện tích lên tới 60.000mét vuông, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào đầu năm 2022.

Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh DWS, quy trình xử lý tự động theo quy chuẩn Smart Logistics và hệ thống băng chuyền ma trận tự động, ước tính trung tâm có thể xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại mỗi ngày với độ chính xác cao và thời gian nhanh chóng.

Một trong những lợi ích của trung tâm trung chuyển là không gian lưu kho rộng lớn và hệ thống quản lý chuyên nghiệp, giúp đảm bảo hàng hóa được phân loại, lưu trữ và quản lý đúng cách. Nhờ vào các công nghệ xử lý hiện đại, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý hàng hóa, đồng thời, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về sản lượng của bưu kiện trong tương lai.

Đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển hiện đại giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt số lượng lẫn chất lượng hàng hóa, đảm bảo việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Điều đó giúp các doanh nghiệp chuyển phát nhanh có bước chuẩn bị tốt hơn để đón đầu nhu cầu mua sắm tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào các mùa cao điểm.

Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, chia sẻ: “Dự kiến khi trung tâm thứ 37 đi vào hoạt động vào đầu năm 2022, tổng diện tích trung tâm trung chuyển của J&T Express sẽ đạt đến 168.000 m2. Việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển và ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào dây chuyền quản lý, vận hành không chỉ giúp J&T Express nâng cao hiệu quả kiểm soát và đẩy nhanh quá trình vận chuyển hàng hóa mà còn giúp bưu kiện đến tay người tiêu dùng nhanh và chính xác hơn, góp phần nâng cao uy tín và vị thế cạnh tranh của DN.”

ND

Thái Lan ra mắt bệnh viện thông minh 5G’ đầu tiên tại ASEAN

Ủy ban Phát thanh Truyền hình và Viễn thông Quốc gia Thái Lan (NBTC), Bệnh viện Siriraj, đã phối hợp cùng công ty Huawei Technologies (Thái Lan) chính thức ra mắt “Bệnh viện Thông minh 5G Siriraj đẳng cấp thế giới”.

Bệnh viện thông minh 5G Siriraj là dự án bệnh viện thông minh 5G đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan nói riêng, cũng như khu vực ASEAN nói chung. Với mục tiêu mang lại những trải nghiệm khám chữa bệnh hiệu quả và thuận tiện hơn cho người bệnh bằng ứng dụng công nghệ 5G, dữ liệu đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)… và đưa Siriraj trở thành mô hình bệnh viện thông minh kiểu mẫu ở Thái Lan và trên thế giới.

Huawei và Bệnh viện Siriraj cũng đã thành lập Phòng Thí nghiệm Đổi mới sáng tạo nhằm nghiên cứu thử nghiệm các ứng dụng 5G phục vụ người bệnh. Hiện tại, hai bên đã bắt đầu thử nghiệm hộp y tế di động 5G, xe không người lái 5G, phương tiện y tế 5G và giường bệnh thông minh 5G. Dự kiến, Huawei sẽ đưa 30 ứng dụng y tế 5G vào vận hành trên toàn quốc vào năm 2022.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thăm triển lãm bệnh viện thông minh 5G

Phát biểu quyết sách quốc gia về 5G và nền kinh tế số, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh: “Chính phủ Thái Lan hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ khi soạn thảo nên kế hoạch chuyển đổi số cho quốc gia. Sự kiện hlà bước quan trọng đầu tiên, đánh dấu thành tựu ứng dụng kỹ thuật số và 5G vào lĩnh vực y tế, giúp giảm tải cho nhân viên y tế, giảm rủi ro và cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.” 

Tại buổi lễ, GS. TS. Prasit Watanapa - Trưởng khoa Y tế, Bệnh viện Siriraj, Đại học Mahidol, đã chia sẻ về nền tảng và lộ trình triển khai dự án Bệnh viện Thông minh Siriraj dựa trên công nghệ 5G và AI, để xây dựng nên mô hình “Bệnh viện thông minh” chuẩn hóa.

Ông cũng giới thiệu các ứng dụng 5G, đám mây, AI và Đột phá Số thức trong phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất dịch vụ y tế, mang lại trải nghiệm tốt hơn và cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tân tiến cho người dân vùng sâu vùng xa, giảm bất bình đẳng cho ngành y tế công toàn cầu. Sắp tới, Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thành tựu đột phá hơn nữa.

TS. Đại tá Natee Sukonrat - Phó chủ tịch NBTC cũng nhấn mạnh cam kết hỗ trợ dự án: “Với tư cách là cơ quan quản lý các doanh nghiệp viễn thông và phát thanh truyền hình, NBTC có nhiệm vụ cấp phép tần số đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc không dây tốc độ cao trong kỷ nguyên 5G, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và mở rộng ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực. Do đó, việc Ủy ban 5G Quốc gia phê duyệt dự án bệnh viện thông minh 5G phù hợp với quyết sách của chính phủ, đưa Bệnh viện Siriraj với đầy đủ chuyên gia và thiết bị y tế tích hợp trở thành bệnh viện thông minh kiểu mẫu”.

Kể từ khi xảy ra đại dịch, Huawei và Bệnh viện Siriraj đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng 5G. Vào tháng 6/2020, hai bên đã ra mắt xe tự lái 5G giúp vận chuyển vật tư y tế không tiếp xúc. Đến tháng 12/2020, Huawei đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác 5 năm với Siriraj để đẩy nhanh chuỗi vận hành thông minh bằng cách ứng dụng 5G vào theo dõi, chẩn đoán và thu thập dữ liệu bệnh nhân; đồng thời đào tạo kỹ thuật số cho y bác sĩ.

Với hỗ trợ đắc lực từ Huawei, Bệnh viện Siriraj đã giành được giải thưởng CommunicAsia Awards 2020, hạng mục “Thử nghiệm 5G sáng tạo nhất Châu Á - Thái Bình Dương”.

ND

Việt Nam-Ấn Độ hợp tác quản lý truyền thông số, thông tin điện tử

Sáng 16/12, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Thông tin-Phát thanh truyền hình Ấn Độ ký Ý định thư về hợp tác quản lý truyền thông số, thông tin điện tử giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ Anurag Singh Thakur ký Ý định thư về hợp tác quản lý truyền thông số và thông tin điện tử giữa hai nước. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng 16/12, tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ Anurag Singh Thakur.

Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã ký Ý định thư về hợp tác quản lý truyền thông số và thông tin điện tử giữa hai nước.

Hai bên cũng chia sẻ các chính sách, quy định của mỗi nước đối với truyền thông số, trao đổi kinh nghiệm xử lý vi phạm và các giải pháp nhằm thúc đẩy không gian mạng phát triển một cách lành mạnh.

Để phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, hai Bộ trưởng cũng đã nhất trí cùng đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các cơ quan báo chí khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin của mỗi nước để đưa tin, bài nhiều hơn về tình hình phát triển của nhau, nâng cao hiểu biết lẫn nhau.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022, hai nước sẽ cùng tổ chức nhiều hoạt động như trao đổi các đoàn phóng viên báo chí, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí và phát thanh truyền hình, về quản lý mạng xã hội và phòng chống tin giả./.

Nguồn: Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)

 https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=761324

Singapore nâng cao kỹ năng, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên công nghệ

Tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Huawei International đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Trung tâm Phân tích Kinh doanh (BAC) thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cam kết hỗ trợ đào tạo và nâng cao kỹ năng cho sinh viên công nghệ nhằm gia tăng nhân tài trong lĩnh vực này.

Huawei sẽ hợp tác sâu rộng với BAC (NUS) trong việc tăng cường khả năng hiểu biết về dữ liệu lớn, điện toán đám mây và công nghệ phân tích kinh doanh cho sinh viên, từ đó thúc đẩy đội ngũ nhân tài tương lai vận dụng kiến thức đã học vào công cuộc chuyển đổi số thực tế ở doanh nghiệp. Sự hợp tác này nhằm mục đích trao quyền cho sinh viên và các nhà nghiên cứu, cho họ cơ hội tiếp cận và học hỏi các chuyên môn của Huawei về công nghệ ICT, phát triển phần mềm và tài nguyên.

Huawei sẽ tổ chức những hội thảo đào tạo về dữ liệu đám mây và phân tích, cũng như mang đến nhiều cơ hội thực tập lý tưởng tại mạng lưới công ty đối tác của tập đoàn, mang đến cho sinh viên cái nhìn sâu sắc về ngành cũng như môi trường trải nghiệm thực tế với những nhà lãnh đạo giỏi. Học viên chương trình Thạc sĩ Khoa học về Phân tích Kinh doanh (MSBA) của BAC (NUS) cũng sẽ hưởng lợi từ các tài nguyên điện toán đám mây do Huawei cung cấp.

BAC (NUS) được thành lập bởi Đại học Máy tính và Đại học Kinh doanh đều trực thuộc NUS. Trung tâm cũng sẽ tổ chức sân chơi đổi mới phân tích Huawei-NUS cho sinh viên và nhà nghiên cứu trong cộng đồng, nhằm thúc đẩy họ tìm ra những giải pháp sáng tạo có thể giải quyết các vấn đề thách thức kinh doanh thực tế từ Huawei và các đối tác.

Chia sẻ về hợp tác lần này, PGS. James Pang Yan, Đồng Giám đốc của BAC (NUS) cho hay: “Dữ liệu lớn, AI và Điện toán đám mây có vai trò quan trọng đối với phân tích kinh doanh, khi chúng ta bước vào thời kỳ đầu tiên của tương lai kỹ thuật số kết nối cao. Sự hợp tác của BAC (NUS) với Huawei được triển khai để mang đến cho sinh viên và nhà nghiên cứu những trải nghiệm phong phú, những kỹ năng cần thiết nhằm gây dựng sự nghiệp thú vị trong lĩnh vực ICT.”

Ông Foo Fang Yong, Giám đốc điều hành của Huawei International cũng nhấn mạnh nỗ lực của tập đoàn: “Chúng tôi tự hào khi được tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác lâu dài với NUS bằng cách hỗ trợ các sinh viên xuất sắc thông qua các khóa đào tạo, nguồn lực chia sẻ và cơ hội thực tập. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Huawei tại Singapore vào năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các trường đại học hàng đầu khác để tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác song hành cùng quốc gia, cũng như trau dồi và phát triển đội ngũ nhân lực sẽ dẫn dắt kỷ nguyên số của Singapore.”

ND

Phát hành bộ tem "Tết Nhâm Dần"

Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, ngày 01/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ phát hành bộ tem bưu chính "Tết Nhâm Dần", gồm 02 mẫu tem và 01 blốc.

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, là lễ đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần, sự hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.

Tem có khuôn khổ tem 37 x 37 (mm), blốc có khuôn khổ 150 x 100 (mm) với giá mặt lần lượt 4000đ, 15000đ và 38000đ do họa sĩ Nguyễn Quang Vinh thiết kế.

Bộ tem thể hiện hình ảnh những chú hổ tinh anh, đầy uy lực được khắc họa theo phong cách tranh dân gian Hàng Trống, mang thông điệp mạnh khỏe, may mắn, bình an đến với mọi nhà. Nền blốc thể hiện hình ảnh gia đình hổ đang sum vầy hạnh phúc bên nhau đón xuân mới dưới rừng hoa mận, hoa đào, hoa mai đang nở rộ mỗi dịp tết đến, xuân về.

Tem và bloc bộ tem "Tết Nhâm Dần"

Đối với nhiều nước châu Á, hổ là biểu tượng của sức mạnh, quyền uy. Đứng thứ 3 trong 12 con giáp, hình tượng hổ còn được gọi là chúa sơn lâm, là con vật linh thiêng đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử, văn hóa của người dân Việt Nam.

Maxicard của bộ tem

Bộ tem được phát hành như một lời nhắn gửi Tết là thời khắc thiêng liêng để vạn vật được hồi sinh, để những người con xa quê hương có cơ hội đoàn tụ bên gia đình, cùng nhau đón thời khắc giao thừa với mong ước những điều may mắn, hạnh phúc, bình an, tài lộc sẽ đến trong năm mới.

Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới bưu chính công cộng từ ngày 01/12/2021 đến ngày 30/06/2023./.

Theo ictvietnam.vn


VNPT chính thức công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money trên cả nước

Dịch vụ Mobile Money do Tập đoàn VNPT cung cấp giúp mọi khách hàng có thể sử dụng thuê bao VinaPhone của mình như một tài khoản ngân hàng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh và các đại biểu nhấn nút khai trương cung cấp dịch vụ

Ngày 25/11/2021, Tập đoàn VNPT chính thức công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money trên cả nước. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau một quá trình dài chuẩn bị của nhà mạng, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của cơ quan chức năng và đưa loại hình thanh toán không tiền mặt mới tới với người dân.

Lễ công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money - VNPT Pay được tổ chức tại Trụ sở của Tập đoàn VNPT với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT, Bộ Công An, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện nhiều cơ quan báo chí.

Trước đó, ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định chấp thuận cho VNPT triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trên phạm vi cả nước. Việc cấp phép triển khai Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ và Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

VNPT chính thức nhận giấy phép cung cấp dịch vụ

Dịch vụ Mobile Money do Tập đoàn VNPT cung cấp giúp mọi khách hàng có thể sử dụng thuê bao VinaPhone của mình như một tài khoản ngân hàng, với đầy đủ các chức năng: nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ. Nhờ đặc điểm này, Mobile Money phù hợp với mọi tầng lớp người dân, tại mọi vùng miền trên đất nước.

Với dịch vụ Mobile Money, VNPT mang đến cho khách hàng một trải nghiệm tài chính thật sự đơn giản - an toàn - tiện lợi và dễ tiếp cận, xóa bỏ những rào cản vốn có trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số. Được tích hợp các công nghệ hàng đầu của ngành ngân hàng và viễn thông như định danh điện tử eKYC, AI/Bigdata, Machine Learning, QR code; các giải pháp thanh toán không tiếp xúc như NFC, sóng âm,… Mobile Money được đánh giá là giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi hàng đầu cho khách hàng hiện nay.

Với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng gồm mạng di động, viễn thông, Internet hơn 30 triệu thuê bao, hơn 30.000 trường học, hơn 20.000 nhà thuốc, hơn 7.000 cơ sở y tế/bệnh viện, kết nối thanh toán hơn 5.000 dịch vụ hành chính công và dịch vụ thiết yếu (điện, nước), Mobile Money - VNPT Pay đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán, mua sắm và tiện ích gắn với đời sống hàng ngày của mỗi người dân.

VNPT sở hữu mạng lưới điểm kinh doanh gồm hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh thành cả nước, nhờ vậy dịch vụ Mobile Money dễ dàng tiếp cận tới ngay cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn.

Với lợi thế là Tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, VNPT cam kết tiếp tục phát triển điểm kinh doanh Mobile Money rộng khắp đến các thôn, xóm, bản, làng,… hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái tài chính toàn diện tại Việt Nam với các dịch vụ tài chính phái sinh khác, mang tới nền tài chính số công bằng cho mọi người dân./.

Theo ictvietnam.vn

Miễn phí chuyển phát CCCD gắn chip khi người dân thay đổi địa chỉ nhận

Việc chuyển phát căn cước công dân (CCCD) đến địa chỉ người nhận được Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của người dân thông qua mạng phục vụ bưu chính công ích.

Thực tế, việc chuyển trả thẻ CCCD cho người dân qua đường bưu điện cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bởi những quy định chặt chẽ trong đảm bảo an toàn phòng và chống dịch khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 có những diễn biến phức tạp trên diện rộng.

Theo BĐVN, toàn mạng lưới BĐVN đã và đang tổng lực để nhanh nhất có thể chuyển phát CCCD gắn chip đến người dân. Đến ngày 15/11/2021, gần như việc chuyển phát này đã hoàn tất, chỉ còn một số lượng không nhiều thẻ CCCD chưa phát được đến tay người dân nguyên nhân có thể do các trường hợp người nhân không có ở địa chỉ đăng ký nhận, thay đổi số điện thoại hay đi làm ăn xa, về quê tránh dịch, bị kẹt lại tại các vùng dịch, các khu dân cư vẫn còn nằm trong diện vùng đỏ, vùng cam….

BĐVN hiện đang nỗ lực hết sức và xây dựng các kịch bản phù hợp để đảm bảo chuyển ngay CCCD đến tay người dân trong điều kiện bình thường mới. Đối với các vùng cam, vùng vàng, đơn vị sẽ liên hệ với chính quyền địa phương và người nhận để có cách thức chuyển phát đảm bảo an toàn tối đa đến tay người nhận. Đối với vùng đỏ sẽ tổ chức phát ngay khi hết thời hạn cách ly, phong toả.

Đặc biệt, đối với các trường hợp người dân đã rời địa chỉ cũ, chuyển nơi sinh sống, về quê hoặc di chuyển sang địa phương khác, BĐVN sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xác minh, liên hệ người nhận và tổ chức chuyển phát hoàn toàn miễn phí đến tay người nhận ở địa chỉ mới theo yêu cầu.

"Ngoài ra, người dân có thể liên hệ đến đường dây nóng 1900545481 hoặc đến bưu cục gần nhất để được hỗ trợ chuyển thẻ CCCD về địa chỉ", đại diện BĐVN cho biết./.

theo ictvietnam.vn

Được cấp phép Mobile Money, VNPT hướng dẫn khách hàng đăng ký dịch vụ

Bắt đầu từ ngày 19/11/2021, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp cận và hướng dẫn khách hàng đủ điều kiện đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Dịch vụ đơn giản, an toàn và tiện lợi

Như vậy để sử dụng thanh toán bằng Mobile Money, các thuê bao VinaPhone chỉ cần đăng ký dịch vụ là có thể nạp, rút tiền, thanh toán tiêu dùng nhỏ lẻ, toán trực tuyến và chuyển tiền bằng tài khoản Mobile Money. Khách hàng có thể đến các điểm kinh doanh Mobile Money của VNPT và đối tác trên toàn quốc để nạp, rút tiền, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua mã QR mà không cần đến tài khoản ngân hàng mọi lúc mọi nơi.

Khách hàng có thể cài đặt ứng dụng VNPT Pay có sẵn trên các chợ ứng dụng hoặc có thể sử dụng qua tin nhắn điện thoại ngay cả khi không có 3G/4G. Việc chuyển tiền cũng dễ dàng khi chỉ cần nhớ số điện thoại của người nhận, có thể chuyển tiền qua lại tới mọi tài khoản ngân hàng và hàng triệu ví điện tử VNPT Pay.

Tài khoản Mobile Money của VNPT được quản lý trên các hệ thống hạ tầng kỹ thuật an toàn, đạt các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế như PCI-DSS. Tiền trong tài khoản Mobile Money cũng được Ngân hàng nhà nước Việt Nam đảm bảo bằng các quy định như đối với tài khoản ngân hàng.

Hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt phong phú và rộng lớn

Mobile Money cung cấp các tiện ích cho hàng chục triệu khách hàng di dộng của VNPT, giúp họ có phương tiện thanh toán cho các giao dịch hàng ngày và thanh toán các dịch vụ viễn thông, giáo dục, y tế và các dịch vụ nhỏ lẻ khác. Đây sẽ là môi trường thuận lợi để phát triển dịch vụ công và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, VNPT phục vụ hơn 30 triệu khách hàng di động. Hệ sinh thái dịch vụ của VNPT hiện nay đã rất đầy đủ, ngoài các dịch vụ viễn thông, CNTT còn có giải trí, giáo dục, y tế, dịch vụ công, các dịch vụ tài chín... Đây sẽ là môi trường thuận lợi để VNPT không ngừng mở rộng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt qua Mobile Money.

Bên cạnh đó, VNPT đã liên kết được rất nhiều đối tác, tạo hệ sinh thái dịch vụ phong phú, đa dạng để khách hàng có thể thanh toán không tiền mặt cho các nhu cầu thường xuyên, giá trị nhỏ của mình chỉ với tài khoản Mobile Money thông qua mã QR tại các cửa hàng, các trang thương mại điện tử, các ứng dụng trên mạng…

Kỳ vọng lớn cho phát triển kinh tế xã hội

Vốn luôn đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số kinh tế xã hội của đất nước thông qua các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, VNPT tiếp tục đóng góp vào việc kết nối, thu hẹp khoảng cách số về tài chính, tạo cơ hội cho tất cả mọi người, mọi cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại và đơn giản đi cùng xu hướng của thế giới thông qua Mobile Money.

Dịch vụ Mobile Money sẽ góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân phát triển kinh tế, văn hoá, đặc biệt tại khu vực nông thôn, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đặc biệt hơn là VNPT có thể dùng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông… để giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại những cơ hội mới cho phát triển kinh tế xã hội.

Theo VNPT, kỳ vọng của Mobile Money là rất lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn nhưng các phương tiện thanh toán thuận tiện lại chỉ tập trung ở vùng đô thị. Mobile Money sẽ giúp cho mạch máu kinh tế lưu thông, phát huy tiềm năng ở tất cả các khu vực địa lý, kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và sự bùng phát của đại dịch COVID-19./.

Theo ictvietnam.vn

Những chiếc máy tính bảng ý nghĩa đến với học sinh vùng cao Ba Lế, Quảng Ngãi

Những hình ảnh về cô trò trường tiểu học và THCS Ba Lế, xã Ba Lế, Quảng Ngãi báo chí đưa tin đã gây nhiều xúc động trong thời gian qua.

Thấu hiểu những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến của thầy trò vùng cao trong mùa dịch cũng như hành trình tiếp cận tri thức gian nan của học sinh vào mùa mưa lũ, công ty vận chuyển quốc tế J&T Express đã trao tặng các thiết bị dạy và học trị giá hơn 400 triệu đồng cho hàng trăm học sinh và giáo viên khó khăn tại Quảng Ngãi.

Cụ thể, J&T Express đã trao tặng đến 29 thầy cô tại trường Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi mỗi người một chiếc điện thoại thông minh, đến 270 em học sinh mỗi em một phần quà gồm tập vở và bút viết.

J&T Express còn đồng hành cùng Sở GD&ĐT Quảng Ngãi trong chương trình "Sóng và máy tính cho em" trao tặng đến các em học sinh có hoàn khó khăn 100 chiếc máy tính bảng Masscom. Được biết, chương trình "Sóng và máy tính cho em" là chương trình do Chính phủ trực tiếp phát động và tổ chức với mục tiêu huy động 01 triệu máy tính phục vụ học trực tuyến cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc, đặc biệt là những địa phương như Quảng Ngãi. Tổng giá trị phần quà của J&T Express trao tặng cho thầy trò Quảng Ngãi trị giá hơn 400 triệu đồng.

Đại diện J&T Express Việt Nam trao tặng máy tính bảng cho Sở GD&ĐT Quảng Ngã

Ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam, chia sẻ: "Không chỉ là đơn vị vận chuyển hàng, J&T Express còn muốn góp phần "chuyển con chữ đến vùng cao". Thông qua món quà đặc biệt này, chúng tôi hy vọng đã nối dài thêm hành trình tiếp cận tri thức của các em học sinh Quảng Ngãi, cũng như khiến ngày Nhà giáo Việt Nam của các thầy cô trở nên ý nghĩa hơn. Trong tương lai, J&T Express cam kết sẽ tiếp tục thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp thông qua các hoạt động ý nghĩa, góp phần tạo dựng Việt Nam ngày càng bền vững hơn".

Chia sẻ về món quà từ J&T Express, bà Trần Thị Kim Nhạn - đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết: "Sóng và máy tính cho em" là chương trình ý nghĩa và thiết thực do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp phát động, thể hiện tầm nhìn phát triển bền vững của nền giáo dục Việt Nam. Dạy và học trực tuyến là định hướng tất yếu của hiện tại và tương lai, nên những hành động của J&T Express nhằm hỗ trợ quá trình dạy và học trực tuyến được phổ biến rộng rãi và công bằng là điều đáng quý.

Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng trân trọng những món quà J&T Express trao tặng đến thầy trò trường Ba Lế vì đây là điểm trường còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Mong là với món quà này, các thầy cô và học sinh đã có một ngày Nhà giáo Việt Nam đáng nhớ, thêm tinh thần để dạy và học ngày một tốt hơn".

Ông Nguyễn Mậu Hải - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Ba Lế cũng chia sẻ và cám ơn J&T Express đã quan tâm đồng cảm và có những chia sẻ thiết thực với nhà trường để vượt qua giai đoạn khó khăn này. "Với những trang thiết bị được J&T Express trao tặng, thầy trò trường Ba Lế có thêm "trợ lực" để dạy và học hiệu quả hơn. Không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, đây còn là món quà tinh thần lớn lao để tập thể giáo viên trường Ba Lế nỗ lực hơn, tất cả vì học sinh thân yêu".

Trường Tiểu học và THCS Ba Lế

Câu chuyện cảm động về thầy cô nhân ngày 20/11

Giữa thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khi các hoạt động dạy và học được chuyển hoàn toàn sang hình thức trực tuyến, câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Trang trường tiểu học và THCS Ba Lế đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng trong thời gian qua. Nếu với thầy trò ở các thành phố và vùng có điều kiện vật chất tốt, việc dạy và học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu sự tương tác trực tiếp; thì với thầy trò tại các vùng cao, việc dạy và học vào mùa dịch còn gian nan hơn nữa.

Huyện Ba Tơ là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn tại Quảng Ngãi, lại có nhiều người H'rê sinh sống. Trong bao năm qua, các thầy cô giáo tại Trường Ba Lế đã kiên trì "cắm bản, bám làng" để việc học hành của các em học sinh không bị gián đoạn. 

Khi dịch COVID-19 khiến nhịp sống người dân có nhiều thay đổi, việc dạy và học ở vùng cao Ba Tơ vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn hơn nữa. Học sinh không thể đến trường, đời sống gia đình các em thì còn nhiều khó khăn không đủ điều kiện mua sắm thiết bị điện tử để học trực tuyến, nên các thầy cô phải chạy xe máy vượt đèo núi đến nhà từng học sinh giao bài tập, hướng dẫn học tại nhà.

Cô Trang đến từng nhà giao bài, hướng dẫn cho các em
Cô và trò sau khi giao bài cho các em xong (Ảnh: hoiphunu.quangngai.gov.vn)

Cứ tưởng sự cố gắng của thầy trò trường Ba Lế sẽ trôi qua âm thầm như thế, cho đến khi câu chuyện của cô giáo Trang nhận được sự chú ý của cộng đồng. Những hình ảnh trên đường đến điểm trường Làng Tốt - điểm trường xa nhất của huyện miền núi Ba Tơ của cô Trang đã được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều lần và được báo chí quan tâm rộng rãi với câu chuyện cô giáo "Ròm" dành tuổi thanh xuân gieo chữ ở vùng cao.

Ngược với cái tên Làng Tốt, đây là cung đường rất khó đi, vốn được mở rộng từ một lối mòn nhỏ, phần lớn là những con dốc dựng ngược, một bên là vực một bên là núi, tưởng như chỉ dành cho "những vận động viên đua xe địa hình". Sau mỗi cơn mưa, con đường này lại trở nên nhầy nhụa, bùn ngập quá mắt cá chân.

Vậy mà một cô giáo có vóc người nhỏ nhắn, vốn được mệnh danh là "cô Ròm" như cô giáo Trang cứ cách vài ngày lại vượt qua cung đường này một lần để vào làng để giao bài tập mới cũng như kiểm tra bài tập cũ cho trò. Bài nào trò chưa hiểu thì cô sẽ giảng lại. Không chỉ cô Trang, mà còn nhiều giáo viên khác của trường Ba Lế cũng ngày ngày vượt đồi núi để đến các điểm trường như thế. Cá biệt, có thầy cô còn "cắm" ngay tại bản để đảm bảo việc học của các em được thông suốt.

Những hình ảnh cô Trang chia sẻ khi cô bị ngã xe, người bê bết bùn đất mà vẫn tươi cười rạng rỡ, kiên trì vượt đèo lội suối đến làng giao bài tập cho các em đã gây được sự xúc động mạnh cho người xem. Cô Trang chia sẻ: "Tôi công tác xã Ba Lế 12 năm rồi, đường vào Làng Tốt không chỉ tôi mà nhiều giáo viên đi riết thành quen. Ngày xưa phải đi bộ chứ không được đi xe máy đâu. Ở nơi đó học trò mình đang chờ. Mình không đi thì ai dạy bọn trẻ".

Theo ictvietnam.vn