65% kết quả nghiên cứu KHCN của ngành TT&TT sẽ được áp dụng vào SXKD

(ICTPress) - Để đánh giá hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) giai đoạn 2011-2015; định hướng phát triển KHCN giai đoạn 2016-2020, Bộ TT&TT sáng nay 10/5 đã tổ chức Hội nghị KHCN ngành TT&TT năm 2016.

Hội nghị KHCN ngành TT&TT là dịp kết nối giữa cơ quan quản lý KHCN, các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT và truyền thông để trao thông tin, sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong thời gian tới và hướng tới ngày KHCN Việt Nam thường niên 18/5.

Tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động KHCN trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 2011-2015

Thông tin về tình hình KHCN chuyên ngành TT&TT tại Hội nghị, ông Đinh Văn Trung, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ TT&TT đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp nhà nước theo các Chương trình KHCN và nhiệm vụ KHCN độc lập cấp Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT đã có sự tham gia của Bộ TT&TT trong các khâu đề xuất, tuyển chọn, đánh giá kết quả.

Trong khi đó, hoạt động KHCN của ngành TT&TT đã góp phần tích cực nhằm triển khai hiệu quả các đề án lớn của Bộ thời gian qua. Một trong những kết quả nổi bật là Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất: nghiên cứu xây dựng các sở cứ khoa học cho việc lựa chọn công nghệ truyền hình số DVB-T2 sử dụng tại Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn, xây dựng lộ trình triển khai số hóa truyền hình. Các nghiên cứu mang tính đón đầu công nghệ mới cũng được chú trọng triển khai nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp và kịp thời: chính phủ điện tử thế hệ mới, giải pháp công nghệ để triển khai Chính phủ di động; Công nghệ dữ liệu lớn Bigdata, điện toán đám mây, Công nghệ di động thế hệ thứ 4, Internet of Things (IoT)...;

Hoạt động nghiên cứu KHCN cấp Bộ cũng tập trung nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các sản phẩm phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiêu dùng như: các sản phẩm, thiết bị viễn thông phục vụ thị trường Việt Nam (thiết bị điện thoại di động sử dụng ven biển Seaphone, thiết bị USB 3G, các bộ đấu nối cáp quang, kiosk bưu chính tự động…); các sản phẩm phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và phục vụ người dân (như cổng thông tin điện tử về nông nghiệp, cổng thông tin dịch vụ một cửa cấp tỉnh, cổng thông tin điện tử phục vụ các thư viện điện tử…);

Về nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực TT&TT: hoạt động nghiên cứu đã cung cấp các sở cứ khoa học và thực tiễn góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn trong lĩnh vực TT&TT. Từ lĩnh vực truyền thống là viễn thông, Internet, đối tượng tiêu chuẩn hóa đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như bưu chính, xuất bản, phát thanh truyền hình, CNTT… Tới nay, Bộ đã tổ chức xây dựng và ban hành 102 QCVN, đề nghị Bộ KHCN công bố 94 TCVN đáp ứng các mục tiêu quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình và phù hợp với sự phát triển công nghệ, dịch vụ.

Về nghiên cứu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước: nghiên cứu ảnh hưởng và ứng dụng xác thực điện tử trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính; nghiên cứu hỗ trợ kết nối liên thông các hệ thống thông tin; Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho cổng/trang thông tin điện tử, hệ thống email, hệ thống mạng, hệ thống máy chủ…;

Về nghiên cứu, phát triển sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận ICT, các sản phẩm KHCN đáng chú ý có hệ thống điều khiển xe lăn điện thông minh bằng tiếng nói, phần mềm đọc tin nhắn tiếng Việt cho smartphone, phần mềm đọc màn hình điện thoại bằng tiếng Việt, bộ thiết bị dẫn đường dành cho người khiếm thị, phần mềm xây dựng học liệu điện tử cho người khiếm thính, hệ thống đào tạo trực tuyến cho người khiếm thị, và một số website có hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng xem trình diễn các sản phẩm KHCN được giới thiệu tại Hội nghị

Tuy nhiên, theo đại diện của Vụ KHCN, công tác KHCN của Ngành cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như các nghiên cứu do Bộ TT&TT đề xuất còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan như các đơn vị nghiên cứu chưa chủ động trong định hướng và đề xuất nhiệm vụ; năng lực triển khai các nhiệm vụ còn chưa đáp ứng được các yêu cầu theo các quy định hiện hành. Một số nội dung nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn giao trực tiếp cho đơn vị nghiên cứu và Bộ TTTT không có điều kiện cập nhật thông tin đầy đủ.

Về hoạt động nghiên cứu KHCN cấp Bộ, ông Trung phân tích tiềm lực nghiên cứu của các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực TT&TT còn hạn chế. Theo đó, ông Trung cho biết chất lượng kết quả nghiên cứu cần tiếp tục được đẩy mạnh; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý KHCN, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ KHCN cần tăng cường.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư: viễn cảnh hoàn toàn mới cho cuộc sống của con người

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT, phụ trách lĩnh vực KHCN của ngành TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã nhấn mạnh cho biết trong những năm gần đây, KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng với những tiến bộ vượt bậc. Mới chỉ 5 năm trước, những khái niệm như SMAC (Social, Mobility, Analytics, Cloud), IoT (Internet of Things), thiết bị đeo số… vẫn còn tương đối xa lạ thì giờ đây đã trở nên quen thuộc và đang trở thành một xu hướng tất yếu. Sự phổ biến của mạng Internet, Smartphone và các công nghệ số len lỏi vào mọi lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận hành của mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội, tạo nên nền kinh tế số, nơi mà mọi doanh nghiệp đều chuyển thành doanh nghiệp công nghệ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng trao đổi với Hội nghị về xu hướng phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động xuyên quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều từ các nước đang phát triển nhờ sự phổ cập số và toàn cầu hóa. Có lẽ không có ngành nào mà tốc độ phát triển nhanh đến mức chỉ trong vòng 2-3 năm không bắt kịp xu hướng thì kể cả những thương hiệu công nghệ lớn vẫn có thể phải thoái lui nhường bước cho những hãng công nghệ non trẻ. 5 năm trước đây, chắc không ai tin nổi một công ty như WhatsApp chỉ sau 5 năm hoạt động với 55 nhân viên đã được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD. Hay như chỉ một mình Nguyễn Hà Đông đã sáng tạo nên game Flappy Bird gây chấn động toàn thế giới.

“Với tốc độ đổi mới CNTT-TT hiện nay thì trong vòng 5 năm tới, những tiến bộ của công nghệ thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, 5G, IoT, điện toán sương mù (fog computing)… một lần nữa sẽ làm thay đổi sâu sắc cuộc sống con người - một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nên viễn cảnh hoàn toàn mới cho cuộc sống của con người trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để KHCN phát triển; khẳng định KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Đảng đã ban hành 02 Nghị quyết về phát triển KHCN là Nghị quyết Trung ương 2 (tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1996) và Nghị quyết số 20/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2012. Trong định hướng phát triển KHCN đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Nghị quyết 20 tiếp tục khẳng định quan điểm “phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đối với phát triển công nghệ cao, Nghị quyết 20 nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh phát triển CNTT-TT đạt trình độ quốc tế trong một số lĩnh vực có lợi thế nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT”.

“Là một trong số 4 lĩnh vực công nghệ cao, CNTT-TT luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển. Sau gần 15 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW  năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 36 là đề ra nhiệm vụ tập trung hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm; ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng tin tưởng rằng, với sự hợp tác tích cực và nỗ lực của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, ngành CNTT-TT sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu của mình, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các Nghị quyết của Đảng về phát triển và ứng dụng KHCN nói chung, CNTT-TT nói riêng.

65% kết quả nghiên cứu KHCN hàng năm được triển khai áp dụng vào SXKD

Trong giai đoạn giai đoạn 2016-2020, theo Vụ KHCN, phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ KHCN chủ yếu trong lĩnh vực TT&TT sẽ tập trung tăng cường hoạt động KHCN trong lĩnh vực TT&TT đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Bộ TT&TT gồm: Đẩy mạnh nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở nhằm nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực TT&TT phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng đồng bộ, hiện đại; đảm bảo chất lượng; an toàn thông tin… đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và hoạt động của các cơ quan quản lý; Chú trọng công tác thúc đẩy ứng dụng KHCN, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động định hướng/lựa chọn áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; hoạt động đổi mới công nghệ, mua bán, chuyển giao công nghệ và hoạt động đầu tư xây dựng, triển khai các dự án phát triển công nghệ, tạo lập thị trường KHCN; Tập trung gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất công nghiệp nhằm tiếp cận, phát triển và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, nhập khẩu từ bên ngoài, tiến tới cải tiến các sản phẩm và nâng cấp công nghệ sản xuất của Việt Nam.

Mục tiêu của giai đoạn này bao gồm nghiên cứu, hình thành được các sản phẩm được chuyển giao công nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu KHCN phục vụ triển khai dịch vụ bưu chính, viễn thông, ứng dụng CNTT ở Việt Nam; Hoạt động nghiên cứu KHCN ở cơ sở, doanh nghiệp được đẩy mạnh; kết hợp với hoạt động KHCN của Bộ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có khả năng đưa vào áp dụng, triển khai trong thực tiễn ở Việt Nam.

Đặc biệt, trên 65% kết quả nghiên cứu KHCN hàng năm được triển khai áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai vào thực tiễn mạng lưới và các chính sách quản lý nhà nước. Trên 20% kết quả nghiên cứu khoa học hàng năm được công bố tại các hội nghị, tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Có kết quả nghiên cứu khoa học được công nhận sáng kiến, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Hoàn thành việc xây dựng bổ sung trên 150 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và trên 50 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó trên 95% tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, tiến độ xác định trong các chương trình, đề án, dự án đầu tư phát triển đã được phê duyệt với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng KHCN trong lĩnh vực TT&TT.

HM

Tin nổi bật