Syndicate content

Chuyển động ngành

Nokia mất trên 50% thị phần ngay trên quê hương

Tóm tắt: 

Trong vòng 12 tháng, Nokia đã sụt giảm thị phần ngay tại Phần Lan từ 76% xuống còn 31%.

Trong vòng 12 tháng, Nokia đã sụt giảm thị phần ngay tại Phần Lan từ 76% xuống còn 31%.

Báo cáo của Taloussanomat Helsinki đã làm bất ngờ nhiều người, bởi Nokia không chỉ là thương hiệu tự hào của người Phần Lan, mà nhà sản xuất di động khổng lồ này còn có tác động lớn đến nền kinh tế nước này.

Dù thị phần sụt giảm mạnh, nhưng Nokia vẫn đứng đầu tại đây. Samsung đã có sự tăng trưởng mạnh tại Phần Lan từ 3% lên 25% trong một năm qua, Apple đứng thứ ba với 16% thị phần trong quý III, tiếp đó là Sony Ericsson và Huawei chia sẻ 11%, còn ZTE là 6%.

Hãng di động Phần Lan đang mong chờ việc các mẫu di động giá rẻ dòng Asha và chiếc Windows Phone đầu tiên Lumia 800 bán ra sẽ làm thay đổi đà giảm trên. Quý IV sẽ là mua mua sắm, đây là thời điểm hãng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tại nhiều thị trường.

Quốc Khánh

Theo Sohoa

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Vượt ông Trương Gia Bình, Orchid Fund trở thành cổ đông lớn nhất của FPT

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Công ty có trụ sở tại Singapore này đã vượt qua ông Trương Gia Bình để trở thành cổ đông lớn nhất của FPT.

(ICTPress) - Công ty có trụ sở tại Singapore này đã vượt qua ông Trương Gia Bình để trở thành cổ đông lớn nhất của FPT.

Ông Trương Gia Bình chính thức không còn ở vị trí cổ đông lớn nhất tại FPT. Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin của Ủy ban chứng khoán nhà nước, công ty Orchid Fund Private Limited vừa thực hiện mua thêm trên 2,5 triệu cổ phiếu FPT, nâng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 17.564.000, tương đương 8,13% số cổ phiếu đang lưu hành của FPT.

Như vậy, công ty có trụ sở tại Singapore này đã vượt qua Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình để trở thành cổ đông lớn nhất của FPT. Ông Bình hiện sở hữu 15.634.856 cổ phiếu, tương đương 7,24% số cổ phiếu FPT đang lưu hành.

Trước đó, ngày 26/10, Orchid Fund Private Limited đã chi trên 216 tỷ đồng để mua thỏa thuận hơn 4,3 triệu cổ phiếu FPT và trở thành cổ đông lớn.

Ngay sau đó, ngày 1/11, công ty này đăng ký mua tiếp 6,37 triệu cổ phiếu FPT từ ngày 4/11 đến 4/1/2012 theo phương thức khớp lệnh nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,9%, tương đương 21,4 triệu cổ phiếu.

Thời gian gần đây, cổ phiếu của FPT nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong tháng 11 vừa qua, cổ phiếu này đứng thứ 2 trong Top được khối ngoại mua ròng nhiều nhất.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2011, toàn Tập đoàn FPT đạt tổng doanh thu 20.709 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 2.090 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010 và hoàn thành 80% kế hoạch năm.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Frost & Sullivan: Việt Nam có tỉ lệ sử dụng 3G thấp trong khu vực

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ sử dụng 3G thấp, chỉ nhỉnh hơn so với Campuchia và kém khá xa so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

(ICTPress) - Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ sử dụng 3G thấp, chỉ nhỉnh hơn so với Campuchia và kém khá xa so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Ảnh minh họa.

Marc Einstein, Giám đốc nghiên cứu ngành ICT tại Frost & Sullivan châu Á - Thái Bình Dương mới đây đã có bài viết về 3G tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông di động tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Với mức độ phát triển thị trường như hiện nay, khó có thể tưởng tượng 5 năm trước tỷ lệ thâm nhập ĐTDĐ chỉ ở dưới mức 20%. Thị trường Việt Nam đã tăng từ 2,6 triệu thuê bao năm 2005 lên 90,7 triệu trong năm ngoái, doanh thu cũng tăng gấp 4 lần đạt 4,4 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian này.

Sự tăng trưởng ấn tượng này nhờ có các nhà khai thác mới trong nước như Viettel và EVN Telecom cũng như các nhà đầu tư nước ngoài từ Hồng Kông, Hàn Quốc và Nga cạnh tranh với những nhà khai thác hiện tại như Mobifone và Vinaphone. Môi trường cực kì cạnh tranh này đã dẫn tới việc cạnh tranh giá cước khốc liệt làm nóng thị trường và gia tăng đáng kể lưu lượng thoại.

Việt Nam cũng là một trong những thị trường đấu thầu giấy phép 3G muộn trong khu vực, vào cuối năm 2009. Các dịch vụ 3G đã được khai trương rầm rộ và truyền thông rộng rãi như là lời giải cho thị trường viễn thông di động đang quá bão hòa. 3G sẽ đóng một vai trò lớn trong việc phát triển ngành và quốc gia nói chung, song cho tới nay số thuê bao 3G tại Việt Nam đã không như mong đợi trong khi các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia đã đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng.

Tháng 7/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, sau 18 tháng triển khai dịch vụ 3G, toàn quốc đạt 8 triệu thuê bao cùng doanh thu 173 triệu USD. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ sử dụng 3G thấp, chỉ nhỉnh hơn so với Campuchia và kém khá xa so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Tỉ lệ sử dụng 3G trên tổng số thuê bao di động của từng quốc gia. Nguồn: Frost & Sullivan.

Mức sử dụng thấp này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài do những khó khăn về kinh tế và lạm phát vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, vấn đề thực chất để phát triển sử dụng 3G ở Việt Nam nằm ở cách tiếp thị dịch vụ.

Ba năm qua, dấu ấn nổi bật của thị trường viễn thông là cuộc chạy đua khốc liệt về giá cước, và gần đây lại tiếp tục được hâm nóng với việc Beeline tung ra gói cước gọi nội mạng miễn phí nhằm tìm lại thứ hạng trên thị trường.

Cuộc chiến giá cước này cũng tiếp tục tái diễn đối với thị trường 3G. Như Viettel chẳng hạn, họ đã cung cấp thiết bị truy nhập 3G không giới hạn với giá 120.000 đồng/tháng (5,74 USD). Thực tế, nếu các nhà mạng trong nước muốn khai thác kinh doanh từ mạng lưới một cách hiệu quả, họ cần chú trọng phát triển thương hiệu và giúp khách hàng nhận thấy giá trị của các dịch vụ băng rộng di động.

Song, cũng có những tín hiệu tốt. Tập đoàn VNPT sở hữu hai mạng Mobifone và Vinaphone, sẽ phải sáp nhập hai mạng này hoặc thoái vốn khỏi một trong hai công ty do luật mới không cho phép nắm giữ quá 20% cổ phần ở cả hai công ty viễn thông. Dù VNPT triển khai theo phương án nào cũng sẽ giúp giảm sức ép giá cước lên thị trường.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang trở thành điểm đến trọng yếu về sản xuất điện thoại di động. Theo Chính phủ, Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại di động đạt 3,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2011, tăng ba lần so với năm trước. Nokia dự định đóng cửa nhà máy sản xuất ở Rumani và đầu tư 200 triệu euro để mở nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi Samsung có kế hoạch sản xuất 100 triệu máy tại Việt Nam trong năm 2012. Doanh số bán điện thoại thông minh tại Việt Nam hiện tại chỉ chiếm 10% tổng doanh số ĐTDĐ, việc có các nhà máy sản xuất lớn trong nước sẽ giúp tăng nhanh tỉ lệ này.

LH

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Mạnh, yếu viễn thông Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại

Tóm tắt: 

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn quá nhiều cơ hội để đầu tư...

Thị trường viễn thông Việt Nam đang rơi vào ngưỡng khó có thể tăng tốc phát triển thuê bao, tỷ lệ doanh thu trung bình trên một thuê bao (ARPU) ngày càng giảm xuống...

Nhưng, cùng với những nhận định, đánh giá trên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn quá nhiều cơ hội để đầu tư, khai thác thị trường.

Mạnh và yếu

Tính đến cuối tháng 11/2011, số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam là 116,2 triệu thuê bao di động.

Ông Furuhashi Goro, Trưởng đại diện của công ty NTT Docomo (Nhật Bản) tại Việt Nam so sánh, Nhật Bản chỉ có 4 nhà mạng nhưng mức độ cạnh tranh khá gay gắt, trong khi ở Việt Nam, với 7 mạng viễn thông đang hoạt động, thị trường thông tin di động còn cạnh tranh mạnh mẽ, gay gắt hơn nhiều.

"Đây là điểm mạnh rất lớn của thị trường", ông Furuhashi Goro nói.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 11/2011, số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam là 116,2 triệu thuê bao di động và đây là số lượng thuê bao hoạt động thực có phát sinh cước trước trong tháng. Lượng thuê bao di động này đã bỏ xa dân số của Việt Nam.

Số lượng thuê bao di động rồi sẽ đến thời điểm bão hòa. Nhưng theo ông Furuhashi Goro, thời điểm hiện tại, thuê bao di động của Việt Nam đang phát triển rất tốt, chất lượng mạng ngày càng được cải thiện, đặc biệt mạng 3G cũng có xu hướng tốt hơn.

Nhưng không phải vì thế mà thị trường viễn thông di động không còn những khó khăn!

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ericsson Việt Nam, ông Denis Brunetti, đặt câu hỏi, 3G đã được triển khai ở Việt Nam hơn hai năm rồi nhưng tại sao tỷ lệ ARPU vẫn còn thấp, số lượng thuê bao 3G vẫn còn nhỏ và không được như mong muốn?

Cụ thể hơn, Trưởng đại diện NTT Docomo chỉ rõ, thị trường viễn thông Việt có 3 điểm yếu. Thứ nhất, thị trường vẫn chủ yếu là thuê bao trả trước, trong khi các nhà mạng lại cạnh tranh về giá để thu hút thuê bao nên tỷ lệ ARPU có xu hướng giảm xuống rõ rệt.

Thứ hai là thiếu các đối tác chiến lược (các đối tác nước ngoài trong hợp tác cổ phần hóa - PV).

Và thứ ba là thị trường di động chủ yếu tập trung vào khu đô thị lớn, trong khi đó, các khu vực về nông thôn vẫn chưa phát triển, nhất là mạng 3G mới chỉ chiếm 10%, vì thế nội dung số vẫn rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

"Nhưng điểm yếu đó cũng có thể coi là cơ hội, trong thời gian tới, mạng 3G được cải tiến thì ứng dụng 3G sẽ tăng theo. Đó chính là tiềm năng cho thị trường viễn thông di động của Việt Nam", ông Furuhashi Goro nhận định.

Theo ông Denis Brunetti, 3G tại Việt Nam có tốc độ 3G là 14Mbps, tương lai 21Mbps, 42Mbps và 84Mbps, dung lượng này đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện tại và hỗ trợ cho tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, để phát triển dịch vụ mạng 3G là làm sao người sử dụng phải thuận tiện khi truy cập vào 3G, các dịch vụ 3G phải thông suốt, đồng nhất và không phụ thuộc vào vị trí của người dùng.

"Hiệu năng mạng mới là quan trọng, chứ không phải là độ phủ sóng của mạng!", ông nói.

Hướng đi và cơ hội

Vị Trưởng đại diện của NTT Docomo đã thử đưa ra hai kịch bản cho xu hướng phát triển thị trường viễn thông Việt Nam.

Cụ thể, nếu những điểm yếu và nguy cơ như phân tích trên vẫn tiếp tục tồn tại thì ARPU có xu hướng tiếp tục giảm xuống, và khi số lượng thuê bao đạt ngưỡng bão hòa đồng nghĩa các nhà mạng sẽ tiếp tục bị giảm doanh thu.

Và kịch bản thứ hai, để ARPU tăng lên thì số lượng thuê bao phải tiếp tục tăng.

Trong kịch bản thứ hai, mặc dù không thể hy vọng tăng quá cao nhưng có thể tăng được một số lượng thuê bao nhất định nếu như nhà mạng phát triển được thêm thị trường mới và các ứng dụng mới. Chìa khóa để thực hiện chính là phát triển thêm các dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa đối với 3G.

Việc mở rộng thị trường đã bắt đầu được Công ty TNHH Ericsson Việt Nam hiện thực hóa bằng việc hợp tác với Bệnh viện Tràng An (Hà Nội) thử nghiệm thành công phương pháp chăm sóc sức khỏe từ xa qua mạng di động băng rộng đối với những bệnh như huyết áp, tim mạch...

Theo đó, người bệnh được cung cấp các thiết bị theo dõi sức khỏe của Ericsson, thông tin về tình trạng bệnh của họ được theo dõi từ xa bằng cách truyền tải thông tin qua mạng di động, từ đó các bác sỹ sẽ theo dõi, có biện pháp điều trị.

Ông Furuhashi Goro cho rằng, nhà mạng cần đẩy mạnh đầu tư phát triển thị trường khách hàng là các doanh nghiệp, vì đây là thị trường rất tiềm năng. Tại Nhật Bản, thuê bao là khách hàng doanh nghiệp chiếm khoảng 13,3% nhưng doanh thu từ phân khúc thị trường này năm 2010 lên tới 39,8%.

"Trong các năm 2009 - 2010, ARPU và thuê bao của doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng mạnh, khoảng 50%. Đây là thị trường rất tiềm năng và là xu hướng chung của thế giới chứ không chỉ mang tính đặc trưng của Nhật Bản", ông nói.

Mạnh Chung

Theo TBKTVN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Khi nhà mạng cho khách hàng làm tỉ phú

Tóm tắt: 

Có người cho rằng, các nhà mạng nhỏ buộc phải làm vậy để cạnh tranh với ba nhà mạng nắm giữ 90% thị phần. Nhưng trên thực tế, hai mạng nhỏ kể trên chỉ là “học trò” của Viettel, Vinaphone và Mobifone.

Có người cho rằng, các nhà mạng nhỏ buộc phải làm vậy để cạnh tranh với ba nhà mạng nắm giữ 90% thị phần. Nhưng trên thực tế, hai mạng nhỏ kể trên chỉ là "học trò" của Viettel, Vinaphone và Mobifone.

Beeline tung ra gói cước 1 tỉ đồng - version 2, cuối tháng 11.2011, chỉ vài ngày ngay sau khi bị cơ quan quản lý "tuýt còi" gói cước cùng giá trị mà hãng dịch vụ viễn thông này đưa ra thị trường một tháng trước. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Không được triển khai gói cước tỉ phú 1, mạng di động Beeline đưa ra gói cước tỉ phú thứ hai. Theo đó, mỗi tháng khách hàng phải trả tối thiểu 40.500 đồng để được hưởng số tiền gọi nội mạng là 270.000 đồng. Tính trong mười năm, giá trị miễn cước lên tới 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, gói cước thứ hai vẫn có dấu hiệu bán phá giá và yêu cầu Beeline phải điều chỉnh mới được lưu hành. Cuối cùng, Beeline chấp nhận mức tối thiểu hàng tháng người dùng phải trả là 66.000 đồng/phút.

Xét trên góc độ người sử dụng, các tỉ phú của Beeline chưa thật sự được ưu đãi khi mỗi ngày khách hàng Beeline phải trả 2.200 đồng để được gọi miễn phí ba tiếng nội mạng. Trong lúc đó, người sử dụng gói cước Nhân đôi giá trị Maxi Talk của mạng di động Vietnammobile, mỗi ngày tuy phải trả nhiều hơn 300 đồng, nhưng lại được gọi miễn phí nội mạng khoảng sáu tiếng và nhắn tin không giới hạn. Điều giúp khách hàng Beeline trở thành tỉ phú, là thời hạn sử dụng tới mười năm, còn khách hàng gói cước nhân đôi giá trị của Vietnammobile bắt đầu từ ngày 17.10.2011 nhưng có thể không thành tỉ phú bởi thời hạn kết thúc phụ thuộc thông báo mới của nhà mạng này.

Có người cho rằng, các nhà mạng nhỏ buộc phải làm vậy để cạnh tranh với Viettel, Vinaphone và Mobifone, ba nhà mạng nắm giữ 90% thị phần. Nhưng trên thực tế, hai mạng nhỏ kể trên chỉ là "học trò" bởi một năm trước, ba nhà mạng này đều có gói tương tự. Sự khác biệt nằm ở chỗ mức tối thiểu hàng tháng khách hàng phải đóng vào khoảng 110.000 đồng, tuỳ nhà mạng và chính sách.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dù có quy định, doanh nghiệp viễn thông không chiếm thị phần chi phối (chiếm dưới 30% thị phần) được quyền tự quyết định giá bán nhưng nếu bán giá thấp quá mức so với mức trung bình của thị trường vẫn được cho là hành vi bán phá giá. Thừa nhận chưa có văn bản nào quy định về mức cước trung bình trên thị trường viễn thông di động, ông Hải cho biết thêm, văn bản như vậy sẽ được ban hành trong năm 2012.

Để chứng minh gói cước tỉ phú không phá giá, ông Michael Cluzel, Tổng Giám đốc của Beeline Vietnam (GTEL-Mobile) khẳng định, doanh thu bình quân mỗi thuê bao (ARPU) của gói cước tỉ phú tương đương hoặc cao hơn các gói cước của các mạng di động nhỏ. Tuy nhiên, ông Cluzel không đưa ra con số cụ thể. Theo hãng nghiên cứu thị trường viễn thông quốc tế BMI công bố cho quý 2 năm nay, ARPU năm 2010 của thị trường viễn thông Việt Nam là mỗi tháng, mỗi thuê bao sử dụng khoảng 5 USD, giảm nhẹ so với mức 5,52 USD của năm 2009.

Nếu dựa theo mức này, tuy miễn cước cho các cuộc gọi nội mạng không quá mười phút, có thể thấy ba nhà mạng lớn năm ngoái vẫn thu đúng và thu đủ, như các khách hàng khác. Cũng theo quan điểm này, được tiếng cho không cả tỉ đồng, song nhà mạng như Beeline có thể không phải đánh đổi gì, xét về doanh thu trung bình. Điều lợi hơn mà nhà mạng lớn và nhỏ đều biết, chi phí tạo thêm khách hàng mới của họ gần như bằng không. Trong khi đó, dân kinh doanh thường tính toán, 70% doanh số đến từ khách hàng cũ. Và chi phí bán thêm hàng cho khách hàng cũ thấp hơn vài ba lần so với chi phí tìm kiếm một khách hàng mới.

Cũng theo báo cáo của BMI, nếu tình hình cạnh tranh không thay đổi, dịch vụ nội dung không cải thiện, thì mức ARPU có thể giảm xuống còn 3,51 USD vào năm 2015. Nếu tỷ giá từ đây đến năm 2015 không đổi, coi như gói cước tỉ phú có thể giúp Beeline ăn nên, làm ra.

Vân Oanh

Theo SGTT

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

CMC SI lọt top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Theo danh sách công bố trên trang VNR500 sáng nay 29/11, Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống CMC, thành viên Tập đoàn Công nghệ CMC đã lần đầu tiên được xếp vào Top500 Doanh nghiệp Tư nhân lớn nhất Việt Nam.

(ICTPress) - Theo danh sách công bố trên trang VNR500 sáng nay 29/11, Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống CMC, thành viên Tập đoàn Công nghệ CMC đã lần đầu tiên được xếp vào Top500 Doanh nghiệp Tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Kết quả này khẳng định tốc độ phát triển vượt bậc của một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động suy giảm.

Thành lập năm 1995, CMC SI là một trong các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh tích hợp hệ thống và có vị trí trong các giải pháp hạ tầng CNTT cũng như giải pháp chuyên ngành cho Chính phủ, Tài chính - Ngân hàng, Viễn thông, Giáo dục...

Năm nay, Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của VietNam Report (VNR Biz Database) và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về các doanh nghiệp trên toàn quốc được cập nhật đến hết ngày 31/12/2010. Để được xếp hạng trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của Doanh nghiệp phải đạt trên 600 tỷ đồng.

Cũng theo kết quả của bảng xếp hạng VNR500 2011, Tập đoàn Công nghệ CMC hiện xếp thứ 41/500 Doanh nghiệp Tư nhân lớn nhất Việt Nam và 181/500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Bảng xếp hạng VNR500 2011 đã cho thấy những biến động trong nền kinh tế Việt Nam nói chung khi khoảng 18% doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR 500 2010 bị loại khỏi VNR500 2011.

LH

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Việt Nam có doanh thu game online lớn nhất Đông Nam Á

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Doanh thu ngành game online năm 2011 của toàn Đông Nam Á đạt mức 474 triệu USD, trong đó đáng chú ý là Việt Nam là quốc gia có doanh thu cao nhất trong khu vực.

(ICTPress) - Doanh thu ngành game online năm 2011 của toàn Đông Nam Á đạt mức 474 triệu USD, trong đó đáng chú ý là Việt Nam là quốc gia có doanh thu cao nhất trong khu vực.

Một studio sản xuất game của công ty VNG. Ảnh minh họa.

Đây là thông tin vừa được Công ty phân tích thị trường game Niko Partners đưa ra trong "Báo cáo Thị trường Game khu vực Đông Nam Á 2011".

Báo cáo tập trung vào ngành game online với nhận định các game trên mạng xã hội và trò chơi trực tuyến miễn phí là những phân khúc sẽ tăng trưởng mạnh tại khu vực này.

Trong khu vực, 6 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam được đánh giá là có thị trường game online đang đặc biệt "nóng".

Trong số đó, Việt Nam là thị trường có doanh thu lớn nhất khu vực, trong khi Thái Lan có doanh thu trên đầu người cao nhất. Indonesia là thị trường hấp dẫn bởi người dân tại đây rất đam mê các trò chơi trên Facebook.

"Ngoài các thị trường đã được khai phá là Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản, 6 quốc gia Đông Nam Á này là những ngôi sao sáng mới nổi tại châu Á", đại diện của Niko Partners nói.

Dự báo, đến năm 2015, 6 thị trường mới nổi này sẽ có trên 100 triệu game thủ, và tạo ra doanh thu gần 1 tỷ USD - bản báo cáo nhận định.

Báo cáo cũng cho biết, mỗi quốc gia đều có các chính sách quy định và các chương trình cấp chính phủ liên quan đến game online, trong đó Việt Nam thi hành một chính sách quản lý chặt chẽ nhất trong số 6 nước.

Bảo Lê

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Olympic London 2012 sẽ dùng Ultra HDTV

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Ultra HDTV đánh dấu một sự thay đổi đột phá, vượt qua những chuẩn truyền hình HDTV hiện nay. Các kế hoạch đang tiến triển để Olympic Games 2012 được kịp thời truyền hình bằng UHDTV ở các địa điểm công cộng trên toàn thế giới.

(ICTPress) - Truyền hình độ phân giải siêu cao (Ultra high definition television - UHDTV) đã tiến được một bước quan trọng khi các chuyên gia của ngành đã tiến tới một sự thống nhất vào tháng 10/2011 về phần lớn các đặc điểm của chuẩn mới này cho truyền hình. UHDTV đánh dấu một sự thay đổi đột phá vượt qua những chuẩn truyền hình độ phân giải cao (High-Definition Television - HDTV) hiện nay.

Các nhà khoa học và các kỹ sư trên toàn thế giới đã làm việc với nhau trong nhiều năm trong nhóm công tác của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về dịch vụ phát hình có tên gọi ITU-R Study Group 6 để cùng phát triển và thống nhất các chuẩn công nghệ sẽ hình thành UHDTV thành công.

Hãng phát hình dịch vụ công Nhật Bản NHK đã thực hiện một trình diễn UHDTV tại ITU vào tháng 10/2011. Màn hình của loại tivi này trình diễn 33 triệu pixel, một sự sửng sốt so với tối đa 2 triệu pixcel cho các màn hình HDTV chất lượng cao nhất hiện có.

Vào tháng 9/2011, một kết nối UHDTV thử nghiệm đã được thực hiện giữa London và Amsterdam và các kế hoạch đang để kịp thời truyền hình sự kiện Thế vận hội London 2012 (Olympic Games 2012) bằng UHDTV ở các địa điểm công cộng trên toàn thế giới.

Chủ tịch của Ban công tác ITU trong Nhóm công tác dịch vụ phát hình , ông David Wood, cho biết: “Mối quan hệ” mà người xem có cùng với việc xem truyền hình được kết nối tới việc trải nghiệm hình ảnh và chất lượng âm thanh toàn diện. Chất lượng cực cao của UHDTV đã có một tác động rõ ràng tới phong cách sống và cam kết của chúng ta với các chương trình mà chúng ta xem”.

Chủ tịch Nhóm nghiên cứu dịch vụ phát hình Christoph Dosch cho biết: “UHDTV hứa hẹn mang lại một trong những thay đổi lớn nhất tới truyền thông âm thanh – nghe nhìn và phát hình trong những thập kỷ gần đây. Công nghệ thực sự quan trọng để chuyển đổi trải nghiệm truyền thông xem-nghe”.

Tổng thư ký ITU TS. Touré lạc quan ngày UHDTV sẽ trở thành hiện thực: “UHDTV sẽ tạo ra sự trải nghiệm ấn tượng cho người xem và sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh và tiếp thị mới”.

Việt Anh

Theo ITU

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Steve Jobs hồi âm email khách hàng nhanh như thế nào?

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Sự tích cực hồi âm email của Steve và danh tiếng đi kèm với việc làm đó khiến hộp thư điện tử của Jobs trở thành mục tiêu hàng đầu để khách hàng tìm đến... Cách tiếp cận này càng làm Steve trở nên “danh bất hư truyền” và tăng thêm khách hàng cho Apple.

(ICTPress) - Bài báo dưới đây là phần đầu trong 3 phần của cuốn sách điện tử mới ra mắt "Những bức thư gửi Steve: Bên trong hộp thư điện tử của Steve Jobs" do Mark Milian nhà báo chuyên viết mảng công nghệ của CNN chắp bút.

Sự tích cực hồi âm email của Steve và danh tiếng đi kèm với việc làm đó khiến hộp thư điện tử của Jobs trở thành mục tiêu hàng đầu để khách hàng tìm đến.

Trong số các giám đốc điều hành, Steve Jobs là một trường hợp ngoại lệ. Trong khi phần đông CEO của các công ty đại chúng thiên về điều hành thì Jobs lại tham gia vào các chi tiết thực tế, từ việc xác định lĩnh vực nào Apple sẽ thâm nhập cho tới vật liệu để chế tạo màn hình iPhone.

Jobs thậm chí còn trực tiếp tham gia vào dịch vụ khách hàng, điều mà ông coi trọng như là một phần hoạt động kinh doanh của Apple và dành nhiều tâm sức. Ít ai biết Job còn đích thân trả lời các thư điện tử thắc mắc về máy tính xách tay bị hỏng và xen vào các cuộc gọi hỗ trợ.

Ngược lại, một đại diện của AT&T, đối tác phân phối iPhone lâu năm của Apple đã dọa một khách hàng “dám” hai lần gửi thư đến Giám đốc điều hành Randall Stephenson (AT&T) phàn nàn về việc tăng giá bằng một thông báo cắt dịch vụ lạnh lùng.

Khác với nhiều lãnh đạo, Jobs không chỉ xử lý vô vàn những yêu cầu dịch vụ khách hàng đơn giản nhất mà ông còn can thiệp vào một số tình huống của Stephenson kể từ khi AT&T và Apple trở thành một liên minh cùng chung chiến hào với các sản phẩm iPhone và iPad.

Vào năm 2008, một khách hàng đã hỏi Jobs qua thư điện tử rằng tại sao những người sở hữu BlackBerry có thể kết nối điện thoại của họ tới máy tính để truy cập Internet không dây mà iPhone lại không thể làm được. Jobs đã trả lời nhã nhặn: "Chúng tôi đồng quan điểm và đang thảo luận với AT&T ". Rốt cuộc tính năng này đã xuất hiện.

Khi được hỏi về khả năng kết nối iPhone với iPad trên mạng AT&T, Jobs chỉ trả lời ngắn gọn “Không!”

Jobs cũng từng an ủi một khách hàng của AT&T khi anh này bày tỏ sự thất vọng vì AT&T dừng triển khai kế hoạch dữ liệu không giới hạn: “Tôi nghĩ mọi việc đang diễn ra suôn sẻ đối với hầu hết khách hàng. Anh thử lại xem", song Jobs lại tỏ ra kém nhiệt tình với khách hàng khác cũng có thắc mắc tương tự: “Đó là việc của anh và AT&T"

Sự tích cực hồi âm email của Steve và danh tiếng đi kèm với việc làm đó khiến hộp thư điện tử của Jobs trở thành mục tiêu hàng đầu để khách hàng tìm đến những mong vượt qua hàng tá những người giám sát để được thay những chiếc máy tính hỏng và hưởng tín dụng ưu đãi cho những dịch vụ chưa tốt. Cách tiếp cận này càng làm Steve trở nên “danh bất hư truyền” và tăng thêm khách hàng cho Apple.

Apple đã lưu tâm và chuyển những nội dung thư thành dữ liệu quan trọng để dùng nội bộ với các bằng chứng là khiếu nại của khách hàng về ứng dụng MobileMe và dịch vụ Internet yếu kém được thể hiện dưới dạng biểu đồ.

Ít ai biết nhiều năm trước đây Jobs đã gắn bó một cách lạ thường với việc giải quyết các khiếu nại của khách hàng. Ngày 11/10/1999, không lâu sau khi Jobs trở lại một công ty đang xuống dốc và giữ chức Giám đốc điều hành tạm thời, ông đã không nề hà giải đáp thắc mắc từ một khách hàng tên là David về tình trạng hết hàng máy tính xách tay iBook.

"Chúng tôi đang cố gắng đến mức có thể với một nguồn cung hạn chế.”

Có hàng tá những câu chuyện lưu truyền trên mạng về những lần khách hàng gửi thư cho Jobs và ngay lập tức nhận được điện thoại từ nhóm hỗ trợ điều hành và rồi nhận được một kết quả vượt xa sự mong đợi. Vào năm 1999, một khách hàng kể lại sau khi ông gửi mail cho Jobs thì nhận được cuộc gọi từ nhóm Quan hệ lãnh đạo bí mật, ngay lập tức máy tính để bàn của ông được sửa chữa.

Năm 2001, một sinh viên lập trình đã kể lại câu chuyện được Apple hỗ trợ mặc dù câu ta làm rơi ổ cứng kết nối với máy tính xách tay gây ra hỏng hóc và Apple không giải quyết những trường hợp do lỗi khách hàng. Sau  khi gửi thư cho Giám đốc điều hành, cậu sinh viên đã nhận được cuộc gọi từ một trong những đồng sự của Job đặt một số câu hỏi và rồi ôn tồn giải thích rằng cậu ta chưa đủ điều kiện để được bảo hành miễn phí.

Tuy nhiên, một tháng trôi qua sau khi mang máy tính đi sửa cậu sinh viên vẫn không thấy  hóa đơn của Apple gửi về. Anh chàng này đã kể lại trên một diễn đàn: “Tôi đã liên lạc với đội trợ giúp và họ cho biết khoản phí đã được một người ở vị trí cao hơn quyết định miễn. Steve chắc hẳn đã đồng ý với tôi."

Jobs không phải lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng mong muốn của khách hàng và ông ấy hẳn nhiên không tin câu châm ngôn: "khách hàng luôn luôn đúng."

Ví dụ, vào năm 2008 một khách hàng phàn nàn Apple đã không thực hiện đúng bảo hành cho  máy tính của anh ta. Sau đó, anh ta nhận được hồi âm của Jobs như sau: "Lỗi này là do chiếc  MacBook Pro bị nước ngấm vào. Đây là những thiết bị chuyên nghiệp và chúng không chịu được nước. Dường như anh chỉ đang mong tìm ai đó để xả cho hả giận thay cho bản thân."

Jobs thường không nhấc điện thoại để trao đổi với khách hàng nhưng chí ít đã có một khách hàng của Apple tên là Scott Steckley đã nhận được cuộc gọi của Jobs sau khi gửi thư than phiền rằng dường như anh ta đang chờ đợi chiếc máy tính của mình được sửa chữa trong vô vọng.

"Chào Scott, đây là Steve," Steckley nhớ lại giọng Steve nghe từ đầu dây bên kia.

"Steve Jobs?" Scott hỏi.

"Yeah", Jobs nói. "Tôi chỉ muốn xin lỗi vì đã để ông chờ đợi quá lâu. Thực ra không phải lỗi của ai cả. Đó chỉ là sự ngẫu nhiên thôi."

"Vâng, tôi hiểu."

Sau đó, Jobs giải thích rằng ông đã cho sửa ngay. "Tôi cũng muốn cảm ơn ông đã ủng hộ Apple", Jobs nói. "Tôi biết ông đang sở hữu mấy thiết bị. Điều làm tôi thực sự vui mừng là được nhìn thấy ai đó ưa chuộng sản phẩm của chúng tôi và ai đó ủng hộ chúng tôi trong khó khăn cũng như thuận lợi."

Thùy Minh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Ciber-CMC là đối tác vàng của SAP

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Với chứng nhận đối tác vàng, Ciber-CMC có thể cung cấp được các sản phẩm và giải pháp phần mềm đạt chất lượng quốc tế gồm các dịch vụ trọn gói từ tư vấn, thực hiện, triển khai, đào tạo và hỗ trợ cho các giải pháp của SAP (ERP, CRM, BO, BI/BW…) tại Việt Nam.

(ICTPress) -  Công ty Liên doanh Ciber-CMC, thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC vừa trở thành  Đối tác vàng (Gold Partner) tại thị trường Việt Nam của SAP Channel Partner Services thuộc chương trình SAP PartnerEdge.

Với chứng nhận mới này, Ciber-CMC có thể cung cấp được các sản phẩm và giải pháp phần mềm đạt chất lượng quốc tế cho những khách hàng của mình, bao gồm các dịch vụ trọn gói từ tư vấn, thực hiện, triển khai, đào tạo và hỗ trợ cho các giải pháp của SAP (ERP, CRM, BO, BI/BW…) tại Việt Nam.

Đại diện Ciber-CMC cho biết: “Đạt được chứng nhận của SAP đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tập trung cao độ và không ngừng nâng cao chất lượng. Các điều kiện để trở thành đối tác vàng của SAP bao gồm: các bộ chứng chỉ chuyên ngành đặc biệt, đội ngũ chuyên gia tư vấn và dịch vụ chuyên nghiệp, hiệu quả kinh doanh và các hoạt động marketing, ngoài ra phải kể đến cả mức độ hài lòng của khách hàng với những sản phẩm và dịch vụ do Ciber-CMC cung cấp.”

Trở thành đối tác chính thức từ năm 2008, sự kiện Ciber-CMC được công nhận là Đối tác vàng của SAP đã chứng thực năng lực của đội ngũ chuyên gia Ciber-CMC và  khẳng định vai trò của Ciber-CMC trong lĩnh vực tư vấn và triển khai các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á. 

SAP Channel Partner Services là một kênh thông tin uy tín của Chương trình SAP PartnerEdge. Chương trình này sẽ trao giải thưởng, nâng hạng logo, đào tạo, chứng nhận sản phẩm, cấp chứng chỉ dựa trên Chất lượng dịch vụ/sản phẩm, sự hài lòng của khách hàng... cho các thành viên SAP.

LH

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành