249 thí sinh dự thi Tin học trẻ toàn quốc 2015

(ICTPress) - Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXI năm 2015 sẽ được tổ chức từ ngày 30/7/2015 - 1/8/2015 tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tham dự Hội thi lần này có 49 đơn vị tham gia, với 249 thí sinh. Đây là số lượng thí sinh cao nhất trong 21 lần tổ chức, các em đã vượt qua hàng trăm nghìn thí sinh dự thi cấp tỉnh để về tham dự Hội thi Toàn quốc.

Hội thi tin học trẻ lần thứ XX năm 2014 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội

Trong 249 thí sinh dự thi, có 50 học sinh Tiểu học (bảng A), 52 học sinh THCS (bảng B, 90 học sinh THPT (bảng C), 24 thí sinh dự thi PMST (bảng D), 39 học sinh dự thi lập trình phần cứng (bảng E). Trong số 249 thí sinh có: 206 thí sinh nam, 43 thí sinh nữ; có 4 thí sinh nhỏ tuổi nhất (học sinh lớp 4); 7 thí sinh là người dân tộc thiểu số. Có 222 thí sinh dự thi lần đầu, 22 thí sinh dự thi lần thứ hai, 5 thí sinh dự thi lần thứ ba và 06 thí sinh dự thi 2 bảng.

Hội thi năm nay 3 phần thi: Cá nhân (bảng A - học sinh Tiểu học, bảng B - học sinh THCS, bảng C - học sinh THPT), Phần mềm sáng tạo (bảng D2 - học sinh THCS, bảng D3 - học sinh THPT) và Lập trình phần cứng (bảng E2 - học sinh THCS, bảng E3 - học sinh THPT).

Về chấm sơ khảo bảng D và bảng E, Ban Tổ chức Hội thi cho biết đã nhận được 100 sản phẩm sáng tạo (bảng D và bảng E) đăng ký dự thi của 23 đơn vị, trong đó có 41 sản phẩm bảng D2, 27 sản phẩm bảng D3, 9 sản phẩm bảng E2 và 23 sản phẩm bảng E3. Hội đồng chấm Sơ khảo đã chọn 31 sản phẩm xuất sắc nhất (bảng D2: 07 SP, D3: 08 SP, E2: 06 SP, E3: 10SP) để tham dự vòng chung khảo Hội thi toàn quốc.

Đánh giá chung về các sản phẩm dự thi bảng D và bảng E, Ban giám khảo cho biết chủ đề của các sản phẩm đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, giải trí và môi trường. Công nghệ được sử dụng trong các sản phẩm dự thi khá đa dạng và cập nhật. Các công nghệ hỗ trợ lập trình nhúng và lập trình trên các thiết bị di động với nền tảng các hệ điều hành iOS, Android, Windows phone được nhiều thí sinh sử dụng. Có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn cao, đặc biệt một số sản phẩm bảng E có thể ứng dụng được trong thực tiễn. Số sản phẩm dự thi bảng D2 và D3 tương đương với năm 2014, còn bảng E tăng gấp đôi so với năm 2014.

Những điểm mới của Hội thi 2015

Các học sinh dự thi Bảng A (Thi cá nhân cấp Tiểu học): Ngoài lập trình LOGO, tạo tệp trình diễn đã thi năm 2014, còn dự thi nội dung thi trắc nghiệm kiến thức cơ sở về CNTT, tư duy suy luận logic.

Ở Bảng D (Phần mềm sáng tạo): cấp Tiểu học không dự thi. Bảng D2 (cấp THCS) khuyến khích làm phần mềm sáng tạo với chủ đề “Ứng dụng phục vụ học tập, giải trí”, Bảng D3 (cấp THPT) khuyến khích “Lập trình trên nền Google Android, iOS, Windows Phone cho các thiết bị di động”.

Thí sinh dự thi Bảng E (Lập trình phần cứng) được cung cấp bo mạch để triển khai đề tài (không giới hạn chủ đề), trong đó Bảng E2 (cấp THCS) sử dụng bo mạch tương tự bo mạch Arduino Pro Mini do Công ty DTT hỗ trợ, Bảng E3 (cấp THPT) sử dụng bo mạch Intel Galileo do Công ty Intel Việt Nam hỗ trợ.

Theo báo cáo của các đơn vị, năm nay số lượng thí sinh dự thi ở nhiều Hội thi cấp tỉnh, thành tăng hơn các năm trước, như: Cà Mau (243 thí sinh), Đà Nẵng (568 thí sinh), Thừa Thiên - Huế (351 thí sinh), Bình Thuận (268 thí sinh), Nghệ An (210 thí sinh), Kiên Giang (167 thí sinh), Vĩnh Long (267 thí sinh),... Một số tỉnh, thành đã tiến hành tổ chức Hội thi cấp huyện, cụm, điển hình như: TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi cấp thành phố với 538 thí sinh được chọn từ 3.000 thí sinh của vòng thi cụm – các thí sinh này được chọn từ hơn 3.500 thí sinh tham gia vòng thi sơ khảo trực tuyến (thời gian tổ chức Hội thi từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2015); tỉnh Nghệ An, có 210 thí sinh tham dự được chọn lựa từ hơn 2.000 thí sinh tham gia ở Hội thi cấp huyện. Về phần mềm sáng tạo, số lượng và chất lượng cũng được tăng cao, tiêu biểu nhất là TP. Đà Nẵng, với 151 sản phẩm (cao nhất trong 18 lần tổ chức Hội thi của thành phố), trong đó nhiều phần mềm sử dụng công nghệ mới có khả năng ứng dụng vào thực tế,…

Hội thi được tổ chức tại các tỉnh được Ban Tổ chức đánh giá nghiêm túc, chặt chẽ, thực hiện đúng theo Thể lệ, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ như: Bắc Kạn, Bình Thuận, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Nông... Nhiều tỉnh gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, nhưng đã cố gắng tổ chức Hội thi ở địa phương và đăng ký tham dự Hội thi toàn quốc như: Bắc Kạn, Ninh Thuận, Bình Phước,... Bên cạnh đó, một số tỉnh do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất cũng như số lượng, trình độ tin học của học sinh còn hạn chế nên không tổ chức được Hội thi tại địa phương, không đủ điều kiện tham gia Hội thi toàn quốc, như: Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Phú Thọ,...

Về công tác phối hợp tổ chức Hội thi tại địa phương, các tỉnh, thành Đoàn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Tin học... để tổ chức, triển khai tốt Hội thi.

Hội thi sẽ được khai mạc vào sáng 31/7 và tổng kết và trao giải thưởng Hội thi vào ngày 1/8. Bên cạnh đó, hội thi cũng tổ chức Triển lãm sản phẩm sáng tạo bảng D, E.

Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 1995. Hội thi là cuộc thi tài có quy mô lớn nhất và truyền thống lâu năm nhất trong lĩnh vực tin học cho thanh thiếu nhi, nhằm tạo ra phong trào học tập, ứng dụng CNTT một cách rộng rãi trong thanh thiếu nhi cả nước, góp phần thiết thực vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trẻ cho đất nước.

QA

Tin nổi bật