Vũ Hán - những khoảnh khắc bình yên

(ICTPress) - Vừa rồi nghe đài truyền hình thông tin một đội tuyển thể thao của Việt Nam đi tập huấn ở Vũ Hán đã làm tôi nhớ Vũ Hán cồn cào. Tôi đã có thời gian theo học một lớp ngắn hạn được tổ chức tại Vũ Hán.

Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là thành phố đông dân nhất ở miền Trung Trung Quốc. Thành phố nằm ở ngã ba sông Dương Tử và sông Hán (Hán Thủy). Vũ Hán hiện nay là một trung tâm quan trọng về kinh tế, thương mại, tài chính, vận tải, công nghệ thông tin, và giáo dục ở miền Trung Trung Quốc.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày học hành, vui vẻ, lang thang ở Vũ Hán như thước phim chạy chậm.

Hoàng Hạc Lâu - đệ nhất phong cảnh trần gian

Đến Vũ Hán mà không đến Hoàng Hạc Lâu thì chuyến đi sẽ không gọi là đến Vũ Hán. Điểm du lịch này không nằm trong chương trình của lớp học nên tôi đã rất mong ngóng đến ngày cuối tuần để được đến điểm du lịch này. Đi đến Hoàng Hạc Lâu bằng xe buýt mất 30 phút và 4 tệ. Tôi sẽ kể với bạn đọc hơn một chút về Hoàng Hạc Lâu, bởi nó là biểu tượng của Vũ Hán và cũng là một thắng cảnh nối tiếng của Trung Quốc.

Hoàng Hạc Lâu - biểu tượng của thành phố Vũ Hán
Quang cảnh Vũ Hán nhìn từ Hoàng Hạc Lâu

Hoàng Hạc Lâu được xem là “đệ nhất phong cảnh dưới trần gian”, một trong những Lầu nổi tiếng nhất ở phía Nam sông Trường Giang. Nét đặc trưng văn hoá hay truyền thuyết của Hoàng Hạc Lâu đã làm cho nó trở thành biểu tượng của thành phố Vũ Hán.

Theo truyền thuyết, Hoàng Hạc Lâu được một gia đình bán rượu có tên là Lão Tân xây dựng. Thời xa xưa có một thầy tu đạo Lão mặc một bộ quần áo đã sờn đến quán rượu nhà Lão Tân và hỏi xin rượu. Lão Tân không chút mảy may chú ý đến ông thầy tu, nhưng cậu con trai tốt bụng đã cho rượu mà không lấy tiền. Sau đó, thầy tu đã liên tục trở lại viếng thăm quán rượu và đến một ngày, muốn trả ơn sự tốt bụng, ông đã vẽ một con hạc trên tường ngôi nhà bán rượu. Con hạc này có thể nhảy theo điệu khi có ai yêu cầu. Khi người dân Vũ Hán biết được điều thú vị đầy ngạc nhiên này đã đổ đến nhà Lão Tân để xem hạc nhảy. Gia đình Lão Tân trở nên giàu có nhờ bán vé xem và xây Lầu Hoàng Hạc Lâu để tỏ lòng cám ơn thầy tu.

Cũng tương truyền rằng Lầu Hoàng Hạc được xây dựng vào thời Tam Quốc trên ngọn núi ven sông này trước hết là do có nhu cầu về quân sự, song về sau dần dần trở thành danh lam thắng cảnh thu hút văn nhân đến kết bạn, viết văn, ngâm thơ và ngắm cảnh tại đây. Sau khi bước lên Lầu Hoàng Hạc thưởng thức phong cảnh, nhà thơ Đường Thôi Hạo đã viết nên bài thơ lưu danh thiên cổ. Sau đó nhà thơ Lý Bạch cũng đặt chân lên Lầu Hoàng Hạc và nảy ý thơ, giữa lúc ông đang dự định cầm bút viết thơ thì nhìn thấy bài thơ của Thôi Hạo và cảm thấy xấu hổ bởi thơ của mình không thể sánh kịp thơ của Thôi Hạo. Chính do có câu chuyện lý thú kể trên, từ đó Lầu Hoàng Hạc càng có tiếng tăm nhiều hơn.

Bức tranh gốm về Hoàng Hạc Lâu

Hoàng Hạc Lâu được xếp là một trong 40 điểm hấp dẫn khách viếng thăm nhất ở Trung Quốc. Mỗi tầng của Hoàng Hạc Lâu thể hiện một chủ đề. Tầng thứ nhất là về nguồn gốc ra đời Lầu Hoàng Hạc. Chính giữa tầng 1 lên đến tận tầng 2 là một bức tranh gốm dài 9m và rộng 6m, thể hiện con sông Trường Giang, những làn mây lững lờ với những con hạc bay ngang trời. Tất cả biểu hiện một sự lãng mạn kiểu trên thiên đường. Tầng thứ ba thể hiện những bài thơ được viết về Hoàng Hạc Lâu và năm mô hình Lầu Hoàng Hạc ở vào những triều đại nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ. Lên đến đỉnh Hoàng Hạc Lâu có thể ngắm toàn cảnh con sông Trường Giang, cây cầu bắc qua và những toà nhà ở thành phố Vũ Hán hiện hữu xa xa pha chút sương khói. Đứng trên đỉnh Hoàng Hạc Lâu, tôi cảm giác như được bay bổng, mát lạnh, như thấy gió nhảy múa trên người, trên tóc.

Phía trước Lầu là bức phù điêu một con rùa cõng rắn và hai con hạc. Hình ảnh này nói đến một truyền thuyết nữa về lầu Hoàng Hạc là con rùa cõng rắn là một phương thức trị thuỷ con sông Trường Giang xa xưa.

Anh bạn đồng nghiệp đến Vũ Hán trước tôi 1,5 tháng đã tới đây 3 lần và lần này là thứ tư nhưng nói lần nào cũng vẫn tìm ra cái gì đó mới lạ. Anh có nhận xét Hoàng hạc lâu tuy đã xây dựng lại nhiều lần nhưng sau mỗi lần xây dựng, nó to lớn hơn và càng cổ kính hơn. Và mỗi lần đến anh luôn sung sướng cảm nhận được sự êm đềm nơi đây cũng như thời gian ở Vũ Hán.

1/6 - Tết của người lớn

Thứ 7 đầu tiên ở Vũ Hán, tôi cùng hai đồng nghiệp công tác ở cùng cơ quan Bộ nhưng bất ngờ gặp nhau ở Vũ Hán - nói bất ngờ là vì chúng tôi không biết nhau trước đó dù làm việc tầng trên tầng dưới, không đi cùng chuyến và cũng học khác lớp - một bạn Afganishtan cùng một nhóm bạn Trung Quốc dẫn đi chơi công viên Đông Hồ (East Lake). Một công viên rộng khoảng 2.600m2.

Tôi thích nhất một đặc điểm ở Vũ Hán là có những hồ lớn. Đi ngang đi tắt kiểu gì cũng ra đến hồ. Ở công viên Đông Hồ có đủ thứ trò chơi và trò nào chúng tôi cũng thử. Tôi đã vô địch ném bowling gỗ và dành được một con thú bông cực to. Đến trò đi thuyền trong hang động toàn quái vật, chúng tôi đã la hét đầy phấn khích. Trò đạp bóng nước trên hồ và lộn tùng phèo khiến chúng tôi càng kích động hơn. Sau này khi về Hà Nội tôi mới biết tên chính xác của trò chơi này là “Đạp bóng nước” nhưng không dám chơi lại nữa vì thấy toàn trẻ con chơi và ở một hồ cái bé xíu. Trò đua xe công thức 1, đạp xe đạp 4 người, bơi thuyền cũng làm chúng tôi thích thú...

"Đạp bóng nước" ở công viên Đông Hồ

Khi chơi đã chơi đến mệt nghỉ, tôi chợt nhớ ra chúng tôi đã đi chơi đúng ngày 1/6, ngày quốc tế Thiếu nhi. Nhìn xung quanh lúc ấy mới ngỡ ra toàn thấy các gia đình cho trẻ em đi chơi. Trong cái không gian ấy ngẫu nhiên mà có mấy cán bộ đi học ầm ỹ và náo loạn bất cứ điểm nào có mặt ở Đông Hồ.

Tuy nhiên, nếu bạn không đến Vũ Hán vào ngày 1/6 bạn cũng vẫn hãy dành thời gian đến Đông Hồ và thử nhiều trò chơi bởi bạn sẽ không bị “soi” là đang chơi một số trò của con trẻ đâu.

Lê la ở các địa điểm công cộng

Tôi thích nhất những buổi đi bộ, có lúc là một mình, có lúc mấy mình. Tôi có thể đi bộ lang thang hàng giờ, đặc biệt là vào những lúc sau buổi học chiều. Lang thang vào giờ đó rất thích, vì là giờ cơ thể sẵn sàng cho thể thao, giờ thoát khỏi công việc của cả một ngày, giờ bay bổng nhìn ngắm tự do mà không vội vàng. Tôi cứ đi như thế hàng ngày trong hai tuần vào các buổi chiều sau lớp học.

Quảng trường và bồ câu vào mỗi buổi tối

Tôi đặc biệt thích đi bộ ra quảng trường cách chỗ ở và học gần 2 km và ngồi đó lê la hàng giờ không chán. Một quảng trường mà tôi nghĩ bất cứ ai ở Hà Nội cũng mong ước có một khoảng không rộng rãi đến thế. Tôi thích ra quảng trường vào những buổi tối vì được ngắm những con người từ già tới trẻ thư thái, thoải mái đón gió, ngồi lê trên những lan can đá, cho chim bồ câu ăn và những chú chim bồ câu tự nhiên đậu trên tay, vai, ngắm những bức tranh do các em nhỏ vẽ được trưng bày thành hàng dài nhưng mọi người trật tự ngắm mà không hề chạm đến ngón tay. Đến 9h tối, giờ nhạc nước được bắt đầu, những cô bé, cậu bé học phổ thông cứ chạy săm sắp lại gần đến lúc nước phun mạnh lên trời cao lại chạy tóe ra, hét lên thích thú. Người lớn cũng không khỏi thú vị và say mê ngắm và chụp lưu lại những khoảnh khắc với những ngọn nước màu sắc.

Lúc trở về Việt Nam rồi chợt nhớ một điều thú vị là hôm đầu tiên và hôm cuối ở Vũ Hán, tôi đều lang thang ra quảng trường, thưởng thức cái không khí nhẹ nhõm, thanh bình đến kỳ lạ.

Hôm tôi trở về Việt Nam cũng là vào một ngày chủ nhật. Trời mưa! Trời mưa sập sập! Nhìn những dòng nước mưa cứ xối xả qua những vòm kính rộng ngút ở sân bay Vũ Hán - Quảng Châu mà thấy nao nao.

Linh@

Tin nổi bật