Syndicate content

Chuyện dọc đường

Câu chuyện đằng sau việc Marissa Mayer trở thành CEO Yahoo

(ICTPress) - Marissa Mayer đã kể câu chuyện tại sao cô trở thành CEO của Yahoo, mặc dù lúc đó Mayer đang mang thai.

Câu chuyện này nằm trong một phần của cuốn sách “Chỗ dựa” của Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebook, kêu gọi phụ nữ kể về những thành công trong cuộc sống và công việc.

Ngày 18/6/012, Mayer đã nhận được một cuộc điện thoại với nội dung: “Tôi sẽ được mời làm CEO của công ty tìm kiếm. Đây là công ty nằm trong Fortune 500 và trong không gian khách hàng Internet, ở thung lũng Silicon - thậm chí không phải di chuyển. Đây là công việc phù hợp với bạn. Ban điều hành đang hỏi ý kiến. Bạn có thấy thú vị? Đó là Yahoo”.

Merrisa cho biết cô luôn nhận được những cuộc gọi tương tự trước đó, và luôn tắt máy đi. “Nhưng lần này là Yahoo, và điều đó thay đổi mọi thứ, bởi vì Yahoo là công ty hình thành Internet”, Mayer cho biết.

Dù thấy hấp dẫn với công việc, nhưng Mayer e ngại vì đang mang thai.

“Sau 13 năm làm việc chăm chỉ ở Google, tôi sẽ nghỉ sinh 6 tháng. Nếu trở thành CEO Yahoo, thì không thể nghỉ dài đến thế”, Mayer cho biết.

Mayer quyết định cắt ngắn thời gian nghỉ và nhận công việc.

Để đảm nhiệm vai trò của CEO, và đồng thời sinh con, Mayer nhận thấy “sẽ không còn nhiều thời gian vì công việc mới và gia đình nhưng tôi đã quyết định sẽ ổn thôi bởi vì gia đình và công việc thực sự có ý nghĩa đối với tôi”.

Ngày 11/7/2012, Mayer nhận được một cuộc gọi khác: “Hãy mỉm cười. Cô là CEO tiếp theo của Yahoo”.

Mayer biết sẽ là một thách thức nhưng “những khởi đầu mới - chuyên môn, cá nhân hay cái gì đó luôn không hài lòng, nhưng sẽ mở ra con đường để phát triển. Cuối cùng chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn chúng ta nghĩ”.

Trong khi đây là một câu chuyện cảm hứng, chúng ta nên biết Mayer đã ở vào vị trí duy nhất. Mayer có thể làm một phòng riêng cho trẻ trong văn phòng của mình. Và cô là một triệu triệu phú từ những ngày ở Google. Đảm nhận một cương vị mới, thách thức không phải luôn là một lựa chọn đối với phụ nữ chuẩn bị sinh con.

Tuy nhiên, tinh thần của câu chuyện là: không e ngại ngại bước ra khỏi khu vực an toàn khi có các cơ hội một lần trong đời xuất hiện.

T. Dương

Đà Nẵng đón chào hai cây cầu “độc” bắc qua sông Hàn

(ICTPress) - Sáng nay 29/3, Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khánh thành Cầu Rồng và Cầu Trần Thị Lý - hai chiếc cầu thuộc hạng độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng khánh thành tuyến cáp treo số 3 tại Khu Du lịch Bà Nà - nơi đã lập nhiều kỷ lục thế giới và khu vực về cáp treo.

Đến dự Lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, các đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương và Thành phố, cán bộ hưu trí và đông đảo bà con nhân dân.

Cầu Rồng - Tác phẩm mỹ thuật của thép

Cầu có hình dáng con rồng đang lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông. Cầu Rồng được khởi công xây dựng tháng 7/2009 với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Cầu dài 666m, rộng 37,5 m với kết cấu nhịp chính gồm 5 nhịp liên tục dài 592 m dạng vòm ống thép có khẩu độ từ 90 - 160m.

Cầu Rồng

Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Hiện Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục để đăng ký kỷ lục Guiness cho Con Rồng thép lớn nhất thế giới này.

Cầu Trần Thị Lý - Cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh

Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, kết cấu dây và tháp nghiêng đầu tiên ở Việt Nam, với kinh phí xây dựng tương đương Cầu Rồng. Cầu có chiều dài 680,5 m, rộng 30,5 m.

Cầu Trần Thị Lý

Điểm nhấn độc đáo của cầu và cũng là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam chính là giữa cầu có tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt cầu. Bên trong tháp trụ chính này được thiết kế hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh Đà Nẵng.

Ngoài 2 công trình trên, trước đó Đà Nẵng cũng đã có các chiếc cầu thuộc dạng độc đáo của Việt Nam, đó là:

Cầu Sông Hàn - Cây cầu sứ mệnh “mở đường” để Đà Nẵng xây thêm những chiếc cầu độc đáo khác

Được khánh thành vào năm 2000, cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m. Đây là cầu quay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Cầu Sông Hàn đã được công nhận là “Công trình chất lượng tiêu biểu 5 năm 2001 - 2005”, là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của du khách.

Cầu Cẩm Lệ - Cầu đúc hẫng đầu tiên tại miền Trung

Đây là cây cầu được xây dựng từ năm 2001, thi công theo công nghệ đúc hẫng - một công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 399m, rộng 14,5m. Thời gian gần đây, rất nhiều cầu trên cả nước đã triển khai công nghệ đúc hẫng này.

Cầu Thuận Phước - gắn với các kỷ lục công nghệ làm cầu ở Việt Nam

Khánh thành vào năm 2009, với tổng kinh phí đầu tư gần 1000 tỷ đồng.

Cầu Thuận Phước dài 1.855m, rộng 18m, là cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam. Cầu treo dây võng với kiến trúc độc đáo, áp dụng nhiều công nghệ thi công hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam.

Với chiều dài chưa đến 9km từ Quốc Lộ 1A đến cửa biển Thuận Phước, hiện đã có 10 chiếc cầu bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng của Đà Nẵng. Đôi bờ ngày càng như xích lại gần nhau hơn vì sự xuất hiện của những chiếc cầu tạo nên điểm nhấn ấn tượng.

Mỗi chiếc cầu là một công trình nghệ thuật, với những kiến trúc đa dạng và độc đáo được kết tinh từ tinh thần lao động sáng tạo và niềm say mê cống hiến của Lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Trịnh Quang

Trò chuyện với các tác giả sách “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 - 2010”

“Chúng tôi không có tham vọng khái quát toàn bộ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại đa dạng ở Việt Nam thời gian qua… Khó có thể khẳng định những gì còn đang là vấn đề thời sự mới mẻ của nghệ thuật. Chúng tôi chỉ cố gắng đưa ra một vài đặc điểm và nhận định ban đầu còn mang tính nhất thời của nghệ thuật".

Bùi Như Hương và Phạm Trung - hai nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật từng có rất nhiều bài viết về mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại - đã khiêm tốn nói về cuốn sách của chính họ có tựa đề "Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 - 2010".

Cuốn sách đưa ra một cái nhìn khái quát nhưng chi tiết về nghệ thuật đương đại Việt Nam dựa trên lý lịch nghệ thuật của 26 nghệ sỹ. Sau khi phiên bản tiếng Anh ra mắt năm 2012, cuốn tiếng Việt tiếp tục được xuất bản với thiết kế hoàn toàn khác.

Viện Goethe hân hạnh giới thiệu buổi ra mắt cuốn sách này và cũng là buổi trò chuyện với các tác giả và nghệ sỹ tên tuổi Đinh Q Lê đến từ TP.HCM cũng như rất nhiều các nghệ sỹ khác vào 18h30 thứ Năm ngày 4/4 tại Viện Goethe, 56 - 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Đây cũng là dịp để các nghệ sỹ và khán giả đối thoại và trao đổi về nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Bùi Như Hương (1953) từng tốt nghiệp Đại học Hóa Mendeleev, Matxcova, Liên Bang Nga.

Phạm Trung (1965) từng tốt nghiệp khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội và tốt nghiệp Thạc sỹ, Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2002. Cả hai hiện là nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, hội viên hội mỹ thuật Việt Nam, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Mỹ thuật - Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Đinh Q Lê (Lê Quang Đỉnh) sinh năm 1968, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM. Anh có một tiểu sử hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khá dày dặn và tham gia nhiều triển lãm mang tầm vóc quốc tế.  Bên cạnh sáng tác, Đinh Q Lê còn là giám tuyển, nhà hoạt động xã hội, đồng sáng lập San Art TP.HCM - không gian nghệ thuật phi lợi nhuận dành cho các nghệ sỹ mỹ thuật đương đại.

 Bảo Ngọc

Hai giờ đối thoại với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 82 năm ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1931 - 2013), ngày 26/3, Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức tổng kết công tác Đoàn năm 2012 và giao lưu, đối thoại với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son về các vấn đề của thanh niên Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng Đoàn TNCS Bộ TT&TT tấm ảnh Bộ trưởng chụp khối Thanh niên Việt Nam diễu hành qua Quảng Trường Ba Đình tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: Vũ Nhung)

Nhắn nhủ của Bộ trưởng

“Các đồng chí đoàn viên, thanh niên đang sống trong thời kỳ tuổi trẻ mà tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, của cuộc đời”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cảm xúc chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son mong “các đoàn viên, thanh niên Bộ TT&TT hãy tiết kiệm thời gian, năm tháng tốt đẹp này để học tập, rèn luyện tốt hơn nữa và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, đất nước nói chung và cho ngành TT&TT nói riêng để góp phần đưa ngành TT&TT ngày càng khẳng định vị thế của mình trong quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước”.

Học tập là chiến lược suốt đời

Trao đổi với các đoàn viên, thanh niên về chiến lược phát triển thanh niên của Bộ và cũng là chính của đoàn viên thanh niên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, đó là chiến lược học tập, đào tạo. Thanh niên có vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội, nhất là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, có nhiều điều kiện phát triển. Thanh niên hiện nay có vị trí quan trọng trong hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là ở một Bộ mang “màu sắc” nghiên cứu khoa học như Bộ TT&TT, vai trò của thanh niên càng quan trọng.

Thanh niên đào tạo, rèn luyện là để trưởng thành. Đào tạo không chỉ ở nhà trường, mà còn đào tạo trong công tác, đào tạo không chỉ chuyên môn mà còn đào tạo phẩm chất chính trị, năng lực, lập trường, quan điểm, hoài bão… Thanh niên phải tự định hướng đào tạo cho mình. Mỗi đoàn viên hãy tự chuyển đổi quá trình đào tạo cho bản thân.

“Tôi cũng như các bạn, được trải qua thời kỳ mang đầy nhiệt huyết của người thanh niên. Nhưng ngày đó thế hệ chúng tôi không có điều kiện học tập như bây giờ, vì đất nước đang chiến tranh. Khi vào quân đội tôi luôn tự phấn đấu rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ trong chiến trường. Ngày đó nhiều người đã nằm lại nơi chiến trường để bảo vệ non sông đất nước” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cho rằng, về Bộ TT&TT là một thách thức lớn với bản thân, đặc biệt trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT, Bưu chính. “Khi về nhận nhiệm vụ ở Bộ, tôi phải đầu tư thời gian nghiên cứu, học tập. Tôi cũng học được ở nhiều cán bộ trẻ trong bộ về chuyên môn nghiệp vụra những quyết định trong công việc”

Đoàn viên, thanh niên cũng cần học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập tấm gương Bác không chỉ học tập theo cuộc vận động mà là học tập suốt đời để trau dồi bản lĩnh, cái tâm để thực hiện nhiệm vụ,học tập để làm tốt những nhiệm vụ chính trị được giao.

Bộ trưởng cho rằng, cần phải có quy hoạch đội ngũ thanh niên và phát hiện nhân tài vì nhân tài thường phát triển từ lứa tuổi thanh niên. Cần có chính sách phát hiện và bồi dưỡng nhân tài,  đồng thời phải trọng dụng, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển. Vì vậy, quan tâm tới thanh niên, để thanh niên trở thành “vừa hồng vừa chuyên” là trách nhiệm của các cấp, các đơn vị.

Văn hóa của thanh niên là văn hóa Ngành

Các đoàn viên, thanh niên thời đại chế độ Hồ Chí Minh có những bản sắc riêng. Xây dựng văn hóa là vận dụng sáng tạo để đưa vào từng cơ quan, con người cụ thể. Việc lựa chọn văn hóa để áp dụng ở cơ quan là do chính thanh niên quyết định.

Bộ trưởng gợi ý, ngành Thông tin và Truyền thông đã có 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Đây là nét văn hóa riêng của Ngành.

Các cấp cần quan tâm tới thanh niên

Trả lời câu hỏi sự cần thiết của thanh niên tham gia vào cấp Ủy, có cần đặt ra chỉ tiêu không?

Đảng và Nhà nước, Trung ương Đoàn luôn coi trọng vai trò của thế hệ trẻ. Mục tiêu giáo dục đoàn viên là đội ngũ hậu bị của Đảng và trong các tổ chức đều có những tỷ lệ nhất định cho thanh niên, phụ nữ, dân tộc. Luôn luôn có một tỷ lệ cho thanh niên trong các tổ chức. Đây là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước quan tâm tới thế hệ trẻ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết thanh niên cũng nên cố gắng đạt các tiêu chuẩn, yếu tố cần thiết. Chúng ta phải phấn đấu đủ tâm, tầm, vừa hồng vừa chuyên.

Hai giờ đối thoại với thanh niên không phải là dài nhưng những câu trả lời tổng quát, chiến lược và những lời nhắn nhủ hay là lời chia sẻ của một vị Bộ trưởng đã trải qua thời thanh niên sôi nổi, trong quân ngũ, và đào tạo qua nhiều nhiệm vụ đã làm cho các bạn đoàn viên, thanh niên thêm tin tưởng, phấn khởi theo đuổi con đường mình đã chọn.

Lan Phương

Bát Tràng - ngày ấy, bây giờ

Lần đầu tôi đến Bát Tràng có lẽ cách nay đã mươi năm. Lần đó đi theo đường thủy dọc sông Hồng nên được tận mắt chứng kiến cảnh những con thuyền ngược xuôi tấp nập về bến Bát Tràng lấy hàng.

Men sông cứ đôi dăm chục mét lại có một cái bến nước của vài gia đình trong làng Bát Tràng để thuyền cập vào. Chỉ là mấy thanh gỗ đơn sơ bắc trên mặt nước với chiếc cọc tre đủ chắc cho thuyền neo đậu. Ấy vậy là thành cái bến mà tàu du lịch cũng phải nộp đủ lệ phí thì mới được neo lại cho du khách lên bờ tham quan. Nhộn nhip như trong câu ca xưa, từng tốp thợ đội những sọt bát đĩa trên đầu hối hả chạy trên những thanh gỗ bắc trên mặt nước làm cầu tàu xuống giao hàng cho những chiếc thuyền buôn. Những thanh gỗ cứ võng xuống dưới sức nặng của những sọt đồ gốm, có cảm tưởng như chúng sẽ gãy ngay nếu mấy người thợ này chợt đứng lại.

Ngày ấy chỉ vài đại gia có đủ tiền làm lò ga để nung gốm, còn thì đa số vẫn dùng lò than. Những viên than được hong khô ngay trên những bãi đất trống ven đường. Đường làng đen nhem nhẻm. Các bức tường cũng lem nhem. Những chiếc lò nung ngất nghểnh. Từ dưới sông nhìn lên làng khi chiều xuống, những cái lò ấy in lên nền trời dáng vẻ vừa lam lũ vừa kiêu hãnh…    

Lần sau đó tôi sang Bát Tràng bằng ô tô cùng mấy bạn người Nga. Xe qua cầu Chương Dương rồi rẽ phải chạy dọc ven đê. Mải mê giới thiệu với các bạn Nga về sông Hồng cùng những cây cầu lịch sử, khi tài xế bảo “Đến rồi chị ạ” chúng tôi bước xuống xe là nhìn thấy dãy cửa hàng đồ gốm bề thế với những khuôn cửa sáng choang.  Cứ ngờ ngợ rằng đó không phải là nơi định đến, chúng tôi hỏi một người bán hàng. “Đây đúng là Bát Tràng mà chị”, cô bán hàng trả lời nhưng lại nhìn xuống rồi ra vẻ bận rộn sắp xếp lại mấy món đồ trong tủ kính. Tôi quay ra cửa nhìn lên bảng hiệu. Dưới tên cửa hàng là dòng chữ nhỏ: thôn Giang Cao, xã Bát Tràng. Nhầm thật rồi.

Tôi gọi mấy người bạn Nga đang tản đi xem các cửa hàng bên cạnh. Chúng tôi lên xe, quay trở lại con đường ven đê. Đúng là ở ngay lối rẽ có một tấm biển rất hoành tráng với dòng chữ “Bát Tràng” to đùng nhưng chữ “xã” phía trên lại bé và cao quá tầm quan sát từ ghế ngồi của tài xế, chỉ đến rất gần mới thấy. Thảo nào anh lái xe đã rẽ ngay khi nhìn thấy biển báo. Từ tấm biến tên xã này, chúng tôi chạy xe dọc theo đê thêm đoạn nữa rồi rẽ phải, đi thêm chút nữa thì tới chợ gốm Bát Tràng. Đây mới đích thực là địa phận làng gốm Bát Tràng nổi tiếng đã đi vào ca dao xưa.

Những cửa hàng ở đây có dáng vẻ nền nã giản dị, nhưng hàng hóa rất phong phú. Mấy người bạn Nga của tôi trầm trồ trước những cái bình gốm cao quá đầu người. Thích, tần ngần hỏi giá rồi xuýt xoa thấy rẻ khi quy ra đồng rúp, nhưng tôi nhắc các bạn nếu thêm công vận chuyển thì chả rẻ chút nào. Thôi thì chụp ảnh làm kỷ niệm rồi chuyển sang những món hàng nhỏ gọn có thể xách tay vậy.

“Chí Phèo Thị Nở” lại là cặp đôi khiến mấy bạn Nga thích thú. Ông già câu cá và cô gái mò cua đội chiếc nón mê cũng được nâng lên đặt xuống ngắm nghía. Thế nhưng khi hỏi về ý nghĩa của các nhân vật và được tôi kể lại câu chuyên nguồn gốc thì các bạn lẳng lặng đặt xuống. Có vẻ trong thời kinh tế thị trường, không ai muốn níu giữ biểu tượng của sự nghèo khó. Hơn nữa các bạn lại là các doanh nhân Nga đang Đông tiến tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

Sau rốt các bạn quay sang kệ hàng đối diện nơi bầy các tượng thần tài bụng phệ tươi cười. Hỏi lại tôi để biết chắc chắn đó là vị thần phương đông tượng trưng cho sự giàu có, các bạn ngắm nghía rồi mỗi người chọn một ông tượng thần tài theo ý thích: ông thì hớn hở hai tay giơ cao đĩnh vàng trên đầu, ông lại khoan thai ngồi trên đống tiền, ông khác kín đáo cười mủm mỉm với chiếc bao đựng báu vật sau lưng… Bác doanh nhận Nga lớn tuổi nhất trong nhóm chọn ông thần tài bụng bự nhất và chốc chốc lại xoa bụng thần tài rồi xoa bụng mình như để so sánh khiến ai cũng phì cười. Nhưng cười tươi nhất là cô bán hàng…

Mải mê mua sắm, các bạn Nga lơ luôn đề nghị tham quan đình chùa và vài địa điểm khác trong làng cổ. Đến khi rời chợ với lỉnh kỉnh các túi cói đựng gốm, chúng tôi mới nhìn thấy chiếc xe trâu đang đủng đỉnh đưa mấy du khách Pháp dạo quanh làng. Cũng đã muộn và mệt với thành quả mua sắm nên các bạn Nga của tôi chỉ muốn quay về Hà Nội nghỉ ngơi. Món xe trâu đành để lần sau.          

Thế nhưng mấy lần sau vẫn lặp lại cảnh mấy bạn nước ngoài của tôi chỉ đến cửa chợ Bát Tràng là mê mẩn khiến tôi cũng bị cuốn theo. Hôm thì lỉnh kỉnh vài cái bồn phong thủy cắm điện vào là nước chảy réo rắt, lần lại khệ nệ mấy bức tranh đất nung…    

 Lần lữa rồi chúng tôi cũng quyết định sẽ du lịch “bụi” sang Bát Tràng bằng xe bus để có một chuyến tham quan thực sự. Khi chúng tôi đến bến Long Biên thì đúng lúc xe bus số 47 vào bến. Lên xe, ngồi chỉ khoảng nửa giờ, xe bus đưa chúng tôi đến đúng cửa chợ gốm Bát Tràng và cũng là bến cuối của tuyến đường này. 

Không vào chợ, chúng tôi tiến về phía làng cổ Bát Tràng. Đường làng hẹp, có chỗ chỉ đủ cho người đi bộ, hai xe đạp tránh nhau đã thấy vất vả. Tuy vậy, theo chỉ dẫn thì đường làng được quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ nên đi vòng vèo thế nào cũng sẽ ra đến đình và đền ở bên sông Hồng. Cách nhau hoảng vài trăm mét, cả đình làng và đền đều có thế đất nhìn ra sông với cảnh quan bao la trời mây nước. "Nhất cận thị, nhị cận giang”, các cụ tiên chỉ Bát Tràng xưa đã khéo chọn để con cháu đời đời được hưởng phúc. Qua bao thăng trầm lịch sử, vượt lên những nghiệt ngã cạnh tranh, làng không chỉ giữ được nghề và còn phát triển thương hiệu Bát Tràng ra nước ngoài. Đình làng đã được trùng tu và xây lại. Trên nền cũ là những chiếc cột gỗ to cỡ hai ba người dang tay ôm mới trọn vòng. Không như với những chiếc cột gỗ được chăm chút lau chùi sạch bóng, mấy chiếc lọ gốm men hoa xanh cao quá đầu người lại khép nép phủ bụi ở một góc như muốn nói rằng ở đây chúng chỉ là “cây nhà lá vườn” chẳng được chú ý đến. Khác với đình và đền, chùa làng Bát Tràng nằm ngay bên trục đường chính. Chùa như được xây mới, chả có mấy nét xưa.

Tôi may mắn gặp lại quang cảnh của Bát Tràng thời chưa xa tấp nập trên bến dưới thuyền, những lò nung lam lũ mà kiêu hãnh…trên tấm ảnh lớn ở phòng trưng bày của một nhiếp ảnh gia quê gốc Bát Tràng. Thời chưa xa đó đang dần trở thành xưa cũ, thật may khi nó được ghi lại.

Không còn những lò nung than nữa, các lò nung đã chuyển sang dùng ga. Đường làng sạch sẽ. Những viên than giờ trở thành vật trang trí gắn trên một vài đoạn tường dọc lối đi như nhớ về một thuở chưa xa. Nhiều ngôi nhà trong làng được xây mới đẹp và khang trang nhưng vẫn lưu nét cổ với những bức tường gạch đỏ mộc mạc màu yếm thắm thôn nữ hay xây bằng đá ong nâu gụ thô tháp như những chiếc váy sồi tần tảo nơi cuối chợ mom sông nuôi con nuôi chồng trong thơ Tú Xương xưa.

Có một ngôi nhà giữa làng vẫn giữ nguyên dáng cũ trên nền cũ, thấp hơn nền làng hiện tại đến cả mét. Khách đến thăm phải đi chục bậc thang để xuống sân rồi vào nhà. Ngôi nhà cổ ba gian vẫn giữ được những dui mè gỗ chạm, hoành phi, giường tủ kiểu xưa…ghi dấu một thời kha giả. Bà chủ nhà, bà Cá, áo trắng, tóc bạc trắng, nét mặt  thanh thản ngồi giữa ngôi nhà cổ. Bên cạnh là ngôi nhà cao tầng và nền cũng cao là của các con bà, đang hối hả khách đến lấy hàng.       

Đường làng cổ Bát Tràng thì hẹp nhưng người làng rất cởi mở. Khách đến tham quan có thể vào bất cứ ngôi nhà nào để ngắm nghía và có thể chụp ảnh mà chỉ cần một đôi câu xin phép chủ nhà. Duyên may thì còn được chủ nhà mời trà nước...

Dọc theo con đường vòng vèo trong ngôi làng cổ, chúng tôi chợt gặp một mảnh sân nhỏ, một chiếc cầu thang với lan can làm từ những chiếc bình gốm dẹt có hoa văn  sang trọng hai màu trắng đen hài hòa cùng những bức tranh gốm mộc mạc trên bức tường cũ. Nét bài trí độc đáo hút mắt và hút bước chân chúng tôi. Bà chủ nhà tên Lâm, ngày trước là cô gái Hà thành nhà ở phố Hàng Than rồi về làm dâu sứ gốm. Tuy đã nhiều tuổi nhưng lối nói chuyện duyên dáng nền nã của bà còn thu hút người nghe hơn cả ngôi nhà. Hóa ra mảnh sân có chiếc cầu thang độc đáo chỉ là sân sau, bà dẫn chúng tôi ra phía sân trước. Tòa nhà cổ hai tầng bề thế hiện ra trước mắt chúng tôi với tất cả nét tinh tế còn vẹn nguyên của kiến trúc Hà nội đầu thế kỷ 20. Tôi cứ ngỡ như mình được về lại ngôi nhà của bà nội tôi xưa trên con phố Triệu Việt Vương (giờ đã xây lên nhiều tầng).

Nhẩn nha trong căn phòng khách rộng có đủ sập gụ, tủ chè, bàn ghế chạm khảm kiểu cổ, bà Lâm kể cho chúng tôi nghe về sở thích nấu các món ăn truyền thống. Món xôi vò chè đường lại làm tôi nhớ về bà nội của mình. Nghe nói ngày xưa đó là một trong những món “tủ” để các bà mẹ chồng thử tài khéo léo của con dâu. Nhìn thì đơn giản đấy, nhưng làm thế nào để từng hạt xôi vò dẻo thơm bùi đều tăm tắp mà không hạt nào dính vào nhau… đó là cả một nghệ thuật nấu nướng tinh tế, chẳng dễ gì mà làm được. Mà quả có thế thật, nhiều năm trước mấy chị em tôi dù tập đi tập lại vẫn không nấu được món xôi vò ngon như bà nội đã làm, cả món canh bóng, bún thang nữa…

Chuyện về các món ăn khiến người ta rất mau đói. Chúng tôi từ biệt bà Lâm rồi kiếm một quán ăn trưa. Mái ngói tranh tre, riêu cua, cá rô đồng, phục vụ chân tình, giá cả phải chăng… mang đến cảm giác thư thái, không cạnh tranh đua chen của một làng quê yên bình. Hỏi thăm về chiếc xe trâu du lịch, chợt tiếc khi được biết không còn dịch vụ đó nữa bởi lợi nhuận không đủ cho chi phí, thế là đã lỡ một cơ hội trải nghiệm.  

Cạnh mấy quán ăn là nơi thử làm nghề gốm với đất sét, bàn xoay và phẩm màu… Nhìn các cháu bé và các bạn trẻ say sưa khiến chúng tôi cũng muốn thử làm thợ gốm xem sao. Xoay rồi lại xoay, xem ra để làm được một chiếc bát  thôi cũng không đơn giản. Công đoạn vẽ màu có vẻ dễ sáng tạo hơn…

Tuy tự nhủ là không nên mang thêm món đồ gốm nào nữa về ngôi nhà đã đầy ắp của mình, nhưng không thể không rẽ vào các cửa hàng dọc đường làng và trong chợ để ngắm nghía vẻ đẹp huyền bí của gốm. Kết quả là vài món đồ gốm vẫn theo chúng tôi lên xe bus về Hà Nội. Mà tại sao lại không chứ, gốm Bát Tràng đẹp thế cơ mà.

                                                                                                                                            Hiền Minh

Những bản opera Đức và các ca khúc Việt Nam qua giọng ca Việt Nam

(ICTPress) - Tại Viện Goethe, Hà Nội vào tối ngày 29 và 30/3/2013, những bản opera Đức và các ca khúc Việt Nam qua giọng ca của Tố Loan (nữ cao) và Vũ Mạnh Dũng (nam trầm) cùng phần đệm đàn của Tâm Ngọc (piano) sẽ được trình diễn.

Ca sỹ giọng nữ cao Tố Loan sinh năm 1986 tại Thái Nguyên. Từ năm 2006 đến nay, cô theo học tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cô được biết đến với cương vị quán quân dòng nhạc thính phòng của cuộc thi Sao Mai năm 2011.

Năm 2012, Tố Loan tiếp tục tham gia đêm nhạc opera Đức do Viện Goethe tổ chức tại các Nhà hát lớn Hà Nội và Hải Phòng. Tại đây, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đức Jonas Alber, Tố Loan đã chứng tỏ cô sở hữu một giọng hát rất đặc biệt. Ngay sau đó, cô nhận được học bổng của Viện Goethe cho ba tháng học tại Đức và đã có cơ hội được đào tạo bởi ca sỹ giọng nữ trung kiêm nhà giáo giảng dạy bộ môn thanh nhạc Hedwig Fassbender.

Trong đêm nhạc, Tố Loan sẽ biểu diễn những bản opera Đức và các ca khúc Việt Nam trong album đầu tay mới ra mắt của cô, cùng với Vũ Mạnh Dũng (nam trầm) và phần đệm đàn của Tâm Ngọc (piano).

Vũ Mạnh Dũng đã từng tốt nghiệp cử nhân trường Cao đẳng sư phạm Nhạc họa trung ương (2000) và Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam (2004). Năm 2009 anh tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ Chuyên ngành Biểu diễn Opera tại Học viện âm nhạc Quốc gia VN. Mạnh Dũng thành công trong rất nhiều vai chính của các vở kịch nổi tiếng trong nước và quốc tế cũng như các cuộc thi âm nhạc như giải Nhì cuộc thi hát “Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc năm 2009”. Hiện anh là ca sỹ so-lo của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN và là giảng viên Khoa Thanh nhạc - Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trần Thị Tâm Ngọc học đàn piano từ năm lên 4 tuổi. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo 11 năm tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô nhận được học bổng toàn phần theo học tiếp 4 năm đại học tại Nhạc Viện Yong Siew Toh- Singapore và sau đó là học bổng toàn phần chương trình đào tạo thạc sĩ và chuyên sâu về biểu diễn của Nhạc Viện Boston-Mỹ. Tâm Ngọc đã đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế trong các cuộc thi piano. Hiện cô đang là giảng viên khoa piano tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.

Chương trình:

1. Johann Strauss (1835 - 1899) "Mein Herr Marquis"

2. Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) „Martern aller Arten (Konstanze)“

3. George Gershwin (1898 - 1937) “Bess, you is my woman” - song ca cùng Mạnh Dũng

4. Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) Bản số 2 (Papageno) trong vở "Cây sáo thần" - Mạnh Dũng

5. An Thuyên (1949) “Ở rừng nhớ anh”

6. Tố Loan (1986) “Nào ta cùng đón xuân”

Vé vào cửa miễn phí được phát bắt đầu từ 10 giờ, hôm nay thứ Hai, ngày 25/3/2013 tại Viện Goethe Hà Nội, 56 - 58 Nguyễn Thái Học.

Lư ý: buổi hòa nhạc Thứ Sáu, ngày 29/03/2013, 20 giờ (Hòa nhạc chỉ dành cho người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi - chương trình chiếu phim dành cho trẻ em diễn ra tại thư viện của Viện Goethe), buổi hòa nhạc | Thứ Bảy, ngày 30/03/2013, 20 giờ (khuyến khích trẻ em trên 6 tuổi).

Bảo Ngọc

Nhiều người có điện thoại di động hơn toilet sạch

(ICTPress) - Chúng tôi đều nhận thấy công nghệ đã thâm nhập vào mọi ngõ ngách của toàn cầu. Nhưng đây là một công bố bất ngờ: Hiện nay có nhiều người có điện thoại di động hơn là được sử dụng nhà vệ sinh sạch (toilet), Liên hợp quốc vừa cho biết.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố chỉ có 4,5 tỷ người (trong số 7 tỷ người) được sử dụng toilet sạch so với 6 tỷ người có điện thoại di động. Điều đó có nghĩa là 2,5 tỷ người nữa chưa được tiếp cận với vệ sinh sạch sẽ, trong đó có 1,1 tỷ người bị ỉa chảy.

Hưởng ứng chống lại bệnh dịch này, Phó Tổng thư ký Liên hợp Quốc Jan Eliasson đã ra lời kêu gọi hành động để tăng cường vệ sinh, thay đổi các quy định xã hội, xử lý tốt hơn việc thải ra của con người. Lời kêu gọi này với mục tiêu chấm dứt việc đi vệ sinh không có nhà vệ sinh vào năm 2025.

Đi vệ sinh mà không có nhà vệ sinh là việc phổ biến ở nông thôn các nước nơi có tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất khi chưa tới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em thiếu dinh dưỡng và đói nghèo, và thiếu chăm sóc y tế cũng cao.

“Hãy đối mặt với việc này - đây là một vấn đề mà nhiều người không muốn nói tới. Nhưng nó là cốt lõi của việc đảm bảo sức khỏe tốt, một môi trường sạch và sự cần thiết cơ bản cho hàng tỷ người - và đạt các mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ. Với chỉ hơn 1000 ngày hành động trước thời hạn Mục tiêu của Thiên niên kỷ 2015, chúng ta có một cơ hội duy nhất để mang tới một sự thay đổi mang tính thế hệ”. Phó Tổng thư ký Eliasson cho biết.

Trong chiến dịch giảm một nửa số người không được tiếp cận với vệ sinh sạch, Liên hợp quốc đã cải thiện được nhiều điều kiện cho 1,8 tỷ người kể từ năm 1990. Theo đó, Mục tiêu thiên niên kỷ đã nâng cao sự nhuận thức về cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Mặc dù lời kêu gọi hành động không đưa ra chương trình hay quỹ nào mới, Liên hợp quốc hy vọng các cộng đồng sẽ có trách nhiệm thay đổi chính họ.

 HY

“Ban mai Tổ quốc”

(ICTPress) - Một buổi chiều, tôi gọi điện cho “sếp” cũ để thông báo có “bài báo của bác in rồi”. Sếp cũng thông báo cho tôi “có quyển thơ bác mới xuất bản, cháu đến bác biếu một cuốn”.

Từ lúc đó đến lúc gặp “sếp”, tôi cứ băn khoăn mãi, cả thời gian tôi công tác dưới quyền “sếp” và mười mấy năm “sếp” về hưu tôi vẫn liên lạc để trao đổi công tác hội nhà báo và làm báo giữa những người làm báo Ngành nhưng chưa bao giờ nghe nói “sếp” làm thơ.

Lật đật chiều hôm sau đi làm về ghé qua nhà sếp và cầm trên tay cuốn thơ rồi mà vẫn thấy ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên tiếp tục bởi cái tên “Ban mai Tổ quốc” nghe rất trong trẻo mà hào khí và ấn tượng bởi tờ bìa tập thơ màu xanh tươi sáng.

Tôi cảm ơn và vội đạp xe về nhà để đọc cho thỏa nỗi tò mò. Về đến nhà dựng xe tôi đứng đọc liền một mạch Lời giới thiệu Ký ức - Tổ quốc - Gia đình của nhà thơ Hoàng Trần Cương cho tập thơ của “sếp” rồi những vần thơ và xem những tấm ảnh kỷ niệm.

Lời giới thiệu cho tập thơ “Ban mai Tổ quốc” của nhà thơ Hoàng Trần Cương quá đầy đủ, chi tiết và cũng như “cảm” được nỗi lòng của “nhà thơ” Tùng Hoa - Nguyễn Ngô Hồng. Tôi xin trích lời giới thiệu ấy dưới đây để chia sẻ cùng bạn đọc:

Bố cục của tập thơ “Ban mai Tổ quốc” như là một phiên bản mang đậm tính cách tác giả của nó. Phân minh và dĩ nhiên không phải không chừa lại những khoảng ảo mờ. Sự rành rẽ, minh bạch có lẽ là hồn cốt của tập thơ này. Và cũng rõ nét không kém, cái phần không hiển hiện thành câu chữ, lại được pha chen như một niềm lay thức của những chấm lặng, cất dấu không chỉ một mình bầu trời ban mai. Và hình như đâu đó còn tờ mờ những giọt nước mang vị mặn của nước mắt nhà thơ.

Trải dài suốt tập thơ chứa đựng 29 bài với nhiều gam cảm xúc của Tùng Hoa là bóng hình Tổ quốc và Gia đình. Có 15 bài khắc họa hình đất nước trong một thời gian lao và quật cường. Có 14 bài in đậm bóng gia đình với những đường nét vừa thân thương vừa tiếc nuối, đọc lên là tự dưng muốn khóc. Theo tập thơ này, bài đầu tiên được tác giả sáng tác từ năm 1958 (bài: Anh không chết). Bài mới nhất là năm 2009 (bài: Tôi thề trước cờ Đảng). Gói cả 51 năm vào trong 29 bài thơ.

“Sáng sáng tôi đi mặt trời chưa dậy

Ban mai Tổ quốc lộng lẫy sương đêm”.

Hai câu thơ mờ đầu bài “Ban mai Tổ quốc” và cũng được tác giả chọn đặt tên cho tập thơ, ra đời từ tháng 10 năm 1969 cứ như một linh cảm tốt lành nhưng sao cũng thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của vận mệnh quốc gia. Chúng ta phải vật vã, phải bươn bả “đi” khi “mặt trời, chưa dậy”. Mặt trời chưa dậy thì “Ban mai Tổ quốc” dù có “lộng lẫy đến mấy” cũng còn chìm trong sương đêm. Và bởi thế, chúng ta phải đi để chào đón và đem về “Ban mai Tổ quốc. Những thi ảnh vừa hành tráng mà cũng thật tự nhiên và tự tin. Và có lẽ, bật sáng nhất trên khuôn hình Tổ quốc trong những thời khắc đau thương là nỗi niềm của tác giả khi cúi đầu kính viếng anh linh Bác Hồ:

“Sáng nay đau tiễn Bác đi

Những mong con được chết thay người”.

Bài “Con tiễn Bác đi” không thể nói thêm một lời nào cả. Hãy để nước mắt tự do rơi. Phần Một tập thơ, có phụ đề “Tổ quốc và Bác Hồ”. Ở đây, qua mỗi bài thơ, ta như đang được lần dở từng lý lịch - công dân của người viết. Ở đó, có sự giao hòa ràng buộc giữa con với mẹ, có tiếng hân hoan ngợi ca “Mười một cô gái Huế:

“Tóc chấm ngang vai khoác sung lên đường

Cùng núi Ngự, sông Hương đánh Mỹ”.

Trong phần Hai của tập thơ “Ban mai Tổ quốc”, Tùng Hoa đặc biệt chú tâm đến mảng Tình yêu và Gia đình. Có ai đó nói: “Gia đình là tổ ấm”. Nhưng với những chùm thơ rợp bóng mát gia đình, náu thân thiêm thiếp trong hình bóng ba má, anh chị em, vợ con và cháu chắt hình như Tùng Hoa còn muốn một điều gì lớn lao và sâu xa hơn thế nữa.

Tập thơ được ra đời nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của tác giả, với giọng nói sang sảng, đi lại vẫn nhanh nhẹn, tâm thế sảng khoái, tôi mong nhà thơ Tùng Hoa, “sếp” cũ sẽ vẫn luôn nóng hôi hổi như miền thơ “Ban mai Tổ quốc”.

LP

Những chữ gây khó cuộc đời

(ICTPress) - Gặp ông bạn cùng cậu con trai út hớt hải đi trên đường làng, hỏi: “Có chuyện gì vội thế?” Trả lời: “Ra thành phố gặp gấp thằng con cả. Ông xem, cái thiếp cưới vợ, nó lại in như thế này có chết không!”.

Tôi cầm chiếc thiếp mời dự đám cưới ngắm nghía. Cũng gập ba, thắt nơ lụa hồng, giấy mầu cam nhạt, tỏa hương thơm dịu. Chữ trên thiếp in nổi. Bìa cuối của thiếp còn in bản đồ chỉ dẫn đường tới khách sạn tổ chức hôn lễ, giống hệt như hơn chục thiếp mời khác mà tôi nhận được trong mùa cưới năm nay. Lật lên lật xuống, săm soi mãi mà không phát hiện ra điều gì. Ngượng. Liếc nhìn ông bạn, buông câu thăm dò: “ Đẹp! Sang…”.

Bạn tôi cau mày:

- Không thấy à! Đẹp thì có đẹp, sang thì có sang, nhưng in thiếu.

Tôi đọc lại những dòng chữ trên thiếp mời. Nội dung cũng giống y xì các thiếp mời khác, thiếu gì đâu nhỉ?

- Ông không phát hiện ra à? Cái quan trọng nhất thì lại thiếu. Đó là cuối thiếp mời phải in dòng ghi chú: “Xin nhớ mang theo giấy mời này khi tới dự lễ thành hôn. Giấy mời chỉ có giá trị dùng cho một người, cấm đi kèm”.

- Ối trời ơi! Giấy mời dự đám cưới chứ có phải vé vào rạp hát, rạp chiếu phim hay sân vận động xem đá bóng đâu mà phải ghi những dòng chữ kỳ cục vậy.

- Trước thì không, nhưng bây giờ phải ghi, ông ạ. Vì đã có văn bản quy định cán bộ tổ chức đám cưới chỉ được mời tối đa 300 người dự. Con tôi in đúng 300  thiếp mời, dù đã bỏ kiểu ghi: “Kính mời anh chị và các cháu…” mà ghi: “Kính mời anh” hoặc “Kính mời chị” rồi, nhưng không có ghi chú thêm như thế, nhỡ họ nhiệt tình đi cả hai vợ chồng hoặc cả gia đình tới dự mừng hạnh phúc của nó thì số người tới dự vượt quá con số 300, có phải là vi phạm quy định không?

- Dù giấy mời đã ghi như thế, nhưng họ nhiệt tình cứ đi cả hai vợ chồng hay cả gia đình thì làm thế nào?

- Chính vì vậy mà tôi phải lên bảo nó bổ sung thêm một mục nữa vào hợp đồng với khách sạn tổ chức hôn lễ, đó là ngoài việc thuê nhân viên nữ mặc áo dài đón khách, người dẫn chương trình, còn phải thuê thêm hai nhân viên bảo vệ để soát giấy mời chặt chẽ như người soát vé ở rạp hát vậy.

Tôi gật gù: 

- Phải vậy thôi. Tôi biết ông xưa nay vẫn là con người gương mẫu, cái gì cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng chuyện chỉ có vậy, đường từ  lên thành phố xa, ông về hưu rồi, sao không chịu khó lên đó một mình mà phải bắt thằng con út bỏ công bỏ việc cùng đi với ông.

- Vì xe máy của tôi sắp hết xăng rồi. Qua huyện phải rẽ vào  trạm bán xăng mua bổ sung thì mới lên thành phố được.

- Thì tới trạm xăng, tấp xe vào mua, có ai quy định xe phải có hai người thì mới được mua xăng đâu?

- Chẳng có trạm xăng nào quy định như thế, nhưng vừa có văn bản về phòng cháy chữa cháy quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm và phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm. Vì vậy, khi vào mua xăng, biết gửi điện thoại di động ở đâu, đành phải bảo cháu đi cùng để khi tôi vào trạm xăng thì cháu ở ngoài giữ điện thoại di động vậy. Ông hiểu chưa?

- Hiểu, hiểu rồi. Hóa ra đôi khi có những chữ trên văn bản lại gây khó cho cuộc đời nhỉ?

Nguyễn Đoàn

Việt Nam là quan hệ quốc tế “xương sống” của Nhật Bản

(ICTPress) - “Việt Nam là quan hệ quốc tế “xương sống” quan trọng bậc nhất của Nhật Bản” là nhấn mạnh của GS. TS. Yoshihide Soeya, trường Đại học Keio, Nhật Bản và Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á của trường này tại buổi thuyết trình “Quan hệ quốc tế mới của Nhật Bản với trọng tâm về mối quan hệ Nhật - Trung - Mỹ và khu vực Đông Nam Á” tại Hà Nội ngày 19/3.

Phát triển quan hệ ngoại giao với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được xem là lớp an ninh mới mà Nhật Bản đã và đang xây dựng cùng với 3 lớp an ninh nữa là quan hệ quốc tế, liên minh với Hoa Kỳ và tự cường.

GS. TS. Yoshihide Soeya cho biết Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng ở châu Á. Nhật Bản và Việt Nam đều có chung quan điểm và lập trường trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.

Cũng tại buổi thuyết trình này,  GS. TS. Yasushi Watanabe giảng dạy bộ môn Chính sách văn hóa, an ninh con người và châu Mỹ học, trường Đại học Keio đã trao đổi về “Quyền lực mềm và cam kết văn hóa của Nhật Bản”.

Theo GS. TS. Yasushi Watanabe việc sử dụng "quyền lực mềm" trong bối cảnh quan hệ quốc tế mới để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đôi bên cùng có lợi.

Quyền lực mềm của Nhật Bản được đánh dấu bắt đầu từ chính phủ Nhật Bản thời Minh Trị đã sử dụng 1% ngân sách của Nhà nước để hỗ trợ cho việc tham dự của Nhật Bản tại Triển lãm Vienna năm 1873.

GS. TS. Yasushi Watanabe cho biết hiện nay, Nhật Bản đã chủ động hơn trong các hoạt động hợp tác quốc tế, các chương trình nghị sự phổ biến và chia sẻ kinh nghiệm. Nhật Bản cũng sẽ trao đổi hoạt động hợp tác toàn diện với ASEAN mà Việt Nam đang là chủ tịch và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thông tin ASEAN.

PGS. TS. Hoàng Khắc Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng sức mạnh mềm của Nhật Bản không chỉ ở văn hóa mà còn ở các sản phẩm mang tính quốc tế, con người lao động chăm chỉ, tinh thần, kỷ luật cao...

Buổi thuyết trình nằm trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (1973 - 2013) do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản - Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Bảo Ngọc