Tôn vinh người liều cả mạng sống để cứu người Do thái tại Việt Nam

(ICTPress) - Ngày 27/1/2013, Ngày tưởng niệm Quốc tế về nạn diệt chủng năm nay có chủ đề “Giải cứu trong thời kỳ Holocaust: Dũng khí để Chở che”.

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar xúc động phát biểu khai mạc Lễ tưởng niệm

Trong Thế chiến thứ II, hàng triệu người không phù hợp với hệ tư tưởng biến thái của Adolf Hitler về một chủng tộc Aryan hoàn hảo - gồm người Do thái, Roma và Sinti, người đồng tính, người cộng sản, người bị tâm thần và những người khác - đều bị ngược đãi, tập trung và gửi tới trại diệt chủng. Một số bị tàn sát ngay lập tức, số khác bị buộc làm việc cực nhọc tới chết.

Đã gần 70 năm trôi qua, sự kiện này vẫn còn được lưu lại trong ký ức của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Vào ngày 1/11/2005, Phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 60/7 công nhận ngày 27 tháng 1 hàng năm là Ngày tưởng niệm Quốc tế về nạn diệt chủng (International Holocaust Remembrance Day).

Ngày tưởng niệm Quốc tế về nạn diệt chủng năm nay có chủ đề “Giải cứu trong thời kỳ Holocaust: Dũng khí để Chở che” là để tôn vinh những người đã liều cả mạng sống của mình và gia đình để cứu người Do thái và những người khác khỏi cái chết gần như chắc chắn dưới sự cai trị Phát xít.

Các câu chuyện về những người giải cứu là khác nhau. Một số người giúp các nạn nhân trú ẩn trong nhà mình; số khác đưa các gia đình tới nơi an toàn và giúp họ có được giấy tờ cần thiết để trốn thoát. Nhưng mỗi người đều chia sẻ một điều chung: đó là dũng khí, sự cảm thông và lãnh đạo tinh thần.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun trong thông điệp nhân Ngày tưởng niệm Quốc tế năm nay ca ngợi những con người giải cứu trong thời kỳ Holocaust cho biết: “Nhiều trong số họ đã thành những biểu tượng nổi bật - như câu chuyện của Raoul Wallenberg, một nhà ngoại giao Thụy Điển đã giúp hàng chục ngàn người Do thái ở Budapest. Nhưng những câu chuyện của nhiều nhà giải cứu thì chỉ được biết bởi những người đã được lợi từ những hành động dũng cảm của họ. Lễ kỷ niệm năm nay nhằm làm dày thêm các ghi chép lịch sử, và trao cho những người anh hùng chưa được vinh danh sự tôn vinh mà họ đáng có”. 

Trong bài giảng của mình nhân ngày này được tổ chức tại Việt Nam do Đại sứ quán Israel, Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tổ chức ngày 24/1 tại Hà Nội, bà Orit Margaliot, Yad Vashem, Cơ quan phụ trách việc Tưởng niệm các nạn nhân Holocaust của Israel đã thông tin sinh động về những người đã hết sức anh dũng giải cứu nhiều người dù nguy cơ tới sinh mạng của mình và nhiều người trong số họ đã được công nhận là anh hùng dân tộc. Ngày nay, có khoảng 24.250 người đã được công nhận là anh hùng.

Bà Orit Margaliot cho biết hành động của của những người giải cứu lúc ấy là không hợp thời, đôi khi gây nguy cơ bị tử hình không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình họ (điều này áp dụng ở Đông Âu), nhưng có người vẫn chọn giúp các nạn nhân, người Do thái. Họ lựa chọn vì nhiều động cơ khác nhau: lòng nhân đạo, tình bạn, chống lại chế độ, và tôn giáo.

Trong số những người anh hùng đó có một người đến từ Việt Nam, ông Paul Nguyễn, bà Orit Margaliot cho biết.

Ông Paul Nguyễn sinh tại Việt Nam và di cư sang Pháp. Năm 1942, ông đang học đại học ở Nice, nơi ông gặp một bạn sinh viên là bà Jadwiga Alfabet, một người tị nạn Do thái tới từ Ba Lan. Họ yêu nhau và đã hứa hôn. Mùa hè năm 1942, cảnh sát Pháp bắt đầu bắt người Do thái có quốc tịch nước ngoài, bao gồm cả họ hàng của bà Jadwiga là gia đình Berliner. Ông Paul đã quyết định cưới bà Jadwiga, hy vọng bà sẽ trở thành công dân Pháp và tránh được họa lưu đày. Hai người cưới nhau ngày 5/9/1942 và chuyển tới sống tại Clermont Ferrand và tiếp tục học ở đó. Mùa hè năm 1943, họ trở về Nice, lúc đó đang dưới sự kiểm soát của người Ý và sống khá an toàn.

Tháng 9/1943, quân Đức chiếm Nice và tất cả các khu vực kiểm soát của Ý, và người Do thái lại gặp mối nguy bị đi đày. Ông Paul Nguyễn quyết định giấu không chỉ vợ mình và còn những người họ hàng nhà Berliner là ông Jakub, bà Salome và cậu con trai mới sinh Roland. Ông Nguyễn bằng cách nào đó có được giấy tờ giả và vào tháng 11/1943, đi tàu cùng ông Jakub tới Annecy, ở đó liên hệ với một người buôn lậu đưa Jakub tới Thụy Sĩ. Sau đó ông lại lặp lại hành trình này để giúp bà Salome và người con thơ.

Ông Paul và bà Jadwiga Nguyễn có 2 con gái, và khi ông Paul được đề nghị là Anh hùng năm 2006, lúc đó cả hai ông bà đã tổ chức sinh nhật lần thứ 87. Ngày 30/4/2007, cơ quan Yad Vashem đã công nhận ông Paul Nguyễn Công Anh là Anh hùng Dân tộc.

Nói về những người anh hùng - những người đã có dũng khí chở che, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cho biết “hãy để ta được thôi thúc bởi những người đã có dũng khí chở che - những người bình thường đã có những hành động phi thường để bảo vệ phẩm giá con người. Tấm gương của họ có thể giúp chúng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho hôm nay”.

Trong một không gian tưởng niệm ấm cúng tại Hà Nội với sự tham dự của các cơ quan Liên hợp quốc, các đại sứ quán tại Việt Nam, giáo viên, sinh viên Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn đã được lật dở những ký ức về Holocaust, những ký ức sẽ còn sống mãi. Những ký ức đó như Ngài Elie Weisel, người giành giải Nobel Hòa bình và là người sống sót khỏi nạn diệt chủng đã từng nói rằng “Nếu điều gì có thể, đó chính là những ký ức sẽ cứu vớt nhân loại chúng ta”.

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar xúc động tại Lễ tưởng niệm được tổ chức tại Hà Nội cho biết “Hôm nay không chỉ để dành cho tưởng niệm, hôm nay còn dành cho sự cảnh giác, là để bảo vệ những ký ức vĩnh hằng về Holocaust, và cùng lúc đó làm mới lại sự cam kết của chúng ta về quyền con người và hiểu biết lẫn nhau”.

 Minh Anh

Tin nổi bật