Tìm lại ký ức xưa ở chợ đồ cổ Hoàng Hoa Thám

Trong khoảng không gian nhỏ, yên tĩnh, hàng nghìn thứ vật dụng cổ xưa sẽ gợi lại những ký ức tươi đẹp nhất cho bất kỳ người khách nào đến đây. Đó chính là phiên chợ đồ cổ, hoạt động vào các buổi sáng thứ bảy hàng tuần, nằm trong một con ngõ nhỏ số 456 trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Mặc dù chỉ nằm trong khuôn viên của Lư trà quán, nhưng đến đây nhiều người sẽ được sống lại không khí của những ngày tháng xưa.

Từ khoảng 8 giờ sáng, khu chợ phiên bé nhỏ nằm lọt thỏm bên dưới số nhà 456 Hoàng Hoa Thám đã chật ních những người đam mê sưu tầm đồ cổ, khách du lịch, hay đơn giản chỉ là những người muốn tìm lại ký ức về những ngày tháng xa xưa.

Phiên chợ luôn thu hút rất đông du khách và người đam mê đồ cổ. (Ảnh: dulichvietnam)

Với hơn 30 sạp hàng bày bán chủ yếu các vật dụng xưa cũ, có khi chỉ là những món đồ đã hết giá trị sử dụng nhưng đây là địa chỉ quen thuộc của những người đam mê đồ cũ, đồ cổ trên đất Hà thành.

Ở đây bày bán đủ loại trang thiết bị thời chiến tranh như máy thu phát sóng vô tuyến điện, vỏ đạn các kích cỡ, bi-đông, ca-men, túi cứu thương.

Vào sáng thứ bảy cuối tuần, con ngõ nhỏ cổ kính ở Hoàng Hoa Thám lại nhộn nhịp người qua lại. Trước đây, chợ chính là Lư trà quán nổi tiếng khắp Hà thành, nơi CLB Thư pháp Hà Nội lấy đây làm địa chỉ lui tới giao lưu, trò chuyện vào cuối tuần...

Tem phiếu thời bao cấp. (Ảnh: bachhhoaxua)
Tờ tiền giấy mệnh giá 20 đồng, được lưu hành trong những năm 1947-1948.
Những chiếc bi đông đựng nước thời kháng chiến chống Mỹ và những chiếc đồng hồ lên dây cót của Liên Xô và Trung Quốc được bày bán khá nhiều trong phiên chợ. (Ảnh: baoanhvietnam)
Những chiếc lược làm từ vỏ bom đạn. (Ảnh: baoanhvietnam)

Với diện tích khoảng 400m2, nhưng khi đến đây, người chơi sẽ được sống lại không khí của những ngày tháng xưa qua các vật dụng đã quá đỗi quen thuộc trong thời kỳ bao cấp như đèn dầu, đồng hồ lên dây cót, mâm đồng, chậu đồng, nồi Liên Xô, xe đạp mifa...

Chiếc máy nghe đĩa cổ thu hút sự chú ý của nhiều người.
Địa điểm này không chỉ thu hút khách hàng quanh khu vực Hà Nội, mà nhiều người đam mê đồ củ từ các tỉnh lân cận.

Chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn có thể trao đổi các món đồ cổ với những người bán hàng. Các chủ quầy lịch sự và nhã nhặn, tận tình trao đổi, giải thích về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của những món đồ, cho dù khách có mua hay không.

Du khách cũng tới xem và mua đồ. (Ảnh: dulichvietnam)

Theo Mai Phương (Tổng hợp)/hanoitv.vn

Tin nổi bật