![RSS - Chuyện dọc đường Syndicate content](/misc/feed.png)
Chuyện dọc đường
Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa
Submitted by nlphuong on Wed, 16/05/2012 - 08:40Những chú chó được nuôi trên đảo không kém phần thân thương, bởi một lẽ, giữa mênh mông trời nước, bất cứ điều gì gắn với đất liền, cũng trở thành cầu nối khiến Trường Sa bớt xa xôi.
Khi những câu chuyện thăm hỏi tình hình, cuộc sống của anh em trên đảo đã gần như tròn trịa, chuyển sang đề tài về những chú chó. Mai Văn Phấn, chiến sỹ canh giữ chủ quyền ở đảo Đá Lát, trung uý Lại Tất Hà, đồng chí Hiến (quê gốc ở Thái Nguyên, gia đình mới chuyển về Duy Tiên, Hà Nam được hai năm nay), đồng chí Trung (quê Thanh Hoá) say sưa nói chuyện về những người bạn 4 chân trên đảo.
Đảo Đá Lát có tổng số... 5 "anh" chó. Chúng tự tìm cho mình chỗ ở, đó là dưới gầm những vườn rau xanh được đặt ở độ cao trên một mét. Ban ngày, chúng vẩn vơ trên cầu tầu, hay lang thang ở rìa mép bê-tông bốn xung quanh nhà kiên cố. Đó là những khu vực trống và có bóng râm.
Câu chuyện về những chú khuyển trên đảo Đá Lát được trung uý Lại Tất Hà thủng thẳng kể: ban đầu là "sáng kiến" ngẫu nhiên của một chiến sỹ, về đất liền nghỉ phép mang ra một chú chó con. Chú chó ấy thành tài sản của cả đảo. Cứ ngỡ, ở môi trường mới nó không thích nghi được, ai dè nó sống khoẻ, không bệnh tật (chứng tỏ môi trường ngoài đảo quả là quá trong lành!)
![]() |
Những chú chó trên đảo Thuyền Chài |
Có tiếng chó sủa nhóc nhách cũng khiến đảo đỡ buồn. Mấy năm trước, khi đất liền với đảo khơi còn là một khoảng cách vời vợi, chưa có sóng điện thoại phủ, liên lạc với đất liền chỉ bằng những cánh thư.
Thời gian nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ người yêu trên đảo, ngoài việc ôm đàn ghita bập bùng hát, giờ có thêm chú chó làm bầu bạn.
Chó sống trên đảo khôn ngoan và có kỷ cương, nề nếp đến giật mình: một chú chó đang hóng hớt làm quen với khách lạ, khi nghe tiếng quát liền ngoan ngoãn cúp đuôi về chỗ ở, không dám bén mảng ra ngoài.
Anh Hà bảo: đừng sợ, chó trên đảo không cắn ai cả, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, vì hình như, nó cũng mong có người ra thăm đảo.
Chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà mang từ đất liền, giống chó thóc, nhỏ bé nhưng khôn ngoan, linh lợi. Nhiều chú chó nghịch ngợm và liều lĩnh, nhảy xuống biển bơi oàm oạp, và cũng biết cùng anh em chiến sỹ đi lùa cá, bắt cá ở vùng biển cạn gần nhà kiên cố. Đó là những bãi san hô ngầm, khi triều cạn chỉ xăm xắp quá mắt cá chân.
Thời gian đầu, đàn chó nhà được nuôi ở đảo cứ tự chúng "nhân bản" lên theo cấp số cộng, từ hai con thành cả chục con, rồi thành cả đàn. Khi số lượng chó nuôi đã gia tăng đáng kể.
Nhưng, đàn chó sống chung trên một đảo, nói gì thì nói, chúng đều là những thế hệ cận huyết, cùng huyết thống. Sau một thời gian, lũ chó thế hệ sau sinh ra, mặc dù vẫn lớn bình thường nhưng đầu óc lại... có vấn đề, chúng cứ ngẩn ngơ như mất hồn, và có biểu hiện của bệnh... đao!
![]() |
Những chú chó trên đảo Đá Tây |
Ban đầu, anh em không biết, rất lo lắng, sau, suy luận, mới chợt nghĩ đến cái lý do mà chẳng ai nghĩ đến. Một "giải pháp" được đưa ra, đấy là đổi con chó đực từ đảo nọ sang đảo kia. Đàn chó lại tiếp tục gia tăng, và chấm hết những thế hệ chó con ngẩn ngơ ngoài đảo.
Đầu giờ chiều ngày 23/4, chúng tôi có mặt ở đảo Đá Tây B. Đảo gồm hai nhà kiên cố được nối với nhau bằng một "chiếc cầu" bê-tông hẹp, có tay vịn. Bên mạn phải gần với nhà chỉ huy là tháp hải đăng của ngành Dầu khí. So với Đá Lát, sự có mặt của ba công trình đồ sộ và kiên cố ấy phần nào cũng khiến biển cả bớt mênh mông.
Chiều Đá Tây. Nửa chang chang nắng, nửa lồng lộng gió biển. Thấy có khách tới thăm đảo, "gia đình" nhà chó trên đảo Đá Tây lũ lượt ra đón chúng tôi, lớn bé, già trẻ, đực, cái... lên tới vài chục con.
Vài chú chó choai có lông màu khoang, tinh nghịch như một anh thanh niên mới lớn, sán vào lòng khách, có chú hiếu động ngoạm hẳn một chiếc dép có hơi người lạ ra một góc khuất nằm... gặm chơi. Bị phát hiện, chú nhảy ùm xuống biển bơi một dạo, rồi lại tý tởn vào bờ, lại sán vào chỗ đông người, rũ bộ lông ẩm ướt làm nước biển bắn ra tứ phía.
![]() |
![]() |
Nguyễn Văn Cường, thiếu uý phụ trách xuồng máy trên đảo Đá Tây khoe với chúng tôi về đàn chó con vừa mở mắt |
Khi màn "chào hỏi" đã kết thúc, lũ chó lại lục tục đi tắm nắng. Chúng ngả ngốn chật kín trên chiếc cầu nối từ khu nhà chỉ huy sang khu nhà chiến sỹ, có cảm giác như, muốn từ nhà này sang nhà kia, phải nhón mũi chân kẻo dẫm phải các ông bạn khuyển.
Hình ảnh lạ mắt khiến các ống kính máy ảnh thi nhau chĩa về hướng đó. Người bạn cùng tuổi dẫn tôi xuống khu vực nhà kho ở tầng dưới cùng của khu nhà chiến sỹ, cho tôi xem một đàn chó 8 con vừa mở mắt, con nào con nấy mũm mĩm, hiền lành và đáng yêu khôn tả.
Mẹ của chúng, chú chó có bộ lông màu đen, người gầy gầy, xương xương. Nếu xếp theo "vai vế", chú chó này có lẽ đang ở ngôi... chó cụ ở đảo Đá Lát!
Nắng chiều hắt xuống mặt biển, tuỳ theo độ sâu của mực nước mà phản quang thành những khối màu khác nhau: khu vực bãi san hô ngay gần chỗ chúng tôi ngồi là những khoảng sáng đan xen như ô bàn cờ, vì nó soi rõ những khối san hô sáng trắng; càng ra xa, màu xanh càng trở nên sẫm đậm như màu mảnh chai.
Gió chiều lồng lộng. Tôi nằm trên bờ xi-măng dẫn ra khu trận địa, thiu thiu ngủ. Trong giấc ngủ vội vàng ấy, tôi nhớ, có cả hình ảnh chú chó có bộ lông màu đen đang canh chừng bên đàn con vừa mở mắt; có cả chú chó tinh nghịch ngoạm chiếc dép của khách lạ ra ngoài gặm chơi; có cả tiếng sủa dõng dạc của một chú chó thanh niên vạm vỡ, đi theo sau những bóng áo lính hải quân đang bồng súng tuần tra biển...
Xung quanh, biển xanh rào rạt, và nắng thuỷ tinh ôm trùm lấy khu nhà kiên cố, trông xa, sẫm đậm như một pháo đài nhô lên mặt biển.
Kiên Trung
VietnamNet
Một Trường Sa khác…
Submitted by nlphuong on Tue, 15/05/2012 - 08:24Nhắc đến Trường Sa không phải chỉ là tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc; không phải chỉ là những cuộc hành trình nhọc nhằn và gian khó để đến được với đảo; những câu chuyện về những chiến sỹ xa đất liền, mạnh mẽ, kiên trung và hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc… Mà còn có một Trường Sa khác, đầy lãng mạn...
Đôi bồ câu biển
Đá Tây là một trong những đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Bãi san hô rộng bao quanh đảo, được ví như một chiếc hồ ôm ấp nhà kiên cố được xây dựng ở giữa trung tâm đảo.
Các chiến sỹ chốt giữ đảo Đá Tây kể chuyện, những ngày biển lặng, nước trong vắt, từ trên chốt nhìn xuống, bãi san hô bao quanh tựa như một bức tranh sống động, với những đàn cá nhiều màu sắc kéo nhau vào đớp bọt sóng.
![]() |
Thiếu úy Đoàn Sỹ Hùng và đôi bồ câu biển trên đảo Đá Tây |
So với nhiều đảo chìm khác, Đá Tây là đảo rộng, có hai khu nhà kiên cố được nối thông với nhau bằng một chiếc “cầu” bê - tông dài chừng trăm mét. Đàn chó trên đảo hiền lành và hiếu khách. Chúng nằm la liệt trên cầu tầu, trên chiếc cầu hẹp nối giữa hai khu nhà, nhiều chú tinh nghịch nhào xuống biển bơi như một vận động viên chuyên nghiệp, rồi nhảy lên bờ rũ bộ lông ướt nhẹp khiến nước biển bắn tung tóe.
Ngoài những “vườn treo” trồng rau xanh trên đảo, Đá Tây còn có vài chậu trồng cây bàng vuông - những cây bàng nhỏ được chiết từ những cây bàng lớn trên các đảo nổi như Phan Vinh, An Bang…
Nhiều chậu ớt chỉ thiên quả sai chi chít; những trái ớt nhỏ đỏ lựng và chổng ngược lên trời. Đối với các đảo chìm, những chậu rau xanh, những chậu trồng ớt… được ví như những chậu cây trang trí ngoài đất liền.
![]() |
![]() |
![]() |
Đôi bồ câu liệng một vòng quanh nhà kiên cố và không sợ sệt đậu trên lan can của nhà nổi. Chúng gắn bó với Đá Tây nhiều năm nay, và không bao giờ bay đi. |
Điều bất ngờ với chúng tôi là trên tầng 3 của nhà kiên cố đảo Đá Tây có một chuồng chim bồ câu xinh xắn: chiếc chuồng được làm bằng những thanh tre nẹp dọc, mái chuồng là tấm bìa các-tông được bẻ đôi, bọc ni-lông để che mưa táp vào.
Điều bất ngờ hơn, đó là về câu chuyện hai chú chim bồ câu biển. Nó là thành viên của đảo Đá Tây.
Thiếu úy Đoàn Sỹ Hùng, quê Nghệ An kể chuyện: hơn một năm trước, một chú chim bồ câu không biết từ đâu bỗng “ghé chân” vào đảo Đá Tây, rồi ở lại không đi.
Giữa cảnh trời nước mênh mông, và bồ câu không phải là loài chim biển, cho nên, sự xuất hiện của chú chim này là một kỳ tích.
Cả đảo hào hứng và chăm sóc nhiệt tình “thành viên” mới này. Một thời gian sau, lại có thêm một chú chim bồ câu khác tìm đến, kết bạn với chú chim cũ. Từ đó đến nay, Đá Tây có hai thành viên, là hai chú “bồ câu biển” này.
Thiếu úy Hùng mở cửa lồng, bắt một chú bồ câu hiền lành tung lên trời. Chú chim sải cánh, bay liệng một vòng xung quanh nhà kiên cố. Chú chim còn lại cũng sổ lồng bay theo bạn, nô giỡn giữa không trung.
Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh Hùng cười: “Hai con bồ câu này hiền lắm, và chỉ quấn quýt ở đảo, không rời. Nó bay liệng một lúc, có thể sang đậu ở nhà hải đăng rồi nó lại về chuồng thôi.
Giữa những cánh sóng, đôi bồ câu bay lượn tự do và đầy phiêu lãng. “Nó là món quà tinh thần của biển trời tặng cho anh em đảo Đá Tây. Dù là hai “anh bồ câu” nhưng chúng rất thân thiện với nhau, không đánh nhau bao giờ…” - thiếu úy Hùng tâm sự.
Xương rồng, bàng vuông, quà biển…
Một tâm lý chung của nhiều người trong đoàn công tác khi ra Trường Sa, đó là muốn “giữ” một chút gì đó liên quan đến Trường Sa để làm kỷ niệm khi vào đất liền. Thứ mà ai cũng muốn tìm kiếm, đó là những quả bàng vuông - loài cây chỉ có ở những đảo nổi trên quần đảo Trường Sa.
Dãy bàng vuông cổ thụ trong khu hành chính của huyện đảo Trường Sa là những cây có “thâm niên” lâu nhất ở đảo: những vòng gốc hai người ôm không xuể, tán lá xanh mát che kín cả một góc sân.
![]() |
Dãy bàng vuông cổ thụ trên đảo Trường Sa Lớn |
Một thời gian sau, những bông hoa kết quả, quả bàng vuông khi trưởng thành hết cỡ có kích thước bằng một vốc tay người lớn.
Sự hiếu khách của các chiến sỹ khiến chúng tôi vừa cảm động vừa cảm thấy rất vui: các chiến sỹ trẻ xăng xái đi tìm bàng vuông tặng các chị văn công, các nữ nhà báo. Nhiều chiến sỹ còn “giấu” những trái bàng vuông của cây nào, ở đâu… không cho ai biết, để khi có đoàn đến thăm đảo, sẽ hái làm quà tặng khách đất liền.
Các chiến sỹ nói, bàng vuông là quà của Trường Sa. Chỉ những đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang… mới có bàng vuông. Những đảo chìm, không có đất để trồng cây.
Các đảo “tặng” nhau bằng cách chiết những cành bàng vuông gửi sang đảo khác, trồng trong chậu, vừa có thêm màu xanh, vừa nhân rộng loài cây kiêu hùng này ra nhiều đảo.
Đêm liên hoan trên đảo Trường Sa Lớn. Thay vì những bó hoa tươi như ngoài đất liền, các chiến sỹ lấy hoa nhựa, mạnh dạn tiến lên tận sân khấu tặng một cô văn công xinh đẹp; có chiến sỹ lặn lội ra tít bên ngoài hái một chùm hoa đại vẫn còn đẫm những giọt nước của cơn mưa chiều.
![]() |
Những chùm hoa bàng vuông trên đảo nổi Trường Sa |
Nếu như đảo Đá Tây được ví như “thành phố biển” vì sự lung linh của những chiếc tàu câu mực về đêm, rừng san hô bao xung quanh đảo… thì An Bang lại được ví như một thiếu nữ xinh đẹp nằm tắm sóng biển đông.
Từ trên cano “tăng bo” nhìn vào đảo An Bang, ngoài sự thán phục vì đảo khang trang, xanh tươi như một quần thể sinh thái, điều khiến chúng tôi trầm trồ không ngớt đó là bãi cát vàng yên ả bao quanh đảo.
Bãi cát tự nhiên trải dài hàng cây số chiều dài. Đứng từ trên đỉnh tháp Hải đăng của đảo An Bang nhìn xuống, nó mềm mại như vòng eo của người thiếu nữ.
Câu chuyện về bãi cát của An Bang cũng đẹp như chính sự diễm tình thiên nhiên của nó: những bãi cát “di chuyển” theo các đợt sóng biển dội vào bờ, không cố định một chỗ. Nó giống như hiện tượng bồi – lở của những dòng sông trên đất liền. Những đảo có bãi cát nhô lên giữa đại dương mênh mông, trong quần đảo Trường Sa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là những Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài A…
Không biết, có phải vì sự hiếm hoi của nó mà khiến tôi thấy bãi cát trên đảo An Bang hệt như một thiếu nữ đang nằm nghiêng, mặt hướng ra biển, và sóng biển hiền hòa vỗ về, nâng niu vòng eo…
Kiên Trung
VietnamNet
Những học sinh đặc biệt ở đảo Trường Sa
Submitted by nlphuong on Mon, 14/05/2012 - 08:50Lớp học khang trang, bàn ghế đẹp đẽ, đồ chơi dành cho các bé lớp mầm, lớp chồi… ở đảo Trường Sa Lớn không khác gì với những lớp học khang trang ở những thành phố trong đất liền. Thế hệ trẻ ở đây được Trường Sa dành cho những gì tốt đẹp nhất.
Trường Sa Lớn - “thủ đô” của quần đảo Trường Sa hiện có 4 lớp học: lớp 1, lớp 2, lớp 4 và lớp 5; một lớp mầm non dành cho các bé chưa đến tuổi đi học. Đây là những công dân nhỏ tuổi nhất đang sinh sống trên đảo Trường Sa lớn cùng bố mẹ và các chiến sỹ chốt giữ huyện đảo Trường Sa.
![]() |
Các anh, chị lớn tuổi được lãnh đạo huyện đảo dành cho một lớp học tiện nghi và khang trang, nằm trong khu vực hành chính của huyện đảo. Tuy nhiên, lớp học này là một lớp học cực kỳ đặc biệt, không ở đâu trong đất liền có.
Mỗi lớp học có hai bộ bàn ghế, và được xếp vuông góc với nhau thành một hình vuông. Bốn tấm bảng được treo trên bốn bức tường trong phòng, mỗi tấm bảng sẽ dành cho một lớp học.
Bàn giáo viên được kê ở ngay cửa lớp. Một tủ đựng sách, dụng cụ học tập kê ở cuối lớp. Một tủ thuốc dự phòng. Trên mỗi tấm bảng, ở góc trên cùng có “Năm điều Bác Hồ dạy” được viết ngay ngắn và đẹp đẽ; dòng chữ ghi “ngày… tháng…, năm…”; sỹ số của lớp học…
Tất cả đều mới và sạch sẽ. Nền lớp học lát đá hoa. Cửa kính đảm bảo đủ ánh sáng trời, và che chắn được những đợt bão từ biển thổi vào.
Bốn lớp học chung một phòng, vì “sỹ số” của cả bốn lớp học là… hơn 10 học sinh. Các bạn đi học rất chăm, không nghỉ học buổi nào.
Cô giáo Bùi Thị Nhung, quê Khánh Hòa, là cô giáo phụ trách chung của cả bốn lớp. Hàng ngày lên lớp, cô Nhung lo soạn giáo án cho tất cả các lớp, và một mình cô điều hành cả bốn lớp học.
Cô giáo Nhung kể chuyện: môn tiếng Anh, môn Toán có sự giúp đỡ “trợ giảng” của cả đồng chí chủ tịch huyện đảo và phó chủ tịch huyện đảo Trường Sa Lớn. Lớp mầm, lớp chồi của các bé ở liền kề lớp học của các chị lớn tuổi, có nhiều đồ chơi đẹp: nhà búp bê có cầu trượt, giàn đu quay có hình các bạn vịt Donan, bạn hươu sao…
Ngoài thời gian học ở lớp, các bạn nhỏ ở Trường Sa lớn chơi với nhau rất thân, và giúp nhau rất nhiều trong học tập. Các anh chị lớp lớn dạy các em tô màu, hay đưa em bé đi chơi quanh đảo bằng ngựa gỗ… mà không cần ba mẹ đi theo.
Các bạn ở trên đảo Trường Sa Lớn khoe với các cô chú trong đoàn công tác: các bạn học rất vui, cô giáo Nhung dạy dễ hiểu, nhiều bạn có ước mơ sau này sẽ là cô giáo để dạy các bạn nhỏ như mình sau này.
Những hình ảnh về lớp học và các bạn nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Kiên Trung
VietnamNet
Trong kia, trên đất liền, con gái tôi đã mất!
Submitted by nlphuong on Sat, 12/05/2012 - 21:49Ngày hết phép, anh trốn con ra đảo, đứa trẻ ba tuổi đã biết giận bố, nhưng vẫn cố nhổm dậy mỗi khi thấy một người mặc áo trắng mà nó cứ ngỡ là cha mình...
"Đảo là nhà, biển cả là quê hương"
Có thể, chúng ta đã rất quen thuộc với những khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích dán trên đường phố, kẻ trên tường, băng-rôn treo nơi công cộng vào những ngày lễ, những sự kiện trọng đại.
Ngay cả câu "Đảo là nhà, biển cả là quê hương" mà tôi gặp ở rất nhiều đảo, ở những đảo chìm vì không có diện tích, nó được kẻ mực đỏ lên trên thành bể bê-tông được xây để tích trữ nước ngọt, nước mưa; hay như ở đảo nổi An Bang, khẩu hiệu ấy được kẻ to đùng trên bức tường ban công tầng 3 của khu nhà chỉ huy...
Rõ ràng, nó là một khẩu hiệu. Thế nhưng, ở giữa biển khơi bao la, ở những nơi mà khi tôi đặt được đôi chân để đứng vững chãi trên mặt đất, sau một chặng hành trình dài trên tàu lắc lư theo sóng biển mới ra đến nơi, sau những trải nghiệm tự mình tìm cho mình, mới thấy, đấy không chỉ là khẩu hiệu. Nó là một mệnh lệnh thiêng liêng, là tình cảm thật xuất phát từ thẳm sâu trong cõi lòng mình.
![]() |
Ánh mắt Trường Sa |
Nó giống như cảm xúc trân trọng, tự hào trào dâng trong mỗi người chúng tôi, khi vừa mới trên canô "tăng bo" từ tàu lớn để lên đảo chìm còn nói cười rổn rảng, nhưng khi vừa chạm mắt hình ảnh người chiến sỹ nước da rám nắng, gương mặt cương nghị, tay bồng súng canh giữ biểu tượng chủ quyền Tổ quốc trên những đảo chìm, tự dưng, sống mũi cay xè...
Buổi chiều, chúng tôi quay lại đảo Trường Sa Lớn. Tôi dạo những bước chân chậm rãi và tự tin trên mảnh đất chủ quyền của Tổ quốc, giữa biển khơi lồng lộng gió biển.
Rừng phong ba chắn sóng ở những đảo nổi. Những dãy bàng vuông mơn mởn màu xanh bền bỉ đang trổ những chùm hoa của một mùa mới. Dưới những gốc cây, những đọt non căng tràn nhựa, vừa nhú ra khỏi cành đã thẳng tắp. Những rừng san hô quấn quýt quanh những đảo chìm...
Ở đảo xa, tôi thấy dường như, bất cứ cái gì cũng thẳng, không bao giờ nghiêng ngả, ngay cả đến cây cỏ.
Đó là Phương Anh, bé gái 5 tuổi hồn nhiên đùa vui cùng lũ trẻ ở Trường Sa Lớn. Con hồn nhiên, tự tin và hạnh phúc trên đảo quê hương. Con dẫn tôi về tận nhà để gặp mẹ - cô giáo trẻ đang cùng một lúc dạy các con từ lớp 1 đến lớp 5, và phụ trách luôn những con đang học lớp mầm, lớp chồi.
Nhà Phương Anh hôm nay bận rộn. Ba mẹ của con tíu tít cho bữa tiệc thôi nôi của bé Phương Nam. Mâm lễ cúng thôi nôi có 5 đĩa xôi, 5 bát chè kho bày trên bàn thờ gia tiên. Sư thầy Thích Ngộ Hạnh vừa từ đất liền ra Trường Sa Lớn được 4 ngày, đến tận nhà làm lễ. Một cuốn vở nhỏ, vài cây viết, nhiều món đồ chơi..., tất cả đều mới, được bày lên một chiếc mẹt tre. Tất cả đều ấp ủ những ước vọng cho bé Phương Nam hay ăn chóng lớn, mai này sẽ là một chàng trai Trường Sa ra trò!
![]() |
Thượng uý Phạm Quốc Phương - Điểm trưởng Điểm đảo Tốc Tan C, người vừa có đứa con đầu lòng bị mất. Anh nói với chúng tôi: "Vẫn còn nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn hơn em, em cũng thường xuyên gọi điện động viên vợ và gia đình. Nỗi đau sẽ qua thôi..." |
Mùi nhang thơm quấn quýt trong ngôi nhà hạnh phúc. Bên ngoài, sóng biển ầm ào như một bản nhạc nền. Cây đu đủ trước cửa quả sai nặng trĩu, tựa như một bức tranh Đông Hồ vẽ đàn lợn Âm Dương. Biết đâu, người nghệ sỹ dân gian của làng tranh Đông Hồ, nếu được ra đảo, cây đu đủ này sẽ gợi cho anh nhiều ý tưởng?
Đó là Thượng úy Phạm Quốc Phương, Điểm trưởng điểm Tốc Tan C, rắn rỏi và dong dỏng đen. Tôi lại được gặp ánh mắt Trường Sa, sáng long lanh và đầy nghị lực.
Trong sâu thẳm đôi mắt ấy, tôi bắt gặp một nỗi buồn, như con sóng ngụp lặn dưới lòng đại dương, đôi lúc lại nhô lên trên mặt biển.
Đôi môi của anh dường như vẫn còn nguyên một vết răng cắn chặt. Vết cắn làm đôi môi anh tứa máu, và vết thương vẫn chưa liền.
Chúng tôi chạm được con sóng ngầm đang được anh cất giấu trong lòng: đứa con đầu lòng ba tuổi của anh ngoài đất liền vừa mất vì một cơn bạo bệnh.
Anh nhận được tin dữ hơn một tuần trước nhưng không về được. Anh vẫn chốt trên đảo.
Trong báo cáo của anh với Đoàn công tác, phần đề xuất, anh chỉ xin cấp trên tăng cường thêm cho đảo các phương tiện, thiết bị tối tân hơn nữa, để Tốc Tan C có thể tăng thêm tầm nhìn, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vùng biển...
Trong một căn phòng nhỏ, chúng tôi, những nhà báo từ đất liền, chia sẻ cùng anh nỗi mất mát mà anh đang hứng chịu.
Trong lúc nhiều nhà báo không kìm được nước mắt, đôi mắt anh vẫn nhìn thẳng, dù giọng của anh có hơi lạc đi, cơ mặt giật giật trong khoảnh khắc. "Còn nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn hơn em, nhưng không ai rời vị trí cả. Em cũng đã động viên gia đình, sẽ cố gắng vượt qua nhanh nỗi đau này thôi...".
Anh tâm sự với chúng tôi như nói chuyện với những người đồng đội: đứa con bé bỏng của anh mắc căn bệnh hiểm nghèo. Vợ chồng anh đã chạy chữa cho con ở rất nhiều nơi; ngày hết phép, anh trốn con ra đảo, đứa trẻ ba tuổi đã biết giận bố, nhưng vẫn cố nhổm dậy mỗi khi thấy một người mặc áo trắng mà nó cứ ngỡ là cha mình...
Thương lắm, Trường Sa ơi!
Kiên Trung
VietnamNet
Lưu học sinh với biển đảo quê hương
Submitted by nlphuong on Fri, 11/05/2012 - 18:54(ICTPress) - Lần đầu được đi tham quan các điểm đảo tại huyện đảo Trường Sa, những lưu học sinh đã không nén nổi niềm bồi hồi xúc động khi đứng trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc.
Là những người con xa Tổ quốc, tuy nhiên những lưu học sinh, nghiên cứu sinh ngoài nước luôn quan tâm đến các vấn đề vận mệnh của đất nước, đặc biệt là vấn đề biển đảo của quê hương.
Anh Đức Kính, lưu học sinh, Bí thư chi bộ sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào cho biết, sinh viên dù ở trong hay ngoài nước luôn theo sát các vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, tham gia sôi nổi những hoạt động xây dựng Tổ quốc bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, sinh viên Việt Nam tại Lào luôn phối hợp với nhau để có các hoạt động thiết thực nhằm xây dựng quần đảo Trường Sa ngày một tươi đẹp hơn.
![]() |
Lưu học sinh Đức Kính |
“Trước khi được tham quan quần đảo Trường Sa, tôi đã biết khá nhiều thông tin về vị trí chiến lược và tầm quan trọng của các điểm đảo nhưng sau chuyến đi này, tôi đã tận mắt được thấy sự rộng lớn và vẻ đẹp hoang sơ của biển đảo Tổ quốc ta, cảm nhận được những khó khăn và quyết tâm sắt đá của các chiến sĩ hải quân. Qua đó, càng thêm cảm phục những hy sinh, nỗ lực của các anh khi làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ, giữ gìn biển đảo quê hương”, anh Minh Huy, nghiên cứu sinh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Tây Anh (Vương quốc Anh) chia sẻ.
![]() |
Nghiên cứu sinh Minh Huy |
Đến với quần đảo Trường Sa, cảm nhận thực tế cuộc sống của quân dân trên đảo, nhiều bạn trẻ đã bồi hồi xúc động và chia sẻ những dự định, ý tưởng nhằm góp sức xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh của đất nước.
Anh Hoàng Hải, một nghiên cứu sinh ngành CNTT tại Pháp cho biết, sau chuyến đi này, với những ghi nhận từ thực tế và hình ảnh có được, anh sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước thông qua những trang mạng xã hội, diễn đàn… để các bạn chưa có điều kiện đến Trường Sa sẽ có thêm thông tin từ thực tế, ý thức hơn với vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước.
![]() |
Nghiên cứu sinh Hoàng Hải |
Với tư cách là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Tây Anh, anh Minh Huy dự định, khi trở lại trường sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm thông tin những kiến thức mà anh đã có được từ thực tế, đặc biệt là cuộc sống của quân dân trên các đảo. Từ đó, đưa ra những đề xuất chi tiết để cùng với các tổ chức trong nước có những kế hoạch thật cụ thể nhằm góp sức xây dựng Trường Sa lớn mạnh, quân dân cùng nhau giữ đảo tốt hơn.
Ngọc Khôi
Báo Bưu điện Việt Nam
Bữa tiệc thịnh soạn ở Trường Sa
Submitted by nlphuong on Thu, 10/05/2012 - 11:39Trong hành trình chuyến công tác Trường Sa của chúng tôi, sáng 19/4, cả đoàn lên tàu HQ 996 - con tàu sơn màu trắng đẹp đẽ và mạnh mẽ như một con tuấn mã giữa trùng khơi. Tàu rời cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), xuôi theo sông Sài Gòn đến biển Vũng Tàu, chặng hành trình hướng tới Trường Sa bắt đầu.
Vượt qua chừng 7-80 hải lý, những giàn khoan trên biển của mỏ Rồng, mỏ Bạch Hổ, mỏ Đại Hùng dần dần rời lại phía sau. Sóng nước bắt đầu mênh mông vượt tầm mắt. Thi thoảng, một vài cánh chim biển chao liệng phía xa, trông tựa như một chấm thiên thạch rồi lại hút tầm mắt.
Ngày 21/4, Trường Sa Lớn hiện ra trước mắt. Tàu của chúng tôi đã đến đây và neo lại từ đêm qua. Sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu hé rạng trên mặt biển, tiếng reo của một người dậy sớm chờ đón bình minh trên biển khi thấy đảo, đã đánh thức tất thảy mọi người.
Kế hoạch công tác của đoàn được Ban chỉ huy tàu thông báo trên loa: sẽ chọn một nhóm nhỏ chừng 30 đồng chí lên đảo Đá Lát, số còn lại lên đảo Trường Sa Lớn, buổi chiều, những người đi Đá Lát sẽ về Trường Sa Lớn tham gia giao lưu văn nghệ với các chiến sỹ và nhân dân trên đảo lớn.
Vì thông báo đó, thành ra một niềm háo hức, hồi hộp xen lẫn ganh tỵ chộn rộn trong mỗi người. Tôi may mắn có tên trong nhóm người ra Đá Lát...
Nụ cười Đá Lát
Nếu như Trường Sa lớn vững chãi như một chiến luỹ thì Đá Lát là một thành đồng. Chỉ có duy nhất một nhà kiên cố dựng trên đảo chìm, trông xa, Đá Lát như một hòn đá tảng dựng giữa biển khơi.
Khi cano bắt đầu tiến đến cầu tầu, các chiến sỹ trên đảo đã sắp thành một dãy chờ đón chúng tôi hồn hậu như đón một người thân trong gia đình trở về, sau nhiều ngày xa cách.
Trực gác là chiến sỹ Nguyễn Văn Phê - cậu trai trẻ người Ninh Thuận. Phê vừa bước sang tuổi 22, và mới ra đảo được gần 7 tháng.
Nước da sạm đen, dưới ánh nắng tràn ở Trường Sa, tôi thấy gương mặt, làn da... của Phê chuyển sang màu đen bóng, đen vạm vỡ và rắn rỏi. Phê đón tôi bằng nụ cười hồn hậu. Hàm răng trắng bóng của em càng khiến nước da thêm bánh mật.
Nụ cười của em xuất hiện rất nhanh, và cũng ngay sau đó được giấu đi nhường lại cho gương mặt nghiêm nghị. Em bồng súng nghiêm trang, bộ quân phục gọn ghẽ. Trông em đẹp như một tượng đài bên biểu tượng chủ quyền Tổ quốc. Nụ cười ấy đã gieo trong tôi đầy những thương yêu. Phê như chính người em trai ruột thịt của mình.
![]() |
![]() |
Chiến sĩ Nguyễn Văn Phê |
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tôi ngồi trò chuyện với Phê, cũng là lúc em hết ca trực.
Khi mặc quần áo thường phục, cậu trai trẻ 22 tuổi lại trở về với em. Nụ cười ban nãy Phê "cất" đi, bây giờ lại thường trực. Tôi chợt nghĩ, nụ cười của em giống như một con sóng giữa lòng đại dương, sau một lúc ngụp lặn, bây giờ đã đến bờ.
Phê kể, trước khi vào lính Hải quân, em đã từng thi trường Sỹ quan Lục quân, với mơ ước được ra đảo. Thiếu điểm, em quyết định nộp đơn xin vào bộ đội, và được điều ra Đá Lát. Hành trang của cậu lính trẻ Nguyễn Văn Phê khi ra đảo có thêm một chồng sách. Em nói, em tranh thủ thời gian tự ôn thi, sau khi ra quân sẽ tiếp tục thi đại học, vẫn trường Sỹ quan Lục quân, và vẫn mơ ước được trở lại đảo Đá Lát làm nhiệm vụ.
Xung quanh chỗ chúng tôi ngồi, nắng Trường Sa lùa từ bốn phía. Gió biển theo nắng ùa vào, thênh thênh và lồng lộng. Tôi cảm giác, nếu có một cái cây ở đây, những cơn gió biển sẽ rất nhanh bứt rụng hết lá...
Rời đảo. Nước biển rút cạn một ngấn sát mép bờ. Chiếc ca-nô đón đoàn bị chạm đáy. Không suy nghĩ, Phê ào xuống dưới biển, ghé vai đẩy mũi xuồng ra khỏi bãi đá kẹt. Chiếc chân vịt được giải thoát, tung bọt trắng xóa làm ướt gần hết phần ngực áo của em.
Chia tay bịn rịn và xúc động. Nụ cười đẹp đến thánh thiện của cậu trai trẻ tiễn chân khiến lòng tôi chung chiêng suốt quãng đường về. Đôi mắt xếch, khi cười những vệt nhăn bị kéo lên gần như che hết mắt, hàm răng trắng bóng của em bỗng dưng trở thành tâm điểm.
Quà quý đãi khách
Đảo Đá Tây B đón tôi khi "nụ cười Đá Lát" của Phê vẫn còn nguyên trong tâm trí. So với Đá Lát, Đá Tây B hoành tráng hơn rất nhiều.
Đá Tây B gồm 3 khu nhà san sát nhau, một khu chỉ huy, một khu dành cho đội vận hành xuồng, liền kề là tháp hải đăng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trông xa, cả ba khu nhà này giống như một quần thể, khi lại gần mới biết, đó là những khu nhà độc lập tách rời, được nối với nhau bằng một con đường công sự, hay là chưa đầy 5 phút chạy xuồng sang nhà "hàng xóm".
Vẫn nắng. Và gió biển thênh thang đến hào phóng. Những gương mặt rắn rỏi đầy tự tin và sức mạnh. Tôi đang được ngồi đối diện, trực tiếp trò chuyện cùng những người con của Trường Sa bằng xương bằng thịt.
![]() |
Không có những lời kể về những khó khăn vật chất, những thiếu thốn tình cảm... Tôi thậm chí còn đỏ mặt vì mải mốt từ đất liền ra đảo chẳng kịp mang một chút quà gì tặng các chiến sỹ nơi đảo xa, trong khi các anh đón tiếp tôi bằng những thứ quý nhất mà các anh hàng ngày vẫn phải chắt chiu, tằn tiện.
Ba thau nước đầy để ngay cầu tầu, bên cạnh là ba bánh xà bông, ba chiếc khăn lau dành cho khách rửa tay, rửa mặt... sau một cuộc hành trình, dù ngắn cũng bị nước biển mặn dính vào người.
Trước khi ra đảo, tôi biết, nước ngọt ở Trường Sa, nhất là ở các đảo chìm, là thứ quý báu vô cùng.
Cường, người bạn đồng hương cùng tuổi với tôi, ra Đá Tây được gần một năm, được phân công nhiệm vụ phụ trách xuồng máy, tâm sự rất thật, rằng bạn ấy 5 ngày mới dám tắm nước ngọt một lần, mỗi lần hạn chế đến mức tối thiểu, chỉ dám tráng người bằng nước ngọt.
Gần khu bể chứa nước ngọt mà đảo nào cũng thiết kế giống nhau, có một đường ống nối thông với bể chứa nước thải ngọt. Một thau nước ngoài đảo được sử dụng tới 5 lần, lần cuối cùng chính là bể chứa này, và là nước để tưới rau trồng trong những chậu đất hiếm hoi được mang ra từ đất liền.
Sau câu chuyện của Cường, tôi bỗng thấy ba thau nước mà Đá Tây để trước cửa dành cho khách, nó chính là một bữa tiệc thịnh soạn chỉ dành cho khách quý.
Một cảm giác cay xè chạy dọc sống mũi. Ở đất liền, chính tôi là người vô tâm đã không biết bao lần quên không vặn vòi nước, để nước xối tràn sân...
Cường kể tôi nghe về người yêu học ngoài Hà Nội. Em vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, vừa bắt đầu một công việc mới. Đôi mắt Cường lấp lánh sau cặp kính cận lúc nào cũng nhòe nhoẹt vì mồ hôi và hơi nước phả vào. Bạn của tôi dự định sẽ tổ chức đám cưới trong đợt nghỉ phép tới...
Kiên Trung
VietnamNet
Đắm mình trong bể bơi nước biển lớn nhất Đông Nam Á
Submitted by nlphuong on Wed, 09/05/2012 - 07:51(ICTPress) - Tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (khu 3 Đồ Sơn - Hải Phòng), Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dáu có bể bơi lọc nước biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là bể bơi lọc nước biển áp dụng công nghệ lọc nước biển lớn và hiện đại nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Bể bơi tại đây khác hẳn so với những bể bơi thông thường, bởi lẽ ngay từ đầu, những nhà thiết kế đã thống nhất một ý tưởng xuyên suốt là tạo bể bơi nhưng phải giống như một bãi biển, ở giữa bể bơi có đảo dừa. Từ khi đặt nét vẽ thiết kế đầu tiên cho đến khi hoàn thành, sự thống nhất về ý tưởng đã mang lại cho du lịch Hải Phòng một điểm tham quan vô cùng hấp dẫn. Vì thế, tuy là bể bơi nhân tạo, nhưng người tắm lại có cảm giác như được tắm ở một bãi biển nào đó, bởi nền bể được lát đá hoa xanh, nhưng ven bờ là những dải cát trắng mịn màng nằm dưới những dãy ô dù đủ sắc màu xen lẫn với hàng phi lao đang lên xanh tốt.
![]() |
Đảo dừa được xây dựng ở giữa bể bơi |
Với diện tích khoảng 7 ha, bể bơi tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu đã xứng tầm là một trong những bể bơi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu so về quy mô hiện trạng và cách sử dụng nước thì bể bơi này cũng là một trong những bể bơi lọc nước biển lớn nhất thế giới. Bể bơi còn được vận hành theo một cơ chế đặc biệt, đó là lấy nước biển vào một khu vực để phù sa lắng xuống, sau đó hệ thống sẽ rút hết tạp chất để lại phần nước trong. Phần nước này sẽ được đưa qua hệ thống lọc rồi bơm vào bể, nhưng vẫn giữ nguyên độ mặn. Vì vậy, đây sẽ là một nơi tắm biển có nước trong xanh nhất Đồ Sơn. Bên cạnh đó, máy tạo sóng hoạt động liên tục làm ra những cơn sóng vừa phải khiến cho người tắm có cảm giác bồng bềnh như tắm ngoài biển thực thụ.
![]() |
Thác nước nhân tạo và sân khấu nổi ngoài trời, ở dưới là máy tạo sóng |
Nét độc đáo của bể bơi còn được thể hiện ở những mô hình thác nước. Ngọn núi Đầu Nở kế bên vô tình đã tạo nên cảnh sắc hoàn mỹ cho không gian du lịch tại nơi đây. Nếu như trên núi Đầu Nở là cả một khu du lịch sinh thái giống như Đà Lạt thu nhỏ thì phía dưới là một bể bơi lớn và hiện đại. Từ đỉnh núi, Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dáu đã xây dựng hệ thống bơm nước tạo thác thẳng xuống bể bơi, vừa thiên nhiên nhưng cũng rất hiện đại. Cả hai thứ đó quyện vào nhau đã làm nên một bể bơi độc đáo có một không hai trong khu vực.
![]() |
Khu vưc bể bơi dành cho trẻ em |
Bể bơi chính có độ sâu dành cho người lớn thì bên cạnh đó một bể bơi nhỏ cho trẻ em cũng được xây dựng. Tại đây, những món đồ chơi thích hợp cho trẻ nhỏ như nấm nước, cầu trượt, ngựa nhựa được lắp đặt để cả một gia đình có thể xuống bể bơi vui đùa với nước. Còn nếu ngại bơi lội, du khách có thể buông mình trên phao dọc theo dòng sông lười. Bể bơi lớn ngoài có đảo dừa được xây dựng ở giữa, phía cuối bể, một sân khấu lớn cũng được xây dựng khiến cho người xem có cảm giác những màn biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu này như đang biểu diễn trên mặt nước. Khi màn đêm buông xuống, hệ thống đèn chiếu sẽ được bật sáng, cả khu vực bể bơi lung linh trong ánh đèn vừa tạo phong cảnh đẹp, vừa giúp du khách có thể tắm đêm.
HH
Tổng thống Pháp mới đắc cử Francois Hollande: sự công chính và tính trẻ trung
Submitted by nlphuong on Mon, 07/05/2012 - 12:08(ICTPress) - Tổng thống mới đắc cử Francois Hollande đã có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới vào khoảng tầm 21 giờ 30 đêm qua, Chủ nhật ngày 6/5 ở Tulle, Corrèze trước một đám đông những người ủng hộ.
![]() |
Tổng thống Pháp mới đắc cử Francois Hollande |
“Hỡi các đồng bào của tôi, những người Pháp vào ngày 6 tháng 5 này đã chọn sự thay đổi khi đặt tôi vào vị trí Tổng thống nước Cộng hòa (Pháp).
Tôi đánh giá cao vinh dự mà tôi nhận lãnh cùng trách nhiệm đang chờ đợi. Trước các bạn, tôi cam kết phụng sự xứ sở với lòng tận tụy và sự gương mẫu cần thiết của nhiệm vụ này. Và vì tôi hiểu sự đòi hỏi của chức vụ này nên tôi xin gửi lời chào đoàn kết (kiểu chào vệ binh cộng hòa, un salut républicain) tới ngài Nicolas Sarkozy, người đã lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm và rất xứng đáng với lòng kính trọng của chúng ta trên cương vị này.
Nhiều người đã chờ giây phút này đã nhiều năm, một số người trẻ hơn chưa bao giờ được biết đến điều đó. Một số đã thất vọng nhiều, họ có nhiều những kỷ niệm cay đắng và tôi tự hào đã có thể khôi phục lại niềm hy vọng. Tối nay, tôi tưởng tượng đến những cảm xúc của họ mà tôi chia sẻ, cảm nhận, nhưng điều này cũng là cảm xúc của lòng tự hào, của nhân phẩm và của trách nhiệm. Sự thay đổi mà tôi đề xuất cần xứng tầm với nước Pháp. Nó bắt đầu từ đây.
Với những người đi bầu, rất nhiều người không lựa chọn tôi và họ hiểu rõ rằng tôi tôn trọng niềm tin của họ và rằng tôi sẽ là tổng thống của mọi người. Tối nay, không phải có hai nước Pháp đang đối đầu với nhau mà chỉ có một nước Pháp, một quốc gia chia sẻ cùng một vận mệnh. Mỗi người dù là nam hay nữ ở Pháp, sống trong nền Cộng hòa, sẽ được đối xử bình đẳng trước quyền lợi và bổn phận.
Không một trẻ em nào của nước Cộng hòa sẽ bị bỏ rơi, bị phân biệt đối xử. Với mỗi thành công, của mỗi người, của từng vận mệnh cá nhân, lời hứa hẹn về thành công sẽ được giữ trọn. Quá nhiều đổ vỡ, chấn thương đã chia cắt những công dân chúng ta. Điều đó đã chấm dứt.
Nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị tổng thống nước Cộng hòa, đó là tập hợp, là liên kết người dân Pháp với những bổn phận đang chờ chúng ta. Và nó cũng rất nặng nề: gìn giữ mô hình xã hội của chúng ta để đảm bảo mọi người có thể hưởng cùng các dịch vụ công cộng, sự bình đẳng giữ những vùng miền - tôi nghĩ đến những khu phố trong thị tứ và những tỉnh thôn quê. Ưu tiên cho giáo dục, trường học sẽ là sự cam kết của tôi, các định hướng của châu Âu về việc làm, tăng trưởng và tương lai. Ngay hôm nay, người Pháp đã tấn phong tôi là vị tổng thống nước Cộng hòa, tôi được yêu cầu đánh giá lại hai cam kết của mình: sự công chính và tính trẻ trung.
Có công chính không? Có thật sự là trẻ hóa không? Và có khi nào, trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ nhìn lại một lượt những điều mình đã làm và tự hỏi: "Liệu mình có thúc đẩy sự công bằng và liệu mình có để cho những thế hệ trẻ gánh vác những trọng trách trong nền Cộng hòa?”
Tôi tin tưởng vào nước Pháp. Tôi biết rõ điều đó.
Tôi có thể đánh giá tất cả các nguồn lực của đất nước chúng ta, và tôi biết chúng ta có thể phục hồi.
Các giá trị của nền Cộng hòa: tự do, bình đẳng, tình huynh đệ, nhân phẩm, bình đẳng giới, tính thế tục của nhà nước là đòn bẩy cho phép tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày hôm nay, chịu trách nhiệm cho tương lai của đất nước chúng ta, tôi nhận ra rằng châu Âu đang dõi theo chúng ta và khi kết quả được công bố, tôi chắc chắn rằng ở nhiều nước châu Âu, đó được coi như trút một gánh nặng, một niềm hy vọng, ý tưởng thắt lưng buộc bụng cuối cùng không phải là một định mệnh không thể tránh khỏi.
Và nhiệm vụ bây giờ của tôi là mang lại cho châu Âu một chiều kích về tăng trưởng, việc làm, sự thịnh vượng. Và đó cũng là những gì tôi phải nói càng sớm càng tốt với các đối tác châu Âu của chúng ta và đặc biệt là với nước Đức bởi vì tình hữu nghị đoàn kết giữa chúng ta.
Chúng ta là không phải là một nước bất kỳ, một quốc gia ất ơ nào đó trên thế giới. Chúng ta là nước Pháp, và với trọng trách tổng thống là thực hiện khát vọng của những người dân Pháp đem lại hòa bình, sự tôn trọng, và khả năng giải phóng người dân khỏi chế độ độc tài, tất cả mọi thứ tôi làm là nhân danh các giá trị của nền Cộng hòa trên toàn thế giới.
Ngày 6 tháng 5 sẽ là một mốc quan trọng cho đất nước chúng ta, một sự khởi đầu mới cho châu Âu, một hy vọng mới cho thế giới.
Nhiệm vụ các bạn giao phó cho tôi, nó tuyệt vời, cao cả, nhưng cũng nặng nề.
Tôi yêu đất nước tôi, tôi yêu người dân Pháp và tôi muốn rằng giữa chúng ta có một mối quan hệ, là tiền đề cho mọi việc và nó được gọi là sự tin cậy.”
Trung Thành dịch
http://www.slate.fr/france/54569/discours-hollande-je-mesure-honneur-fait
Đón Phật đản trên Quần đảo Trường Sa
Submitted by nlphuong on Fri, 04/05/2012 - 17:40Tháng 4, tháng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, thật là một cơ duyên đặc biệt, chúng tôi có dịp ra đảo, sau hơn 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi có mặt tại đảo Trường Sa đúng ngày 1 tháng 4 âm lịch.
![]() |
Cổng Chùa Trường Sa lớn chuẩn bị đón Phật Đản |
Trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo, gồm 9 đảo nổi và 12 đảo đá ngầm với 33 điểm đóng quân. Trên 3 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đã có 3 ngôi Chùa được xây dựng từ những năm trước.
Đó là Chùa trên đảo Song Tử Tây do Đại đức Thích Thánh Thành và Thượng tọa Thích Tâm Hiện tiếp quản, trụ trì.
Chùa trên đảo Sinh Tồn do Đại đức Thích Đạo Biện, Đại đức Thích Đức Hỷ tiếp quản, trụ trì.
Chùa trên đảo Trường Sa lớn do Đại đức Thích Giác Nghĩa, Đại đức Thích Ngộ Thành tiếp quản, trụ trì.
Vậy là tháng 4 này, nhân kỷ niệm Đại lễ Phật đản lần thứ 2556, các ngôi Chùa trên quần đảo Trường Sa sẽ đón một mùa Phật Đản thật đặc biệt. Hình ảnh bài thơ “Nhớ Chùa” * hiện về trong tôi:
Ôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình
Sau hơn 2 ngày trên biển, tàu HQ 996 đã cập cầu cảng đảo Trường Sa lớn vào lúc 8 giờ sáng ngày 1 tháng 4 Âm lịch. Là một Phật tử, điểm “định vị” đầu tiên khi đặt chân lên đảo là mái chùa trên đảo Trường Sa.
A Di Đà Phật! Con chào Thầy ạ!
Khi người con Phật vừa cất lên tiếng chào, nhận ra chiếc túi mang trên người, chiếc áo của CLB thanh niên Phật tử, Đại đức Thích Ngộ Thành đã sớm nhận ra “người quen”.
Đại đức Thích Ngộ Thành nở một nụ cười ấm cúng! Nụ cười của Thầy, bên mái Chùa thân thuộc đã tiếp thêm cho chúng tôi nguồn năng lượng tâm linh kỳ diệu. Trong phút chốc những mệt mỏi trên chặng hải trình như tan biến.
Đại đức Thích Ngộ Thành cho biết: Đại đức Thích Giác Nghĩa đang cùng các sư tham gia đoàn cầu siêu cho các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, các anh hùng bộ đội, ngư dân và chúng sinh tử nạn trên biển Đông trong 2 ngày; đó là ngày 30 tháng 3 và ngày 1 tháng 4/2012 Âm lịch. Ngày mai, tức ngày 2 tháng 4 Đại đức Thích Giác Nghĩa sẽ tới đảo Trường Sa và cùng với Thầy ở lại trông coi, trụ trì ngôi Chùa này.
Bản thân Đại đức Thích Ngộ Thành - một vị tu sĩ trẻ, chưa đầy 30 tuổi, mới đặt chân lên chùa Đảo Trường Sa lớn chưa tới 72 giờ đồng hồ. Nhưng ngay khi ra đảo, việc đầu tiên mà Thầy làm là chuẩn bị trang hoàng lại cổng Chùa chuẩn bị đón Lễ Phật đản đàu tiên trên Quần đảo Trường Sa. Đứng ở mái Chùa giữa biển Đông, chúng tôi có cảm giác thật thanh bình và ấm cúng.
![]() |
Đại đức Thích Ngộ Thành đang bao sái bát hương |
Khi dâng hương và đỉnh lễ tại Chùa, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đinh Gia Thật dành lời tán thành: “Tuy mới tiếp quản Chùa được 3 ngày, song Đại đức Thích Ngộ Thành đã làm quen với môi trường mới rất nhanh. Chùa mới được xây dựng, chưa có nhà cho Tăng ở và sinh hoạt riêng, Đại đức ở tạm tại nhà khách của bộ đội, ăn uống đơn giản chỉ có cơm và đậu phụ, Đại đức khen món đậu phụ trên đảo rất ngon”.
![]() |
Chuẩn Đô đốc, Phó chỉnh ủy Quân chủng Hải Quân Đinh Gia Thật đang trò chuyện cùng Đại đức Thích Ngộ Thành |
Quả thật, khi tìm hiểu thực tế, với chúng tôi đó không phải là lời của nghi lễ xã giao, khi vào thăm các hộ dân trên đảo, chúng tôi thấy nhà nào cũng có bàn thờ Phật, trên cùng cao nhất là hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm, tiếp đến là ban thờ Bác Hồ, thờ gia tiên.
Chiều cùng ngày, trước khi ra tàu để đi sang đảo Trường Sa Đông, chúng tôi ghé thăm nhà cô giáo Bùi Thị Nhung là cô giáo duy nhất trên đảo Trường Sa lớn, đã thấy Đại đức qua giúp gia đình làm lễ cúng Phật và gia tiên, nhân một năm lễ thôi nôi con nhỏ của chị.
![]() |
![]() |
Đại đức làm lễ thôi nôi cho con gái chị Bùi Thị Nhung |
Khi trở về đất liền, đúng ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/04/1975 - 29/04/2012), Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp Trụ trì Am Thụy Ứng - Quảng Trị điện thoại và cho biết, khi ra đảo Song Tử Tây ở lại 2 ngày một đêm trên Đảo và làm đại lễ cầu siêu, Thầy rất ngạc nhiên khi thấy hình ảnh ông Nguyễn Thanh Sơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài khi làm lễ cầu siêu đã kiên trì ngồi hàng tiếng đồng hồ và đội lễ trên đầu trong cái nắng chang chang như lửa đốt.
Nếu không có niềm tin tâm linh mãnh liệt, nếu không có sự am hiểu nghi lễ Phật giáo thì không thể có được những hình ảnh chân thành và cảm động như vậy.
Có ngẫu nhiên không? Khi cảm xúc đó của Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp tương phùng với cảm xúc của chúng tôi, về hình ảnh một vị Chuẩn Đô đốc chuyên về chính trị, tuyên giáo của Ngành Hải Quân tiếp xúc và xưng hô với quý Thầy như một vị Phật tử thuần thành, chúng tôi rất cảm động, trào dâng nước mắt.
Đó là điểm gặp gỡ của tinh thần, đúng như Thiền sư Mãn Giác đã từng viết:
"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Hình ảnh đó, để lại cho chúng tôi những ấn tượng không bao giờ quên về tinh thần nhập thế của đạo Phật trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, hiển hiện trong thực tế sinh động, còn hơn vạn lần lời nói rông dài và lê thê.
Ra với Trường Sa, chúng tôi những tưởng rằng sẽ mang hơi ấm đất liền ra sẻ chia cùng các anh, cùng quân và dân trên Đảo. Song, chính các anh lại tiếp cho chúng tôi niềm tin, niềm tin từ bao đời qua, hôm nay và mãi mãi về sau, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc, của đất mẹ Việt Nam.
Ra với Trường Sa, được đón một mùa Phật Đản trên đảo, được gặp các vị Tăng trẻ của Phật giáo Việt Nam, thấy mái Chùa với lá cờ Phật giáo tung bay, nào băng rôn, phướn cờ lồng lộng giữa biển Đông, chợt quay về đất liền và tự hỏi:
Mùa Phật Đản này có ngôi chùa nào trên đất liền không treo cờ Phật Đản?
Có ngôi Chùa nào trên miền cao Tây Bắc, Tây Nguyên, nơi vùng quê hẻo lánh, nơi đồng bào dân tộc thiểu số… vắng bóng các quý Thầy - những vị Tăng, Ni trẻ?
Nếu chưa. Xin một lần ra đảo Trường Sa…
![]() |
![]() |
Ban thờ Tam Bảo |
![]() |
Chuông chùa Trường Sa |
(*) Chú thích: Bài thơ ‘Nhớ Chùa”, tác giả Hòa thượng, Thiền sư Thích Mãn Giác
Hữu Dương
phattuvietnam.net
Triển lãm sắp đặt phim và ảnh “Jo Ha Kyū” tại Hà Nội
Submitted by nlphuong on Thu, 03/05/2012 - 21:23(ICTPress) - Tokyo, một trong những đô thị lớn nhất trên thế giới, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài trong sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật qua trải nghiệm của họ tại thành phố khổng lồ đặc biệt này.
![]() |
Một ví dụ như vậy là bộ phim đoạt nhiều giải thưởng “Lost in Translation” (Lạc lối giữa Tokyo) (2003) của đạo diễn Sofia Coppola.
Những đôi mắt sắc sảo của người nước ngoài thường thấu rõ vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản từ các góc độ khác nhau và làm cho chúng ta qua đó nhận thức được những nét hấp dẫn tiềm ẩn trong cuộc sống của chúng ta.
Trường hợp của Nguyễn Trinh Thi, một trong những nhà làm phim độc lập tài năng của Việt Nam, và Jamie Maxstone-Graham, chồng chị và là một nhiếp ảnh gia tên tuổi, không phải là ngoại lệ. Họ đã làm việc vài tháng ở Tokyo và quá trình khám phá Tokyo của họ đã mang đến một phim thử nghiệm ngắn và 60 tác phẩm nhiếp ảnh.
Anh Yoshioka, Phó Giám đốc của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét: “Khi xem những hình ảnh trừu tượng về Tokyo trong phim của Trinh Thi và chùm ảnh được chiếu đèn LED của Jamie về người dân và cuộc sống thường nhật ở Tokyo, ngay cả tôi, một người đã từng sống ở đó hơn 25 năm, có thể nhìn khác hơn về thành phố quen thuộc và trải nghiệm một Tokyo mới qua khám phá của hai nghệ sĩ. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới.”
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Chúng tôi hy vọng rằng khán giả sẽ không chỉ thưởng thức giá trị nghệ thuật của bộ phim và các tác phẩm nhiếp ảnh mà qua đó còn cảm nhận được một hình ảnh mới về Tokyo dù chưa tới thăm thành phố này.
Triển lãm sẽ được khai mạc vào 18h00 ngày thứ Ba, 24/4/2012. Chương trình giao lưu trò chuyện cùng nghệ sĩ sẽ diễn ra vào 16h00 ngày thứ Bảy, 5/5/2012 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Triển lãm sẽ mở cửa tự do hàng ngày từ 9h30 - 18h00 từ 25/4 đến 24/5/2012 tại Phòng triển lãm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
BN