Ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã có từ 2.500 năm trước

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 có lịch sử từ hơn hai nghìn năm trước, tồn tại liên tục tới bây giờ.

Dư luận đã từng có những cuộc tranh cãi, thắc mắc khi một số nhà nghiên cứu, nhà sử học cho rằng “Lễ hội Đền Hùng xưa kia mở vào mùa thu” và “Ngày mùng 10 tháng 3 chỉ là một thứ thời gian tình cờ táp vào”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Kim Biên, người dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về di sản, văn hóa đất Tổ, đã đưa ra những nghiên cứu rằng lễ hội Đền Hùng làm vào mùa thu chỉ có 3 năm, ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 tồn tại liên tục từ hơn hai nghìn năm trước đến bây giờ.

Người dân trẩy hội đền Hùng 2018 sớm trước cả tuần

Theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên, sở dĩ có 3 năm Giỗ tổ vào mùa thu là bởi mùa thu năm 1914, nhà Nguyễn làm giỗ Tổ bắt đầu từ năm 1914 nhân khánh thành đại trùng tu Đền Thượng và Lăng. Chủ trương xây lại Đền Thượng đặt ra từ năm Tự Đức thứ 27 (1874), nhưng gặp nhiều khó khăn, mãi tới năm 1913 mới có kinh phí sử dụng, năm 1914 thì khánh thành. 

Nhà Nguyễn quyết định tự đứng ra tế Tổ trước làng Hy Cương một ngày tại Đền Thượng. Nhưng không hợp phong tục, và mùa thu dân chúng bận nhiều việc không trẩy hội được, chỉ có các quan tế bái trên Đền Thượng. Do đó đến năm 1917 Tuần Phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc mới đề xuất triều đình quay về tục cũ làm giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3, để làng Hy Cương sẽ làm vào 11 tháng 3. 

Như vậy nhà Nguyễn làm giỗ Tổ vào mùa thu chỉ có 3 năm 1914, 1915, 1916 rồi thôi. Còn toàn bộ những kỳ giỗ Tổ từ hàng nghìn năm qua tới giờ đều làm vào ngày mùng 10 tháng 3.  

Về ngày 10 tháng 3, tấm bia “Khảo về đền Hùng vương” dựng năm Canh Thân Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt tại Đền Thượng viết:
 
“Bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày quốc tế, trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ 11 tháng 3 do nhân dân sở tại làm lễ…”.

Theo đây thì ngày mùng 10 tháng 3 là ngày giỗ Vua Hùng đời thứ 18 là Hùng Duệ Vương.

Điều này có thể đúng, vì An Dương Vương được Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho, mới lập đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh để tạ ơn. Ngày 10 tháng 3 có thể là ngày giỗ vua Duệ Vương, cũng có thể là ngày diễn ra cuộc hội thề ở Bãi Bằng Đền Hạ. Lại cũng có thể là ngày Thục Phán làm xong miếu thờ Vua Hùng, cúng lễ đầu tiên, rồi dặn lại làng Hy Cương làm giỗ vua Hùng Duệ Vương theo ngày đó, vì chưa biết được ngày mất của vua sẽ vào ngày nào, bởi vua đang còn sống. 

Theo truyền thống thờ tự của dân tộc ta, ngoài việc thờ vua Hùng Duệ Vương, còn phải thờ cả tổ tiên của nhà vua nữa, vì vậy Đền Hùng thờ cả 18 vị Vua Hùng. Long ngai bài vị ở cả 3 đền Thượng, Trung, Hạ đều ghi “Thập bát thế thành vương Thánh vị”, ngày mất của 18 vị là rất khác nhau, được quy về lấy chung ngày giỗ là mùng 10 tháng 3. 

Ngoài bản Ngọc phả Đền Hùng nói trên, còn có hai bản Ngọc phả thờ 18 đời Vua Hùng của hai làng Vi Cương và Vân Luông nữa. Làng Vi Cương liên đới với làng Hy Cương trong việc thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Làng Vân Luông liền cõi với núi Nghĩa Lĩnh. Hai bản Ngọc phả Vi Cương, Vân Luông nội dung như bản Đền Hùng, nhưng chi tiết hơn, và cuối cùng có dòng chữ là: “ghi năm Thiên Phúc nguyên niên đời Vua Lê Đại Hành”.

Đình đền của hai làng Vi Cương, Vân Luông thờ y như Đền Hùng. Long ngai giữa ghi: Đột ngột cao sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh vương Thanh vị.

Long ngai bên phải ghi: Viễn sơn Thánh vương Thánh vị.

Long ngai bên trái ghi: Ất sơn Thánh vương Thánh vị. 

Ta có thể nhận định 3 đình đền và 3 bản Ngọc phả của 3 làng Hy Cương, Vân Luông, Vi Cương là cùng một cụm.  

Riêng bản Ngọc phả Vân Luông có một chi tiết khác lạ là nói về ngày 10 tháng 3. Chúng tôi chưa thẩm định về văn bản học được, mà chỉ công bố chi tiết lạ để cùng nghiên cứu.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng giải trình nội dung chi tiết này, mong làm rõ phần nào nguồn gốc ngày mùng 10 tháng 3.
 
Bản Vân Luông viết rằng:

“Hùng Quốc Vương (thuộc chi cấn) tên húy là Lân Lang, ở ngôi 213 năm, thọ 796 tuổi. Tuổi Canh Ngọ, sinh ngày 5 tháng 5, sinh một bọc trăm trứng cùng Canh Ngọ… Sau một trăm vua cùng hóa vào giờ Thìn ngày 10 tháng 3. Mọi bậc tôn quí họp tại điện, 50 người theo mẹ 50 người theo cha…”. 

Ở đây ta lại thấy việc quy ngày sinh ngày hóa của 100 vị con trai Lạc Long Quân - Âu Cơ về một mối. 

Trăm vị cùng sinh ngày 5 tháng 8 năm Canh Ngọ, cùng hóa ngày 10 tháng 3. Quy về cùng sinh cùng hóa là chuyện thần thánh. Tuy nhiên, vì đó là chuyện Thần Thánh chỉ có lưu truyền, nên không ai thắc mắc. 

Thời Đinh – Tiền Lê đã quản lý chặt chẽ vùng ngã ba sông Hồng - Lô - Đà, hiểu biết Đền Hùng. Căn cứ vào những tình tiết trong Ngọc phả nói về các việc xẩy ra ở núi Nghĩa Lĩnh mà chỉ dân địa phương mới biết, ta có thể đoán vua Lê Đại Hành đã yêu cầu 3 làng Hy Cương, Vân Luông, Vi Cương khai báo về những gì họ biết về Đền Hùng và dòng tộc vua Hùng, từ xưa lưu truyền lại. 

Các tư liệu đó chuyển về để các vị ở Hàn Lâm Viện bổ sung thêm thần thoại cho linh thiêng nhào nặn vào để viết thành Ngọc Phả.  

Đã nói đến Thần tích - Ngọc phả là phải có yếu tố Thần Thánh để tăng độ linh thiêng. Truyền thuyết Bọc trăm trứng trong Ngọc phả 18 đời Vua Hùng lưu ở Đền Hùng, đình Vân Luông, đình Vy Cương cần được hiểu là: Thời Lạc Long Quân - Âu Cơ cách nay khoảng 4.500 năm, trên địa bàn rộng lớn từ Việt Nam, Lào đến nam ngạn sông Trường Giang, Trung Quốc có trăm bộ lạc giống người Việt cổ cư trú tản mạn, mà bộ tộc Văn Lang của Lạc Long Quân - Âu Cơ là trung tâm, sống hiền hòa không bao giờ đánh nhau với bộ lạc nào, có nghề cấy lúa nước dân no đủ, mọi mặt đều phát triển hơn nhiều bộ lạc khác. Thấy vậy khoảng trăm bộ lạc ấy đến học hỏi kỹ thuật cấy lúa nước và các kinh nghiệm làm ăn của bộ tộc Văn lang, kết tình liên lạc, họ suy tôn Lạc Long Quân - Âu Cơ là tổ phụ tổ mẫu, sau này số bộ lạc ấy gọi là Bách Việt, truyền tụng trong dân gian. 

Đến thời phong kiến, người Việt Nam muốn lưu giữ thông tin quý giá đó, các nhà nho học lớn tài giỏi sáng tác ra truyện  bọc trăm trứng, biến hóa trăm vị tù trưởng bộ lạc thành trăm con trai của lạc Long Quân - Âu Cơ. Để cho một trăm con trai là dòng tộc Vua Hùng, người sáng tác truyện cho đồng loạt tên đệm là lang như: Lâm Lang là con cả, 99 người em đều đệm Lang là: Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang, Thái Lang… (thời Hùng Vương con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương). 

Truyện bọc trăm trứng diễn ra ở kinh đô Văn Lang (thành phố Việt Trì ngày nay), nhưng các nhà nho sáng tác truyện lại lấy núi Nghĩa Lĩnh là nơi vợ chồng lạc Long Quân - Âu Cơ ở, sinh ra bọc trăm trứng tại đó, chỉ là dùng núi Nghĩa Lĩnh làm cột mốc cho con cháu sau này dễ nhận ra tích truyện, và môi trường rừng núi tính thần thoại được nâng cao hơn. 

Trở lại ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Chúng tôi nghiêng về giả thiết người làng Hy Cương cũng chỉ cung cấp được một số thông tin như, Lạc Long Quân có lên núi Nghĩa Lĩnh quan sát địa hình địa vật để đóng đô. (Núi này thời Hùng Vương gọi là núi Đột, rồi là núi Cả. Đinh Tiên Hoàng đổi tên núi Cả thành núi Nghĩa Lĩnh), các bộ lạc gần xa suy tôn Lạc Long Quân - Âu Cơ là tổ Phụ tổ Mẫu, và vài tích chuyện xẩy ra ở núi Nghĩa Lĩnh. 

Dự đoán ngày 10 tháng 3 là ngày Thục Phán cúng bái Vua Hùng Duệ Vương sau khi làm đền xong. Rồi ông dặn lại dân Hy Cương lấy ngày đó làm ngày giỗ cho vua. Sau đó theo phong tục thờ cả tổ tiên của vua nữa tất cả 18 đời, cùng làm giỗ vào ngày 10 tháng 3. Lại thấy đức Hùng Quốc Vương anh em cùng bọc với 100 vị con trai Lạc Long Quân – Âu Cơ, nên thỉnh luôn về hưởng giỗ vua Hùng Duệ Vương mồng 10 tháng 3. 

Như vậy, ngày mùng 10 tháng 3 là ngày giỗ vua Hùng đời thứ 18 là Hùng Duệ Vương. Sau đó mới thờ cả 18 đời vua Hùng và 100 vị con trai của lạc Long Quân – Âu Cơ, vẫn lấy ngày mùng 10 tháng 3 làm giỗ chung, lưu truyền về sau. Nghĩa là ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 có lịch sử từ hơn hai nghìn năm trước, tồn tại liên tục tới bây giờ. 

Nguồn: Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Kim Biên/baophunuthudo.vn

Tin nổi bật