Hồi ức Điên Biên Phủ: Gặp Đại tướng trên đường ra mặt trận

Bác Hoàng Châu  Kỳ năm nay đã bước sang tuổi 82. Nguyên là Kỹ sư Hữu tuyến điện, nghỉ hưu từ 1993. Bác  là một nhà sưu tập tem, hoạt động phong trào nhiệt thành và đã từng có thời kỳ làm Tổng Thư ký Hội Tem Việt Nam.

Ông Hoàng Châu Kỳ

Hôm 4/3/2014 vừa rồi, anh em trò chuyện, tình cờ bác kể về một câu chuyện xẩy ra đúng ngày này ở Chiến khu Việt Bắc 60 năm trước

… Ngày đó Bưu Điện còn là một Nha thuộc Bộ Giao thông Công chính. Văn phòng Nha năm đó - hồi đầu 1954 - còn đang đóng tại xóm Cây Hồng thuộc Văn lãng, Đại Từ, Thái Nguyên…

Đây là một địa điểm trong nằm sâu trong “ATK” của Chiến khu Việt Bắc. ATK là An Toàn Khu, nơi mà chúng ta đã giữ được quyền kiểm soát suốt thời kỳ Kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đều đóng trong khu vực này. Tuy vậy, nhưng đây là cả một vùng rộng lớn thuộc Thái Nguyên và Tuyên Quang, rừng cây rậm rạp, núi đá hiểm trở, lại có nhiều hang động vừa tiện để sinh hoạt và làm việc bí mật khó phát hiện, vừa dễ tránh đạn bom. Bọn Pháp biết vậy mà không sao bén mảng tới được, chỉ biết dùng máy bay oanh tạc, nhưng đạn bom đâu để rải cho khắp...

Cuộc sống ở ATK ngày đó phân tán, cùng một cơ quan đấy nhưng nhiều khi cách nhau cả mấy quả đồi. Sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh như vậy nên mỗi khi thấy có khách ghé thăm thì quả là cả một sự kiện. Gặp khách là luôn sẵn sàng chăm sóc chia sẻ tận tình. Khách đi rồi mà vẫn còn nhớ mãi…

Ở nơi đây là phải tuân thủ kỷ luật canh phòng bảo vệ hết sức nghiêm mật nhưng ứng xử vẫn mang vẻ kỷ cương nề nếp riêng của một Thủ đô kháng chiên…

“…Hôm ấy là đến phiên tôi được phân công ra ngồi ở thường trực bảo vệ cơ quan”.

… Sau Thu Đông năm 1953, cuộc kháng chiến của chúng ta đã chuyển sang một giai đoạn mới. Không khí chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng khi nào cũng sôi sục, nhất là ở ATK fhì được nghe mọi người bàn tán rất nhiều.

… Từ chỗ chúng tôi ở qua hai quả núi là tới địa phận đèo Khế... Đèo này vừa nằm trên con đường nối giữa hai khu ATK Sơn Dương, Tuyên Quang và Đại Từ, Thái Nguyên, lại vừa là đoạn đường trọng yếu để hành quân sang Tây Bắc. Vì vậy thời gian này thực dân Pháp tập trung ném bom ác liệt. Ngoài bom đan thông thường chúng còn rải rất nhiều bom nổ chậm cố gắng để cắt đứt con đường huyết mạch này.

Ngay từ sớm hôm đó đã thấy 2 “con cổ ngỗng” bay từ phía Hà Nội lên quần thảo bên đèo Khế cả chục phút liền. “Cổ ngỗng” là cái tên mà mọi người dung để chỉ những chiếc máy bay khu trục Xì-pít-phai” của Pháp. Sống thời chiến tranh từ trẻ con cũng biết phân biệt máy bay nào là “Gioongke”, đâu là “Hen cát”, cái nào là “Đa cô ta”… Mỗi loại lại có đặc điểm riêng, loại nào nhiều bom đánh lâu, loại nào bom lớn… là thuộc hết. Đứng ở sườn đồi bên này trông 2 chiếc máy bay nhao lên lộn xuống tôi còn trông rõ được từng quả bom rơi... Chính vì vậy mà các tổ quan sát biết được còn bao nhiêu quả bom chưa nổ.

Chiều hôm đó, chiều vùng sơn cước nắng hạ xuống nhanh… Trong không gian tĩnh lặng đó chợt nghe xa xa có tiếng xe cơ giới. Thời gian này thỉnh thoảng có nghe có tiếng xe chạy trong vùng cũng không còn là chuyện lạ nữa… Rồi từ phía đầu dốc đường vào cơ quan chợt xuất hiện 2 chiếc “com-măng-ca”. Tới khúc đường hẹp xe đỗ lại rồi có 5 anh bộ đội trên xe bước xuống đi về phía cơ quan. Họ có lẽ đều là cán bộ đi công tác xa vì thấy ai cũng mang súng ngắn. Người nọ đi nối người kia như kiểu hành quân, họ bước vào phòng thường trực…

Người đi đầu xuất trình giấy tờ cho tôi có tên ghi là Vi Văn Tuyên, cấp bậc E phó. Theo phiên chế trong quân đội hồi bấy giờ thì A là cấp Tiểu đội, B Trung đội… và E như vậy đã là Trung đoàn phó rồi... Cấp này mà trình giấy thì chắc trong đoàn còn có các cán bộ cấp cao hơn…?

Chợt thấy người đi sau mặc quân phục nhưng để đầu trần, trán cao, tai lớn trông hao hao đồng chí Trường Chinh mà tôi đã có lần trông thấy nên phân vân quay sang hỏi nhỏ người vừa trình giấy: “Anh Thận đó phải không anh?”. Thận là bí danh của đồng chí Trường Chinh ở ATK. Hồi kháng chiến ảnh lãnh đạo đưa trên báo chí đâu có nhiều như bây giờ nên chỉ đã được gặp thì mới biết mặt.

- “Chú hỏi làm gì?”

- “Để em đưa vào gặp anh Bình!”. Ngày đó tôi còn nhỏ, tuổi chưa đầy 20. “Anh Bình” ở đây tức là đồng chí Trần Quang Bình mà sau này làm Tổng Cục trưởng đầu tiên của ngành Bưu điện. Hồi đó anh đang là Giám đốc Nha.

… Đưa đoàn tới gặp anh Bình tôi thấy anh đón tiếp có vẻ nồng hậu lắm. Sau khi làm việc anh lập tức chuyển sang ở nhà khác, dành trọn cho đoàn cả căn nhà mà anh đang ở và làm việc.

Rồi ngay sau đó lại thấy mấy anh bộ đội khẩn trương đi chăng dây mắc anten và họ bắt tay ngay vào làm việc. Đến giờ ăn, bọn tôi xuống mời cơm cũng không lên. Họ bảo Đoàn đã có mang theo cả cấp dưỡng riêng rồi…

… Tối đó, anh Lê Trọng Phúc, thư ký riêng của anh Bình thì thầm với tôi: “Đoàn anh Văn mày ạ. Ông hồi trước là thầy giáo của tao đấy! Các anh ấy đang ra mặt trận nhưng đường còn bom nổ chậm nên phải ghé vào đây nghỉ tạm…”.  “Anh Văn” chính là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Anh Phúc sau cũng có thời làm Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội…

“Hôm đó là ngày 4/3/1954, tôi còn nhớ rất rõ”.

“Mười hai ngày sau, ngày 16/3/1954, tôi cũng được lãnh đạo Nha cử vào đoàn Bưu điện tiền phương lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến dịch!...

Nhanh nhẹn, khỏe mạnh… tôi chuyên quay ragonot để phát điện cho các máy thu phát vô tuyến làm việc. Nằm gần Chỉ huy Sở, đơn vị Bưu điện này ngoài các máy  vô tuyến còn có cả 1 tổng đài 10 số và là đầu mối kết nối giữa 2 mạng dân chính và quân sự ở Điện Biên Phủ ngày đó…

Hoàng Châu Kỳ - M.C. ghi chép

Tạp chí Tem

Tin nổi bật