Chia sẻ “Covid - Hiểu đúng để không lo lắng”

Tháng 12/2019, virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên tại TP. TP Vũ Hán, Trung Quốc sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Chỉ 4 tháng sau đó, WHO đã tuyên bố COVID - 19 là “đại dịch toàn cầu”.

Tại Việt Nam, trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, nước ta đã có hơn 5 triệu ca mắc COVID - 19. Đặc biệt trong những ngày gần đây, số ca nhiễm được ghi nhận trên cả nước liên tục tăng vọt, có ngày lên tới hơn 400.000 ca. Bên cạnh việc điều trị khi dương tính với virus, chăm sóc sức khỏe “Hậu COVID” cũng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Đây chính là lý do khiến Metaminds quyết định kết hợp cùng MedInsight và eDoctor tổ chức hội thảo: “Hậu Covid - Hiểu đúng để không lo lắng” nhằm đem đến những kiến thức đúng nhất về hậu Covid, đem lại sự yên tâm cho những người tham dự chương trình. Chương trình có sự đồng hành của thương hiệu sách y học MedInsight và Công ty công nghệ eDoctor.

Nhận biết hậu COVID

Theo BS. TS. Lê Thị Thanh Thuỷ, hiện đang công tác tại Khoa Nội Gan Mật, trường Đại học Y khoa, thuộc Đại học TP. Osaka (Osaka City University), Nhật Bản về hậu Covid, phân biệt hậu Covid ở các chủng thì các chuyên gia trên thế giới cho biết có 3 tiêu chuẩn để chẩn đoán một người có tình trạng hậu Covid: Thứ nhất là nhiễm Covid trên 3 tháng; thứ hai là có triệu chứng cả về thể chất và tinh thần kéo dài trên 2 tháng; thứ ba các triệu chứng này không thể giải thích bởi một chẩn đoán nào khác. 

Bài báo đầu tiên nói về hậu Covid là tháng 7/2020. Cuối năm 2021/đầu năm 2022 trên thế giới có hơn 900 bài báo nói về hậu Covid, nhưng đó chỉ là hậu Covid của biến thể Alpha, Delta. Biến thể Omicron chưa đủ thời gian để công bố nghiên cứu về hậu Covid, hiện được gọi chung là Covid chưa hồi phục.

Các triệu chứng nói chung của hậu Covid là mệt mỏi, khó thở kéo dài… Tuy nhiên, theo như quan sát và tổng kết về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có thể thấy rằng biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các biến chủng trước đó.

Với tư cách là bác sĩ tham gia tư vấn chữa trị cho các bệnh nhân nhi bị mắc Covid từ khi biến chủng Delta “hoành hành” tại TP HCM, đến khi biến chủng Omicron “tự tung tự tác” tại Hà Nội, BS. Đỗ Tuấn Anh, bác sĩ Khoa Nhi hiện đang công tác tại Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ tháng 2/2022 đến nay trẻ bị mắc Covid chủ yếu là mắc biến chủng Omicron.

Ngoài biểu hiện ở hô hấp và tiêu hoá như chủng Delta/Alpha thì trẻ mắc Covid biến chủng Omicron có tới 30% biểu hiện ở đường hô hấp trên với biến chứng hay gặp là viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, và đó là lý do chính khiến trẻ phải nhập viện và khám cấp cứu.

Covid-19 biến chủng Omicron làm gia tăng số trẻ nhiễm, nhưng có tới 40% trẻ không triệu chứng, 44% triệu chứng nhẹ, nên điều trị triệu chứng và hỗ trợ dinh dưỡng rất quan trọng.

Về điều trị Covid cho trẻ cần tuân theo 4 nguyên tắc: Thứ nhất là phân loại mức độ bệnh, thứ hai là điều trị các triệu chứng, thứ ba là cá thể hóa các biện pháp điều trị, thứ tư là theo dõi phát hiện và xử trí khi bệnh có diễn tiến khác.

Mục tiêu của việc điều trị là phải đảm bảo AN TOÀN VÀ ĐÚNG. ĐÚNG: là đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều và đúng liệu trình. AN TOÀN: là sử dụng thuốc hợp lý và đúng, để tránh lạm dụng thuốc, tăng tác dụng phụ, và tương tác thuốc.

KHÁNG SINH không phải thuốc dùng để điều trị Covid, trừ khi bệnh nhân có biểu hiện chứng minh/ nghi ngờ nhiễm khuẩn bội nhiễm.

Trong thời gian qua, BS. Đỗ Tuấn Anh cũng thường xuyên tư vấn và giáo dục bố mẹ hoặc người chăm sóc F0 nhi tại nhà: với việc theo dõi và phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng nguy hiểm/ đe doạ tính mạng để đưa bé đi khám/ cấp cứu tại bệnh viện.

Các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ khi mắc Covid gồm 3 nhóm.

Nhóm hô hấp: khó thở, thở nhanh, tím môi và đầu chi, 2 thông số quan trọng là : nhịp thở và chỉ số Sp02.

Nhóm mất nước, hay gặp ở F0 sốt cao, có biểu hiện tiêu hoá ( đau bụng, nôn, ăn kém/ bỏ ăn): mệt mỏi, li bì khó đánh thức, môi và niêm mạc miệng khô, khóc ít nước mắt, tiểu ít…

Toàn thân: li bì, bỏ ăn, da tái/ tím, sốt cao liên tục, co giật…

BS Đỗ Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, trẻ em cũng như người lớn, sau khi bị mắc Covid thường cần thời gian để phục hồi. Để hỗ trợ cho quá trình này, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi của trẻ. Lưu ý cho trẻ dùng các loại đồ ăn thức uống nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu hóa; hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử ngoài thời gian học…

Kinh nghiệm điều trị cho người lớn

Phần tiếp theo của chương trình, BS. Hoàng Bùi Hải, hiện là giảng viên cao cấp bộ môn hồi sức cấp cứu ĐH Y Hà Nội với nhiều công trình gây ấn tượng trong nghiên cứu khoa học; đồng thời là Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, chia sẻ về việc mắc Covid ở người lớn cùng kinh nghiệm điều trị, lời khuyên dành cho bệnh nhân.

Theo BS. Bùi Hải, thời gian hậu COVID tồn tại 2-12 tháng. Thời gian phục hồi với bệnh nhẹ là khoảng 2 tuần, bệnh nặng là từ 2 - 3 tháng.

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, biến chứng và xác định phương pháp điều trị, các BS sẽ hỏi bệnh nhân về: tiến trình bệnh, thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, loại và mức độ nghiêm trọng của biến chứng (ví dụ: huyết khối tĩnh mạch, sự hiện diện và mức độ chấn thương thận), nhu cầu oxy bổ sung (thở oxy, thở không xâm lấn, thở máy), biến chứng tim, hôn mê, kết quả xét nghiệm COVID-19 và các phương pháp điều trị ban đầu được sử dụng.

Bác sĩ đồng thời xem xét hồ sơ bệnh viện và bệnh nhân ngoại trú, danh sách thuốc của bệnh nhân.Thông tin này được so sánh với bệnh sử trước COVID-19 của bệnh nhân. Từ đó, xác định bởi mức độ nghiêm trọng và kết quả xét nghiệm bất thường trong thời gian bệnh cấp tính và các triệu chứng hiện tại của họ.

Đối với hầu hết bệnh nhân mắc bệnh thể nhẹ đã khỏi bệnh, thì không cần xét nghiệm. Đối với những bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh nặng, những bệnh nhân đã xác định được những bất thường, những bệnh nhân đã xuất viện hoặc những người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được, cần làm các xét nghiệm sau: Công thức máu, Sinh hoá máu, Các xét nghiệm chuyên sâu khác: NT-proBNP, troponin ; D-dimer; Xét nghiệm tuyến giáp; Creatinine kinase

Ngoài ra tuỳ vào mức độ nặng mà các bác sĩ sẽ yêu cầu làm điện tim, chụp X.quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, test đi bộ 6 phút.

Phương pháp điều trị đối với bệnh nhân bị khó thở, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân cơ bản gây khó thở, thường là do nhiều yếu tố: viêm phổi, viêm phổi tổ chức, suy nhược thần kinh cơ, đợt cấp của bệnh phổi tiềm ẩn, hẹp khí quản do đặt nội khí quản, suy tim...

Với bệnh nhân vẫn có khả năng hô hấp bình thường nhưng SpO2 <92%, thì tiếp tục được hỗ trợ oxy gọng kính, cần khám chuyên khoa hô hấp, phục hồi chức năng hô hấp.

Phương pháp điều trị đối với bệnh nhân ho dai dẳng kéo dài, các BS sẽ thăm khám để loại trừ các nguyên nhân ho khác như viêm dạ dày thực quản trào ngược, cơn hen phế quản, suy tim đợt cấp, viêm phổi mới xuất hiện...

Tiếp đó cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm ho không kê đơn (ví dụ: benzonatate, guaifenesin, dextromethorphan) khi cần thiết. Các liệu pháp xịt, hít, khí dung (ví dụ: thuốc giãn phế quản hoặc glucocorticoid dạng hít) có thể được kê đơn, và có thể hữu ích trong một số trường hợp khi nguyên nhân ho là co thắt phế quản.

BS sẽ hạn chế dùng opioid để điều trị ho do những nguy cơ có hại tiềm ẩn và chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân bị ho khó chữa, nặng, không thể dung nạp, ảnh hưởng đến giấc ngủ và / hoặc giảm chất lượng cuộc sống

Phương pháp điều trị đối với những bệnh có cảm giác khó chịu đau, tức, nặng ngực

Nếu bệnh nhân bị đau ngực do nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim liên quan đến COVID-19, viêm cơ tim hoặc tắc động mạch phổi các BS sẽ đánh giá cấp cứu, nếu nghi ngờ sẽ cho nhập viện cấp cứu.

Trường hợp đã loại trừ được các tình trạng cấp cứu trên, nếu có hạn chế cơ năng tim, bệnh nhân sẽ được giới thiệu tới bác sĩ chuyên khoa tim mạch để thăm khám, tư vấn. Nếu tức ngực do co thắt phế quản, điều trị bằng thuốc giãn phế quản dạng hít, xịt, khí dung.

BS Hải lưu ý: khó chịu ngực dai dẳng sau khi phục hồi sau COVID-19 cấp tính có thể giảm chậm. Thường không cần điều trị trừ khi nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đối với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể được sử dụng trong trường hợp không có rối loạn chức năng thận hoặc các chống chỉ định khác như dị ứng, viêm dạ dày tá tràng.

Tương tự như vậy, với các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật tư thế, các di chứng thần kinh và nhận thức khác, tăng đông máu/ huyết khối; thay đổi khứu giác, vị giác; mệt mỏi, giảm sức chịu đựng… BS Hoàng Bùi Hải cũng đưa ra những hướng dẫn thăm khám, hướng điều trị cụ thể cho bệnh nhân, để mỗi người tùy theo triệu chứng của cơ thể, sẽ trao đổi với bác sỹ, lựa chọn được hướng điều trị tốt hơn.

BS Hoàng Bùi Hải cũng chia sẻ vai trò của việc phục hồi chức năng hậu Covid. Theo đó, ông cho rằng các bệnh nhân có nhu cầu về các dịch vụ phục hồi chức năng cần tiến hành càng sớm càng tốt, thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày hồi phục sau mắc COVID-19. Tất cả bệnh nhân nên được kiểm tra các triệu chứng tim trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào.

Với hiện tượng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân hậu COVID, thì bệnh nhân nội trú đang hồi phục sau COVID-19 cấp tính được đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho đến khi bệnh cấp tính khỏi hoàn toàn và/hoặc bệnh nhân hoàn toàn có thể tự vận động được.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán thuyên tắc huyết khối trong quá trình nằm viện, thì thời gian điều trị chống đông có thể kéo dài từ 3- 6 tháng hoặc lâu hơn.

Đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các bệnh nhân đang lo lắng về các triệu chứng hậu Covid, nhưng cuối bài phát biểu, BS Hải vẫn dí dỏm kết luận: “Cái gọi là “hậu Covid thời Omicron” kết hợp bao phủ vắc xin không thể đánh đồng như thời biến chủng Delta, Alpha “lộng hành” và chưa có vắc xin.

Quan sát tôi thấy, rất nhiều các ca nhiễm Covid biến chủng Omicron đều không có biểu hiện, hoặc triệu chứng nhẹ. Thậm chí các biến chứng nếu có cũng không khác mấy so với các biến chứng cảm hàn mà Đông y đã liệt kê. Người bệnh chỉ cần có một số lưu ý về dinh dưỡng và lối sống, thì theo thời gian các triệu chứng này sẽ hết. (Tất nhiên là người có triệu chứng nặng thì cần được thăm khám và điều trị).

"Vì vậy, người mắc Covid không nên quá lo lắng, hoang mang. Hãy ăn uống đầy đủ, luyện tập vừa sức, để sớm bình phục lại sức khỏe, yên tâm trở lại cuộc sống như bình thường.” Đây cũng là thông điệp được BS Thủy và BS Anh hoàn toàn ủng hộ.

Trong phần hỏi đáp cuối chương trình, PGS.TS. BS. Hoàng Bùi Hải, BS. Đỗ Tuấn Anh và BS.TS. Lê Thị Thanh Thủy đã giải đáp thắc mắc và tư vấn hướng điều trị cho nhiều khán giả về các triệu chứng mà bản thân hoặc người thân họ đang mắc phải sau khi mắc Covid 19.

ND

Tin nổi bật