“Bản ngã” và “nhân quả”

Câu chuyện 1:

Một tràng trai đến tìm nhà sư , Anh hỏi:

-Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.

Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong.

Chàng trai nóng quá nhưng Anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư từ tốn nói:

- Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi!

Vấn đề là tại sao cứ đau là phải buông trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp lên.

Câu chuyện 2:

Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi:

- Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm,đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc,nước chảy tràn ra cả tay,làm cô bị phỏng,cô buông tay làm vỡ cốc. Lúc này nhà sư từ tốn nói:

- Đau rồi tự khắc sẽ buông!

Vấn đề là, tại sao phải đợi tổn thương thật sâu rồi mới buông?

Mỗi ngày qua đi, chúng ta không biết đối diện với bao nhiêu là cảm xúc, có vui buồn, giận hờn, có đôi lúc ta phẫn nộ chỉ vì một vài chuyện không đáng, hay tìm kiếm chút gì hạnh phúc qua những thứ rất bình dị và cũng lắm lúc ta như đi vào ngõ cụt, muốn đặt một dấu chấm để kết thúc tất cả. Ấy đó, cuộc sống là vậy như là một bản hòa tấu của cảm xúc, lúc trầm lúc bổng, lúc ta phải sống thật gấp như một bệnh nhân ung thư chỉ còn 3 tháng để sống, lúc ta lặng mình để chiêm nghiệm những gì đã qua. Mỗi con người không ai giống ai, hàng triệu người may ra có hai người có cùng dấu vân tay, hay để tìm một người tương hợp mô để ghép tủy cho một bệnh nhân ung thư máu cũng không phải là điều đơn giản, rồi là những suy nghĩ, lối tư duy hay biểu lộ cảm xúc mỗi người đều có một cách riêng. Ôi, sự phức tạp của con người.

Hai câu chuyện, có thể nói là chúng cùng trong một hoàn cảnh, có chăng khác ở đây là sự hiện hữu của con người, một nam một nữ. Chàng trai chọn cách chuyền cốc trà nóng sang tay khác để rồi được uống một tách trà thật ngon, cô gái lại chọn cách thả tách trà đi để khỏi bị phỏng, ấy vậy mà nhà sư vẫn không một lời phán xét ai đúng ai sai. Nếu đây giống như một bài toán thì dễ thiệt đó, cứ theo đáp án, ai làm giống thì cho là đúng, ai làm không giống thì người đó chịu sai, đằng này ta chẳng biết chàng trai đúng hay cô gái đúng.

Tôi có chia sẻ hai câu chuyện này cho mấy người bạn đọc thử, và thật bất ngờ mỗi người lại có những cách hiểu rất khác nhau, đứa thì nghĩ chàng trai đã làm đúng, đứa thì cho là cô gái, đứa lại cho rằng ông nhà sư này có vẻ như gàn dở, kiểu gì ổng nói cũng được, đứa thì chấm hết cho câu chuyện bằng “Không hiểu gì hết!”. Quả thật, tôi cũng không hiểu mấy về hai câu chuyện này lắm, vắt óc nặn đầu cũng không biết liệu câu chuyện này muốn truyền tải điều gì, liệu nhà sư, chàng trai, cô gái đại diện cho ai hay cái gì trong cuộc sống. Câu chuyện như đưa ta vào một đống rối rắm, một đầm lầy và muốn thoát khỏi đó chỉ có chính chúng ta mới giúp được chúng ta mà thôi. Chính tôi, tôi cũng muốn thoát khỏi mớ hỗn độn của những dòng suy nghĩ đó, thả mình vào đám mây trôi trên trời, vẽ vời ra những hình thù kỳ dị nhưng rồi chính mình cũng như vào ngõ cụt khi mà ý nghĩ này xọ xiên ý nghĩ kia, tôi ráng tìm ra cho mình một ý nghĩa từ hai câu chuyện này, ít ra tôi phải biết được liệu có khi mình trong hoàn cảnh đó thì mình sẽ là cô gái hay chàng trai, nhưng rồi cứ cố suy nghĩ thì tôi lại cảm nhận như đây là những câu chuyện vô bổ, cảm nhận như nhà sư giống như miệng đời thế gian, kiểu gì ông cũng nói được.

Rồi những ngày nghỉ cuối tuần, lâu lâu trường tôi mới có được những ngày nghỉ cuối tuần tuyệt vời như vậy, chứ trước giờ toàn học nguyên cả tuần, cuối tuần thì đầu óc cứ căng thẳng lên bởi những bài thi. Tôi trở về nhà, lâu lắm rồi mới có những bữa cơm ngon như vậy, thật ra cũng chẳng sơn hào hải vị gì, tôi cứ nói đùa rằng con đi học trên Sài Gòn ăn còn sang hơn ở nhà mình, mắm muối rau củ thôi nhưng thích cái hương vị của sum họp, và thích nhất là được ăn cơm cháy vì chỉ có ở nhà mới có cơm cháy mà ăn thôi. Dẹp mọi lo toan ở chốn thị thành xô bồ, không chút lo nghĩ gì, tâm tôi như một màu trong vắt, cũng ngắm mây, nhưng lần này tôi lại lắng nghe Kinh Chú Đại Bi, không biết mình đã nghe bao nhiêu lần nữa, chắc cỡ hơn một trăm lần thì phải, thực tình mà nói nghe tiếng Phạn nên cũng đâu có hiểu gì nhưng không hiểu sao tự thấy lòng mình nó nhẹ lắm, thấy biết bao những cảm xúc dồn nén được giải tỏa một cách kỳ diệu, cảm giác thấy trước mặt mình một niềm vui khó tả, bao ký ức đau buồn như được xóa tan, thấy tâm mình thật “tịnh”, thấy trí tuệ thật “minh”, thấy con người mình trào dâng một lòng khoan dung, độ lượng như muốn ôm vào lòng tất cả nghiệp báo của thế gian, cứu rỗi chúng sanh bằng sự kỳ diệu của Phật pháp. Và khi tâm “tịnh”, trí “minh”, tôi chợt hiểu chút gì về câu chuyện của nhà sư với chàng trai, cô gái.

Không một chút phán xét đúng sai, không là lời chỉ trích hay răn dạy, mà đó là bài học để chính bản thân chàng trai, cô gái tự đúc kết. Con người phức tạp là thế, mỗi người trước mỗi hoàn cảnh sẽ có những thái độ, ứng xử khác nhau, đấy chính là “bản ngã”. Vậy “bản ngã” là gì và từ đâu mà có?

Tôi chẳng phải là một nhà nghiên cứu triết học, tôi chỉ là một cậu sinh viên Y khoa 22 tuổi, kiến thức vẫn còn nông cạn nên đâu thể phán xét đúng sai, nhất nhất đưa ra một khái niệm và tự quy kết nguồn gốc xa xôi của nó. Nhưng “bản ngã” của tôi thì có thể lên tiếng. “Bản ngã” họa chăng từ hàng triệu triệu tế bào cấu thành nên một cơ thể hoàn chỉnh hay từ sự miệt mài học tập mà có được? Cứ nghĩ đơn giản tại sao có khi hai anh em, chị em sinh đôi cùng trứng, về mặt di truyền gần như là giống 100% nhưng cái suy nghĩ, thái độ lại không giống nhau 100%. Khi gặp lần đầu tiên, ta thấy họ như hai giọt nước, khó tài nào mà phân biệt được nhưng rồi có tiếp xúc, có là những người bạn thì cho dù họ có ăn mặc giống nhau đến cỡ nào ta vẫn phân biệt được rất dễ dàng. Tại sao cũng hai người sinh ra và lớn lên cùng một nơi, cùng một cha mẹ chăm sóc, giáo dục, nhưng có người lại một mực hiếu thảo, thờ cha kính mẹ nhưng lại có người đối xử với cha mẹ thật tàn nhẫn? Tất cả đều khó hiểu và khó đi đến được một cái kết thỏa mãn, chúng ta hãy cứ thử đi tìm “bản ngã” của chính mình. Liệu chăng đó là sự đúc kết của nghiệp duyên của bao đời? Cứ để cái “bản ngã” của mình “làm việc” vì đó chính là con người thật của mình, “bản ngã” của tôi là không nề hà khó khăn trước mắt thì tôi “chuyền cốc trà sang tay kia để rồi có tách trà thật thơm ngon để uống”, còn “bản ngã” tôi là dễ gục ngã trước khó khăn thì “tôi sẽ làm rơi chiếc cốc”. Ôi, sự phức tạp của “bản ngã”.

Tôi vẫn đề cao cái “bản ngã”, nhưng nhà sư vẫn cho chàng trai và cô gái lời khuyên, rõ ràng ta không biết “bản ngã” từ đâu mà có, liệu là nghiệp duyên thì thật ra ta cũng không biết được, tôi thì hiểu “bản ngã” có thể thay đổi được. Thay đổi bằng cách nào ư? Bằng tu tâm dưỡng tính, bằng sự kỳ diệu của Phật pháp. Tất cả đều có “nhân quả”.

Phật giáo ra đời tại Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm nhưng “nhân quả” thì ra đời từ lúc khai thiên lập địa. Vũ trụ là do từ vụ nổ Big Bang mà hình thành ra, đó là “nhân quả”, có người sẽ chột miệng hỏi rằng vậy vụ nổ Big Bang từ đâu mà có, chắc chắn sẽ có nguyên nhân mà có lẽ với khả năng hiểu biết của con người thì nó vẫn là một ẩn số. Không có gì tự đến, cũng không có gì mà tự đi, nó chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, tất cả đều có “nhân” và có “quả”. Con người cũng vậy, có “nhân” ắt sẽ có “quả”.

Một ông cụ 75 tuổi được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, theo bác sĩ tiên lượng thì khả năng sống còn chỉ khoảng 6 tháng. Vì tuổi đã cao khó lòng mà chống chọi nỗi những lần hóa trị nên gia đình đành đắng lòng mà xin cho ông về nhà vui vẻ những tháng ngày còn lại của cuộc đời bên con cháu. Suốt bao năm vất vả “gà trống nuôi con” kể từ khi bà nhà mất, ông cụ cứ mỗi day dứt khi để người vợ thân yêu cô đơn một mình ở thế giới bên kia nên khi đón nhận cái chết gần kề đối với ông không có gì là sợ hãi cả, cái chết chỉ như là một sự đoàn viên với người vợ mà ông vẫn dành trọn tình yêu suốt bao nhiêu năm cách biệt.

Con cái thì giờ đã trưởng thành hết, sống chung với hai vợ chồng người con trai út nhưng cuối tuần nào hàng xóm cũng thấy gia đình ông rộn ràng như có tiệc, tiếng trẻ con nô đùa râm ran cả một góc xóm, đó là những đứa con lớn, những đứa cháu dễ thương tuần nào cũng đòi về thăm ông nội, ông ngoại. Anh em, dâu con ai cũng sống hòa thuận nên ông cũng hưởng được cái vui của tuổi già. Đứa con dâu út ngày ngày tìm tài liệu để chữa bệnh cho ông, thấy bài thuốc nào hay chị cũng nấu cho cha uống, chị tìm thấy cách uống nước canh củ cải cộng thêm vài vị thuốc của người Nhật có lợi cho sức khỏe của ông nên ngày ngày chăm sóc, nấu cho cha từng bát canh củ cải, bát canh chứa đựng trọn niềm yêu thương của đứa con dâu hiếu thảo. Ông cụ đã sống thêm được 5 năm, một con số khó thể nào tin nổi đối với một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.

Tôi đã từng nghe thầy cô ở Khoa chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viên Ung Bướu nói có lẽ không có cái chết nào đau đớn bằng cái chết ung thư, dù đã chích morphin với liều cao nhất vẫn không thể nào giảm đau cho bệnh nhân ung thư được, họ ra đi trước sự bất lực của bác sĩ, họ ra đi trong cái đau đớn đến tột cùng. Ấy vậy mà ông cụ ung thư phổi giai đoạn cuối ấy ra đi trong một ngày nắng không gay gắt lắm, ông biết rõ giờ phút mình chuẩn bị sắp ra đi, ông gọi đúng tên từng đứa con, đứa cháu của mình, dặn dò những lời sau cuối và ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàng. Đó là cái “quả” mà ông đã nhận được khi suốt một cuộc đời với biết bao gian khổ, đôi lúc ông muốn gục ngã khi ngày ngày lo từng miếng cơm cho đàn con nheo nhóc, nhưng chưa bao giờ ông để cho đàn con ông một ngày đói, chưa để bất cứ đứa nào một lần dở dang việc học. Đó là “nhân quả”.

Tôi không nhớ rõ cô ấy tên gì nữa, bao nhiêu tuổi cũng quên mất, chỉ nhớ rằng đã từng đọc những tâm sự cô ấy chia sẻ trên báo về quyết tâm dành lấy sự sống cho đứa con trai mình mà đẫm nước mắt. Cô mang thai được 5 tuần thì không hiểu sao bị xuất huyết âm đạo trầm trọng, cứ tưởng lần ấy đã sảy thai nhưng may thay chỉ là dọa sẩy, về nhà cô ấy gần như phải bất động tại chỗ ròng rã suốt 40 ngày để mong cái thai sẽ phát triển cứng cáp hơn. Cô ấy đã sụt 6 kg và người xanh xao vì mất máu nhiều. Áp lực từ bạn bè, người thân, thậm chí là từ người chồng của cô mong muốn cô bỏ thai vì thấy cô ngày càng tiều tụy sau những lần mất máu. Tâm trí cô đôi lúc đấu tranh tư tưởng giữa bỏ và giữ lại thai, nhưng chính cô cảm nhận được một sinh linh vô tội đang vẫy đạp trong bụng mình như muốn nói rằng mẹ hãy cố gắng lên, hai mẹ con mình sẽ vượt qua thôi. Ngày thai được 13 tuần 1 ngày, cô đã òa khóc khi bác sĩ thông báo rằng đứa bé sinh ra có nguy cơ rất cao bị Down và có một thai trứng đang cùng tồn tại với đứa bé. Bác sĩ khuyên cô nên bỏ thai vì khó lòng mà giữ được thai, hơn nữa cần phải điều trị sớm thai trứng nếu không sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mất máu nặng, ung thư nguyên tế bào nuôi, một trong những loại ung thư ác nhất, có thể di căn rất nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Một lần nữa cô lại chịu áp lực giữa việc giữ và bỏ thai, nhưng bằng tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ, cô đã dám chấp nhận được cược tính mạng của mình ký cam kết với bệnh viện sẽ giữ lấy thai và điều trị thai trứng sau khi sinh. Và thật bất ngờ, những chỉ số theo dõi ung thư hạ xuống đến mức khó tin, kết quả siêu âm cho thấy đứa bé phát triển rất tốt. Đền đáp tình yêu thương đó, đứa bé sinh ra hoàn toàn bình thường. Sau đó cô tiếp tục điều trị ung thư, dù bao lần sống dở chết dở với những liều hóa trị nhưng chỉ nhìn thấy con là cô có được sức mạnh để vượt qua. Giờ đứa bé đã 3 tuổi, cũng là 3 năm cô vẫn điều trị và theo dõi ung thư. Chính cô giờ là tấm gương cho những bà mẹ cũng trong hoàn cảnh như cô năm nào đang điều trị tại khoa Ung thư Bệnh viện Từ Dũ. Đó là “nhân quả”.

Mỗi chúng ta sinh ra đều có riêng một “bản ngã” nhưng “nhân quả” sẽ chi phối cuộc đời của chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hãy ráng sống thật tốt. Đó là “nhân quả”.

Trần Hoàng Hiệp

ĐH Y Dược TP.HCM

Thành viên Quỹ Học bổng học sinh Quảng Ngãi

Tin nổi bật