Các phiên chợ Tết ở Hà Nội thu hút du khách

Vào mỗi dịp giáp Tết, nhiều người dân Hà Nội cũng như du khách rất thích dạo vài vòng quanh những phiên chợ Tết vừa có thể mua sắm vừa ôn lại hương vị Tết xưa.

Phiên chợ Bưởi

Vào dịp cuối năm, chợ Bưởi là nơi tề tựu của những người yêu hoa, cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Và đây là phiên chợ hiếm hoi còn tồn tại tới ngày nay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Phiên chợ họp chính các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng.

Vào dịp cuối năm, chợ Bưởi là nơi tề tựu của những người yêu hoa, cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. (Ảnh: danviet)

Có dịp ghé chợ Bưởi vào phiên chợ cuối cùng của năm vào ngày 29 tháng Chạp âm lịch, bạn sẽ bị choáng ngợp trước muôn vàn loại hoa, cây cảnh khoe sắc, cùng hòa vào dòng người mua hoa chơi Tết, hay ngắm cây cảnh, hay bắt gặp những người tìm đến chợ phiên đơn giản chỉ để tìm lại nét xuân riêng như một thú vui trong mỗi dịp Tết đến, xuân về ở Hà Nội.

Chợ làng Mọc ở Thanh Xuân

Chợ làng Mọc (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) có tuổi đời đã hơn trăm năm, đặc biệt mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng 27 Tết. Phiên chợ truyền thống này đã thu hút hàng nghìn người dân tham dự, vừa mua bán, vừa thưởng thức không khí cổ truyền, mộc mạc.

Là phiên chợ cổ truyền, mặt hàng được bày bán ở chợ cũng đậm chất truyền thống, mộc mạc. (Ảnh: dantri)

Chợ 27 Tết làng Mọc từ xa xưa là phiên chợ phuc vụ nhu cầu sắm Tết của người dân trong vùng. Ngày nay, bên cạnh ý nghĩa gìn giữ nét văn hoá truyền thống, chợ vẫn là nơi mua sắm rau quả, thịt gạo cùng các đồ dùng truyền thống cho các bà, các mẹ. Phiên chợ chỉ diễn ra trong buổi sáng và kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng nhưng đối với người dân ở làng Mọc, đây là phiên chợ đặc biệt, mang Tết về với làng.

Nhiều người lớn tuổi cũng tranh thủ đưa các cháu nhỏ đi chơi chợ với mục đích cho trẻ em sống giữa thành phố vẫn cảm nhận được nét xưa.

Chợ đồ cổ phố Hàng Mã

Chợ đồ cổ trở thành một điểm hẹn quen thuộc của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Hồng Phú)

Chợ đồ cổ họp từ 20 tháng Chạp đến chiều ngày 30 Tết hằng năm, thu hút được nhiều người yêu thích cổ vật, ưa hoài niệm. Đi trong khu chợ bày bán đa dạng các loại đồ cổ. Chợ đồ cổ Hàng Mã từ lâu trở thành điểm hẹn thú vị trong những ngày giáp Tết để mọi người dừng chân ngắm nhìn, chiêm ngưỡng một không gian cổ kính với những món đồ lạ mắt hoặc chọn mua những món đồ xưa cũ với hy vọng sẽ có một năm mới tràn ngập niềm vui và thịnh vượng.

Chợ hoa hàng Lược

Chợ hoa Hàng Lược là chợ truyền thống chỉ mở mỗi dịp Tết đến xuân về. Trước thềm năm mới một tuần, nơi đây là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều người dân Hà Nội và Việt kiều từ nước ngoài về quê hương đón năm mới.

Người dân Hà thành đến đây không chỉ mua đào, hoa cây cảnh mà còn là để ngắm hoa, thưởng cái không khí Tết của Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Chợ bắt đầu họp từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết. Vào thời gian này, đào, quất và các loại hoa xuân từ khắp nơi tụ họp về, khiến phố nhỏ vốn đã đông đúc, nay lại càng sầm uất hơn vào những ngày giáp Tết. Gọi là chợ hoa Hàng Lược nhưng khi tới phiên, chợ còn kéo dài từ Hàng Chai tới cả Hàng Mã, Hàng Đồng, chỗ nào cũng ngập tràn hoa tươi và cây cảnh. Đối với người Hà Nội, ngắm phố hoa Hàng Lược vào mỗi dịp giáp Tết như một thú vui tao nhã, ôn lại Tết xưa.

Chợ hoa Quảng Bá

Những chậu hoa đào được bày bán ở chợ hoa Quảng Bá.

Đây là một trong những khu chợ nổi tiếng ở Hà Thành, càng tấp nập vào dịp giáp Tết. Chợ nằm dọc theo con đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội). Vào những ngày thường, chợ chỉ họp vào ban đêm nhưng dịp cận Tết bạn có thể ghé chợ hoa vào bất cứ lúc nào trong ngày. Thời điểm này, hoa đào được nhiều người tìm mua nhất. Những cành đào hồng, đỏ tràn ra cả khu vực ngoài chợ để mọi người lựa chọn. 

Chợ Nủa ở Thạch Thất

Chợ phiên xứ Đoài hay được biết đến với cái tên dân dã _ chợ Nủa, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 30 km, tại xã Bình Phú (huyện Thạch Thất. Phiên chợ này vẫn còn lưu giữ được ít nhiều nét truyền thống của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Chợ Nủa họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng, thường chỉ diễn ra vào buổi sáng, riêng chợ Tết họp thêm phiên chiều.

Không khí ở chợ quê truyền thống Bắc Bộ những ngày cuối năm đều đem lại cho bất kỳ ai cảm giác thèm Tết đến kỳ lạ.( Ảnh: VNE)

Chợ chủ yếu bán nông sản, vật nuôi, đồ dùng gia đình như chiếu cói, chổi tre, nón lá, áo quần, tăm đũa tre, bánh rán, kẹo bột, bỏng gạo... Trong phiên cuối cùng của năm, chợ Nủa bán nhiều hàng hóa phục vụ dịp Tết. Những ngày cuối năm, nhiều người tìm đến Chợ phiên xứ Đoài để mua - bán, hay có người đi chơi chợ cho thỏa nỗi nhớ, đám trẻ con thì thích theo bà theo mẹ đi để được thưởng thức quà quê.

Nguồn: Mai Phương (Tổng hợp)/hanoitv.vn

Tin nổi bật