Trăn trở trình độ tiếng Anh cho sinh viên CNTT

(ICTPress) - Đào tạo tiếng Anh cho nguồn nhân lực CNTT tương lai thực sự là nỗi trăn trở của người đặt câu hỏi và cả người trả lời tại phiên tọa đàm Hội thảo quốc gia về CNTT-TT với chủ đề "Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT - Một năm nhìn lại" vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ảnh minh họa: vnu.edu.vn

Ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trăn trở tiếng Anh là công cụ không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện nay đối với bất kỳ lao động nào, đặc biệt là đội ngũ làm việc trong ngành CNTT. Vậy chúng ta đã làm gì và phải chăm lo như thế nào? Nếu chúng ta chăm lo đào tạo tiếng Anh từ bậc học phổ thông 10 năm nữa may ra mới có cơ hội thâm nhập với thế giới. Các đối tác vào giao tiếp với chúng ta nhưng chúng ta vẫn dường như chưa có công cụ là tiếng Anh để thẩm định lại họ.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết Bộ GD&ĐT đã có đề án đào tạo tiếng Anh đến năm 2020 nhằm tăng cường dạy tiếng Anh từ lớp 5. Chương trình này đang được triển khai rầm rộ. Bộ GD&ĐT cũng đang chuẩn bị một số nhóm công tác thí điểm giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh.

Đào tạo tiếng Anh cho sinh viên CNTT rất quan trọng. Bộ GD&ĐT đã quán triệt sử dụng giáo trình CNTT bằng tiếng Anh dạy CNTT thay cho việc dịch như trước đây. Bộ GD&ĐT thời gian qua khuyến khích các trường tham khảo giáo trình tiếng Anh, mời giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây chưa phải là nhiều nhưng đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, ông Ngọc cho biết.

Bắt đầu từ năm nay, Bộ GD&ĐT đã cho tuyển sinh khối khối A1 gồm các môn Toán, Lý và Anh văn để khuyến khích các em học theo học tự nhiên, học CNTT bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các em học CNTT được khuyến khích viết đồ án, bảo vệ tốt nghiệp bằng tiếng Anh.

Nhiều trường bắt đầu quan tâm tới việc đào tạo 2 năm đầu học cơ bản 2 năm sau học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Các trường công nghệ ở nhiều nước coi việc học theo phương thức này là bắt buộc.

Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” đã đặt ra mục tiêu cụ thể về nguồn nhân lực CNTT  là đến năm 2015, 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.

TS. Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đào tạo bằng tiếng Anh rất quan trọng mà Việt Nam còn thiếu. Đại học Công nghệ 4 năm qua coi giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên là chiến lược. Các khoa Khoa học Máy tính và Điện tử CNTT sẽ tiến tới dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trường đã mời toàn các thầy đào tạo ở nước ngoài về giảng dạy.

Tháng 6 này khóa đầu tiên gồm 80 học sinh công nghệ được giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ là khóa đầu tiên ra trường. Trường còn mong muốn số giáo viên ngồi hội đồng bảo vệ luận văn là 1/3 người là người nước ngoài. Luận văn của họ sinh được gửi 1 giáo viên nước ngoài phản biện bằng tiếng Anh, ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, việc đào tạo này theo ông Bình là phải làm từ từ. Khối A1 được đề nghị mấy năm và nay đã trở thành hiện thực.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học FPT cho biết FPT xác định trang bị tiếng Anh cho sinh viên công nghệ là rất quan trọng. Đào tạo sinh viên ở đại học FPT được cam kết là ra trường sẽ làm việc được trong môi trường tiếng Anh. Trong thời gian qua, nhiều em tốt nghiệp đã ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng giảng dạy và học trực tiếp bằng tiếng Anh phải dần dần.

Ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng học tiếng Anh quan trọng là phải có thầy nói tiếng Anh tốt.

X.T

Tin nổi bật