TPP đặt ra nhiều nghĩa vụ mới mẻ, thách thức phát triển ngành TT&TT

(ICTPress) - Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, khi cùng với TPP, Việt Nam đang đàm phán và ký kết hiệp định thương mại với nhiều nước. Đặt trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới, việc tham gia hội nhập sâu rộng có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam và ngành TT&TT.

Nhằm cung cấp thông tin kịp thời về hội nhập kinh tế quốc tế, hôm nay 24/8, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT tổ chức khóa tập huấn “Hội nhập kinh tế quốc tế: Cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực TT&TT và Hiệp định đã ký kết” năm 2016 cho lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và tương đương ở các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu khai giảng Khóa tập huấn cho biết: Đây là khóa Tập huấn được tổ chức rất kịp thời, đáp ứng được nhu cầu nắm bắt thông tin của cán bộ ngành TT&TT ngay khi chúng ta vừa ký kết 2 hiệp định thương mại tự do vô cùng quan trọng: đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu (VN – EU), hai Hiệp định có nhiều cam kết tác động lớn đến sự phát triển của ngành TT&TT thời gian tới.

Với chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Chính phủ, ngành TT&TT cũng có nhiều cam kết hội nhập trong nhiều hiệp định tự do hóa song phương và đa phương khác, trong đó có thể kể đến: Hiệp định Thương mại Tự do VN – Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu; Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Nhật Bản; Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ.

“Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết đều có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế của đất nước, mở ra các trang mới trong quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước và các khu vực phát triển trên thế giới. Phạm vi của các cam kết trải rộng trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, và các cam kết về TT&TT luôn nằm trong số các cam kết khó khăn, chỉ đạt được thỏa thuận ở những phiên cuối. Có thể nói các hiệp định tự do hóa đã được ký kết đều thể hiện quyết tâm hội nhập sâu rộng hơn của VN, mở ra cơ hội phát triển mới, đảm bảo giữ vững được những lợi ích cốt lõi của VN về an ninh quốc gia trên mọi khía cạnh”, Thứ trưởng nói.

Lấy ví dụ với Hiệp định TPP, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Hiệp định TPP được ký kết ngày 4/2/2016 điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống đến các vấn đề ít truyền thống hơn như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư, mức độ cam kết trong Hiệp định TPP cũng sâu nhất từ trước tới nay. Chương về Viễn thông, thương mại điện tử cũng đặt ra rất nhiều nghĩa vụ mới mẻ, rất thách thức tới nhiệm vụ quản lý và phát triển ngành TT&TT của chúng ta. Các cam kết mở cửa thị trường của chúng ta cũng rộng và sâu hơn trong WTO tuy vẫn bảo lưu được một số hạn chế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình.

Là báo cáo chính của khóa Tập huấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã trao đổi với các học viên về nội dung cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định mậu dịch tự do mới và TPP – cơ hội và thách thức – nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

Mở đầu trao đổi, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyên chia sẻ 3 đặc điểm kinh tế lớn của thời đại chúng ta:

Thứ nhất, đó là sự phát triển nhanh mạnh của khoa học công nghệ, tạo ra khối lượng sản xuất khổng lồ, tạo ra sự đổi mới trên toàn thị trường

Thứ hai, Một quốc gia không sản xuất toàn bộ mà sản xuất 1 sản phẩm, mà chỉ sản phẩm 1 chi tiết của sản phẩm để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, sự phát triển bền vững gắn kết tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường trở thành yêu cầu chính của sự phát triển.

Do đó, ông Tuyển cho rằng nền kinh tế cần phải có sự chuyển dịch:

Thứ nhất, từ công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt. Tại Diễn đàn kinh tế Davos tháng 1/2016 nói nhiều về làn sóng công nghiệp thứ 4, tích hợp nhiều loại công nghệ cao. Người ta nói nhiều CNTT thể hiện một số đặc trưng mới: kho dữ liệu, trí tuệ nhân tạo - người máy, vạn vật kết nối, làm thay đổi tất cả. Hãng taxi lớn nhất là ko có taxi nào mà có dữ liệu lớn nhất hay khách sạn lớn nhất là không có khách sạn nào.

Thứ hai, từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ;

Thứ ba, từ sản xuất vật chế sang phát triển các ngành sản xuất dịch vụ.

Theo đó, ông Tuyển cho rằng cần phải quan tâm tới nâng cao: tốc độ tăng trưởng nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển; chất lượng hiệu quả đào tạo nhân lực; tổ chức chất lượng thị trường và chi phí hiệu quả;

Cùng với việc nâng cao tốc độ tăng trưởng, ông Tuyển nhấn mạnh phải coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường để bền vững xã hội.

Tại khóa tập huấn, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cũng trình bày một số cam kết của Việt Nam trong các FTA đối với lĩnh vực TT&TT và cam kết riêng của Việt Nam.

Đối với TPP, Việt Nam đã thực hiện một số cam kết chính về dịch vụ Bưu chính, Viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và dịch vụ trò chơi điện tử.

TH

Tin nổi bật