Sẽ quy định giá thành, cước, khuyến mại dịch vụ truyền hình trả tiền

(ICTPress) - Đó là một trong những nội dung được đề xuất bổ sung trong Chương IV của Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Phát thanh Truyền hình (PTTH) được Ban soạn thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng cho biết ngày 22/7 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa (vtc.vn)

Dự thảo Nghị định được tổ chức thành 7 Chương và 61 Điều, trong đó, Chương I là những quy định chung; Chương II: Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH quảng bá; Chương III: Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền; Chương IV: Quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá cước, khuyến mại; Chương V: Thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh; Chương VI: Thanh tra, xử lý sai phạm; Chương VII: Điều khoản thi hành.

Điểm mới của Chương I là bên cạnh các quy định chung đối với doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đã có thêm các quy định mới đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PTTH quảng bá.

Chương II cơ bản được biên soạn mới để bổ sung các quy định của nhà nước đối với các dịch vụ PTTH quảng bá cung cấp trên dịch vụ PTTH quảng bá cung cấp trên dịch vụ truyền hình mặt đất kỹ thuật số và dịch vụ PTTTH trên mạng Internet.

Tại Chương III, các quy định được kế thừa từ các quy định đã đi vào thực tiễn của Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg về quản lý nội dung và dịch vụ truyền hình trả tiền, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ, quản lý thông tin thuê bao và cụ thể hóa các gói dịch vụ đảm bảo dịch vụ truyền hình trả tiền phải thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đến mọi người dân.

Tại Chương IV, căn cứ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực PTTH, việc bổ sung các thủ tục, quy trình, quản lý chất lượng dịch vụ cụ thể đối với từng loại hình dịch vụ để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Bổ sung các quy định về quản lý giá thành, giá cước, khuyến mại dịch vụ để quản lý thị trường dịch vụ phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Chương V kế thừa các quy định về thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh của Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg, các thủ tục, quy trình đăng ký đã được đơn giản hóa và sự phân cấp trung ương, địa phương được đề cập trong các điều của Chương.

Nghị định này sẽ quản lý toàn diện hoạt động cung cấp dịch vụ PTTH đồng bộ với quan điểm quản lý nêu tại Quy hoạch phát triển dịch vụ PTTH đến năm 2020. Theo đó, một trong những định hướng phát triển mà Quy hoạch đã chỉ ra là hình thành thị trường dịch vụ PTTTH trả tiền cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại, có lộ trình chuyển hoàn toàn sang PTTH số vào năm 2020, nội dung chương trình phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; chất lượng dịch vụ ngày càng cao và giá dịch vụ phù hợp.

Hoạt động truyền hình trả tiền bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1995 với dịch vụ truyền hình viba nhiều kênh MMDS (6 kênh truyền hình) do Trung tâm dịch vụ kỹ thuật cáp MMDS của Đài THVN cung cấp. Giai đoạn trước 2011, hoạt động truyền hình trả tiền được quản lý theo các quy định của pháp luật về báo chí, sở cứ chính là Quyết định số 79/2002-QĐ-TTg ngày 18/6/2002 về việc quản lý việc thu cả các chương truyền hình nước ngoài.

Ngày 24/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý hoạt động trả tiền, với 6 Chương và 32 Điều quy định cụ thể các hoạt động thu chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh, quản lý nội dung trên truyền hình trả tiền và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên toàn quốc đã kiện toàn và nâng cao quy mô, khả năng và nguồn lực doanh nghiệp, từ gần 60 đầu mối phân tán đã từng bước được củng cố, sắp xếp thành trên 30 đầu mối. Từ 2 dich vụ chủ đạo là truyền hình cáp tương tự và truyền hình vệ tinh đã phát triển thêm các dịch vụ truyền hình cáp số (DVB-C), truyền hình cáp giao thức IP (IPTV), truyền hình di động (Mobile TV). Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đến 31/12/2013 đã tăng đến 6,3 triệu thuê bao.

Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg đã đi vào thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, từng bước hình thành được thị trường dịch vụ với sự tham gia bình đẳng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng PTTH đang đứng trước xu thế số hóa rất nhanh, tạo ra áp lực quản lý nhà nước về nội dung, hạ tầng và dịch vụ trong bối cảnh hội tụ công nghệ và dịch vụ diễn ra hết sức mạnh mẽ. Trên một kênh sóng truyền hình (độ rộng 8MHz) hiện đã có thể truyền tải được đến gần 30 kênh chương trình truyền hình kỹ thuật số với độ phân giải hình ảnh tiêu chuẩn. Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống, trên hạ tầng truyền dẫn sẵn có đã triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông như thoại IP, Internet băng rộng…. Với các doanh nghiệp viễn thông, trên hạ tầng viễn thông sẵn có đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình quảng bá kỹ thuật số mặt đất, qua vệ tinh và phát thanh, truyền hình trên mạng Internet đang phát triển mạnh tạo thành kênh truyền thông mới cung cấp các chương trình quảng bá và theo yêu cầu, đến người xem không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, ví dụ OTT TV, web TV, P2P TV…

Mặt khác, đứng trên phương diện thị trường, đã xuất hiện tình huống một số đơn vị sở hữu chi phối nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và có hiện tượng độc quyền nội dung dịch vụ đối với một số kênh chương trình có ảnh hưởng xã hội, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường dịch vụ.

Đứng trước xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, các chính sách quản lý nhà nước cần có những thay đổi để thích ứng điều kiện thực tiễn trong công tác quản lý. Căn cứ các quan điểm về xây dựng chính sách quản lý nêu tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 19/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ PTTH đến năm 2020, trên cơ sở kế thừa các quy định sẵn có của Quyết định số 20/2011/TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải xây dựng một văn bản quản lý ở tầm Nghị định của Chính phủ.

Ban soạn thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH gồm 13 thành viên do Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn làm Trưởng Ban và Tổ Biên tập gồm 11 thành viên do ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT làm Tổ trưởng.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Nghị định mới sẽ căn cứ và các văn bản luật trước đây, cụ thể hơn, tập trung vào dịch vụ truyền hình trả tiền. Việc xây dựng Nghị định mới sẽ bám sát quy trình của Luật Văn bản và các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo dự kiến tiến độ triển khai và hoàn thiện Dự thảo lần cuối Nghị định vào tháng 12/2014.

HM

Tin nổi bật