Người dùng châu Á “gánh” 11 tỷ USD do tội phạm mạng

(ICTPress) - “Người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ phải “gánh” khoản chi phí lên tới 11 tỷ USD vì những thiệt hại do tội phạm mạng gây nên và việc phải sửa chữa máy tính do sự xâm phạm của các mã độc từ phần mềm không bản quyền”.

Microsoft họp báo công bố về nghiên cứu an toàn thông tin mới nhất

Trên đây là một trong nhiều thông tin được bà Rebecca Hồ, Giám đốc Sở hữu Trí tuệ, Microsoft khu vực Đông Nam Á công bố tại buổi họp báo về nghiên cứu an toàn thông tin máy tính mới nhất hôm nay 30/5 tại Hà Nội. Các công bố này liên quan tới số liệu về những tổn thất tài chính mà người dùng phải gánh chịu do sự xâm nhập của các phần mềm độc hại, được dựa trên kết quả Nghiên cứu về An toàn thông tin được IDC kết hợp với Trường Đại học Singapore thực hiện tại 11 quốc gia trên toàn cầu về sự xâm nhập của các mã độc và những tổn thất do chúng gây ra.

Nghiên cứu này được thực hiện thông qua việc khảo sát trên 1700 người (trong đó 807 người đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương) bao gồm tất cả các đối tượng từ người tiêu dùng, nhân viên và các nhân sự cấp cao trong ngành CNTT đến các cán bộ thuộc khối chính phủ tại Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mehico, Ba Lan, Nga, Singapore và Ukraina.

Thông tin tiếp từ kết quả từ nghiên cứu này được bà Rebecca Hồ cho biết là chính phủ các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ sự lo lắng của mình tập trung vào các vấn đề chính bao gồm sự xâm nhập trái phép vào thông tin bí mật cấp quốc gia (57%), các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng trọng yếu (56%), và việc đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin cạnh tranh. Ước tính, khối Chính phủ toàn cầu mất hơn 50 tỷ USD để giải quyết thiệt hại và đối phó với tình trạng mã độc tràn lan trên các phần mềm bản quyền.

Với khối doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, con số này được tính toán lên tới gần 230 tỷ USD trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây nên bởi các phần mềm độc hại được cài đặt có chủ ý trên các chương trình không bản quyền, trong đó bao gồm 59 tỷ USD để xử lý các vấn đề an ninh và 170 tỷ USD để khắc phục tình trạng ăn cắp dữ liệu.

Trên cơ sở phân tích 203 máy tính được các chuyên gia khảo sát đóng giả người dùng đi mua máy tính mua mới tại các cửa hàng tại 11 thị trường nhưng đã bị cài đặt phần mềm không bản quyền, Trường Đại học Quốc gia Singapore cũng đã đưa ra một con số đáng kinh ngạc với 61% máy tính đã bị xâm nhập bởi các phần mềm độc hại bao gồm các mã độc Trojan, sâu máy tính, virus…

Ông Bùi Đình Trường, Giám đốc khối Khách hàng chính phủ và Doanh nghiệp nhà nước, Microsoft Việt Nam cho biết kết quả nghiên cứu chuyên sâu này là những thông tin thiết thực nhất, giúp người dùng Việt Nam nhận thức được về tầm quan trọng của bảo mật máy tính, từ đó hình thành thói quen sử dụng phần mềm bản quyền và trở nên thận trọng hơn khi lựa chọn các thiết bị phục vụ công việc, cuộc sống của con người.

“Năm 2014 được dự báo tiếp tục là một năm đầy biến động về an toàn mạng trên toàn cầu với sự phát triển nhanh của các loại tội phạm mạng cả về số lượng và cả về mức độ tinh vi của các phương thức tấn công. Đối tượng tấn công của tội phạm mạng đang chuyển hướng đang chuyển hướng, không chỉ nhắm đến người dùng cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp, mà đang hướng thẳng đến các cơ quan và tổ chức nhà nước của các chính phủ. Việc này cũng đồng nghĩa với mục tiêu tấn công tội phạm mạng đang thay đổi, giảm dần mục tiêu vào việc đánh cắp thông tin tài chính của người dùng và đang chuyển hướng sang các hoạt động gián điệp, kinh tế và đánh cắp thông tin trọng yếu của các cơ quan chính phủ”, Ông Bùi Đình Trường cho biết thêm.

Tại Việt Nam, tình hình an ninh mạng cũng đang diễn ra hết sức phức tạp, theo thống kê năm 2013 của BKAV Việt Nam có 2405 website của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp bị xâm nhập và trung bình mối tháng có khoảng 300 website bị tấn công. Việt Nam cũng ở vị trí thứ 8 trong top 10 nước nguồn phần mềm độc hại hàng đầu trên thế giới vào năm 2013 và giữ vị trí đầu trong danh sách các quốc gia người dùng đối mặt với có nguy cơ lây nhiễm địa phương cao nhất.

Nguyên nhân chính của tình hình này được ông Bùi Đình Trường cho biết do các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng các hệ điều hành, phần mềm không có bản quyền còn rất là nhiều. Tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam hiện đang là 81%, bởi vậy đã xuất hiện nhiều lỗ hổng an toàn thông tin để cho hacker, virus lợi dụng tấn công. Đồng thời người dùng còn thường xuyên tải các phần mềm không rõ nguồn gốc trên Internet. Do đó, chúng tôi tin rằng việc nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa an toàn thông tin mạng tại Việt Nam là vô cùng quan trọng không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp mà còn cho cả sự phát triển quốc gia.

Nguyễn Dung

Tin nổi bật