Ngày CNTT lần đầu tiên: SMAC mang cơ hội chưa từng có cho VN

(ICTPress) - Hôm nay 22/8, Ngày Công nghệ thông tin (CNTT) 2014 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

Ngày CNTT 2014 với chủ đề “SMAC - Nền tảng công nghệ phát triển thông minh” do 3 đơn vị đồng phối hợp tổ chức gồm Viện Khoa học Công nghệ VINASA (VSTI) - Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA đã phối hợp cùng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam (NISCI) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Viện CNTT (ITI) - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngành CNTT thế giới đang sôi động với nền tảng công nghệ S.M.A.C được hình thành dựa trên sự hội tụ của 4 thành tố: “S” là Social tức là xã hội, “M” là Mobility là di động, “A” là Analytics là phân tích dữ liệu lớn, cuối cùng “C” là Cloud là điện toán đám mây.

Nếu như  trước 2012,  ngành CNTT - Viễn thông thế giới chủ yếu khai thác năng lực tính toán nhanh của máy tính giúp nâng cao tốc độ và hiệu suất công việc. S.M.A.C ra đời kết hợp mọi cấu thành trong nó một cách chặt chẽ với nhau và tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, khiến máy tính có khả năng phân tích, có khả năng suy nghĩ và ngày càng tiệm cận đến tư duy con người. S.M.A.C đang tạo ra một cuộc cách mạng, một động lực phát triển mới và định hình xu hướng phát triển thông minh trên thế giới.

Tham dự ngày CNTT, Thứ trưởng Bộ TTT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu: “Trong hơn 10 năm qua, thế giới đã có những thay đổi căn bản, đang chuyển sang thời đại phát triển mới với đặc trưng chính là toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin. Nền tảng cho sự biến chuyển của thời đại chính là sự bùng nổ và hội tụ của CNTT tạo ra động lực phát triển mới, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng. Các công nghệ di động, băng rộng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đang tao ra những xu thế phát triển thông minh trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lập vị thế trong kỷ nguyên số”.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ đóng đóp vào các đề án ứng dụng CNTT lớn như: xây dựng mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử, xây dựng Kiến trúc chuẩn Hệ thống thông tin quốc gia; phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia… của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành, địa phương để hệ thống thông tin được xây dựng trên nền tảng công nghệ bắt kịp với toàn cầu.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh đánh giá cao sáng kiến tổ chức Ngày CNTT. Chương trình tạo một diễn đàn cho các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ, các nhà quản lý và các doanh nghiệp (DN) chia sẻ thông tin, thảo luận phân tích, đánh giá, dự báo những xu hướng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực CNTT trên thế giới và tại Việt Nam. Bộ KHCN sẽ luôn đồng hành và bảo trợ cho hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng này.”

Tại hội nghị, PGS.TS. Trương Gia Bình đã chia sẻ một tầm nhìn SMAC. Ông cho rằng cuộc cách mạng công nghệ mang tên SMAC là cuộc cách mạng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn hơn tất cả các cuộc cách mạng công nghệ mà nhân loại từng trải qua bởi vì cuộc cách mạng lần này tạo ra “trí tuệ nhân tạo” lập nên một thời đại mà ở đó mọi vật có khả năng kết nối, tương tác và đặc biệt là có khả năng tự học tập gần như con người.

Cố vấn cấp cao của Gartner Jonathan Krause cho biết một trong những hãng nghiên cứu công nghệ đầu tiên đưa ra xu hướng S.M.A.C với tên gọi Nexus of  Forces, cho biết: thế giới đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các thiết bị các nhân và các thiết bị kết nối internet (internet things) năm 2009 chỉ có khoảng 1,6 tỷ thiết bị cá nhân và 0,9 tỷ thiết bị internet things. Năm 2020 dự kiến sẽ có 7,3 tỷ thiết bị cá nhân và 30 tỷ internet things. Với sự phát triển này, S.M.A.C đang có được điều kiện thuận lợi nhất để tạo ra một cuộc cách mạng kinh tế toàn cầu. Theo đó, kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số (Digital business) là xu hướng toàn cầu.

DN lớn đều xây dựng digital business như một lợi thế cạnh tranh cốt lõi giúp DN chiếm lĩnh thị trường của các DN trong thời gian tới. Tiên phong cho xu hướng này, Tập đoàn Microsoft đã triển khai những dịch vụ dựa trên S.M.A.C như Azure là ví dụ tiêu biểu.

Bà Hoàng Song Nga, đại diện Microsoft nhấn mạnh: “Hệ điều hành Windows Azure và gói dịch vụ Windows Azure đều nằm trong Tầm nhìn về đám mây của Microsoft hướng tới giải pháp đám mây lai giúp DN chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện tại một cách linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Windows Azure giúp DN linh hoạt xây dựng và quản lý các ứng dụng tích hợp hiện đại một cách xuyên suốt, nhuần nhuyễn giữa các nền tảng, địa điểm, trên đa dạng thiết bị; giúp giải quyết việc phân tích thông tin chính xác hơn từ rất nhiều các dữ liệu cũ và mới, đồng thời hỗ trợ người dùng có thể làm việc ở bất cứ nơi nào, trên bất cứ thiết bị nào họ muốn.”

Với nhiều trung tâm kinh tế và đô thị phát triển mạnh tại khu vực, Bà Hoàng Song Nga cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn. Các DN Việt đang đưa ra các mức đầu tư lớn cho việc cung cấp các dịch vụ trên nền điện toán đám mây. Ngoài ra, xu hướng Mobility, cũng vấn tiếp tục phát triển với số lượng người dùng ngày càng gia tăng, và làm truyền thông xã hội tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Theo con số ước tính, bước nhảy vọt về dịch vụ đám mây, di động, truyền thông xã hội... này đã đóng góp hơn 80% phương thức giao tiếp online, video online và các nội dung số trên di động. Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành thì SMAC chính là một cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu, đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới trong kỷ nguyên số.

Đánh giá về xu hướng này, TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số, Bộ TT&TT cho hay: “S.M.A.C có triển vọng rất lớn tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ nhanh chóng lan toả sâu vào các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. SMAC chính là một cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu, đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới trong kỷ nguyên số. Hiện tượng Flappy Bird cho thấy chúng ta có thể nắm bắt cơ hội SMARC. Tuy nhiên, để ứng dụng và phát triển thành công SMAC tại Việt Nam, chính phủ, DN, các nhà khoa học cần có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ, hiệu quả hơn và cần xây dựng lộ trình phát triển dài hạn cho SMAC.”

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng Viện KHCN VINASA đã có bài tham tham luận về một vấn đề hết sức quan trọng đó là Tiêu chí và các vấn đề cần quan tâm trong việc lựa chọn công nghệ cho hạ tầng thông tin quốc gia nhằm có được Hạ tầng thông tin tốt nhất, hiệu quả nhất trong khi nguồn lực còn hạn chế  của Việt Nam.

Nhấn mạnh về việc xây dựng hạ tầng tối ưu, TS. Nguyễn Việt Hải chia sẻ: “Chúng ta luôn hiểu rằng có được một hạ tầng CNTT, sẽ tạo được một nền tảng quan trọng và là tiền đề tốt cho các cơ hội phát triển bền vững toàn bộ các ứng dụng, giải pháp và dịch vụ vận hành trên nền tảng này… Tiêu biểu như tập đoàn Microsoft luôn có chương trình làm việc chặt chẽ với các chính phủ, cộng đồng, và các DN nhằm tối ưu hóa tối đa tiềm năng CNTT của các đơn vị và cộng đồng. Những DN tư vấn CNTT dầy dặn kinh nghiệm và có hệ sinh thái đa dạng, rộng lớn như Microsoft sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình hiện đại hóa CNTT tại Việt Nam”.

Năm 2014, chi tiêu CNTT toàn cầu ước đạt 3.800 tỷ USD, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 767 tỷ USD, tăng 5,5% so với 2013 và dự kiến đạt 933 tỷ USD vào 2017. S.M.A.C là một trong những thành tố chính cho tăng trưởng nhanh này. Tại phiên buổi chiều, các đại biểu đã lắng nghe và trực tiếp tham gia ý kiến trong 2 tọa đàm về “ Mobility, Cloud và Sercurity” và “Social & Analytic”. Đây cũng chính là các thành tố chính trong S.M.A.C và các vấn đề trong tiếp cận, triển khai và ứng dụng xu hướng công nghệ này tại Việt Nam. Tham gia 2 tọa đàm là các chuyên gia công nghệ của Các viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện KHCN VINASA và lãnh đạo các DN đã, đang triển khai S.M.A.C hiệu quả như: Microsoft, FPT, CMC, MISA, Viettel…

Ngày CNTT 2014 lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút gần 400 đại biểu trong đó có trên 150 đại biểu là lãnh đạo cao cấp, quản lý CNTT các Bộ, Ban, Ngành, và trên 250 lãnh đạo các DN và cơ quan truyền thông, báo chí.

Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và Bộ Khoa học và Công nghệ, Sự kiện Ngày CNTT sẽ được tổ chức thường niên tạo một diễn đàn khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín cao, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc nâng cao nhận thức, khả năng tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ trong phát triển và ứng dụng CNTT của tất cả các ngành, các địa phương, các cơ quan, tổ chức, DN và người dân Việt Nam.

Minh Anh

Tin nổi bật