Ngày 15/4, 23 tỉnh, thành phố sẽ chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định

(ICTPress) - Theo Kế hoạch chuyển đổi mã vùng theo Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT ngày 21/11/2016, giai đoạn 2 của việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ bắt đầu từ ngày 15/4 tới tại 23 tỉnh, thành.

Cụ thể, 23 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng bắt đầu chuyển đổi từ 0h ngày 15/4/2017, kết thúc quay số song song vào 23h59 ngày 14/5/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo từ 23h59 ngày 16/6/2017.

Để việc chuyển đổi giai đoạn 2 diễn ra suôn sẻ, ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã yêu cầu các đơn vị tham gia tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền. Theo đó, Cục Viễn thông được giao nhiệm vụ gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh thành trong giai đoạn 2 chỉ đạo các đài truyền hình, báo chí địa phương tuyên truyền về mục đích, lợi ích của chuyển đổi mã vùng điện thoại, danh sách mã vùng mới và đặc biệt hướng dẫn cách quay số mới, nhấn mạnh đến việc phải quay số 0 để kết nối cuộc gọi thành công.

Ngoài các phương tiện truyền thông chính thống, các doanh nghiệp (DN) viễn thông cũng cần sử dụng thêm những phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội… để thông tin đến khách hàng về kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, ngoài phương thức thông báo qua website, hóa đơn thông báo cước, các tờ rơi,... như hiện nay. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cho giai đoạn 2 tập trung vào các khách hàng và người dân 1 tuần trước khi các DN tắt âm thông báo chuyển đổi mã vùng trước mỗi cuộc gọi. Đặc biệt, các DN cần chuẩn bị phương án giải đáp chuyên biệt cho các tổng đài khi nhận thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong quá trình chuyển đổi. Công tác thông báo cước cũng cần được rà soát kỹ để tránh gây bức xúc cho khách hàng trong thời gian này. Các DN cũng tăng cường hướng dân đội ngũ chăm sóc khách hàng để đáp ứng các trả lời của khách hàng.

Về kỹ thuật, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu Cục Viễn thông và VNPT, chủ trì, thống nhất đầu số thử nghiệm cũng như phân lịch thử nghiệm liên mạng về chuyển đổi mã vùng. Các DN chủ động, tích cực thử nghiệm chuyển đổi nội mạng và phối hợp chặt chẽ với nhau để việc triển khai chuyển đổi mã vùng giai đoạn 2 suôn sẻ vào ngày 15/4 tới.

Trước đó, giai đoạn 1, Bộ TT&TT đã chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu chuyển đổi là từ 0h ngày 11/2/2017, kết thúc thời gian quay số song song vào 23h59 ngày 12/3/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo vào 23h59 ngày 14/4/2017. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là một bước trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực từ 1/3/2015. Việc chuyển đổi mã vùng này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ… trong từng thời kỳ, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là cần thiết.

Đánh giá kết quả chuyển đổi giai đoạn 1, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT đứng ra chủ trì truyền thông, tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn mục tiêu, lợi ích thiết thực, qua đó nâng cao sự nhận thức của người sử dụng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Kết quả của việc chuyển đổi mã vùng giai đoạn 1 là các doanh nghiệp đã tham gia tích cực, tổng quan là rất tốt.

Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao các nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Cục Viễn thông cũng như tất cả các DN, đặc biệt là những DN nhỏ với nguồn lực có hạn, trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Qua các số liệu báo cáo và dư luận phản ánh trên báo chí, việc triển khai giai đoạn 1 của việc đổi mã vùng điện thoại đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra. Theo số liệu báo cáo, tỉ lệ các cuộc gọi liên mạng quay theo mã vùng mới khá cao, trên 85%. Cá biệt có những DN như Viettel đạt tới 98,8%. Kết quả này cho thấy khách hàng viễn thông đã nhớ mã vùng mới và quay theo mã vùng mới. Từ nay đến thời điểm chính thức bắt đầu giai đoạn 2 ngày 15/4, chúng ta có cơ sở tin rằng tỉ lệ quay theo mã vùng mới ở các địa phương đã chuyển đổi sẽ còn cao hơn nữa. Bộ ghi nhận vai trò điều phối của Cục Viễn thông, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các DN, đặc biệt sự vào cuộc tích cực của VNPT, đơn vị có số thuê bao cố định lớn nhất.

Công tác thông tin tuyên truyền, chăm sóc khách hàng cũng đã đóng góp vào thành công trong việc đổi mã vùng điện thoại giai đoạn 1. Các DN viễn thông cũng đã chủ động tuyên truyền, chăm sóc khách hàng của DN mình, Thứ trưởng nói.

HM

Tin nổi bật