Kỳ vọng Viettel có kết quả nổi bật hơn trong triển khai IPv6

(ICTPress) - Đó là mong muốn của Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đối với Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp viễn thông – CNTT của Việt Nam.

Chiều 26/10, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với Tập đoàn Viettel về triển khai IPv6 của Tập đoàn. Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã chủ trì buổi làm việc.

Hạ tầng sẵn sàng hỗ trợ IPv6

Tại buổi làm việc, Ban kỹ thuật của Tập đoàn Viettel đã cho biết dưới sự điều hành của Ban thúc đẩy IPv6 quốc gia, Tập đoàn Viettel tích cực tham gia quá trình chuyển đổi, bám sát lộ trình quốc gia. Trước năm 2015 – 2016 là giai đoạn chuẩn bị, đào tạo nhân sự (tham gia khóa VNNIC tổ chức và đào tạo nội bộ), đầu tư hạ tầng mạng lưới sẵn sàng IPv6. Trong các năm 2015 – 2016 là giai đoạn khởi động, thử nghiệm trên lab, cung cấp thử nghiệm dịch vụ trên tập khách hàng thật tại Vũng Tàu. 2016 – 2019, Viettel thực hiện chuyển đổi IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định, di động, hosting IDC.

Đối với công tác triển khai thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ 4G LTE, Viettel đã hoàn thành triển khai hạ tầng mạng thử nghiệm cho dịch vụ 4G tại Vũng Tàu; Thử nghiệm thành công cấp phát cho IPv6 cho các thuê bao 4G Vũng Tàu truy cập vào các ứng dụng web hỗ trợ IPv6 như Facebook, Youtube, Google… Đang tiến hành thử nghiệm IPv6 truy cập các dịch vụ VAS-CP của Viettel như MobileTV, keeng…

Về cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định, Quý II năm 2015, Viettel đã thực hiện rà soát toàn bộ các thiết bị cung cấp dịch vụ băng rộng cố định về khả năng hỗ trợ IPv6: 100% các thiết bị lõi core Internet đã hỗ trợ IPv6, 85% các thiết bị BRAS đã hỗ trợ IPv6 (các thiết bị không hỗ trợ IPv6 đang có lộ trình chuyển đổi sang thiết bị hỗ trợ IPv6). Quý IV/2015 thử nghiệm thành công triển khai IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định trên mạng Lab tại Hòa Lạc. Quý I/2016 triển khai thử nghiệm cung cấp IPv6 cho khách hàng tại Vũng Tàu: Kích hoạt IPv6 cho một tập khách hàng băng rộng tại Vũng Tàu (đến ngày 14/10/2016 có 113 thuê bao FTTH-GPON được kích hoạt IPv6). Tháng 12/2016, mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố còn lại trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Viettel dự định tháng 12/2016, Viettel sẽ triển khai hạ tầng mạng lưới sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 636.426 khách hàng băng rộng cố định (công nghệ GPON), thuộc 28 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang theo lộ trình đưa thiết quản lý khách hàng băng rộng cố định xuống tỉnh. Các tỉnh còn lại sẽ hoàn thành trong Quý IV/2017. Cũng trong quý IV/2017 cung cấp IPv6 cho khách hàng 4G LTE.

"Đến nay, hạ tầng mạng lưới của Viettel đã sẵn sàng hỗ trợ IPv6 cung cấp dịch vụ cho khách hàng", đại diện Ban kỹ thuật của Viettel khẳng định.

Kỳ vọng Viettel có kết quả nổi bật hơn trong triển khai IPv6

Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia tại buổi làm việc đã bày tỏ những kỳ vọng trong việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 của Viettel sẽ thúc đẩy thị trường Internet của Việt Nam. Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó Trưởng Ban công tác và các chuyên gia của Ban đã chia sẻ những kinh nghiệm, tình hình triển khai IPv6 trên thế giới và Việt Nam với kỳ vọng Viettel có kết quả nổi bật hơn.

Theo ông Tân, truy cập Internet qua mạng di động là xu thế. Thời điểm triển khai 4G ở các nước thông thường mặc định IPv6 luôn, thậm chí một số quốc gia như Singapore mặc định khách hàng di động truy cập Internet thì vào địa chỉ IPv6 và coi như bắt buộc. Viettel đã được cấp phép 4G, thì trong thời gian tới lượng khách hàng truy cập mạng qua smartphone tương đối lớn. Viettel cũng nên lưu ý khách hàng FTTH cũng cần hỗ trợ IPv6.

Thống nhất với các ý kiến chuyên gia của Ban, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết trong thời gian qua Viettel đang triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 theo kế hoạch chung của Ban công tác, Bộ TT&TT đã ban hành, tuy nhiên, Ban công tác kỳ vọng hơn nữa đối với doanh nghiệp Viễn thông - CNTT hàng đầu như Viettel. Bởi theo Thứ trưởng phân tích, các “anh hào” trong lĩnh vực công nghệ như Facebook, Google… đã triển khai IPv6, Viettel cũng phấn đấu gia nhập cộng đồng này.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao Viettel về cơ bản đã sẵn sàng mạng lưới. Các thiết bị Viettel sản xuất đáp ứng tương thích IPv6, điều này cho thấy Viettel vừa làm chủ công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến, mới. Công việc quan trọng tiếp theo là cần có kế hoạch chuyển đổi IPv6 rộng hơn.

Cụ thể, Thứ trưởng cũng chỉ đạo từ nay đến cuối năm đặc biệt sang năm 2017, Viettel cần quyết liệt triển khai ứng dụng IPv6 trong nội bộ Tập đoàn. Từ thực tiễn nãy để mở rộng triển khai ra cho các khách hàng doanh nghiệp, người dùng cuối. Ngoài triển khai cho nội bộ, thì các trang web của Tập đoàn phải gắn nhãn sẵn sàng IPv6 và mạng FTTH, 4G, các dịch vụ thuê ngoài sẵn sàng đáp ứng IPv6.

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel đã khẳng định các hoạt động chuyển đổi của IPv6 trong thời gian tới của Viettel sẽ được quan tâm hơn, đúng lộ trình, chỉ đạo của Bộ TT&TT. Viettel  sẽ có những chỉ đạo trong Viettel để quá trình chuyển đổi sang IPv6 tốt hơn.

Trước buổi làm việc với Viettel, Ban công tác thúc đẩy IPv6 đã có các buổi làm việc với Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, FPT Telecom, báo điện tử VNExpress là những đơn vị cung cấp Internet, nhà mạng, cung cấp nội dung hàng đầu và tiên phong trong triển khai IPv6 tại Việt Nam.

Năm 2016 là năm bước sang giai đoạn 3 của Kế hoạch hành động quốc gia IPv6. Đây được xem là giai đoạn quan trọng và kéo dài. Giai đoạn này sẽ hoàn tất mục tiêu mạng Internet Việt Nam an toàn, ổn định. Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 sẽ giải quyết được bài toán không gian, an toàn mạng, đáp ứng người sử dụng trải nghiệm các dịch vụ tiên tiến, tốc độ truy cập nhanh hơn nhiều lần…

Minh Anh

Tin nổi bật