“Dùng email, bớt a-lô”

(ICTPress) - TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) vừa trao đổi và kêu gọi "dùng email, bớt a-lô" tại buổi tọa đàm “Đưa CNTT - Viễn thông vào đời sống” vừa được Câu lạc bộ nhà báo CNTT tổ chức.

Ảnh Internet. Ảnh minh họa

Trao đổi về đưa CNTT - Viễn thông vào cuộc sống, ông Mai Liêm Trực cho rằng ứng dụng CNTT khi cái gì có ích tiện ích cho xã hội, người dùng thì khi được truyền thông họ sẽ làm, cái khó nhất là ứng dụng trong doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước vì có nhiều yếu tố cản trở, như thói quen, quyền lợi "xin - cho", sự tù mù…

Có một số liệu là TP. HCM có tới 50% lãnh đạo không dùng không dùng email. Ông Trực cho hay chúng ta hãy bớt a-lô tăng dùng email tại vì a-lô là nói nghe nhiều khi không chính xác. Lợi ích nữa là dùng email sẽ khả thi cho việc lưu lại, tức là có chứng cứ. Trước đây còn có kiểu có mấy chữ của “sếp” để lưu hồ sơ nhưng lưu hồ sơ nhiều khi bị mất chứng cứ. Chúng ta làm việc bằng giấy tờ vừa mất thời gian, tốn kém. Email đủ tính pháp lý có thể thay văn bản. Cơ quan nhà nước dễ lạm dụng cái a-lô, sếp chỉ đạo bằng a-lô không làm thì mất lòng sếp, vi phạm. Bộ TT&TT nên quan tâm có một văn bản nào đó, ít nhất cũng là một khuyến nghị.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tại tọa đàm này cho biết Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành hai Chỉ thị về ứng dụng thư điện tử và trao đổi văn bản điện tử, đều mang tính chất bắt buộc, mặc dù chưa phải văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc 100% nhưng vẫn còn hạn chế.

Trao đổi về lợi ích của việc ứng dụng CNTT, Ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm CNTT Ngân hàng BIDV cho biết BIDV đã giảm giấy tờ trao đổi đáng kể nhờ ứng dụng giải pháp văn phòng điện tử. BIDV sử dụng giải pháp Office One do Viettel cung cấp. Dự án này xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính. Đối với BIDV đây là công việc có yêu cầu rất cao. Chúng tôi gọi dự án này là hệ thống quản lý văn bản, nghe rất giấy tờ, nhưng thực chất chuyển các công việc văn phòng, quản trị, hành chính… từ chỗ sử dụng văn bản giấy tờ sang sử dụng điện tử. Nhấn mạnh tới yếu tố di động.

Trước đây, trong một thời gian khá dài, chúng tôi có rất nhiều vấn đề phải trình cấp trên phê duyệt, chỉ đạo, nếu lãnh đạo đi công tác thì phải chờ. Giờ đây, với giải pháp này, lãnh đạo BIDV có thể đi công tác, mà thông qua các phương tiện, giải pháp di động, lãnh đạo vẫn có thể xử lý công việc hàng ngày qua máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại di động để trả lời câu hỏi, yêu cầu hoặc phê duyệt các đề nghị, đề xuất của cấp dưới mà cấp dưới không phải chờ đợi nữa, ông Phổ cho hay.

BIDV là hiện nay có 18.000 người trong cả nước và ở 1 số hiện diện thương mại ở Lào, Campuchia, Myanmar, Séc… Công việc đòi hỏi sử dụng giấy tờ rất nhiều. Ông Phổ cho biết tính bình quân một năm, BIDV sử dụng giấy tờ, trao đổi chuyển giao giấy tờ mất khoảng 120 tỷ đồng. Với dự án này, chúng tôi đặt mục tiêu ít nhất giảm được chi phí này khoảng 20%/năm. Đâu đó vào khoảng 24 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đang triển khai ở bước cuối cùng, sẽ hoàn tất vào cuối tháng 1/2015. Hiện nay đã thấy hiệu quả rõ ràng. Theo thống kê của Văn phòng BIDV đã tiết kiệm được khoảng 10 - 15% (hơn 10 tỷ đồng).

Cũng nói về hiệu quả của việc ứng dụng CNTT làm giảm giấy tờ, tăng hiệu quả công việc, ông Phạm Đức Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết năm 2013, Tập đoàn khi đó đã triển khai cho Văn phòng Quốc hội hệ thống Quản lý điều hành Văn phòng Quốc hội. Trước đại biểu quốc hội phải mang 1 gram giấy đi họp mỗi ngày, không thể quản lý được hồ sơ. Nhưng nay khi triển khai dự án điều hành này thì Văn Quốc hội rất vui vì đã kiểm soát được tất cả các công việc. Đây là một hình thức cho thuê dịch vụ công. Văn phòng Quốc thuê dịch vụ chứ không tự đầu tư. VNPT đã đi trước một bước về vấn đề thuê  dịch vụ.

Việc năng suất lao động của Việt Nam, trong khối cơ quan nhà nước còn thấp vì thiếu ứng dụng CNTT. Khi đi vào cơ quan công quyền, thấy kho lưu trữ hồ sơ văn bản, giải quyết thủ tục hành chính chậm vì phải tìm hồ sơ, làm sao để đầu ra phòng này là đầu vào phòng khác. Vừa qua, Tập đoàn VNPT đã triển khai trên nền tảng của Văn phòng Quốc hội ra nhiều tỉnh thành phố, không chỉ các hệ thống ứng dụng cho chính quyền điện tử mà cho các sở ngành như Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên Môi trường. Tập đoàn VNPT đã ký kết hợp tác về triển khai ứng dụng CNTT - Viễn thông với hơn 30 tỉnh thành. Chính quyền điện tử 30 tỉnh thành đã triển khai, người dân chỉ cần 1 tin nhắn hoặc vào mạng là biết hồ sơ của mình đang xử lý thế nào, lãnh đạo sở, ủy ban biết được tình hình xử lý hồ sơ, bao nhiêu hồ sơ tồn đọng… Ở Vĩnh Long đã thực hiện được tra cứu thông tin về đất đai, môi trường. Tất cả là đem lại tiện ích cho người dân, nâng cao năng suất lao động, ông Phạm Đức Long trao đổi.

Bản thân VNPT khi tăng cường ứng dụng CNTT thì năng suất tăng rất nhiều. Ngoài chính quyền tỉnh thành thì đã ký với 1 số Bộ, ủy ban,… Đây là bước đi quan trọng để VNPT thâm nhập vào thị trường ứng dụng CNTT, ông Long cho hay.

Minh Anh

Tin nổi bật