Chương trình mục tiêu CNTT 2016 - 2020: tránh đầu tư trùng lặp giữa các Bộ, địa phương

(ICTPress) - Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN), xây dựng chín phủ điện tử (CPĐT) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) quốc gia và xác thực điện tử; phát triển các khu CNTT trọng điểm và các sản phẩm CNTT trọng điểm là mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020.

Chiều nay ngày 19/7/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; đại diện các Bộ, ngành...

Trong thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã xây dựng, đề xuất Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ngày 8/7/2016, Chính phủ có Nghị quyết số 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016; Trong đó quy định: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu, các Bộ là chủ Chương trình phải lập Chương trình và tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ TT&TT khẩn trương tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Để kịp thời hạn nêu trên, trong điều kiện Chương trình mục tiêu về CNTT là Chương trình mới của giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời Chương trình có nhiều đặc thù về mục, nội dung đầu tư, nhất là yêu cầu đặc thù về kỹ thuật – công nghệ, yêu cầu phối hợp đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện để  đạt mục tiêu đề ra; Bộ TT&TT tổ chức hội nghị xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo hướng dẫn đăng ký tham gia thực hiện Chương trình để chuẩn bị cho công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để đảm bảo Báo cáo Nghiên cứu khả thi đạt chất lượng, tính khả thi và kịp thời gian theo yêu cầu của chính phủ.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016 - 2020 có mục tiêu đầu tư phát triển cả 3 lĩnh vực: Ứng dụng CNTT, ATTT, và Công nghiệp CNTT. Chương trình đã được thẩm định chủ trương đầu tư và đang trong quá trình trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phấn đấu đến năm 2020 đạt:

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT: 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP); Đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu thì được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia; 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng (căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg); Hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối các hệ thống dịch vụ của các Bộ,ngành, địa phương đã sẵn sàng.

Đối với lĩnh vực ATTT: Trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm ATTT phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Đến năm 2020 đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế; 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung; Tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giám sát an toàn thông tin mạng, trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách.

Đối với lĩnh vực công nghiệp CNTT: Chương trình hỗ trợ thực hiện: Hỗ trợ xây dựng ít nhất 07 khu công nghiệp CNTT tập trung; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển đối với: ít nhất 03 sản phẩm phần cứng điện tử thuộc lĩnh vực vi mạch, chíp bán dẫn; ít nhất 06 sản phẩm nền tảng dùng trong CQNN và xã hội; ít nhất 01 sản phẩm nội dung số phục vụ CQNN.

Bộ TT&TT cũng đã đề xuất vốn đầu tư của Chương trình là 8.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển của NSNN là 5.500 tỷ đồng; còn lại là vốn sự nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo dự kiến hiện nay thì vốn đầu tư của NSNN bao gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương. Vốn đầu tư của ngân sách trung ương chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, còn lại các địa phương cần bổ sung vốn để dự án do địa phương thực hiện phải đảm bảo quy mô theo quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết Hội nghị này chưa phải là Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình mà chỉ là công việc mang tính chuẩn bị cho việc lập những thủ tục tiếp theo để kịp thời hạn Chính phủ quy định. Những góp ý cho việc hoàn thiện văn bản hướng dẫn và triển khai các công việc chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình của Bộ TT&TT là rất cần thiết, đảm bảo sự phối hợp giữa Bộ TT&TT và các Bộ, các địa phương trong việc chuẩn bị Chương trình.

Theo ý kiến chỉ đạo này, tại Hội nghị, các Sở TT&TT và đại diện Bộ, ngành đã trao đổi các vấn đề liên quan đến mục tiêu, nội dung đầu tư cũng như khả năng đăng ký tham gia thực hiện Chương trình của các Bộ; ngành, địa phương đảm bảo phù hợp với các chính sách, pháp luật chuyên ngành, cũng như phù hợp thực tiễn của các Bộ và địa phương, làm cơ sở cho Bộ TT&TT chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Trước các băn khoăn từ địa phương về khả năng đầu tư dự án CNTT trùng lặp giữa các địa phương như từ Sở TT&TT Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết Chương trình này có 3 mục tiêu đậm nét để giải quyết vấn đề tránh đầu tư trùng lặp giữa các Bộ, địa phương: 100% các Bộ, cơ quan nganh Bộ, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP); Hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối liên thông các hệ trung ương – địa phương để kết nối dịch vụ của các Bộ, ngành địa phương đã sẵn sàng (NGSP); Đáp ứng được các yêu cầu kết nối các hệ thống thông tin của các Bộ với các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô từ trung ương đến địa phương.

Chương trình mục tiêu này cũng sẽ giải quyết triệt để tiêu chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy liên thông các hệ thống thông tin của các Bộ với các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin quy mô từ trung ương đến địa phương. Chương trình này có nguồn chi xứng đáng để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí chia sẻ dữ liệu, ông Phúc nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã trao đổi về phát triển khu công nghiệp CNTT tập trung. Theo Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết cần xác định khu công nghiệp CNTT cần tập trung, tránh đầu tư “dàn hàng ngang” dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, theo đó cần xác định lại cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong khi đó, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết Hà Nội đang theo đuổi 4 khu công nghiệp CNTT, chưa kể khu Hòa Lạc hướng tới giao cho Hà Nội quản lý. Rất mong Bộ TT&TT có những hướng dẫn cụ thể, bà Tú nêu.

Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cũng cho biết tỉnh Thanh Hóa đăng ký hai dự án là dự án xây dựng đầu tư hạ tầng an ninh mạng và dự án công nghiệp phần mềm.

Về vấn đề hỗ trợ khu Công nghiệp CNTT tập trung, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã trao đổi rõ Nhà nước hỗ trợ cho xây dựng khu các khu CNTT tập trung rất khác với việc Nhà nước đầu tư cho các Bộ, ngành địa phương để làm ứng dụng CNTT. Đầu tư cho Khu CNTT tập trung có tiêu chí cao nhất là lợi nhuận, hiệu quả, không hiệu quả nhà nước không hỗ trợ. Theo đó, Quy hoạch các khu công nghiệp CNTT được xây dựng để để tránh các khu công nghệ CNTT được xin thành lập mà không hiệu quả, tốn kém. 

QA

Tin nổi bật