Xây dựng Luật Báo chí đảm bảo các quyền của công dân

(ICTPress) - Dự thảo Luật Báo chí gồm 5 chương, 55 điều vừa được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Báo chí do Bộ TT&TT chủ trì chiều nay 10/3/2015.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trưởng Ban soạn thảo Luật Báo chí chủ trì cuộc họp. Ảnh: Xuân Lộc

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại cuộc họp đã nhấn mạnh việc xây dựng Luật Báo chí là luật rất quan trọng. Luật Báo chí là luật ra đời khá sớm, được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua gồm 7 chương 31 điều từ năm 1989. 10 năm sau, năm 1999, với tình hình phát triển, Luật Báo chí đã được sửa đổi và được Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua, theo đó sửa đổi 10 điều, bổ sung 6 điều, đặc biệt điều 17 về quản lý, tài chính báo chí... Sau 15 năm triển khai, cuộc sống, thực tiễn hoạt động báo chí đã có nhiều thay đổi do sự phát triển của Internet, thách thức của thế giới, việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí là cần thiết để phù hợp với cuộc sống, và khẳng định vai trò, xu hướng phát triển của báo chí.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu xây dựng Luật Báo chí cần được tập trung theo 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, Luật Báo chí phải được xây dựng trên tinh thần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước đối với báo chí. Luật Báo chí không chỉ là chế tài quản lý chặt chẽ mà còn tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước.

Thứ hai, Luật Báo chí phải đảm bảo các quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013 như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

Thứ ba, Luật Báo chí cần phải khắc phục những mặt chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh trong các quy định, chế tài hiện có. Đây là dịp để khắc phục những quy định chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong nước và thế giới, đảm bảo thống nhất với các quy định liên quan để tạo điều kiện cho báo chí ngày càng phát triển.

Thứ tư, Luật Báo chí cần khắc phục những hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí thời gian qua do các quy định pháp luật còn thiếu và chưa rõ ràng; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ và cơ quan báo chí, cũng như trách nhiệm của toàn xã hội đối với các cơ quan báo chí, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, việc xây dựng Luật Báo chí trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Luật Báo chí năm 1989 và Luật Báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999, và kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển báo chí thời gian qua cần cụ thể hóa, cố gắng để luật ngày càng sát thực tiễn. Khi xây dựng Luật xong phải có khả năng triển khai thực hiện ngay, hạn chế thấp nhất số lượng các văn bản dưới luật.

Việc xây dựng Luật Báo chí chỉ có thời gian rất ngắn. Hiện chỉ còn hơn 7 tháng để hoàn thành. Với chức năng nhiệm vụ của mình, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần tích cực triển khai xây dựng dự án Luật, đảm bảo đúng quy trình, quy phạm, lộ trình triển khai. Các thành viên trong Tổ Biên tập phải chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công, tham gia tích cực để Luật Báo chí đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, đặc biệt là cán bộ của Bộ TT&TT cần phải coi việc xây dựng Luật Báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị.

Theo dự thảo Luật Báo chí do Cục Báo chí, Bộ TT&TT đưa ra tại cuộc họp, Luật Báo chí sẽ có 5 chương, 55 điều. Các chương gồm Chương I: Các quy định chung, Chương II: Tổ chức báo chí, Chương III: Hoạt động báo chí, Chương IV: Khen thưởng, thanh tra, xử lý vi phạm báo chí và Chương V là Điều khoản thi hành.

Cuối năm 2014, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 605 về thành lập Ban Soạn thảo Luật Báo chí gồm 12 thành viên và Tổ Biên tập gồm 30 thành viên, với các đại diện từ các bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son làm Trưởng ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn làm Phó Trưởng ban soạn thảo.

HM

Tin nổi bật