Vẫn còn nhiều lối rẽ ngang

Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4 vừa qua, nhưng theo nhiều nhà báo Luật Báo chí có thể được hiểu và vận dụng thế nào vẫn là điều cần bàn thêm để có thể khỏi phải rơi vào tình trạng “lách luật”.

Những điểm mới của Luật Báo chí (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp. (Ảnh: PV)

Điểm mới nhất của Luật Báo chí (sửa đổi) là quy định rõ hơn về quyền tự do báo chí của công dân. Điều 10 quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in. Nhưng cần hiểu đến nơi đến chốn khái niệm tự do báo chí này là làm báo theo quy định của pháp luật. Vì cứ hiểu theo từ ngữ thông thường thì ai cũng có thể  viết báo, làm ra sản phẩm báo chí, có quyền “liên kết” tổ chức một tờ báo… Nhưng thật ra để ra được một tờ báo cần có rất nhiều quy định khác nữa về pháp lý, thí dụ về việc không cho phép tư nhân hóa báo chí, về nhân sự và về nguồn lực, về đào tạo và bằng cấp.

Còn việc “có quyền liên kết với cơ quan báo chí để thực hiện sản phẩm báo in” thì cũng là điều cần làm chặt chẽ hơn, vì chính đây là nơi dễ lách luật nhất. Đã có nhiều cá nhân núp bóng dưới danh nghĩa liên kết để sản xuất báo in, hoặc để tham gia dịch vụ in ấn, phát hành, làm quảng cáo, bao tiêu đầu vào đầu ra từng sản phẩm… Một số trường hợp lách luật rõ ràng, nếu được cứu thì sẽ vận dụng điều luật liên kết này, còn nếu vi phạm nặng thì cũng sẽ bị xử lý pháp luật. Trong giới làm báo, mọi người biết khá rõ tờ nào do ai, do cá nhân nào làm “liên kết”, cá nhân nào lo tài chính, phát hành, quảng cáo. Và thường thì theo quy luật “mạnh vì gạo bạo vì tiền” những người ấy đôi khi có quyền lực hơn cả người chịu trách nhiệm chính về nội dung. Và không chỉ báo in mà báo hình cũng vậy, nhiều trường hợp chính cán bộ của “nhà đài” lập công ty rồi hợp đồng, nhận thầu sản xuất chương trình vệ tinh cho “đài mẹ”. Khái niệm liên kết này cũng dễ tạo kẽ hở trong việc quản lý, tạo ra độ dung sai cho phép trong việc cấp giấy phép và ai cũng biết nơi nào đã có kẽ hở thì nơi đó dễ… lách.

Một yếu tố nữa là báo chí chúng ta có rất nhiều quy định, nguyên tắc, nhiều điều ràng buộc hữu hình và bất thành văn, bởi một cơ quan báo chí “được” hay “bị” quản lý bởi nhều đơn vị. Nếu ở lĩnh vực thực phẩm, một chiếc bánh trung thu có tới 7 đơn vị quản lý thì một đơn vị báo chí cũng tương tự. Một tờ báo thường có sự lãnh đạo, quản lý, phối hợp quản lý chỉ đạo của nhiều đơn vị như Ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương, Bộ và Sở Thông tin truyền thông, cơ quan chủ quản cấp trên và trực tiếp, Hội Nhà báo Trung ương và địa phương, cơ quan an ninh văn hóa tư tưởng Trung ương và địa phương… Nhiều đơn vị  liên quan đến việc chỉ đạo thì cũng cần thiết, nhưng nếu không phối hợp tốt thì cũng giống một con đường có nhiều lối rẽ tắt ngang dọc chứ chưa được giống đường cao tốc. Trong nhiều trường hợp những tin tức quan trọng và được coi là “tế nhị” thì có khi báo này được đăng báo kia không dám đăng, báo này bị phê nhưng báo kia thoải mái khai thác đăng tải. Và trong tình trạng quản lý báo chí mà chỉ ngăn cấm, đi sau vuốt đuôi, soi xét những vấn đề tế nhị nhạy cảm phạm húy này nọ thì chưa ăn thua vì người làm báo không khó khăn để né tránh những vấn đề ấy. Thí dụ trường hợp dùng chữ “tàu lạ” là một cách lách câu chữ rất không được số đông bạn đọc chấp nhận nhưng buộc lòng báo chí vẫn phải dùng cho đúng… quy định. 

Hay một điểm mới khác tuy mang yếu tố thời gian nhưng rất cần thiết đối với người làm báo, vì mỗi ngày làm báo là đầy gay go phức tạp và đầy thử thách rồi, chỉ hai năm là quá đủ để đánh giá phẩm chất và năng lực của một phóng viên, cần gì đến ba năm. Đối với trường hợp cấp thẻ nhà báo lần đầu, luật mới sửa đổi quy định phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trong khi quy định cũ là 3 năm. Và việc tập sự kéo dài quá làm nhiều phóng viên nản chí, chuyển sang làm cho các mạng xã hội và những tờ báo không cần ràng buộc bởi thẻ nhà báo. Và cũng giống như những công ty nhà máy lớn, nhiều nơi không tuyển công nhân hợp đồng dài hạn mà chỉ tuyển ngắn hạn để khỏi đóng bảo hiểm lao động. Còn ở môt số báo đài cũng thế,  họ thường xuyên tuyển phóng viên thử việc, tập sự, hợp đồng ngắn hạn (một phần có lý do chính đáng là không có chỉ tiêu) nhưng phần khác cũng do tâm lý muốn “bóc ngắn cắn dài”, đến khi phóng viên ấy hay ê kíp ấy vi phạm đạo đức hay nghiệp vụ gì đó thì chỉ cần giải thích đó là phóng viên tập sự chứ không phải  phóng viên cơ hữu của bổn báo.

Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cũng quy định nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng - thay vì để phục vụ cho việc điều tra, xét xử tội phạm “nghiêm trọng” như quy định cũ. Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ. Điều này thật sự rất được các nhà báo và các cây bút phóng sự điều tra quan tâm, vì khỏi rơi vào thế khó xử, vừa phải bảo vệ nguồn tin, vừa phải chấp hành những yêu cầu tiết lộ nguồn tin của bất cứ cấp thẩm quyền nào.

Ngoài ra, luật cũng đã bổ sung quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một điểm mới mà không  mới, tùy theo việc vận dụng của các cấp thẩm quyền là chính. Nếu cứ được đi đường chính ngạch thì việc gì phải đi đường tiểu ngạch. Đã cho đi cửa chính thì đỡ phải leo cửa sổ. Nói chung phóng viên khỏi phải “lạng lách” nhiều thì thông tin cung cấp cho bạn đọc đáng tin cậy hơn, chính xác hơn.

Luật Báo chí (sửa đổi) cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Điều này được quy chuẩn hơn từ cấp độ đạo đức đến quy chế và nay là Luật, sẽ có tác dụng tốt hơn trong quá trình thực hiện tác phẩm báo chí điều tra, bởi nhiều nhà báo cũng vô tình hoặc hữu ý vi phạm điều này. Có luật ràng buộc, chắc tình hình này sẽ được cải thiện nhiều hơn và phóng viên báo chí đỡ phải lách luật, và nếu muốn chắc cũng khó lách luật hơn./.

Trong Luật Báo chí có một quy định rất đúng đắn rằng: Các lãnh đạo báo chí phải tốt nghiệp Đại học báo chí và ít nhất công tác hai năm trong ngành báo chí. Nhưng lại có thêm điều khoản rất “thoáng” là đối với các trường hợp “đặc biệt” thì có thể xem xét bởi các cấp có thẩm quyền. Điều này tạo điều kiện cho Đảng lãnh đạo báo chí sâu sát hơn, nhưng lại tạo ra tình trạng một số lãnh đạo báo chí được đưa từ đơn vị khác về chưa thật sự hiểu biết báo chí.

Huỳnh Dũng Nhân

Nguồn: Tạp chí Người Làm Báo Số 388 - Tháng 6/2016

Tin nổi bật