Truyền thông thế giới 2015: Vẫn những câu chuyện cũ!

Năm 2015, sẽ là không quá lời khi nói rằng đây là năm buồn tẻ của làng truyền thông thế giới. Những sự kiện truyền thông “nóng” nhất trong năm, thực chất, vẫn mang dáng vẻ của những câu chuyện đã rất cũ: truyền thông xã hội tiếp tục “lũng đoạn”, báo giấy ngày càng suy thoái, tính mạng người làm báo bị đe dọa, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ngày càng đáng báo động…

Truyền thông thế giới 2015

Số nhà báo bị bắt cóc gia tăng đột biến

Câu chuyện bảo vệ tính mạng các nhà báo đã được bàn thảo từ rất lâu nhưng thật đáng buồn là cho tới nay, vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Phát biểu nhân ngày Quốc tế bảo vệ các nhà báo 2/11/2015, TTK LHQ Ban Ki-moon cũng phải thừa nhận chỉ có 7% số vụ sát hại nhà báo được xử lý. Trong khi đó, số lượng nhà báo thiệt mạng, bị thương khi đang tác nghiệp hàng năm vẫn không ngừng gia tăng.

Trong vài năm trở lại đây, khi nhóm Nhà nước Hồi giáo IS hoành hành, các vụ nhà báo bị lực lượng khủng bố này bắt cóc rồi giết hại một cách vô cùng dã man liên tục xảy ra. Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) ngày 15/12 công bố báo cáo thường niên cho thấy số các nhà báo bị bắt cóc trong năm 2015 đã gia tăng đột biến. Trong năm 2015, có tới 54 nhà báo bị bắt làm con tin, tăng 35% so với năm ngoái. Syria là quốc gia có số lượng lớn nhất các nhà báo rơi vào tay các đối tượng có quan điểm cực đoan hoặc các tổ chức tội phạm, với 26 người.

Tổng thư ký RSF Christophe Deloire khẳng định “vấn nạn bắt cóc các nhà báo đang ngày càng gia tăng tại các khu vực xung đột”. Chỉ riêng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt cóc tới 18 phóng viên, chủ yếu tại Syria và Iraq.

Gây rúng động nhất làng báo quốc tế trong năm 2015 vừa qua là vụ IS xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ngày 7/1 làm 12 người trong tòa soạn này thiệt mạng. Tờ báo hàng đầu của Pháp Le Monde đã ví vụ tấn công như một vụ “11-9 của nước Pháp”. Hơn 20 ngày sau, ngày 31/1/2015, cả nước Nhật một lần nữa sốc, đau đớn và phẫn nộ khi IS tung lên mạng đoạn video quay cảnh hành quyết nhà báo Kenji Goto.

Trước những quan ngại về các hành động bạo lực thường xuyên diễn ra đối với các nhà báo đưa tin về các cuộc xung đột vũ trang, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 27/5 đã đồng thuận thông qua nghị quyết lên án các hành động bạo lực chống lại các nhà báo, đồng thời lấy làm tiếc khi chưa có những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với các hành động đó.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thực hiện những bước đi đúng đắn để bảo đảm tính trách nhiệm đối với các hình thức tội phạm chống lại các nhà báo và các chuyên gia truyền thông trong các cuộc xung đột. Trước đó, ngày 13/2/2015, Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí quốc tế đã công bố “Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu” với những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột.

Nhưng từ lời kêu gọi đến hiện thực là quãng đường xa ngái. Máu của người làm báo vẫn không ngừng đổ xuống. Nhiều nhà báo chiến trường đành phải thú nhận rằng, giờ đây họ nản lòng và chùn bước trước việc tác nghiệp tại các “điểm nóng”.

Đạo đức nghề nghiệp – những câu chuyện tồi tệ

Một tờ báo phương Tây đã nói rằng năm 2015 là năm của những câu chuyện báo chí tồi tệ khi có quá nhiều những scandal liên quan đến việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của những người làm truyền thông trên khắp thế giới. Tháng 3, làng truyền thông thế giới ồn ã trước việc ban tổ chức cuộc thi Ảnh báo chí thế giới World Press Photo (WPP) lần thứ 58 (năm 2014) quyết định tước giải Vấn đề đương đại của bộ ảnh “Dark Heart of Europe” (tạm dịch “Trái tim đen tối của châu Âu”), tác giả Giovanni Troilo người Italia vì bộ ảnh đã được dàn dựng, điều đó đồng nghĩa với việc vi phạm vào thuộc tính chân thực cần phải có của ảnh báo chí.

Tháng 4, tờ tạp chí âm nhạc nổi tiếng của Mỹ Rolling Stone đã phải xin lỗi và rút lại bài báo viết về vụ cưỡng hiếp tập thể ở ĐH Virginia được tờ tạp chí này đăng tải trong số báo ra tháng 11/2014 với lý do “đã có những thông tin không khớp trong câu chuyện”. Dư luận chỉ trích Rolling Stone cho rằng “không khớp” không hoàn toàn chính xác trong trường hợp này, đúng ra là phải chỉ thẳng ra rằng bài báo này hoàn toàn chỉ là “sản phẩm của trí tưởng tượng”.

Hãng tin Anh BBC ngày 3/6 đã phải xin lỗi và tiến hành điều tra nội bộ sau khi một phóng viên đăng lên tài khoản Twitter thông tin Nữ hoàng Elizabeth II… qua đời. Tháng 9, làng truyền thông lại một lần nữa tranh cãi ồn ào bởi “một cú ngáng chân”. Đoạn video ghi lại giây phút Petra Lazlo- nữ phóng viên đài truyền hình N1TV của Hungary- tay cầm camera, chân ngáng vào một người cha di cư đang bế con trai chạy trốn cảnh sát gần biên giới giữa Hungary và Serbia khiến họ ngã chúi đầu xuống đất, đã khiến dư luận lên tiếng chỉ trích đó là hành vi tác nghiệp bất chấp, thiếu tình người. Trước phản ứng của dư luận, Đài N1TV đã ngay lập tức phải ra thông cáo về vụ việc đồng thời buộc phải ra quyết định sa thải Petra Laszlo…

Ngày 2/10/2015, tạp chí Thụy Sĩ (Schweiz Magazin) cho biết qua thăm dò dư luận, 60% số người Mỹ hiện không tin truyền thông. Dư luận nghi ngại đặt câu hỏi: phải chăng, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với truyền thông đang gia tăng hiện nay chính là sự tỉ lệ thuận với những scandal vi phạm đạo đức nghề nghiệp? Và như vậy, rõ ràng, những người làm truyền thông, chẳng thể trách ai ngoài chính bản thân mình.

Mạng xã hội- vẫn là “ông vua” khuynh đảo truyền thông toàn cầu

Năm 2015 tiếp tục là năm thống lĩnh và khuynh đảo làng truyền thông toàn cầu của mạng xã hội, trong đó chứng tỏ sức mạnh vượt trội là Facebook. Đến nay, Facebook đã có 1,55 tỷ người sử dụng tích cực hàng tháng với tổng doanh thu lên tới 4,50 tỷ USD. Cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Facebook đều tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quảng cáo được dự kiến ​​sẽ tăng đến 2,8 tỷ USD vào năm 2017.

Hầu hết các sự kiện nóng nhất trong năm đều là dịp để mạng xã hội này chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình so với các loại hình truyền thông khác. Vụ khủng bố nhắm vào người dân Paris đêm 13/11 là một ví dụ. Hầu như tất cả các cơ quan truyền thông trên thế giới đều đồng loạt dốc sức bước vào “cuộc đua” thông tin về sự kiện nóng bỏng này. Tuy nhiên, dù có “tăng tốc” đến mấy, báo in và truyền hình cũng không thể “địch nổi” với Facebook cả về độ cập nhật lẫn tính chất phong phú của thông tin. Nhiều tờ báo lớn của Pháp và thế giới thậm chí đã phải dẫn lại những thông tin được người dùng cập nhật, chia sẻ trên mạng xã hội về vụ khủng bố.

Nhiều hãng tin sử dụng chính tài khoản Facebook, Twitter… của mình để chia sẻ trực tiếp về vụ việc hay như một cổng giao tiếp để tiếp nhận thông tin trực tiếp từ những người dùng mạng xã hội khác có mặt tại hiện trường. Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật tin tức, mạng xã hội còn chứng tỏ lợi thế riêng biệt mà không một phương tiện truyền thông nào có được là tạo ra ứng dụng Safety Check và là nơi để người người bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ những người dân Paris.

Trong nỗi đau thương gây nên bởi tội ác man rợ của chủ nghĩa khủng bố, nhờ sự kết nối của mạng xã hội, người dân trên toàn cầu sát cánh gần nhau hơn. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, “mạng xã hội” đã trở thành vũ khí tranh cử hữu dụng. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là minh chứng. Mạng xã hội đã trở thành một trong những phương thức hữu hiệu để tăng khả năng nhận diện thương hiệu và tìm kiếm sự hậu thuẫn.

Không bằng lòng với những “chiến tích” huy hoàng đã đạt được. Trong năm 2015 vừa qua, “Ông vua” của mạng xã hội toàn cầu liên tục gia tăng sức ảnh hưởng, trong đó đáng chú ý nhất là việc liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công “tổng lực” vào báo chí. Được chính thức tung ra từ ngày 13/5/2015, dự án Instant Articles – đọc báo tức thì của Facebook – ngay lập tức khiến làng báo in thế giới sôi động.

Điểm mới và cũng là điểm ưu việt nhất của Instant Articles là dịch vụ này sẽ “bắn” tin tức đến di động của người dùng, hiển thị chúng nhiều hơn, nhanh hơn và cho tương tác, thay vì hiển thị rất hạn chế trên News Feed như hiện nay. Ngoài ra, chỉ những bản tin được các hãng tin chọn lọc mới xuất hiện, không phải tất cả. Điểm quan trọng nữa là Instant Articles sẽ khắc phục triệt để những bức bối của người dùng khi phải chờ đợi một bài báo được tải xuống sau khi nhấp vào một liên kết trong bảng tin của Facebook.

Instant Articles sẽ giúp tải những tin tức mới về ứng dụng di động Facebook nhanh hơn 10 lần so với hầu hết các bài báo đăng trên nền web di động. Chính vì vậy, dù không khỏi lo ngại Instant Articles có thể tác động đến doanh thu bán quảng cáo của báo và việc xuất bản trên Facebook khiến lượt truy cập trên website gốc bị giảm đi, các cơ quan truyền thông danh tiếng vẫn phải lần lượt bắt tay với mạng xã hội này.

Báo giấy- loay hoay trong khoảnh đất hẹp

Trước thái độ ngày càng lạnh nhạt của độc giả, sự tấn công ngày càng khốc liệt của mạng xã hội, để tồn tại, báo giấy chỉ còn cách là loay hoay trong khoảnh đất hẹp và “nương” theo sức mạnh của truyền thông xã hội như việc bắt tay với Facebook với ứng dụng Instant Articles. Đây thực sự là sự chuyển biến cơ bản “về chất” khi chỉ cách đây vài năm, giới nghiên cứu truyền thông còn khẳng định báo chí và mạng xã hội là mối quan hệ mang tính phụ thuộc, dè chừng thì nay, chính họ lại cho rằng mối quan hệ đó đang chuyển mạnh sang hình thức hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

Sự hợp tác là không thể khác. Kết quả từ cuộc điều tra Xu hướng Báo chí Thế giới (World Press Trends) thường niên được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA) công bố ngày 1/6/2015, cho thấy lần đầu tiên trong thế kỷ này, doanh thu từ phát hành báo chí thế giới đã vượt qua doanh thu từ quảng cáo trên báo chí. Ông Larry Kilman, Tổng thư ký (TTK) WAN-IFRA, đã mừng rỡ khẳng định: “Đây là một sự chuyển dịch chấn động”.

Tuy nhiên, những người thận trọng đã nhanh chóng nhận ra rằng thực chất sự dịch chuyển này không quá chấn động hay đáng mừng như ông TTK nói. Theo số liệu của WAN-IFRA, hiện có khoảng 2,7 tỷ người trên thế giới đọc báo giấy. Tuy nhiên, phần đa trong số này đến từ châu Á, trong đó chủ yếu từ Ấn Độ. Và lý do lý giải vì sao báo giấy vẫn thịnh hành đến thế tại quốc gia Nam Á là sự… thiếu thốn trong điều kiện sống của người dân. Những người nông dân ở những bang nông nghiệp nghèo, càng ở vùng sâu, vùng xa càng thích đọc báo giấy vì họ… không tiếp cận được máy tính và điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối Internet.

Còn tại những nơi mà điện thoại thông minh đã trở thành người bạn đồng hành không thể xa rời của người dân thì “cuộc sống” của báo giấy vẫn trong cảnh ngày càng chật vật. Không cần chỉ ra những con số, chỉ cần chứng kiến hàng loạt tờ báo phải trong cảnh “mua đi bán lại”, hợp nhất hay sa thải nhân sự cũng có thể thấy rõ thực trạng đáng buồn của báo giấy.

Cách đây hơn hai năm, Dame Marjorie Scardino- một quan chức cao cấp của Pearson từng mạnh miệng tuyên bố rằng Financial Times sẽ chỉ bị bán “nếu bước qua xác tôi”. Ngày 23/7, Nikkei Inc- tập đoàn truyền thông- xuất bản lớn nhất Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua lại FT Group, công ty xuất bản tờ Financial Time (FT), từ tập đoàn Pearson với giá 1,3 tỷ USD. “Pearson nhìn chung làm ăn không được tốt, cách tốt nhất để đảm bảo sự thành công về mặt báo chí và thương mại cho FT chính là chuyển họ về một công ty tin tức điện tử toàn cầu”, CEO Pearson – John Fallon chua chát lý giải.

Bởi trên thực tế, dù là thương hiệu đình đám nhất của Pearson, cũng như các báo in khác, FT đang phải vật lộn duy trì lượng phát hành và doanh thu quảng cáo, bất chấp nội dung vẫn được giới tài chính và người đọc yêu kinh doanh đánh giá cao. Năm 2015 vừa qua, nhật báo Mỹ nổi tiếng Wall Street Journal (WSJ) cũng phải giảm mạnh lượng nhân sự, đóng cửa và giảm quy mô hoạt động tại châu Âu và châu Á, tập trung vào một đầu mối tại Washington, Mỹ và tập trung vào mục tiêu trở thành một hãng tin kỹ thuật số hàng đầu thế giới.

Playboy phải quyết định từ tháng 3/2016 sẽ ngừng đăng ảnh nude của phụ nữ- truyền thống kéo dài 62 năm từng biến tạp chí này trở thành tờ tạp chí ăn khách nhất trong nhiều thập kỷ- cũng chỉ vì không thể “địch” nổi với Internet.

Nguồn: Hồng Sâm/congluan.vn

Tin nổi bật