Thi tuyển Tổng Biên tập: Cách chăm sóc tài năng tại chỗ

Sau Đại Hội VI của Đảng (tháng 12/1986), đất nước rùng rùng đổi mới. Báo Vĩnh Phú khi ấy sôi nổi nâng cao số lượng và chất lượng thông tin, in ấn đẹp, gắn bó mật thiết hơn với công chúng, bạn đọc. Ban Biên tập chú tâm “chiêu hiền đãi sĩ”, “dụ” cộng tác viên sắc sảo, gắn bó lâu năm về làm việc. Song, việc thi “chọn người tại chỗ” để tiếp nối sự nghiệp là bước đi mạnh bạo, hiệu quả.

Thi tuyển Tổng Biên tập những năm sau Đại hội VI là một việc làm táo bạo. Ảnh minh họa

Cách “luyện cán” hiệu quả

Đội ngũ dư dả, Ban Biên tập tìm cách để họ luôn động não, hiến kế, góp công sức với tòa soạn. Nhiều “mục tiêu” của Đại hội Đảng lần thứ VI, báo chí luôn theo sát như: “Bước đầu tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất. Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tạo chuyển biến tốt về mặt xã hội”... Về cách thức đổi mới, trước hết là: Xóa bỏ kinh tế bao cấp, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế: Cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa... Về chính trị: Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý và điều hành của nhà nước cho phù hợp với cơ cấu và cơ chế kinh tế mới v.v..”.

Ban Biên tập mạnh dạn giao những đề tài kể trên và gợi ý cách thức để một số “cây bút” chắc tay viết xã luận, sau đó Ban Biên tập lựa chọn, biên tập, sử dụng. Cách này cốt để các nhà báo quan tâm đến những vấn đề quan trọng báo chí phải tuyên truyền, đồng thời cũng là cách “luyện cán” để họ sẵn sàng kế nhiệm khi tổ chức yêu cầu.

Theo đó, Ban Biên tập còn tổ chức “Thi tuyển Tổng Biên tập”. Nói cho đúng, tức là chọn người tại chỗ sẵn sàng chuyển giao công việc. Cũng là “một mũi tên nhằm nhiều đích”. Trước hết, nhằm thực hiện Luật Báo chí đầu tiên của Việt Nam mà Quốc hội nhiệm kỳ lúc đó đang thảo luận, dự tính sẽ thông qua vào cuối năm 1989, chuẩn bị cán bộ tại chỗ (có nghiệp vụ báo chí) cho hiện tại và tương lai cũng là cách khai thác tư duy, trí tuệ của đội ngũ để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tờ báo, mong bắt nhịp sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Các ứng viên cần trình bày giải pháp cải tiến tờ báo, phát huy trí tuệ của cán bộ, cách thức quản lý tòa soạn, chăm lo đời sống cán bộ nhân viên; quan hệ với bạn đọc và các cơ quan hữu quan

Bước đi mạnh bạo để phát triển

Đề tài “Thi tuyển Tổng biên tập” của Ban Biên tập đưa ra, với 2 ý chính: “Nếu được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập trong điều kiện hiện thời, anh (chị) sẽ lãnh đạo và quản lý Báo Vĩnh Phú như thế nào? Để nâng cao hơn nữa vị thế của Báo Vĩnh Phú, trong điều kiện có thể, anh chị sẽ đề đạt những gì với cấp trên? (Yêu cầu đáp án ngắn gọn, không quá 5 trang đánh máy khổ A4, khi trình bày không quá 15 phút).

Đối tượng dự thi: Cán bộ, công nhân viên của tòa soạn (tự nguyện đăng ký); có trình độ đại học, hoặc cao đẳng; có chuyên môn nghiệp vụ báo chí; độ tuổi trong diện quy hoạch... (Các Phó Tổng biên tập hiện tại không trong diện dự thi).

Ban Giám khảo: gồm toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức của tòa soạn (trên 50 người, kể cả cấp dưỡng, công nhân viên xưởng in của báo) bằng cách bỏ phiếu kín. Đề tài, thể lệ thi tuyển được công bố, phổ biến rộng rãi; các phòng, ban, tổ chuyên môn thảo luận, tiến hành ứng cử, đề cử người dự tuyển; tham góp ý kiến để ứng viên có đáp án chất lượng cao... Chốt lại, có 7 ứng viên dự thi, đủ tiêu chuẩn, đúng quy định. Thời gian chuẩn bị của các ứng viên gói gọn trong 30 ngày...

Ban Kiểm phiếu: gồm ban biên tập báo, lãnh đạo và cán bộ theo dõi khối của ban Tổ chức Tỉnh ủy... Thay mặt ban biên tập, (tôi - Tổng Biên tập khi đó) trực tiếp báo cáo “Chương trình thi tuyển Tổng biên tập” với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, được các đồng chí hoan nghênh, nhận lời cử lãnh đạo và cán bộ theo dõi tham dự...

Ngày thi tuyển, đồng chí Bùi Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Tỉnh ủy (sau là Trưởng ban) tới dự. Tòa soạn như vào hội. Không một ai vắng mặt, họ coi đó là trách nhiệm là quyền lợi thiết thân. Các ứng viên ăn mặc đẹp, đĩnh đạc, chững chạc, khác hẳn ngày thường. Ý thức và quyết tâm hiện rõ trên khuôn mặt, trong lời nói và cách thức diễn đạt đáp án. Khi ấy, người dự (cũng là giám khảo) chăm chú, săm soi từng câu, từng ý tứ của các ứng viên đối với việc “cải tiến tờ báo, phát huy trí tuệ của cán bộ, cách thức quản lý tòa soạn, chăm lo đời sống cán bộ nhân viên; quan hệ với bạn đọc và các cơ quan hữu quan... Nhiều ý kiến rất thẳng thắn, nào là: làm báo thì phải có nghề. Muốn có nghề và nhanh thạo nghề, phải học nghề chính quy, tức là phải thi vào học đại học báo chí.

Có ý kiến đề đạt: Việc trả nhuận bút, hoặc tính điểm cho phóng viên nên tính tới địa bàn tác nghiệp xa hay gần, khó hay dễ. Nên khuyến khích phóng viên viết bài cho báo chí Trung ương để cổ vũ phong trào của tỉnh, đồng thời khích lệ họ say sưa với nghề... Không ít ứng viên mạnh bạo kiến nghị: Chuyển trả xưởng in cho tỉnh; việc in báo sẽ thuê. Đề nghị tỉnh cấp đất và kinh phí xây tòa soạn đàng hoàng, cho đúng nghĩa tòa soạn báo Vĩnh Phú! (Tòa soạn thời ấy sử dụng lại nơi triển lãm cũ của tỉnh, sau toàn thắng Nam - Bắc một nhà)...

Kết cục, kiểm phiếu (Có sự tham gia của lãnh đạo ban Tổ chức Tỉnh ủy) số phiếu khá sát sao. Cả 7 ứng viên Tổng Biên tập, ai cũng có phiếu bầu làm Tổng biên tập. Trong đó các ứng viên có số phiếu quá bán là các nhà báo: Hoàng Vĩnh Bảo, Nguyễn Đắc Sinh, Lã Thế Khanh. Sau này Nguyễn Đắc Sinh là Tổng biên tập nhiều nhiệm kỳ. Lã Thế Khanh là Tổng biên tập của báo Vĩnh Phúc... Các ứng viên còn lại đều là Phó Tổng biên tập... nghĩa là lực lượng có sẵn tại chỗ.

Riêng Hoàng Vĩnh Bảo, ứng cử viên Tổng biên tập sáng giá nhất của Báo Vĩnh Phú, khi đồng chí Trần Văn Đăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về Hà Nội (1994) giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã tới Hội Nhà báo Việt nam, trực tiếp đề đạt ý kiến với tôi để Hoàng Vĩnh Bảo về làm thư ký riêng cho đồng chí. (Ấy là sự cẩn trọng của ông Đăng, vì tôi đã về Hội Nhà báo Việt nam, nhưng ông nói, vì chúng tôi đã quy hoạch anh Bảo làm Tổng Biên tập sau này). Cũng mừng là Hoàng Vĩnh Bảo đã có bước đi xa hơn, nay là Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông!... Mừng hơn là, sau ngày ấy, nhiều ý kiến của các “Ứng viên Tổng Biên tập” đã được chúng tôi nối tiếp nhau vận dụng sáng tạo... để báo Vĩnh Phú sau tái lập thành Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã lớn mạnh không ngừng!

Hơn 30 năm qua đi, kỷ niệm về một thời “Chọn và chăm sóc tài năng tại chỗ”, cũng có người nói “Chọn người tại chỗ hơn mình” là bước đi mạnh bạo của tờ báo tỉnh lẻ! Chẳng hiểu sau này, có báo Đảng địa phương nào làm như chúng tôi không? Dẫu sao, đó cũng là dấu ấn nhỏ nhoi thời khởi lập đổi mới của lớp chúng tôi. Thời xa xôi... cứ đầm trong kí ức!

Nguồn: Nguyễn Uyển/nguoilambao.vn

Tin nổi bật