Tác nghiệp dài ngày trên biển

Say sóng, ướt máy, hơi nước mặn, sức chịu đựng... đó là rất nhiều thử thách đối với nhà báo đi tác nghiệp trên biển. Đi với tàu tuần tra cao tốc để tác nghiệp thì đơn giản. Khó khăn nhất là khi đi trên tàu cá ngư dân lênh đênh giữa biển khơi với những ngày dài.

Cân bằng... chân

Là phóng viên Báo Biên Phòng, tôi xác định có 2 tiêu chí phải đạt được thì mới hoàn thành nhiệm vụ, đó là đi núi tốt và đi biển không say sóng. Đi núi thì đơn giản, nhưng để quen với biển cả là điều không hề dễ chịu và phải mất nhiều thời gian tập luyện cộng với sự cố gắng thì mới thành công. Có chút kinh nghiệm, xin chia sẻ với đồng nghiệp.

Nhà báo Lê Văn Chương tác nghiệp trên biển. Ảnh:TL

Trước tiên, khi đi trên tàu cá để tác nghiệp, bạn phải quen với sóng gió. Đây cũng chính là chìa khóa, là điểm mấu chốt. Vì say sóng thì tất cả các thiết bị hiện đại mang theo trên người đều trở thành của nợ, không làm gì được. Bạn nên nghĩ rằng, Việt Nam là quốc gia có hơn 1 triệu km2 biển. Đó cũng chính là một “đại dương” đề tài. Thật tiếc, nếu bạn không đủ sức ra biển. nhất là các phóng viên nam. Vì ngư dân thường kiêng cử phụ nữ đi trên tàu. bên cạnh đó, chiếc tàu gỗ nhỏ xíu mà có thêm một phụ nữ thì sẽ trở nên mất trật tự vì thiếu chỗ ngủ nghỉ, riêng tư.

Quay phim chụp ảnh thì phải thực hiện bước cân bằng trắng. Và đi biển thì phải cân bằng... chân. Khi đã quen với sóng gió và bắt đầu đi biển với ngư dân, bạn phải quen với thế cân bằng. Khi đứng thì hai chân choãi ra bằng vai. Hai đầu gối phải biến thành lò xo, tự giùn hoặc thẳng chân theo nhịp lắc của tàu nhằm giúp cho phần từ hông trở nên luôn thăng bằng, máy quay không rung lắc quá mạnh và người không chao đảo.

Khi bước lên tàu, nhảy tàu giữa biển, đứng trên thúng chèo... Bạn đều phải cân bằng chân để không ngã chúi xuống nước vì hụt chân, vì không cân bằng trọng lượng khiến thúng quay tròn. Mặc áo phao khi đi với ngư dân là điều không thừa. Vì bạn liên tục di chuyển từ trước ra sau tàu. Hành lang di chuyển là be gỗ hẹp, trong khi phải liên tục né người đi ngược chiều. Nên di chuyển phía bên hông không đặt ống khói. Vì ống khói nóng như thanh sắt đỏ. Khi bạn chới với mất đà và thò tay vào ôm ống khói thì càng dễ rơi xuống biển. Bên cạnh cân bằng chân thì phải cân bằng về tinh thần. Càng lo sợ thì càng say sóng. Nếu bình thản thì cảm giác hết say sóng sẽ đến rất nhanh.

Tất nhiên, để cân bằng... chân, thì bạn phải ăn uống tốt, đừng say sóng mà liên tục bỏ bữa, khiến chân run. Kết thúc phần cân bằng này, tôi mách nước các bạn nên ăn một món tuyệt ngon. Đó là mực ống mới kéo lên còn tươi, đổ vào nấu với mì tôm. mực ngọt và dẻo quánh. Thật là tuyệt hảo!

Đừng muối... máy

Nhà báo Xuân Trường, Tạp chí Thủy Sản Việt Nam là một trong những nhà báo có thành tích đáng nể về đi trên tàu cá ngư dân. Tôi nói về anh như một cách tôn vinh của cá nhân tôi với những nhà báo đã xả thân như vậy. Và tôi luôn dõi theo anh, cộng với sự trải nghiệm trên biển của mình để rút ra một kết luận: “Tuổi thọ của máy móc khi đã muối mặn sẽ kéo dài được bao lâu?”.

Sau hàng chục chuyến đi biển, nhà báo Xuân Trường kết luận rằng: “Nó bị mát, bị lỗi nút bấm, không còn theo sự điều khiển của mình”. Còn tôi thì rút ra một điều, nếu bạn bảo quản máy thật kỹ khi đi tác nghiệp trên biển thì vẫn giữ cho máy có “sức khỏe”.

Vậy thì bảo quản bằng cách nào?

Thoạt đầu tôi mua áo mưa đựng máy ảnh của Hàn Quốc. Loại này rất đắt đỏ, khoảng 100 USD. áo giáp này đã giúp cho máy ảnh không bao giờ bị đả thương bởi nước mặn sau nhiều ngày trên biển. nhưng nhược điểm của áo giáp này, đó là vướng víu, hơi khó tác nghiệp.

Vậy thì còn một phương pháp khác, đó là cởi áo pull vải mềm quấn chặt máy để giảm bớt hơi nước mặn hoặc túi ny lon. Mỗi tối trước khi đi ngủ, phải lấy nước khoáng lau nhẹ ngoài thân vỏ và đặt cho quạt thổi bớt hơi nước mặn.

Sau những năm tháng lênh đênh cùng ngư dân trên biển, chiếc máy D7000 và máy quay phim FX1 của tôi vẫn chạy êm. nhưng về lâu dài thì có lẽ, máy không thể trường thọ được.

Phân tích về sức khỏe của máy để các đồng nghiệp yên tâm rằng, trên biển hay trên sông thì cũng vậy, nếu bị ướt thì máy phải... ra đi. Còn nếu bảo quản tốt thì máy móc vẫn ổn. Tôi cũng đề xuất, các tòa soạn nên tính thêm nhuận bút cho tấm ảnh chụp ngoài khơi xa trên tàu cá ngư dân. Đó cũng là cách để khuyến khích các nhà báo sáng tạo và vượt khó, khấu hao máy móc.

“Quan trọng nhất trong việc xử lý và đưa tin về ngư dân lại nằm ở chính tấm lòng của nhà báo. Nếu bạn thật sự quan tâm tới bà con, có sự kết nối thường xuyên thì dù nửa đêm, gà gáy, ngư dân cũng sẽ thông báo tình hình và nhờ nhà báo đưa tin để bà con có tiếng nói trên báo chí”.

Ngư dân không“ăn sóng nói gió”

Nguồn tin về ngư dân đánh bắt trên biển thường được cập nhật sớm nhất từ nơi nào. Đó là tại các đài canh cộng đồng và đài canh gia đình. Lịch mở đài canh thường vào lúc 7 giờ sáng và 19 giờ tối hoặc 10 giờ trưa. Đó là lúc ngư dân bắt đầu đánh bắt, hoặc ngủ dậy sau buổi sáng ngủ bù đêm.

Ngày nay, các ngư dân đều trang bị hệ thống máy ICom IC 710 tầm xa, nên phủ sóng khắp biển Đông. Bên cạnh đó, một phương tiện mới vừa xuất hiện, khiến cho tin tức trên biển được cập nhật có cả hình ảnh thuyết phục, đó là máy định dạng Hai Yang của Hàn Quốc với tầm quét khoảng 200 hải lý. Nếu có chiếc tàu ngư dân nào đột ngột biến mất, thì các ngư dân sẽ phát hiện ngay được sự bất thường này. Tàu nước ngoài hành trình cắt tọa độ thì sẽ hiện lên chỉ số quốc tịch, tốc độ...

Khi dẫn nguồn tin, các nhà báo thường điện cho bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh, thành. Nhưng hiện nay đã có văn bản chỉ đạo, việc phát ngôn liên quan tới vấn đề chủ quyền trên biển Đông thì phải do bộ Tư lệnh ở Hà Nội. Vì vậy các nhà báo thường mắc kẹt ở khâu này.

Các phóng viên thường trú thường đưa tin bằng cách chụp ảnh biên phòng đang làm việc với ngư dân, sau đó ghi lại tên, cấp bậc, chức vụ của cán bộ biên phòng, kèm theo lời dẫn, ngư dân đã trình bày với ai, về vấn đề gì. Sau đó nhà báo quay sang phỏng vấn nghiệp đoàn nghề cá hoặc chính quyền địa phương.

Nguồn: Lê Văn Chương/nguoilambao.vn

Tin nổi bật