Sê-ri đòn vào phóng viên hay những cú đấm vào dư luận?

Đã hơn nửa tháng kể từ ngày phóng viên báo Công lý bị đấm túi bụi giữa thanh thiên bạch nhật ngay trước mặt cán bộ huyện Lương Sơn, Hòa Bình những kẻ thủ ác vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng. Nói chính xác, đó là những cú đấm trắng trợn vào người làm báo!

Phóng viên Nguyễn Văn Hoan bị hành hung. Ảnh cắt từ videoclip.

Theo báo Công lý, đề tài về việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Lương Sơn đã được nhóm phóng viên đăng kí và ban biên tập phê duyệt từ tháng 4/2017. Liên tiếp trong các tháng 6, 8, 9/2017, hàng loạt các bài viết, video clip phản ánh một số bất cập trong quản lý nhà nước tại huyện Lương Sơn được phản ánh trên tờ báo này.

Ngày 30/8 vừa qua, trong chuyến thực địa, khảo sát về tình hình khai thác khoảng sản cùng đoàn công tác của UBND huyện Lương Sơn, nhóm phóng viên này đã bị cản trở. Đỉnh điểm của sự cản trở này là phóng viên Nguyễn Văn Hoan đã bị một nhóm người hành hung theo chỉ đạo của Giám đốc của Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Hòa Bình Nguyễn Văn Thành. Video clip do báo Công lý công bố thể hiện rất rõ các hành vi này.

Trong video clip được báo Công lý công bố, ông Giám đốc Thành chỉ tay hô to: “đánh luôn thằng này”, ngay lập tức, một cơn mưa nắm đấm dội lên đầu phóng viên Nguyễn Văn Hoan, những kẻ đánh người vừa đánh, vừa chửi, vừa “bức xúc”: “thằng này vào đây rất nhiều lần rồi”.

Khoan hãy nói đến việc đánh phóng viên. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đánh người là vi phạm pháp luật! Nếu cá nhân nào cũng vì bức xúc mà giải quyết bằng nắm đấm thì trật tự xã hội này sẽ đi về đâu? Nếu giám đốc doanh nghiệp nào cũng ứng xử bằng quả đấm như giám đốc Thành thì môi trường kinh doanh trên đất nước này sẽ thế nào?

Trong sự việc này các phóng viên đã xuất trình giấy tờ và họ còn đi cùng cán bộ huyện. Nhưng họ vẫn bị hành hung dã man. Đó là thực tế không một lý do gì có thể biện minh cho hành vi đánh người!

Phóng viên báo Công lý chỉ là một cá nhân trong xã hội. Nhưng nên nhớ người làm báo là sứ giả của thông tin, anh ta mang trọng trách phản ánh sự thực mà xã hội giao phó. Người làm báo phải được bảo vệ. Điều này đã được thể hiện rõ bằng pháp luật.

Trong bối cảnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, vai trò của báo chí là rất quan trọng. Nhưng nếu cứ vào cuộc điều tra mà bị hành hung, bị đe dọa tính mạng, các phóng viên có còn đủ dũng khí tham gia vào công cuộc trên?

Dĩ nhiên là báo chí sẽ không bao giờ chùn bước trước các thế lực hắc ám. Song, người làm báo không thể chấp nhận việc đồng nghiệp bị đánh dã man, ngang nhiên đến thế!

Matin Luthern King đã từng nói: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Vậy nên, dư luận đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm ở Hòa Bình phải sớm làm rõ vụ việc hết sức đáng lo ngại trên!

Khi những người làm báo còn bị hành hung công khai trong quá trình khi đi điều tra thì lấy gì đảm bảo rằng, những người dân bình thường, vốn “thấp cổ bé họng”, có thể dám đứng lên lên tiếng về những hành vi sai trái vẫn đã và đang diễn ra hàng ngày trong đời sống này?

Theo Hoàng Lan/ Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật