Nhà báo văn hoá: Dấn thân đến đâu, chừng mực thế nào?

Tôi muốn bắt đầu bàn tròn này bằng câu chuyện giữa tôi và một nhà báo theo dõi văn hóa đã 15 năm.

Đều đặn viết nhưng chị lại từ chối khi tôi đề cập đến việc mời chị cho một bài phỏng vấn. Vì chị cho rằng, thời điểm này, công việc của chị không có nhiều điều để nói. Phải chăng, những bài viết về văn hóa công phu, có chiều sâu đang có phần giảm đi vì sự lấn sân ồ ạt của các thông tin ăn xổi, theo kiểu gossip phương Tây từ các trang tin, mạng xã hội nặng về giải trí hay vì các nhà báo văn hóa đang chủ động chọn lối đi, chọn một chừng mực “vừa phải, thiếu quyết liệt, không dấn thân” để xuất hiện? Hãy nghe chính các nhà báo theo dõi văn hóa, những người trong cuộc nói để hiểu hơn hậu trường của những người viết văn hoá và làm rõ thực trạng: có phải ngày càng hiếm những cây bút viết văn hóa có “sức nặng”?

Mức độ dấn thân của nhà báo hôm nay cũng là một vấn đề…

+ Thông tin tràn ngập, câu view, câu like khủng nhưng vẫn nhạt, vẫn thiếu những bài viết về văn hoá, nghệ thuật được chú ý, thiếu cây bút “hot”. Có tình trạng này là vì bản thân các nhà báo viết văn hóa hiện nay thiếu sự dấn thân hay vì xu thế chung của mảng này kém sôi động?

– Nguyễn Mạnh Hà (Báo Tiền phong): Nguy cơ cạnh tranh từ báo điện tử khiến các tờ báo giấy đang loay hoay tìm đường phát triển theo kiểu tích hợp. Các nhà báo văn hóa cũng phải chuyển hướng viết nhanh hơn, dễ đọc và mang tính giải trí hơn để đáp ứng đòi hỏi của báo mạng. Có thể vì thế mà số lượng bài viết chuyên sâu giảm đi hoặc chìm đi giữa thông tin ngồn ngộn liên tục cập nhật của báo mạng. Nhưng xét từ góc độ khác, báo mạng không giới hạn thời lượng cũng tạo điều kiện cho các nhà báo đeo bám, giải quyết vấn đề nhanh và mạnh. Gần đây không ít các ví dụ về tác động tích cực của báo chí tới những sự vụ hoặc chủ trương chính sách bất hợp lý.

– Quang Hưng (Báo Thời nay): Tôi nhận thấy xu thế phát triển mạnh và lấn át của các đề tài, sản phẩm báo chí thiên về giải trí, khai thác những câu chuyện hậu trường, những sự vụ của giới nghệ sĩ. Điều này, ngoài việc quyết định bởi nhu cầu người đọc đông đảo, còn có ý muốn của chính người cầm bút, sau lưng là các BTV và tòa soạn của họ. Đồng thời, phát triển mạnh, nó lại tạo ra sự định hướng đối với công chúng trong việc đọc báo – có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến những kiểu đề tài tương tự. Những điều đó, tôi nghĩ, đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tác nghiệp của các PV theo dõi mảng văn nghệ nói chung, từ quan điểm làm báo, cách khai thác, lựa chọn đề tài, cách triển khai, cách viết… Vì thế, sản phẩm báo chí ra lò sôi nổi, có độ “nóng” về những câu chuyện riêng tư, những mối quan hệ, chuyện gia đình, bạn bè, chuyện nhà cửa, trang sức, quần áo, xe cộ, chuyện cãi nhau, bất đồng quan điểm…, còn những “vụ” góp tiếng nói tạo sức tác động mạnh đến dư luận thì không nhiều. Báo chí lên tiếng phản biện, góp ý một cách gợi mở với các vấn đề văn hóa nổi cộm, tôi cho rằng còn ít.

– Vương Hà (báo Quân đội Nhân dân): Tôi lại nghĩ cân bằng giữa văn hoá truyền thống và văn hoá giải trí, có thể mảng giải trí có phần lấn lướt hơn do sự phát triển mạnh của báo điện tử. Nhiều tờ báo đang có xu hướng ưu tiên trình bày mảng giải trí bắt mắt hơn vì dễ thu hút người đọc. Với báo in, bài viết văn hoá mang tính truyền thống vẫn chiếm chủ yếu và có sức hấp dẫn hơn. Tôi không nghĩ không có tác giả dấn thân, mà cái chính là ở đối tượng bạn đọc và cách họ chọn ấn phẩm báo chí nào…

Thông tin nhiều, lượt view lớn nhưng làng báo văn nghệ lại đang thiếu những bài viết có chiều sâu, phân tích kỹ càng…

Phản ánh, phê bình đang… loay hoay

+ Phản ánh, phê bình văn hoá nghệ thuật bị nhận xét là đang loay hoay chạy theo bề nổi. Các anh chị có đồng ý với nhận định này?

– Vương Hà: Với tôi, không hẳn là loay hoay. Đó mới chỉ là cách nhìn bề nổi trên các trang báo điện tử, trang tin. Còn hầu hết các loại hình báo chí khác vẫn dầy đặc các tác phẩm báo chí phản ánh, phê bình văn hóa, nghệ thuật rất có chất lượng. Ngay cả một số tờ điện tử cũng thường xuyên có bài phản ánh, phê bình văn hóa nghệ thuật khá hấp dẫn, hay tìm đến tận cùng câu chuyện… Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, chỉ cần một chiếc smartphone hoặc ipad trên tay người đọc có thể lướt hàng trăm trang mạng. Tôi biết có không ít bạn đọc họ chỉ lướt cái tít bài báo, xem vài hình ảnh chỉ trong tích tắc chưa đầy một phút. Đó có thể là nguyên do chính khiến cho tư duy làm báo, đăng tải bài vở liên quan đến văn hóa, nghệ thuật của các cơ quan báo chí, trong đó phần lớn là báo điện tử đã buộc phải có những kế hoạch, chiến lược phát triển báo mình, tăng lượng người đọc hơn là tăng chất lượng, tính phê bình, phê phán của bài báo. Như thế, nhiều người viết khó có cơ hội và điều kiện để khẳng định cá tính của mình…

– Quang Hưng: Về phê bình thì tôi không dám lạm bàn, vì lĩnh vực này bao quát rất rộng, mang tính chuyên môn sâu, ngoài sự xuất hiện ít ỏi trên các trang báo thường thấy, phê bình chiếm chỗ chủ yếu ở các tạp chí nghiên cứu, văn nghệ. Qua báo chí, đúng là tôi thấy trên báo đang thiên về phản ánh nhiều hơn. Một phần vì các sự kiện rất nhiều, hai là khi đã bám theo nhiều sự kiện, hoạt động khác nhau thì cũng không dễ để đầu tư thời gian, tâm sức vào việc đào sâu khai thác, bàn luận, bình phẩm.

Nhưng không vì thế mà chúng ta không nhận thấy những bài viết, chuỗi bài kiên trì bám theo những sự vụ nào đó, khai thác được rộng rãi các ý kiến tâm huyết. Hoặc qua cách đặt vấn đề, cách triển khai bài báo, ta cũng thấy được thái độ của tác giả. Nhiều bài viết của nhà báo “kỳ cựu” Việt Văn báo Lao động, chị Kiều Trinh báo Thanh niên, anh Kiều Mai Sơn ở báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Hiền Nguyễn ở báo điện tử Tổ quốc, gần đây có anh Vũ Viết Tuân báo Tuổi trẻ…, và anh Vũ Lâm ở báo Thời nay chúng tôi, cho tôi những cảm nhận này.

+ Tôi thì lại thấy dường như các cây bút văn hoá đang dè dặt, chỉ làm “tròn vai” phản ánh thông tin?

- Vương Hà: Tôi nghĩ, đã làm nghề viết, nhất là làm nghề viết báo thì không ai muốn dè dặt. Ai cũng muốn dấn thân. Ngay bản thân tôi, và nhiều bạn nhà báo đồng trang lứa mà tôi biết đều có những khát khao, nhiệt huyết cho những bài báo được gọi là “dấn thân”. Đi đến tận cùng vấn đề (trong trường hợp có tính phê bình) mà mình muốn tìm hiểu và đưa vấn đề đó lên mặt báo để nhận sự đồng thuận, hoặc có thể là phản ứng ngược lại của công chúng. Cá nhân tôi, có thời gian công tác và viết báo hơn 10 năm, tôi luôn muốn mỗi câu chữ, bài viết, thậm chí chỉ là một cái tin chừng hơn 100 chữ thôi thì cũng phải có tác dụng, hoặc ít nhất tạo sức hút với người đọc bởi tính thời sự hoặc là người đọc tìm được điều gì trong đó.

Sự quyết liệt, đi đến tận cùng vấn đề trong các bài báo văn hóa, nghệ thuật vẫn được nhiều nhà báo phát huy, nhưng còn nhiều cách tiếp cận, thông tin của nhiều nhà báo chưa tới.

Nguyễn Mạnh Hà (Báo Tiền phong)

– Nguyễn Mạnh Hà: Tôi ít khi dè dặt dù đôi khi cũng muốn thế để khỏi động chạm. Tôi nghĩ đã làm báo, khi đặt bút, ai cũng muốn nói hết những gì mình cảm nhận, suy nghĩ. Nghệ sĩ cống hiến hết mình thì nhà báo cũng nên phản ánh, bình luận ra tấm ra món. Tuy nhiên cũng không nên quá tập trung vào những cái chưa được mà phải phê bình công tâm, cân bằng.

20 năm trước, sức nặng của cây bút văn hoá nào đó ít nhiều được chú ý, có tác động và sự phản hồi. Có lẽ cũng đến lúc các nhà báo văn hóa phải tìm và chọn một lối đưa thông tin mới, như hình thức liên minh tạo nên chuỗi các bài viết có chất lượng chẳng hạn?

– Vương Hà: Việc làm chuyên đề, dự án có sự liên minh của nhiều nhà báo, thực tế không phải là lối đưa thông tin mới. Cách làm này đã từng được nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo thực hiện để khẳng định tên tuổi của mình. Thời gian qua cũng có nhiều tác phẩm báo chí đoạt giải quốc gia, các giải thưởng của cơ quan, bộ ngành đều là những chuyên đề, vệt bài được nhà báo đầu tư công phu phản ánh. Theo tôi, đây vẫn là cách làm hiệu quả nhất, có sức mạnh nhất để có thể phản ánh sâu đậm, đi đến tận cùng của vấn đề văn hóa, nghệ thuật.

– Nguyễn Mạnh Hà: Làm việc nhóm bao giờ cũng là giải pháp hợp lý cho những đề tài rộng và thời sự. Như gần đây báo Tiền Phong làm loạt bài về loa phường gây được dư luận nhất định.

– Quang Hưng: Nhưng tôi lại thấy có sức tác động mà nhiều bài báo cùng tạo nên. Điều này vừa ngẫu nhiên, vừa thú vị khi nhiều tác giả cùng quan tâm khai thác một đề tài nào đó. Và có lẽ nên để các tác giả tự triển khai theo quan điểm, cách thức của mình, theo sự trao đổi với tòa soạn của mình, thì sẽ hay hơn là những “gói” thông tin bao hàm tính chất định hình về cả ý đồ lẫn nội dung các bài báo. Đồng thời, sự “liên minh” hay “nhóm hóa” nào đó, sẽ dễ dẫn đến những bài vở một màu, hay thuần theo hướng khen, chê, hoặc dễ bị tận dụng cho những mục đích riêng nào đó. Tôi nghĩ tạo diễn đàn để tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi nghề nghiệp, kinh nghiệm, quan điểm là việc nên làm, nhằm giúp các nhà báo có dịp cọ xát với đồng nghiệp, giới nghề. Như thế, vừa để rút ra cái hay trong việc nhìn nhận vấn đề, cách tác nghiệp, vừa để mỗi người khẳng định mình hơn.

Mấy năm qua, tôi thấy nhóm tự phát của hàng trăm nhà báo, PV viết về văn hóa, du lịch khu vực Hà Nội là một hình thức rất hay. Mọi người cùng chia sẻ thông tin mình có lên facebook chung của nhóm để những người khác có điều kiện khai thác theo cách nhìn riêng. Đồng thời từ sự tham gia nhóm lớn cũng tạo ra những trao đổi riêng giữa các thành viên. Điều đó thúc đẩy công việc của mỗi người tiến triển.

Xu hướng đưa thông tin: Kể chuyện và độc giả tự rút ra kết luận

+ Vấn đề này tôi đã từng nói nhưng vẫn muốn nhắc lại, đó là việc các nhà báo văn hóa dường như bằng lòng với thông tin từ nghệ sỹ, người làm truyền thông cho nghệ sỹ nên đa phần các cây bút viết văn hoá vẫn còn dung hoà, không muốn thể hiện góc nhìn hay suy nghĩ thật sự của mình. Hay đây là cách mà báo chí hiện đại hướng tới, để câu chuyện ở góc độ tự nhiên nhất có thể?

– Nguyễn Mạnh Hà: Chỉ kể chuyện và để độc giả tự rút ra kết luận chính là tác nghiệp cơ bản của nhà báo. Chắc gì những suy luận “thật” của bạn đã đủ khách quan, chính xác. Việc phê bình nên để cho các nhà chuyên môn. Nhưng vấn đề là các nhà chuyên môn hiện nay đôi khi cũng dè dặt khi đánh giá vấn đề, sự kiện… trong lĩnh vực của họ. Nên tôi nghĩ nhà báo cũng cần trang bị một kiến thức chuyên môn nhất định cộng với một cái đầu lạnh để viết bài được khách quan, công tâm.

Vương Hà (báo Quân đội Nhân dân)

 Quang Hưng: Tự nhìn vào mình, khi ngồi trước máy tính, tôi thấy mình muốn thể hiện cái nhìn, suy nghĩ của mình, và tin là nhiều bạn đồng nghiệp khác cũng vậy. Có điều có thể mục tiêu của sản phẩm viết ra là đưa thông tin thì sẽ dừng lại ở đó thôi. Còn thể hiện quan điểm, sự đánh giá, nhận xét… của mình nữa thì việc khai thác, viết bài lại đòi hỏi dụng công nhiều hơn. Có lẽ không phải ai cũng kiên nhẫn cho việc “giơ tay phát biểu” chăng? Hay cũng có những lúc cho rằng, “phát biểu” nhiều cũng khó lòng giải quyết điều gì đáng kể?

- Vương Hà: Tâm lý của người đọc chú tâm vào sự kiện nóng. Hiện tại, có rất nhiều hướng viết thu hút sự chú ý. Phổ biến, phục vụ mục đích mà họ đang hướng đến. Hướng tự các nhà báo tìm hiểu và viết thường khách quan và có chiều sâu hơn, thường đây là những bài báo tốt. Với mỗi sự việc, vấn đề văn hóa nghệ thuật có tính phê bình cao, để đảo chiều, thu hút sự chú ý thì người viết phải đi tìm căn cốt của vấn đề, lật bản chất vấn đề đó là gì để nói đúng và nói trúng sự việc đã từng tồn tại bấy lâu mà chưa có hướng giải quyết; hoặc đi đến tận cùng, gặp gỡ tất cả các thành phần có liên quan để đưa đến biện pháp giải quyết là gì. Tôi nghĩ khía cạnh này luôn được bạn đọc quan tâm và họ luôn đợi thành quả của những tác phẩm báo chí này mang lại sẽ là gì. Chứ không chỉ có khơi gợi ra rồi để đấy.

Nhà báo không nhất thiết phải là chuyên gia…

+ Bài viết phê bình mang tính học thuật không tiếp cận được đời sống. Báo chí cần những góc nhìn mới mẻ, những “chuẩn văn hoá” về đánh giá?

- Quang Hưng: Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quên bạn đọc, vì bạn đọc rất đa dạng và có lẽ không có thật nhiều thời gian để bám sát, theo dõi kỹ một vấn đề, đề tài văn nghệ nào đó. Ngoài các nhà chuyên môn, người trong giới văn nghệ thì có lẽ không nhiều bạn đọc bình dân hứng thú với những bài viết chuyên sâu. Và chính những người xây dựng các trang báo cũng “ngại” những bài viết nhiều thuật ngữ, khái niệm, lượng chữ lớn… Mở cửa cho những bài phê bình học thuật thường là những tạp chí chuyên ngành với lượng phát hành ít, chủ yếu lưu hành trong giới nghề. Nhưng, những điều này cũng không cản trở việc làm cho các bài phê bình hoặc những bài báo có tính chất phê bình văn nghệ trở nên ngắn gọn, cô đọng, hấp dẫn, “tươi mát”… hơn. Mà làm được điều này, quả thật không dễ!

– Nguyễn Mạnh Hà: Tôi đồng ý với nhà báo Quang Hưng. Bạn đọc ngày nay đa dạng và rất hiểu biết. Tuy nhiên họ không tìm tới báo chí mà có các kênh riêng để trao đổi thông tin. Đó không chỉ là tạp chí chuyên ngành mà còn là những diễn đàn, blog trên mạng. Chẳng hạn gần đây khi đĩa Bản nguyên của Hà Trần ra mắt nhận được rất nhiều lời khen hầu hết là chung chung từ báo chí thì lại có một số bài bình luận chuyên sâu từ các diễn đàn âm nhạc trực tuyến. Chính ca sĩ cũng rất tâm đắc chia sẻ những bài viết này.

Theo tôi nhà báo không nhất thiết phải là chuyên gia nhưng nên tham khảo nhiều nguồn tin để viết bài. Như thế thì bài viết sẽ có hàm lượng thông tin đa dạng thu hút được nhiều đối tượng độc giả hơn.

Nếu phóng viên mới chỉ đang làm “tròn vai” thông tin đồng nghĩa với việc chúng ta đang thiếu “cây viết” để giúp độc giả sàng lọc những gì thực sự là văn hóa, là nghệ thuật?

– Nguyễn Mạnh Hà: Những người có cá tính, biết gây ấn tượng hình như lại thường không bằng lòng với nghề báo. Nói thẳng hiện nay đó không còn là một nghề thời thượng thu nhập cao hay khiến ai đó phải vì nể. Tuy nhiên những gì thực sự tinh thì cũng không cần xuất hiện nhiều. Tôi nghĩ báo giới hiện nay vẫn đủ trình độ và bản lĩnh để sàng lọc ra những gì thực sự là nghệ thuật, là văn hóa.

Quang Hưng (Báo Thời nay)

 Quang Hưng: Vâng, thật sự là thiếu. Và trước nhiều sự kiện, vấn đề nào đó, chúng ta thường gặp những cách truyền tải thông tin, ý kiến… gần gần như nhau. Tôi nghĩ, “vai” của một người viết báo đòi hỏi nhiều hơn sự đưa tin, mặc dù sự đưa tin nhanh chóng, kịp thời đã là rất quý và là yêu cầu hàng đầu. Chúng ta sẽ tròn vai khi chỉ yêu cầu nhau hoặc tự yêu cầu mình dừng ở một mức độ đưa tin, phản ánh nào đó. Còn rõ ràng là chưa thể đủ nếu ta muốn tiếng nói của các nhà báo đóng góp nhiều hơn trong việc chia sẻ, định hướng thẩm mĩ cùng người đọc; góp ý với hệ thống quản lý, các cơ quan – đơn vị văn nghệ… trong việc xây dựng, triển khai chính sách văn nghệ…

NB Nguyễn Mạnh Hà- Báo Tiền Phong: Tôi ít khi dè dặt dù đôi khi cũng muốn thế để khỏi động chạm. Tôi nghĩ đã làm báo, khi đặt bút, ai cũng muốn nói hết những gì mình cảm nhận, suy nghĩ. Nghệ sĩ cống hiến hết mình thì nhà báo cũng nên phản ánh, bình luận ra tấm ra món. Tuy nhiên cũng không nên quá tập trung vào những cái chưa được mà phải phê bình công tâm, cân bằng.

NB Vương Hà- Báo Quân đội Nhân dân: Thời gian qua cũng có nhiều tác phẩm báo chí đoạt giải quốc gia, các giải thưởng của cơ quan, bộ ngành đều là những chuyên đề, vệt bài được nhà báo đầu tư công phu phản ánh. Theo tôi, đây vẫn là cách làm hiệu quả nhất, có sức mạnh nhất để có thể phản ánh sâu đậm, đi đến tận cùng của vấn đề văn hóa, nghệ thuật.

Quang Hưng- Báo Thời nay: … Chúng ta sẽ tròn vai khi chỉ yêu cầu nhau hoặc tự yêu cầu mình dừng ở một mức độ đưa tin, phản ánh nào đó. Còn rõ ràng là chưa thể đủ nếu ta muốn tiếng nói của các nhà báo đóng góp nhiều hơn trong việc chia sẻ, định hướng thẩm mĩ cùng người đọc; …

Theo Hằng Nga/ Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật