Một quy định “trói tay” nhà báo!

Dự thảo Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị: Một quy định “trói tay” nhà báo!

Bộ Công an đã soạn thảo xong dự thảo lần 2 nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị để chuẩn bị thi hành từ ngày 1/7/2017. Đáng chú ý, theo dự thảo: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Nhiều vụ sai phạm “động trời” trong lĩnh vực mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi môi giới hối lộ hoặc đưa, nhận hối lộ trong các cơ quan công quyền… đã được các nhà báo phanh phui từ việc nhập vai, ghi âm, ghi hình bí mật, nhưng nếu dự thảo được thông qua, việc sử dụng thiết bị ghi âm, chụp hình để tác nghiệp của nhà báo có thể sẽ bị hạn chế.

Quản lý kinh doanh là cần thiết

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước. Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị.

Dự thảo nêu rõ các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị gồm: sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.

Chỉ có 3 nhóm được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng quân đội nhân dân và cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.

Đáng chú ý, theo dự thảo: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Một vấn đề đặt ra từ dự thảo này là việc sử dụng thiết bị ghi âm, chụp hình để tác nghiệp của nhà báo có thể sẽ bị hạn chế. Trong thực tế, nhiều phóng viên điều tra phải “nhập vai”, sử dụng camera, máy ghi âm giấu kín hoặc ngụy trang nhằm thu thập thông tin để phục vụ cho bài viết.

Nhiều vụ sai phạm “động trời” trong lĩnh vực mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi môi giới hối lộ hoặc đưa, nhận hối lộ trong các cơ quan công quyền… đã được các nhà báo phanh phui từ việc nhập vai, ghi âm, ghi hình bí mật. Qua các bài báo này, các cơ quan chức năng đã có thêm căn cứ vào cuộc xác minh, điều tra, giải quyết.

Thiết bị ghi âm, ghi hình (Ảnh minh họa).

Nội dung vượt quá phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Luật sư (LS) Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư VN, phân tích: Hình thức, tên gọi và nội dung các điều khoản trong nghị định chứa đựng những mâu thuẫn, không bảo đảm tính thống nhất của một văn bản pháp luật. Tên gọi của nghị định là “Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”.

Nghị định đã xác định rõ “Phạm vi điều chỉnh” (điều 1) và “Đối tượng áp dụng” (điều 2) là “hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”, tức là chỉ điều chỉnh hoạt động của các chủ thể kinh doanh mà không điều chỉnh việc sử dụng các thiết bị phần mềm này. Nhưng trong nội dung nghị định lại quy định, hạn chế hoặc cấm cá nhân công dân sử dụng các thiết bị này trong sinh hoạt đời sống. Cụ thể: khoản 4 điều 4 nghị định quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. “Như vậy, nội dung của nghị định đã vượt quá phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của nghị định. Mâu thuẫn này đã không bảo đảm nguyên tắc thống nhất của một văn bản pháp luật”, LS Tâm nói.

Về nội dung nghị định cũng đã không tuân thủ nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật (điều 14 Hiến pháp 2013). Việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình… trong các máy điện thoại thông minh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước là thuộc về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp và quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của bộ luật Dân sự. Nếu công dân nào sử dụng các phương tiện này với mục đích xấu, làm ảnh hưởng hoặc xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì luật pháp đã có các chế tài áp dụng xử lý, tùy theo tính chất của hành vi vi phạm. “Quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị đó với mục đích lành mạnh, hợp pháp là một quy định vi hiến. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà báo tác nghiệp báo chí, các LS hành nghề LS thì việc thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của luật Báo chí, luật Luật sư, các bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự… trong hành nghề sẽ bị cấm đoán bởi quy định đó. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tác nghiệp của họ”, LS Tâm nói.

Không khả thi là nhận định của luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội, về một số quy định tại dự thảo này. Luật sư Toàn cho biết theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, băng ghi âm, hình ảnh chỉ trở thành chứng cứ nếu nó được các tổ chức, cá nhân có liên quan xác nhận bằng văn bản về việc ghi âm, chụp hình. Tất cả các băng ghi âm, hình ảnh thực hiện lén đều không được sử dụng làm chứng cứ, không có giá trị trước pháp luật. Do đó, việc quy định này là không cần thiết. Đối với các cơ quan chức năng, việc sử dụng các thiết bị ngụy trang trên có tác dụng làm cơ sở để đấu tranh với tội phạm vì trở thành nguồn tin để điều tra.

Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều thiết bị công nghệ cao đã được thương mại hóa, giá rẻ, ứng dụng nhiều trong đời sống. Chẳng hạn, camera trên điện thoại là một trong những loại thiết bị phục vụ cuộc sống hằng ngày, trong đó có cả việc phục vụ để đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Những thiết bị phục vụ cho cuộc sống của người dân và không được phép cấm. Chỉ được phép cấm người dân sử dụng trong những phạm vi là mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật kinh tế…

Thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình là gì?

● Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

● Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

● Phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là bất kỳ chương trình máy tính nào được tạo ra, giả dạng các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích, công cụ khác hoặc được lập trình, viết thêm các mã lệnh vào các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích hoặc phần mềm công cụ khác để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm, xác định vị trí của mục tiêu.

(Trích Dự thảo nghị định)

● Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

(Trích điều 4 Dự thảo nghị định)

Theo Khánh An/congluan.vn

Tin nổi bật