Kỷ niệm về bài báo được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngợi khen

Năm 1989 - tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân - đang theo học tại chức Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sáng ngày 12-9 năm đó, vào khoảng 10 giờ, khi tôi đang ngồi học trên lớp thì được đồng chí Đại tá Vương Sĩ Đình - Trưởng phòng biên tập Quân sự – cho người tới trường gọi tôi về gấp để lên gặp Tổng biên tập - Thiếu tướng Trần Công Mân.

Từ trường Đại học Tổng hợp ở Thanh Xuân, tôi hớt hải phi như bay trên chiếc xe đạp “cuốc” về Tòa soạn Phan Đình Phùng. Đạp xe trên đường, đầu óc cứ miên man, vừa lo âu, vừa hồi hộp. Đồng chí Trần Công Mân là một vị Tổng biên tập mà chúng tôi vô cùng kính trọng. Cánh phóng viên quân đội chúng tôi lấy làm tự hào bởi có được một Tổng biên tập là ông.

Ông là một người hết sức nghiêm khắc và đầy bản lĩnh. Mỗi lần “bị” gọi lên, nhất là đối với cánh phóng viên trẻ chúng tôi không khỏi phải “thót tim”. Với vẻ mặt “lạnh tanh” nhưng trong ông bao giờ cũng ẩn chứa một trí tuệ uyên thâm sâu sắc, nên dường như ông nói điều gì là cũng đủ khiến chúng tôi “chết” đứng như Từ Hải. Mỗi bài báo của chúng tôi viết ra, để hoàn thiện được đã phải qua nhiều khâu biên tập gắt gao, khi “trình Tổng biên tập duyệt”, bài báo nào được ông phê vào góc gọn lỏn một chữ “được” là anh phóng viên đó đã sướng rơn cả người! Bản thảo nào mà bị ông gạch xóa, bắt viết lại thì từ anh phóng viên, biên tập viên, đến nhân viên đánh máy phải tha hồ… vãi linh hồn! Chúng tôi đặc biệt thán phục về kỹ năng “duyệt bài” của ông. Cả một trang bản thảo, ông chỉ lướt vài “cụm” là xong. Vậy mà đố có câu chữ, ý tứ nào “bất ổn” lại lọt qua được mắt ông. Chúng tôi vừa nể, vừa sợ nhưng bằng tất cả sự kính trọng và khâm phục. Chính bởi vậy, ai đã từng là phóng viên dưới quyền ông đều trưởng thành nhanh chóng trong nghề nghiệp. Báo Quân đội nhân dân vô cùng tự hào bởi đã tôi luyện được một đội ngũ “cây đa cây đề” mà cánh phóng viên trẻ chúng tôi cũng như đồng nghiệp báo giới hết lòng ngưỡng vọng…

Tác giả với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TP.HCM năm 1990.

Sau một phút trấn tĩnh, tôi gõ cửa bước vào phòng làm việc của Tổng biên tập Trần Công Mân. Tôi thấy ông và Đại tá Vương Sĩ Đình đang bàn thảo việc gì đó hình như là hệ trọng lắm. Tôi liếc nhìn ông, thấy vẻ mặt “lạnh như tiền” mọi khi bỗng nở một nụ cười đôn hậu. Liếc sang gương mặt Trưởng phòng của mình thấy tươi tỉnh lắm nên tôi biết tình hình chắc lạc quan. Ông rót cho tôi một chén nước rồi bình thản, chậm rãi: “Tổng bí thư có khen bài của Báo ta hôm nay. Đây là điều vinh dự lớn của báo ta. Tôi đã trao đổi sơ bộ công việc tiếp theo với anh Đình. Bây giờ các đồng chí khẩn trương chuẩn bị thật tốt các công việc để về Xí nghiệp 173 tổ chức lễ cho đơn vị đón nhận thư khen của đồng chí Tổng Bí thư!”. Cầm xem lá thư còn tinh khôi nét chữ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lòng tôi tràn ngập hồi hộp và hạnh phúc…

Có thể nói, giai đoạn những năm 1986 - 1990 khắp cả nước trào dâng một luồng sinh khí mới. Thông điệp “Đổi mới” của Đại hội Đảng lần thứ VI đã lan tỏa tới từng ngõ ngách của cuộc sống. Với quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng, mà linh hồn là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đã được mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng cổ vũ, càng tăng thêm niềm tin và sức sống mãnh liệt vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của mục “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân bắt đầu mở màn từ khoảng cuối tháng 5 năm 1987 – với bút danh N.V.L – đã trở thành một liều thuốc thần kỳ trong báo chí nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Với tinh thần “Báo chí là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”, “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đã khơi dậy ngọn lửa rừng rực tính chiến đấu, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” đã phát triển rầm rộ chưa từng có trên khắp đất nước. Chủ trương chống tiêu cực đã diễn ra sôi nổi và được công khai trên báo chí đã thực sự tạo ra một diện mạo mới trong đời sống báo chí nước nhà. Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, Báo Quân đội nhân dân là một trong những tờ báo đã đi đầu giương cao ngọn cờ tuyên chiến với cái xấu, cái tiêu cực trong Đảng và trong xã hội. Điển hình như loạt bài điều tra “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” năm 1987 của phóng viên Trần Đình Bá được xã hội hết sức hoan nghênh. Uy tín của Báo Quân đội nhân dân từ hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” đã tạo ra vị thế mới trong đời sống xã hội. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực của Báo Quân đội nhân dân tuy gặp không ít gian nan nhưng với bản lĩnh chèo lái tuyệt vời của Tổng biên tập Trần Công Mân nên đã giành nhiều thắng lợi…

Xin trở lại bài báo của Báo Quân đội nhân dân được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ngợi khen. Trong bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng ngày 10-7-1987 trên Báo Nhân Dân, Tổng bí thư có viết: “Cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được”. Cùng với việc kiên quyết tham gia chống tiêu cực, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân đã quyết định xây dựng một kế hoạch tuyên truyền phát hiện và cổ vũ các nhân tố, điển hình tiên tiến theo đường lối đổi mới kinh tế của Đại hội VI đã đề ra là “cần tập trung thực hiện cho được 3 chương trình kinh tế lớn đó là: Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu…”.

Khuyến khích phát triển sản xuất trong nước là một chủ trương lớn, hết sức quan trọng của Đảng ta trong thời kỳ này.

Thực hiện chủ trương tuyên truyền của Tòa soạn, tôi đã đến Xí nghiệp 173 (Tổng cục Hậu cần) để tìm hiểu thực tiễn lao động sản xuất. Trong hơn hai năm qua, tôi đã nhiều lần đến cơ sở này và chứng kiến sự thăng trầm, những trăn trở của một đơn vị sản xuất quốc phòng đang đứng trước những thách thức cam go. Đến xí nghiệp lần này tôi đã gặp ngay tinh thần “tự cứu mình trước khi trời cứu” – cả tập thể lãnh đạo ở đây đã tìm kiếm một lối thoát bằng sự dũng cảm: Dám đương đầu chấp nhận cuộc cạnh tranh để duy trì, mở mang và phát triển sản xuất. Trước đây, xí nghiệp chỉ trông đợi vào chỉ tiêu thực hiện kế hoạch quốc phòng. Nay Đảng ủy xí nghiệp ra nghị quyết quyết định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đột phá khẩu bằng việc chấp nhận thách thức và quyết tâm nâng cao năng lực để xây dựng uy tín với khách hàng.

Với sự nỗ lực chưa từng có, tập thể những người thợ ở đây đã chứng minh được năng lực thật kỳ diệu của mình. Hôm đó, tại Nhà khách của xí nghiệp, tôi đã thức thâu đêm, vừa chứng kiến những người thợ làm ca trong ánh hàn chói lóa và vừa viết bài báo về những điều kỳ diệu này: “Xí nghiệp 173 (Tổng cục Hậu cần): “Chấp nhận cuộc cạnh tranh giành ưu thế về chất lượng, giá thành và thời gian”. Người biên tập bài báo đó là Đại tá Vương Sĩ Đình, Trưởng phòng biên tập Quân sự. Anh biên tập rất kỹ và gọi tôi trao đi đổi lại hai từ “cạnh tranh”. Thời bấy giờ không dám nói từ “cạnh tranh” – là những từ được coi là “phạm húy” của cái thời kinh tế bao cấp. Nhưng sau đó anh vẫn mạnh dạn giữ nguyên. Bài báo được trình lên Ban biên tập và đã được Tổng biên tập Trần Công Mân phê duyệt cho đăng trên số báo ra ngày 12-9-1989.

Ngay đầu giờ sáng ngày 12-9, đọc bài báo, lập tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết ngay thư gửi Ban biên tập báo Quân đội nhân dân hoan nghênh bài báo và kèm theo là “Gửi lời các đồng chí cho tôi khen ngợi đồng chí Giám đốc Nguyễn Thanh Hà và toàn thể công nhân trong xí nghiệp. Thân ái!”.

Từ Hà Nội đến Hải Phòng không xa nhưng trước đây đi lại rất khó khăn nên mãi gần 8 giờ tối ngày 12-9, đoàn Báo Quân đội nhân dân mới tới được Xí nghiệp để trao thư của Tổng Bí thư tới đồng chí Giám đốc Nguyễn Thanh Hà. Suốt đêm hôm ấy, cả Ban lãnh đạo Xí nghiệp đều bồn chồn, thao thức. Giám đốc Nguyễn Thanh Hà đã dốc hết tâm sức để hoàn thành lá thư khoảng 20 dòng để nhờ Báo Quân đội nhân dân chuyển tới Tổng bí thư lời hứa của xí nghiệp: “Để duy trì và phát triển, trong thời gian tới, Xí nghiệp 173 chúng tôi còn phải nỗ lực rất cao trong việc tiếp tục tổ chức lại sản xuất, đầu tư chiều sâu về trang thiết bị mới có thể đạt được hiệu quả cao hơn. Thay mặt cán bộ, công nhân viên xí nghiệp, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới đồng chí Tổng Bí thư”. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 14-9-1989, xí nghiệp đã tổ chức một cuộc mít tinh và trịnh trọng công bố đón Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với toàn thể cán bộ, công nhân viên trong xí nghiệp.

… Từ bấy đến nay, từ một xí nghiệp nhỏ bé, với những bước đi “khổng lồ”, Xí nghiệp 173 ngày ấy sau một thời gian nỗ lực không ngừng đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Và trong suốt những năm qua đơn vị đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ để trở thành một Tổng công ty đóng tàu hùng mạnh của Quân đội như ngày nay.

Nguồn: Ngọc Niên/congluan.vn

Tin nổi bật