Hậu trường tác nghiệp Olympic Rio 2016

Olympic 2016, diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 5/8 đến ngày 21/8, với sự góp mặt của hơn 10.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia, không chỉ là sự kiện thể thao lớn nhất trong năm mà còn là cơ hội tác nghiệp có một không hai cho giới truyền thông. Vì thế, dù TVH mới chỉ đi được một phần chặng đường, câu chuyện hậu trường tác nghiệp đã có không ít điều đáng nói. 

“Thiên thần” trở thành phóng viên

Một trong những thông tin “hot” nhất được giới truyền thông đăng tải ngay trước khi TVH 2016 khai cuộc là việc hai “thiên thần” lừng danh của hãng thời trang nội y Victoria’s Secret là Adriana Lima và Alessandra Ambrosio trở thành phóng viên đặc biệt của kênh NBC, Mỹ. Trong cương vị là phóng viên, hai siêu mẫu sẽ đảm nhiệm vai trò giới thiệu nền văn hóa và ẩm thực của đất nước Brazil. “Tôi rất tự hào được giới thiệu về các nền văn hóa và ẩm thực của đất nước Brazil, nơi tôi sinh ra. Người dân Brazil rất hâm mộ thể thao, chúng tôi rất phấn khích khi được đăng cai sự kiện thể thao lớn này”, Alessandra Ambrosio chia sẻ với tạp chí People. Công việc chính của hai “thiên thần” Victoria’s Secret  ngoài việc phỏng vấn các VĐV Mỹ còn được tham gia bình luận bên lề của các trận đấu bóng đá tại Olympic.

Không chỉ nổi tiếng trên sàn catwalk, hai thiên thần nội y nổi tiếng của hãng đồ lót Victoria’s Secret còn được nhắc đến là những cô gái rất yêu thích thể thao. Alessandra Ambrosio và Adriana Lima là một trong những nghệ sĩ Brazil nổi tiếng trên thế giới. Chính vì thế, mỗi khi đất nước họ có sự kiện gì, các người đẹp đều có mặt. Alessandra Ambrosio cũng là một trong những nhân vật nổi tiếng theo suốt quá trình vận động và tham gia World Cup 2014 vừa qua ở Brazil. Còn người đẹp Adriana Lima gần đây được nhắc đến nhiều khi đang song hành cùng ngôi sao tiền vệ tuyển Đức, Sami Khedira.

Một người đẹp khác cũng thu hút sự chú ý không kém là siêu mẫu người Paraguay Larissa Riquelme. Hiện Larissa Riquelme đang cộng tác cùng chương trình truyền hình Teleshow ở Paraguay và cô sẽ ký hợp đồng độc quyền với hãng Fox Sports có trụ sở ở Mexico. Nhiệm vụ của Larissa là dẫn tin tại hiện trường.

Kình ngư đối đầu trên đường đua xanh, báo chí “đại chiến”

Màn đối đầu giữa hai kình ngư Sun Yang và Mack Horton không chỉ là cuộc chiến trên đường đua xanh ở Olympic, mà còn tạo nên một cuộc đại chiến giữa người hâm mộ và truyền thông hai nước.

Tại nội dung 400 mét bơi tự do nam của Olympic Rio 2016, Mack Horton đã đem về chiếc Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Australia sau khi đánh bại kình ngư Sun Yang của Trung Quốc. Thành tích của Mack Horton là 3 phút 41 giây 55’’, hơn Sun Yang (3 phút 41 giây 68’’) đúng 0,13 giây. Chiến thắng này là sự đáp trả hoàn hảo của Horton dành cho Sun Yang bởi khi gặp nhau ở buổi tập trước đó, Sun Yang to tiếng khiêu khích Mack Horton, thậm chí còn té nước vào đồng nghiệp. Ở buổi họp báo sau khi đăng quang, Horton tiếp tục trả đòn Sun Yang với tuyên bố: “Tôi không có sự tôn trọng cho kẻ gian lận. Tôi sử dụng từ “kẻ gian lận bằng chất kích thích” vì cậu ta đã dương tính với doping”. 

Phát biểu của kình ngư Australia ám chỉ việc Sun Yang đã từng bị cấm thi đấu 3 tháng vì kết quả dương tính với doping hồi năm 2014. Tất nhiên, điều đó khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc cũng tham gia làn sóng này. Tờ báo này viết: “Dù lý do thực sự là gì, Horton cũng chẳng có gì để tự hào với những gì đã nói về Sun Yang. Trên thực tế, chúng tôi nghĩ Australia nên xấu hổ với những nhận xét của Horton”. Bài bình luận trên “Thời báo Hoàn Cầu”còn chỉ trích Australia là thiếu văn minh: “Australia được nhắc đến như một đất nước ở rìa của nền văn minh. Trong một số trường hợp, họ đề cập tới lịch sử sơ khai của đất nước như là một nhà tù của Vương quốc Anh. Thế nên, không nên ngạc nhiên bởi hành vi thiếu văn minh từ đất nước này”.
Phía Australia cũng không chịu thua trong cuộc chiến này. Một loạt trang báo uy tín của xứ sở Kangaroo số ra ngày 8/8 đưa vinh quang của Horton lên trang bìa và gọi thẳng Sun Yang là “kẻ gian lận”.

Tác nghiệp mất ống kính

Nạn trộm cắp, mất an ninh ở Brazil nói chung, Rio de Janeiro nói riêng đã trở thành “thương hiệu”- một trong 11 thành phố nổi tiếng toàn cầu về nạn trộm cắp. Để bảo đảm an toàn tối đa cho Olympic 2016, chính phủ Brazil đã điều động 38.000 binh sĩ cùng 47.000 nhân viên cảnh sát tới Rio de Janeiro. Tuy nhiên tình trạng an ninh của Rio là hết sức không an toàn, đặc biệt vào thời điểm này. Brett Costello- phóng viên ảnh của tờ News Corp (Úc) đã liên tục xuất hiện trên báo chí và truyền hình như ví dụ điển hình về nguy cơ bị mất cắp ở Rio De Janeiro.

Chuyện là trước lễ khai mạc Olympic Rio 2016 một ngày, Costello bị một băng nhóm móc túi chuyên nghiệp dàn cảnh đánh cắp mất túi xách chứa ống kính máy ảnh trị giá 40.000 USD chỉ trong 10 giây.

Điều kì diệu là chỉ 2 ngày sau, chính Costello lại là người bắt được kẻ đã đánh cắp ống kính của mình. Trong lúc xếp hàng vào sân Sambodromo để tác nghiệp môn bắn cung nam, Brett Costello chợt để ý thấy một người đàn ông khá giống với một thành viên trong nhóm những kẻ đã dàn cảnh đánh cắp máy ảnh. Điểm đặc biệt khiến phóng viên người Úc chú ý là vì gã đàn ông này mặc chiếc áo tác nghiệp chuyên biệt dành cho phóng viên ảnh của Olympic.

Tuy nhiên, trên mỗi chiếc áo đều có in mã số trùng với số thẻ tác nghiệp và khi phát hiện đó là số của mình, Castello biết rằng đó là một trong những kẻ đã dàn cảnh đánh cắp ống kính máy ảnh cùng chiếc áo. Ngay lập tức, Costello báo sự việc cho lực lượng an ninh của sân Sambodromo cũng như tình nguyện viên Olympic. Khi cảnh sát và cả báo chí ập đến, người đàn ông này lập tức cởi áo tác nghiệp và phân bua vài lời. Tuy nhiên, Costello đã giơ thẻ tác nghiệp để chứng minh cho mọi người thấy trùng số hiệu với số hiệu chiếc áo người đàn ông đang giữ. Đồng thời, phóng viên của Úc tiếp tục mở lại đoạn clip ghi vụ việc bị dàn xếp, trong đó có hình ảnh của người đàn ông mặc áo giả dạng phóng viên ảnh trên. Cảnh sát Brazil ngay lập tức bắt giữ kẻ cắp này để điều tra sự việc.

Nhân nói chuyện tác nghiệp của phóng viên ảnh. Tại Olympic Rio 2016 này, hãng thông tấn ảnh Getty Images đã chi tới 600.000 USD cho tổng số máy ảnh và ống kính mang đến TVH. Tính ra mỗi phóng viên ảnh sẽ mang trên người tài sản trị giá khoảng 42.000 USD nhằm mục tiêu “bắt” được những khoảnh khắc ấn tượng nhất tại Olympic Rio 2016.

4,3 tỷ USD bản quyền phát sóng

Nếu so sánh hầu hết các tiêu chí, Rio 2016 sẽ là kỳ thế vận hội “đắt tiền” nhất trong lịch sử 120 năm giải đấu này, cả về doanh thu từ bản quyền phát sóng, tiền tài trợ, giá trị các nhà tài trợ, tài sản của vận động viên và số tiền Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) kiếm được. Với khả năng tiếp cận 3,6 tỷ người xem toàn cầu, độ phủ sóng của giải đấu kéo dài 19 ngày này là rất lớn. Bản quyền phát sóng trên truyền hình đóng góp lớn nhất cho doanh thu Olympic năm nay. Và con số 4,1 tỷ USD mà IOC thu được cũng là cao nhất trong lịch sử.

NBC Universal – hãng truyền hình giữ bản quyền Rio 2016 tại Mỹ đã chi 1,23 tỷ USD cho sự kiện này, cao hơn nhiều Olympic Bắc Kinh 2008 (900 triệu USD). Đài  này cũng đã bán được 1 tỷ USD các suất quảng cáo từ hồi tháng 3.  2 năm trước, NBC đã nhanh chân ký hợp đồng 7,65 tỷ USD cho bản quyền phát sóng tại Mỹ 6 kỳ Olympic, từ 2022 đến 2032. BBC cũng chi gần 100 triệu bảng (hơn 130 triệu USD) cho Rio 2016, gần gấp đôi năm 2012. Đài Seven (Australia) cũng cho biết nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp nước này đang tăng lên chưa từng có và có thể phá kỷ lục doanh thu của Olympic Sydney 2000.

Nguồn: Nguyễn Hà (Tổng hợp)/congluan.vn

Tin nổi bật