Đưa tin khủng bố: Cái nhìn từ vụ Manchester

Vụ nổ bom ở Manchester làm 22 người thiệt mạng xảy ra vào đầu tuần trước là một trong những chủ đề nóng nhất trên các mặt báo nước Úc số ra ngày 24 và 25/5. Cái cách mà báo chí đưa tin về vụ việc một lần nữa lại là chủ đề tranh cãi trong dư luận. 

Hoa và bóng được đặt để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom ở Manchester tại quảng trường St Ann. Ảnh: Internet

Tờ Herald Sun đã dành 11 trang đầu hôm thứ 4 và 7 trang hôm thứ 5 tuần trước để viết về vụ việc này. Đến ngày thứ 6, tin tức này đã hoàn toàn biến mất trên tờ The Age, rút xuống chỉ còn một mẩu tin trên tờ The Australian và một box nhỏ ở phía dưới trang nhất của tờ Herald Sun.

Đã có rất nhiều lời chỉ trích giới truyền thông rằng các vụ tấn công ở châu Âu lại được đưa tin rộng rãi hơn là những tình cảnh tương tự diễn ra ở Trung Đông. Gần như các câu trả lời nhận được đều dựa trên tính “tương đồng” về mặt văn hoá.

Vậy việc thông tin vụ đánh bóm đẫm máu nhất nước Anh trong vòng 1 thập kỷ qua đã gần như biến mất trên các mặt báo phải chăng là một điềm báo rằng các vụ tấn công ở châu Âu giờ cũng đã trở thành thông tin bình thường? Hay đó chỉ đơn giản là trọng tâm lại được đặt vào các vấn đề khác?

Tại nước Anh, các thông tin vẫn liên tục được cập nhật. Hôm thứ 4, hình ảnh và các bài viết đều tập trung chủ yếu vào các nạn nhân của vụ việc. Hình ảnh cô bé Saffie Rose, nạn nhân nhỏ tuổi nhất liên tục xuất hiện trên hàng loạt các trang nhất các tờ báo lớn.

Hình ảnh của tờ The Sun là đặc biệt gây sốc khi đăng tải đồng loạt hình ảnh của Saffie với hung thủ vụ đánh bom, kèm theo tựa đề “Pure Evil” (một cách chơi chữ khá hay, khi hai từ vừa có thể đọc rời, vừa có thể đọc liền. Nhìn riêng rẽ, được đặt trên nền hai tấm hình, chúng dùng để mô tả rằng nạn nhân Saffie vẫn còn thuần khiết, còn kẻ đánh bom lại quá độc ác.Khi gộp lại, hai từ được dùng để lên án hành động “quá độc ác” của kẻ tấn công).

Xuyên suốt tuần qua, truyền thông cũng điểm tin về việc mức báo động tại Anh được nâng lên mức cao nhất, cuộc truy lùng các nghi can vẫn tiếp diễn, quân đội xuất hiện trên đường phố và công chúng vẫn tổ chức các buổi tưởng niệm.

Tới Chủ Nhật vừa rồi, đồng loạt các báo đều đăng tải những bức ảnh của “kẻ khủng bố” Salman Abedi, không phải là hình ảnh đời thường như trước đó mà là hình ảnh tại hiện trường.

Tất nhiên phản ứng về cách mà báo chí đưa tin khủng bố lần này cũng đã gây nên nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội. Việc tờ New York Times đăng tải hình ảnh vụ đánh bom ngay sau đó được cho là quá vô trách nhiệm khi công cuộc kiểm tra an ninh vẫn đang tiếp diễn, dẫn tới vết nứt trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Anh liên quan tới việc rò rỉ thông tin mật.

Không thiếu những lời khuyên đối với các nhà báo về việc đưa tin có trách nhiệm đã được đưa ra. Vào tháng 3 vừa qua, UNESCO đã cho ra mắt quyển sách dày 110 trang nói về việc đưa tin khủng bố. Ở trang 44 của quyển sách có viết 21 điều cần chú ý khi đưa tin về khủng bố. Chúng bao gồm:

  • rủi ro khi truyền hình trực tiếp
  • cẩn trọng việc rò rỉ nguồn tin và các thông tin chưa kiểm chứng
  • tránh để cảm xúc chi phối
  • giữ được sự cân bằng
  • không tôn sùng những kẻ khủng bố
  • tôn trọng những người đã mất
  • cẩn trọng trong lời văn.

Các nhà báo Pháp có lẽ là những người có nhiều trải nghiệm nhất trong việc đưa tin về các vụ khủng bố, xuất phát từ việc nước này phải gánh chịu rất nhiều vụ việc trong vòng những năm gần đây.

Biên tập của tờ Le Monde, Jerome Fenoglio đã nói về vụ việc tại siêu thị HyperCacher năm 2015, khi anh đăng tải hình ảnh của tên khủng bố Amedy Coulibaly ngồi cạnh khẩu súng máy của mình khi giải thích về vụ việc mà hắn sắp sửa làm.

Anh nói rằng trong vụ việc tại Nice vào tháng 7 năm ngoái, anh đã lại quyết định đăng tải những video và hình ảnh của tên khủng bố giải thích về hành động của mình. Anh tin rằng mục đích của những tên khủng bố này là để mọi người tiếp tục nói về chúng ngay cả sau khi chết. Anh nói: “Cái chết của chúng mang thêm sức nặng cho các tư liệu mà chúng đã chuẩn bị trước và phát tán khắp nơi. Tôi không muốn đăng tải lại những tư liệu này vì điều này cũng đồng nghĩa rằng chúng ta rơi váo kế hoạch của những kẻ khủng bố”.

Fenoglio nhấn mạnh rằng anh không ủng hộ việc “ỉm” đi thông tin, nhưng đây là “một lựa chọn biên tập”. Anh quyết định không tôn vinh những kẻ khủng bố bằng việc đăng tải hình ảnh của chúng, trừ khi chúng còn sống và đang bị truy lùng.

Sau vị tấn công ở HyperCacher, kênh truyền hình BFM Television cũng bị Cục Thông tin truyền thông của Pháp phạt nặng, bị các nạn nhân kiện vì việc kênh truyền hình này đã vô tình đặt những con tin vào nguy hiểm khi đưa tin trực tiếp rằng các nạn nhân đang trốn trong tầng hầm. Các kênh truyền hình cũng bị cáo buộc “làm ảnh hưởng tới tiến trình làm việc của các lực lượng an ninh”.

Tại kênh truyền hình France Televisions, Giám đốc ban thời sự Alexandre Kara nhấn mạnh việc họ vẫn luôn liên tục cập nhật thông tin hướng dẫn đưa tin từ những kinh nghiệm trong qua skhuws.

Kênh truyền hình này cũng đã từ chối đăng tải các đoạn video tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và chỉ sử dụng những hình ảnh chung chung của những kẻ khủng bố, như hình ảnh trên hộ chiếu thay vì những hình ảnh có phần gây sốc khác. Anh nói rằng quyết định này được đưa ra sau vụ việc tại Bataclan.

“Có rất nhiều tranh luận tại Pháp về việc liệu chúng ta có nên đăng tải hình ảnh hoặc công bố danh tính nghi phạm khủng bố hay không. Chúng tôi đã quyết định tiếp tục làm viẹc này. Một trong những lý do chính là việc những kẻ khủng bố này là tội phạm, và không có lý gì chúng ta lại không đăng tải hình ảnh của chúng cả. Thứ hai, tôi nghĩ việc không công bố danh tính của chúng sẽ khiến nhiều người thêm hoài nghi về việc truyền thông che giấu thông tin”.

Tuy nhiên, giống với Fenoglio, Kara cũng tin rằng có sự khác biệt về việc minh bạch thông tin và rủi ro tung hô chúng như người hùng.

Biên tập viên của tờ Liberation, Laurent Joffrin cũng nói rằng hiện có một sự hợp tác nhất định giữa cảnh sát và truyền thông. Mục đích chính là không để lộ ra quá nhiều thông tin của cuộc điều tra và tập trung chủ yếu vào các nạn nhân.

Dù nước Anh đã hạ mức cảnh báo xuống, thế nhưng không một ai hoài nghi việc những kẻ khủng bố sẽ không tiếp tục. Cách mà báo chí đưa tin về các vụ khủng bố cũng sẽ bị theo dõi sát sao, khi mà “trái đắng” lần này sẽ buộc họ phải thay đổi.

Theo Hoàng Việt (Theo TC)/congluan.vn

Tin nổi bật