Đào tạo báo chí tại Australia

Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu về đào tạo Báo chí truyền thông năm 2016 của QS năm 2016 có đến 6 trường đại học của Australia (Úc) lọt vào danh sách TOP 50 trường hàng đầu trên toàn thế giới.

Đại học Queensland, Australia. Ảnh: TL

Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu về đào tạo Báo chí truyền thông năm 2016 của QS năm 2016 có đến 6 trường đại học của Úc lọt vào danh sách TOP 50 trường  hàng đầu trên toàn thế giới: Đại học Công nghệ Queensland (21), Đại học Melbourne (22), Đại học Queensland (25), Đại học Monash (33), Đại học New South Wales (40) và Đại học Sydney (42).

Hầu hết các trường đại học ở Úc đều đào tạo chuyên ngành Báo chí truyền thông. Tuỳ theo qui mô và thế mạnh của từng trường, các khoá học về Báo chí truyền thông được trải dài từ bậc cao đẳng (diploma) cho đến sau tiến sĩ. Các khoá học về báo chí truyền thông tại Úc thường được cân bằng giữa lý luận và thực tiễn. Sinh viên được cung cấp những kiến thức nền tảng về báo chí truyền thông cũng như áp dụng kiến thức thực tế từ các môn học của mình, từ đó sinh viên có thể lựa chọn những chuyên ngành phù hợp và đúng với khả năng của mình.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến mô hình đào tạo Báo chí truyền thông tại Úc theo cấp bậc.

1. Hệ thống các chương trình đào tạo báo chí ở bậc cao đẳng và đại học

Chương trình đại học ngành Báo chí truyền thông tại Úc được đào tạo theo chế độ tín chỉ và kéo dài trong vòng 3 năm học toàn thời gian. Sinh viên có thể đăng ký học bán thời gian, nhưng thời gian có thể kéo dài hơn, có thể từ 3 đến 6 năm cho đến khi đạt đủ số tín chỉ qui định. Ngành báo chí truyền thông được xem là một ngành được nhiều học sinh yêu thích vì thế điểm chuẩn đầu vào ngành báo chí truyền thông ở mức độ rất cao. Ví dụ, để đăng ký vào học ngành kép Truyền thông và Luật của Đại học Công nghệ Sydney, yêu cầu đầu vào tối thiểu điểm ATAR của sinh viên phải là 97.00[1]. Đối với bậc cao đẳng, sinh viên có thể chọn học ở các trường đại học hoặc các trường dạy nghề như trường TAFE để đạt đủ số tín chỉ qui định. Sau đó, có thể sử dụng số tín chỉ đó để học tiếp lên bậc đại học.

Rất nhiều trường đại học tại Úc đã cung cấp chương trình đào tạo kép. Sau khi học chương trình đào tạo Báo chí truyền thông, sinh viên có thể dành thêm 1 năm nữa để học một chuyên ngành khác, thông qua việc đạt đủ số tín chỉ yêu cầu. Hiện tại ở trường đại học Công nghệ Sydney và Đại học Sydney đều đang cung cấp chương trình đào tạo kép Báo chí truyền thông và Luật hoặc Quan hệ quốc tế. Tại trường Đại học Monash thì ngành Báo chí truyền thông được dạy song song để cấp bằng kép cùng ngành Kinh doanh và thương mại. Các chương trình này thu hút được khá nhiều sinh viên theo học và điểm đầu vào của các chương trình này cũng rất cao.

Chương trình đại học báo chí truyền thông ở Úc thường kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Ngoài các môn học về kiến thức nền cơ bản, các môn học về kỹ thuật và công nghệ sử dụng trong báo chí được cập nhật theo từng học kỳ. Ví dụ, tại Đại học Công nghệ Sydney, các môn học mới như môn học về Báo chí rô-bốt hoặc Báo chí điện tử tương lai đang được nghiên cứu và đưa vào giảng dạy ở các bậc đại học và cao học. Tính ứng dụng thực tiễn còn được thể hiện qua các trang thiết bị được sử dụng trong các môn học. Các môn học có sử dụng trang thiết bị kỹ thuật đều được các trường trang bị đầy đủ. Cụ thể, đối với môn truyền hình, sinh viên tại đại học Công nghệ Sydney được đăng ký mượn máy quay trong vòng 3 ngày để thực hiện các bài tập của mình. Đối với các phòng máy, studio truyền hình thì được mở cửa rộng rãi để sinh viên vào thực hành.

Các sinh viên báo chí trong giờ thực hành ở phòng tin tức. Ảnh: TL

2. Hệ thống các chương trình đào tạo sau đại học

Các cơ sở đào tạo quốc tế thường có hai hệ thống chương trình đào tạo ở bậc thạc sĩ và ba hệ thống chương trình đào tạo ở bậc tiến sĩ.

2.1. Thạc sỹ theo hình thức tín chỉ (Master by coursework): Học viên đăng ký theo học các môn chuyên ngành, có một số môn có nội dung giống như ở bậc đại học. Kết thúc môn học thường có các bài thi, kết hợp các bài tiểu luận. Các môn học gần cuối chương trình thường yêu cầu học viên thực hiện một dự án lớn hoặc viết bài luận dài.

Học viên tích luỹ được khoảng 60% số tín chỉ được nhận Chứng chỉ sau đại học (Graduate Diploma). Có thể hiểu chứng chỉ sau đại học là bằng cấp cao hơn bằng đại học và thấp hơn bằng thạc sĩ. Để lấy bằng thạc sĩ, học viên có thể đăng ký học các tín chỉ yêu cầu làm dự án lớn hoặc nghiên cứu trong khoảng thời gian 3 đến 6 tháng. 

2.2. Thạc sĩ nghiên cứu (Master by research): Nghiên cứu sinh thạc sĩ đăng ký một đề tài nghiên cứu và sẽ làm luận văn trong một năm rưỡi đến hai năm. Sau khi hoàn thành khoá học thạc sĩ nghiên cứu, người học có thể tiếp tục học lên bậc tiến sĩ và phải triển khai đề tài đã nghiên cứu ở bậc thạc sĩ thêm một năm rưỡi đến hai năm nữa.

Yêu cầu đầu ra chính là điểm khác biệt lớn nhất của các chương trình nghiên cứu bậc tiến sĩ. Để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải trình bày kết quả nghiên cứu theo các dạng thức khác nhau như luận văn, sản phẩm hoặc xuất bản các bài báo khoa học. Dựa vào sự khác biệt trong yêu cầu đầu ra, có thể phân ra ba hình thức nghiên cứu ở bậc học tiến sĩ như sau:   

2.3. Tiến sĩ nghiên cứu (Traditional PhD): Thông thường, các cơ sở đào  yêu cầu nghiên cứu sinh nộp một quyển luận án với đầy đủ các trương mục như tổng quan tình hình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, kiến nghị và những đóng góp của nghiên cứu vào kho tàng tri thức, danh mục tài liệu tham khảo. Tổng độ dài của luận án thường khoảng 100 nghìn từ, phục vụ cho nhóm những người nghiên cứu khoa học. Đây là cách làm tiến sĩ theo truyền thống, sản phẩm của quá trình nghiên cứu sẽ phục vụ cho những nghiên cứu hàn lâm khác.

2.4. Tiến sĩ nghiên cứu thực hành (Professional Doctorate Research): Trong những ngành học thuộc nhóm sáng tạo như khảo cổ, mỹ thuật, điện ảnh, thời trang, văn học, báo chí... nghiên cứu sinh có thể nộp sản phẩm tốt nghiệp kèm theo thuyết minh. Sản phẩm nghiên cứu sẽ phải được áp dụng vào thực tiễn của ngành và phải được trình bày bằng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng công chúng đa dạng, bao gồm cả công chúng hàn lâm và công chúng đại trà.

Ví dụ, Đại học Monash của Úc cho phép nghiên cứu sinh ngành báo chí nộp sản phẩm đầu ra gồm có hai phần.

- Phần thứ nhất là quyển thuyết minh: (Exegisis) có độ dài 25-35 nghìn từ, gồm 5 chương là giới thiệu, tổng quan tài liệu, phương pháp luận, đánh giá và tổng kết.

- Phần thứ hai là tác phẩm báo chí: Dựa trên cơ sở lý thuyết đã trình bày trong quyển thuyết minh, nghiên cứu sinh sáng tạo ra tác phẩm dưới một trong những hình thức như: một cuốn sách khoảng 80 nghìn từ; phim tài liệu có độ dài 90 phút, chuỗi phóng sự phát thanh hoặc truyền hình; một trang web đa phương tiện; hoặc một cuộc triển lãm, trưng bày ảnh và các hiện vật về chủ đề nghiên cứu.

2.5. Tiến sĩ xuất bản nghiên cứu (PhD by Publication): Có một số trường không yêu cầu nghiên cứu sinh viết luận án, cũng không yêu cầu nghiên cứu sinh đưa sản phẩm ra thị trường nhưng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế hoặc có sách xuất bản ở thị trường quốc tế trong vòng 4-5 năm làm nghiên cứu. Số lượng bài báo tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa nghiên cứu sinh, giáo sư hướng dẫn và cơ sở đào tạo, có thể từ 3 đến 6 bài hay thậm chí có những trường ở Thuỵ Điển yêu cầu nghiên cứu sinh có 10 bài báo khoa học. Hoặc như chương trình đào tạo tiến sĩ Y tế công cộng của Đại học Monash yêu cầu nghiên cứu sinh phải có 6 bài báo khoa học mới đủ điều kiện hoàn thành chương trình đào tạo 4 năm.

Tuy nhiên, số lượng bài báo được xuất bản không phải là yếu tố quyết định việc nghiên cứu sinh có được nhận bằng tiến sĩ hay không. Để chứng minh yếu tố chất lượng phải được đánh giá cao hơn số lượng nghiên cứu, giới khoa học thường lấy ví dụ nhà bác học Anhxtanh (Einstein), người chỉ công bố bốn bài báo nhưng cả bốn lần đều khiến nhân loại phải thay đổi nhận thức. Tuy những bài báo đã được bình duyệt trước khi xuất bản, nghiên cứu sinh vẫn phải trải qua vòng nhận xét đánh giá cuối cùng của ban giám khảo. Nếu ban giám khảo không đồng ý với quan điểm của nghiên cứu sinh thì những bài báo đã được xuất bản cũng không được tính vào công trình nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ.

Hiện nay tại Úc có trường đại học Griffith đang có chương trình đào tạo tiến sĩ theo hình thức xuất bản. Điểm đặc biệt là Đại học Griffith yêu cầu đầu vào nghiên cứu sinh phải nộp các công trình đã được công bố quốc tế, bao gồm sách, các bài báo khoa học. Do yêu cầu đầu vào cao, chương trình này thường chỉ dành cho một số ít những nhà báo có uy tín và đã có kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu. Sau khi được nhận vào học, nghiên cứu sinh tổng kết những đóng góp mới của các công trình họ đã công bố trước đó để làm nền tảng xây dựng khung lý thuyết và tri thức mới. Sau một năm, nghiên cứu sinh đã có thể bảo vệ và nếu thành công sẽ được nhận bằng tiến sĩ.

3. Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ (Post-Doc): Sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu tiến sĩ, có thể một số kết quả nghiên cứu cho thấy có một số hướng nghiên cứu mới phát sinh. Theo đó, nghiên cứu sinh đã nhận bằng tiến sĩ vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu theo hướng mới ở bậc Hậu Tiến sĩ - PostDoc, dài từ 6 tháng đến 2 năm. Lúc này nghiên cứu sinh thường được coi là một cán bộ của cơ sở đào tạo, được hưởng lương hoặc trợ cấp và có nghĩa vụ thực hiện những nhiệm vụ như nghiên cứu hoặc giảng dạy tại cơ sở đào tạo. Kết thúc chương trình PostDoc, nghiên cứu sinh nộp các sản phẩm nghiên cứu bao gồm các báo cáo, bài báo và bản thảo sách để xuất bản. Sau giai đoạn PostDoc, người nghiên cứu được trang bị đầy đủ các kỹ năng nghiên cứu và giảng dạy, có khả năng tư đứng ra hướng dẫn nhóm nghiên cứu khác và có khả năng làm việc lâu dài trong lĩnh vực hàn lâm.  

Như vậy có thể thấy đào tạo sau đại học có thể theo các dạng thức rất đa dạng, từ theo học trên lớp đến thực hành hoặc nghiên cứu hàn lâm. Các cơ sở đào tạo nên tìm hiểu các dạng thức đào tạo này để linh hoạt trong việc cung cấp các chương trình đào tạo sau đại học phù hợp với nhu cầu của người học và đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và dần tiếp cận với tiêu chuẩn đào tạo của các nước trên thế giới. 

 

[1] Điểm ATAR là điểm thi tốt nghiệp trung học cơ sở của học sinh trên toàn nước Úc. Để đạt được 97 điểm ATAR, có nghĩa là học sinh đó phải nằm trong top 3% học sinh điểm cao nhất trong kỳ thi phổ thông trung học tại Úc.

Nguồn: Mạch Lê Thu – Vũ Tuấn Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)/

nguoilambao.vn

Tin nổi bật