Cảnh sát hình sự Huyện Đông Anh hành hung phóng viên: Cứ thế này, còn báo chí gì nữa….

Quá khó để tìm lý do biện hộ cho trận đòn giáng vào phóng viên như kẻ thù trên cầu Nhật Tân của cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh. Nỗi đau không chỉ còn của phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ), mà là của chung làng báo Việt. Có điều gì đó không ổn đối với lực lượng bảo vệ pháp luật? Họ sợ sự thật hay đơn thuần chỉ muốn ra tay thị uy với báo chí?

Cú đấm” đau thương vào những người làm báo

Lời xin lỗi đã được đưa ra từ phía công an huyện Đông Anh. Một lời xin lỗi kịp thời, nhưng lại không nhận được sự cảm thông của dư luận. Không cần bàn thêm về tính tiết vụ việc đó nữa, bởi lẽ trong mấy ngày vừa qua, tất cả mọi thứ đã phơi bày. Không thể nào trong hàng ngũ lực lượng công an nhân dân lại có những cán bộ như thế. Họa chăng, đó chỉ là sự lọt lưới hy hữu một con người thiếu nhân cách và phẩm chất đạo đức vào bộ máy bảo vệ pháp luật.

Lại nhớ ngày hai phóng viên VOV bị nện tơi tả cho dù phía công an lúc đó cũng biết đó là phóng viên đi tác nghiệp. Lúc ấy, làng báo không nóng rẫy như bây giờ vì phải chăng còn nhiều lý do tế nhị. Và cho tới thời điểm này, vụ việc đó vẫn còn là khoảng lặng với nhiều dấu hỏi mà ngay cả người trong cuộc cũng không buồn lên tiếng. Bởi lẽ, họ nhận được sự lừng khừng bên phía công an trong việc gấp rút xử lý cán bộ của mình. Không phải là sự bao che sự thật mà có điều gì đó gờn gợn tựa như né tránh, ngại làm nghiêm với đồng chí, đồng đội của mình. Và bây giờ, giữa thanh thiên bạch nhật, phóng viên lại phải nếm đòn đau trên cầu Nhật Tân.

Tôi vẫn cứ ước tác giả của những hành động côn đồ trên cầu Nhật Tân không phải là công an. Vẫn từng nghĩ rằng, sau vụ hai phóng viên VOV bị đánh, báo chí sẽ được các cơ quan bảo vệ luật pháp coi trọng hơn và đó là vụ việc cuối cùng báo chí nếm trải nỗi đau từ công an. Nhưng đó chỉ là mong ước của những người làm báo.

Công an đánh phóng viên hòa cả làng, nữ sinh tát công an 9 tháng tù giam

 Vụ việc nghiêm trọng trên cầu Nhật Tân hẳn nhiên không thể chỉ là một xô xát theo như giải thích của Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh. Đó là hành vi coi thường pháp luật, quyết đánh kỳ được dù biết đó phóng viên đang tác nghiệp hiện trường để phản ánh sự thật. Báo chí cần sự thật nhưng đổi lại ở hai vụ việc trên là những trận đòn kiểu giang hồ khẳng định vị thế của mình.

Lúc này, dư luận đòi hỏi một quyết định xử lý kỷ luật nghiêm khắc với hành động côn đồ, trái pháp luật, trái đạo đức của vị công an đánh nhà báo trên cầu Nhật Tân. Nhưng với những người làm báo thì chỉ mong đây là vụ việc cuối cùng. Còn cứ thế này, thì báo chí gì nữa.

Cán cân công lý nghiêng về đâu?

Chúng ta vẫn chưa thể quên bản án 9 tháng tù cho thiếu nữ học lớp 12 trót tát cảnh sát giao thông một cái. Một bản án không chỉ khiến thiếu nữ này ngất xỉu, mà còn khiến những người có lương tâm đạo đức bàng hoàng không hiểu điều gì đang xảy ra. Tương lai của một thiếu nữ sắp bước vào ngưỡng cửa đại học bị đóng sập, nhưng đó là luật pháp và tất thảy chúng ta phải tôn trọng cho dù có tiếc thương.

Chúng ta vẫn không thể quên hình ảnh hai phóng viên VOV bị đánh, hình ảnh lan truyền trên mạng với mức độ nguy hiểm gấp nhiều lần so với cái tát của nữ sinh kia. Nhưng đã không có một bản án được tuyên, có lẽ do những người vi phạm pháp luật kia được khoác lên mình sắc phục công an.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (VOV) tâm sự thế này: Ngày bọn mình bị hành hung, bắt giữ, tra hỏi ở Văn Giang (24/4/2012), ngay từ lúc còn ngồi trong phòng làm việc của công an, mình đã viết yêu cầu: Ai có lỗi phải bị xử lý, phải xin lỗi, bồi thường danh dự, sức khỏe cho chúng tôi, những người bị hại. Cuối buổi chiều hôm đó, sau mấy giờ lấy lời khai, hai sĩ quan công an (một trưởng phòng, một đội trưởng) được ủy quyền đã xin lỗi bọn mình ngay tại nơi tạm giữ. Mình nói: “Chúng tôi ghi nhận lời xin lỗi này, nhưng đề nghị các anh báo cáo với cấp trên, đến cơ quan tôi gặp lãnh đạo của tôi làm rõ sự việc và phải xử lý người vi phạm, phải xin lỗi, bồi thường cho chúng tôi”. Suốt 11 tháng tiếp theo, qua 8 lần làm việc, phía công an Hưng Yên mới tổ chức xin lỗi, bồi thường cho bọn mình và công bố kỷ luật những cán bộ sai phạm.

Theo nhà báo Ngọc Năm đó là một hành trình dài và nhiều đau thương. Có nhiều người khuyên anh và đồng nghiệp bỏ cuộc, nhưng họ chấp nhận thiệt thòi trong con đường sự nghiệp để đòi công bằng, danh dự cho cá nhân và sự an toan toàn cho những người làm báo đứng đắn.

Vụ việc rõ như ban ngày nhưng công an Hưng Yên phải mất tới 11 tháng với nhiều buổi làm việc để có thể kết luận và xử lý kỷ luật cán bộ của mình. Lần này vụ việc trên cầu Nhật Tân liệu có rơi vào tình trạng như vậy? Cứ chiếu theo mức án 9 tháng tù của nữ sinh chỉ vì cái tát thì dư luận có quyền hoài nghi và đặt câu hỏi: “Cán cân công lý nghiêng về đâu?”.

Cứ mỗi lần phóng viên bị hành hung trong quá trình tác nghiệp đưa sự thật tới công luận là một lần nền báo chí Việt Nam đón nhận sự kiện đau thương.

Đau vì vẫn cứ phải đón nhận những tin như thế!.

Nguồn: Hồng Quang/congluan.vn

Tin nổi bật