Bảy tác phẩm đoạt giải báo chí về phòng chống tác hại của rượu, bia

Ngày 8/1, Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức Health Bridge (Canada) tại Việt Nam đã trao tặng giải thưởng báo chí về đề tài phòng chống tác hại của rượu, bia cho bảy nhóm tác giả và cá nhân.

Nhóm tác phẩm đoạt giải A là loạt bài “Nạn rượu, bia tàn phá giống nòi Việt” của nhóm phóng viên điều tra, Báo Lao động.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải A của Giải báo chí Phòng chống tác hại của rượu, bia

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao hai giải B, hai giải C, hai giải khuyến khích cho các tác phẩm báo in và báo điện tử.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới trong thập kỷ qua hầu như không thay đổi. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người (trên 15 tuổi) quy đổi theo cồn nguyên chất tại Việt Nam tăng lên 6,6 lít giai đoạn 2008-2010, cao hơn mức trung bình của thế giới (6,2 lít) .

Bên cạnh đó, rượu, bia cũng tạo nên gánh nặng bệnh tật do sử dụng đồ uống có cồn.

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, năm 2012, cả nước ghi nhận 520 nghìn trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Tử vong do bệnh tim mạch đứng hàng đầu với 33%, tiếp theo là ung thư 18%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7% và đái tháo đường là 3%. Sử dụng đồ uống có cồn là một trong bốn yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh không lây nhiễm.

Đồ uống có cồn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới tuổi từ 15-49 tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan liên quan đến đồ uống có cồn ở nam giới từ 50 - 69 tuổi gần 10% – cao gấp trên 3 lần trung bình toàn cầu.

Ngoài bệnh tật, còn xuất hiện nhiều vấn đề xã hội liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn. Bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội đang được lên án mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Nhiều vụ việc đáng tiếc xuất phát từ việc sử dụng đồ uống có cồn. Đồ uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại khoảng trống trong kiểm soát rượu, bia và đồ uống có cồn ở Việt Nam. Thí dụ như, khoảng trống pháp luật về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; thiếu quy định liên quan đến việc trưng bày rượu, bia và in cảnh báo sức khỏe trên nhãn sản phẩm rượu, bia; thiếu các quy định về bảo đảm tài chính cho phòng, chống tác hại của rượu, bia. Kinh phí chi cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng còn rất thấp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào nhằm bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động này. Do đó, cần xã hội hóa và huy động đóng góp của doanh nghiệp, người tiêu dùng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội.

Nguồn: Ngân Anh - Nhân dân điện tử

Tin nổi bật