Báo giới quốc tế nói gì về cuộc không kích Syria?

 Đồng loạt các tờ báo ở hai bờ Đại Tây Dương đều đã biểu lộ sự lo lắng và cẩn trọng với những hành động quân sự mới nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào chính phủ Syria, một hành động được xem như đáp trả lại vụ tấn công khi gas xảy ra trước đó vài ngày.

Các tờ báo nổi tiếng của thế giới đăng tải các bài viết nhận đình về cuộc không kích Syria của Tổng thống Trump. Ảnh: Internet

Hành động đúng nhưng sai người. Đó là phản ứng của hầu hết các tờ báo tại Anh về hành động không kích Syria của ông Trump. Các biên tập viên đã không thể cùng chung quan điểm với các chính trị gia của đất nước trong việc đồng tình với hành động trả đũa cho cuộc tấn công hoá học được gắn với ông Assad.

Dù những lời khen ngợi là có, nhưng đa số chúng vẫn mang một chút hiềm khích, khi mà những nhà báo vẫn chưa sẵn sàng ủng hộ 100% người mà họ đã dành nhiều tháng giễu cợt.

Họ hoài nghi động cơ của ông, họ chỉ ra hành động thiếu kế hoạch, họ bày tỏ sự sợ hãi của mình với tương lai. Những biên tập viên người Anh không phải là duy nhất. Ngay tại sân nhà của ông Trump, tờ New York Times và tờ Washington Post cũng đã đăng tải những lo ngại tương tự.

Có một cách viết rất quen thuộc trong hầu hết những bài báo, những bình luận xung quanh việc này: “ông làm rất tốt, Donald, nhưng…” Chính những từ “nhưng” đó đã biểu lộ lên sự hoài nghi, thiếu tin tưởng của báo giới với vị Tổng thống Mỹ.

“Một lập trường đúng đắn nhưng đầy rủi ro”, tờ Daily Mail nhận định. Họ nhận định rằng vụ không kích của ông Trump “đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng thế giới sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc chiến hoá học nào”, nhưng lại gọi ông Trump “là một kẻ ‘tay mơ’ chưa được thử thách, và những đánh giá của ông ẩn chứa nhiều hoài nghi”.

Jonathan Freedland của tờ Guardian khẳng định rằng ông Trump “đã làm điều đúng đắn với chính quyền của ông Assad, nhưng sẽ là điên rồ nếu chúng ta tin vào ông ấy”, bổ sung thêm rằng:”Đôi khi sự đúng đắn có thể được thực hiện bởi một người không thích hợp”.

“Lần đầu ông Trump làm được một điều đúng đắn”, tờ Daily Mirror nhận định, nhưng “có thể vì một lý do sai lầm nào khác”.

Cựu đại sứ Anh tại Mỹ, ngài Christopher Meyer đã viết trên tờ Daily Mail hôm Chủ Nhật vừa rồi rằng vụ không kích của Mỹ nhằm vào chính quyền Assad là “điều đúng đắn… Thế nhưng liêu ông Trump có làm điều đúng đắn vì một động cơ sai lệch?”

Ông Trump bỗng “trông thật quyết đoán và cứng rắn”, tờ Sunday Telegraph nhận định. “Nhưng một khi ông chọn tham gia vào cuộc chiến tại Syria, ông cũng tự mình cam kết sẽ thiết lập nên một quan điểm chặt chẽ và cứng rắn đối với Assad, và đây là một thử thách đầy rủi ro”.

Tờ New York Times thì nhận định rằng: “Không khó để cảm thấy một chút hài lòng khi công lý được thực thi… Nhưng cũng không dễ để an tâm khi có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh quyết định này”.

Liệu hành động đó có hợp pháp? “Đó là một câu trả lời chớp nhoáng, bốc đồng hay thuộc một kế hoạch lớn hơn?” Tờ Times cho rằng “không có bằng chứng nào về việc ông Trump đã nghĩ về tương lai khi áp dụng các biện pháp quân sự”.

Một số tờ báo khác lại hoàn toàn ủng hộ hành động này của ông Trump. Không hề có những từ “nhưng” xuất hiện trên tờ Sun, Daily Express hay Daily Telegraph. Tất cả đều coi hành động này của ông Trump là hợp lý, là sự “bảo vệ cho quyền con người”.

Tất cả đều tận dụng cơ hội để lại bung ra những “con dao” hướng tới vị tiền nhiệm của ông. Tổng thống Obama “đã đặt ra những ranh giới tại Syria để rồi trốn chạy khi nó bị vi phạm” (tờ Telegraph); ông Obama đã “xấu hổ quay mặt đi” (tờ Sun); “những lời nói cao cả của ông Obama hiếm khi được đồng hành cùng các hành động quyết đoán” (tờ Daily Mail).

Những tờ báo chính của Úc, những người ủng hộ quan điểm của chính phủ họ cũng có những nhận định tương tự. “Thật may”, tờ Australian đăng tải, ông Trump “không thiếu quyết đoán như ông Obama”, trong khi tờ Age in Melbourne khẳng định cuộc không kích là một hành động hợp lý, hợp pháp và được tính toán cẩn thận trước “hàng loạt tội ác chống lại nhân loại của ông Assad”.

Trở lại nước Anh, tờ Times khẳng định ông Trump không chỉ cho Assad một cú đấm trời giáng, mà còn là một thông điệp tới các nước khác rằng: “Thời kỳ của Obama đã chính thức chấm dứt tại đây”.

Tờ Sunday Times cũng chia sẻ ý kiến này với thông điệp gần như tương tự: “Nga sẽ hiểu rằng thời đại của Obama đã chính thức kết thúc”, và kết thúc với một lời khen: “Trong cuộc khủng hoảng đầu tiên với vai trò Tổng thống Mỹ, ông ấy đã cư xử rất ‘tổng thống’. Cho tới giờ phút này, những hành động của ông Trump nói lên nhiều hơn những dòng tweet của ông”.

Tờ Financial Times cũng nhận định rằng ông Trump đã gửi một thông điệp mạnh mẽ ra thế giới, nhưng cẩn trọng thêm vào rằng: “Câu hỏi hiện nay là liệu Washington có thể truyền tải được hành động này thành một chính sách hay không”.

Tờ Washington Post thì lạc quan hơn. Hành động của ông Trump “là rất hợp tình hợp lý và cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích”. Ông Assad sẽ không còn tuỳ tiện sử dụng vũ khí hoá học lên người dân trong khi Nga và Iran có thể xem xét lại lập trường ủng hộ “kẻ độc tài của Damascus”.

Tờ Post còn nhìn thấy một tương lai sáng hơn khi ông Trump “thực sự có thể là câu trả lời cho những vấn đề đang bỏ ngỏ tại Trung Đông và nhiều nơi, khi mà cựu Tổng thống Obama đã không thể quyết đoán trong vấn đề này”.

Có một số người đã lên tiếng chống lại cuộc tấn công. Hai trong số đó đã được đăng tải trên tờ Daily Mail. Peter Oborne nhận định cuộc tấn công này chỉ đơn thuần là một cuộc “trả thù”. Không ai biết được sự thật về người đứng sau cuộc tấn công hoá học, và hành động hợp lý nhất với Thủ tướng Anh sẽ là “chờ đợi cho tới khi tình báo Anh thu thập đủ thông tin về vụ việc trên”.

John R Bradley coi cuộc tấn công là một “màn trình diễn nhằm thao túng truyền thông, một màn kịch được dàn dựng nhằm tăng độ tin cậy vào vị Tổng thống Mỹ này ở quê nhà”.

Thêm vào đó” với màn trình diễn trị giá 5 tỷ USD này, ông sẽ không còn phải lo ngại về những lời cáo buộc liên quan tới Nga”.

Janet Daley cũng bày tỏ sự bất ngờ của mình trên tờ Sunday Telegraph khi bà nhận đình rằng “hành động của ông Trump là không thể chỉ trích. Nhưng nó không loại bỏ đi những câu hỏi rằng vì sao thái độ của ông với Syria có thể thay đổi 180 độ so với những gì ông đã liên tục nhắc tới và duy trì từ năm 2012 cho tới tuần trước?”

Điều thú vị ở báo chí Anh là các tờ báo của cánh tả và cánh hữu đều chia sẻ cái nhìn tương tự.

Dù vậy lãnh đạo đảng Lao động ở Anh, Jeremy Corbyn vẫn lên tiếng phản đối “hành động quân sự một chiều không có sự cho phép hợp pháp” và kêu gọi các bên tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán hoà bình tại Geneva.

Tờ Mirror, những người ủng hộ đảng Lao động cho rằng: “Các hành động ngoại giao và đàm phán hoà bình là phương thức tốt nhất để kết thúc cuộc nội chiến. Thế nhưng trong một số trường hợp, câu trả lời quân sự có thể coi là thoả đáng”.

Theo Hoàng Việt (Theo Guardian)/congluan.vn

Tin nổi bật