Viễn thông Sơn La góp sức cùng Điện Biên

(ICTPress) - Sơn La, từ những ngày năm đầu của cuộc cách mạng, với những gian khổ của vùng đất “Rừng thiêng nước độc” tình trạng thiếu muối ăn, sốt rét, cùng với sự đàn áp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã cướp đi bao sinh mạng của những người dân vô tội. Nhà tù Sơn La là một trong những nhà tù lớn của thực dân Pháp ở Việt Nam, là nơi chúng giam cầm những chiến sĩ cách mạng. Từ trong gông siềng áp bức, các đồng chí đã gieo trồng những hạt giống đỏ trên mảnh đất Sơn La; đó là những liên lạc viên dẫn đường cho các chiến sĩ cách mạng của Đảng thoát khỏi ngục tù của đế quốc tiêu biểu là người thanh niên yêu nước Lò Văn Giá.

Ảnh: vnptsonla

Bưu điện Sơn La (nay là Viễn thông Sơn La) là một bộ phận của cách mạng, ra đời từ khi có Đảng bộ Sơn La. Lực lượng giao liên cho Đảng ngày tiền khởi nghĩa, là tiền thân của lực lượng thông tin Viễn thông Sơn La ngày nay đã và đang không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương cũng như sự giao lưu tình cảm của nhân dân các dân tộc Sơn La.

Trải qua hai cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ và anh dũng. Đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà điển hình là “Chiến thắng lịch sử Điện biên phủ năm 1954”. Ban Giao liên vùng địch hậu mới đầu chỉ có 20 đồng chí đã kết hợp với một số tổ chức quần chúng xây dựng cơ sở, củng cố, bổ sung lực lượng nhằm đáp ứng yêu cầu giữ mạch máu thông tin của Đảng, của cách mạng. Biết bao tấm giương dũng cảm bám dây, bám máy, vận chuyển công văn thư từ dưới làn mưa bom, bão đạn, có đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Với truyền thống quật cường của lớp cha trước, lớp con sau, để đến hôm nay cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Ngành Viễn thông nói chung và Viễn thông Sơn La nói riêng ngày càng phát triển và trưởng thành với đội ngũ CBCNV đủ sức làm chủ các loại máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng về yêu cầu thông tin liên lạc của tỉnh; hòa chung với mạng lưới thông tin liên lạc quốc gia, quốc tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tháng 12/1953, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch Điện Biên Phủ và đặt quyết tâm cao nhằm giải phóng toàn bộ đất đai miền Tây Bắc. Trong chiến dịch này địa bàn Sơn La là một vị trí quan trọng, là địa phương tiếp giáp huyện Tuần Giáo và Điện Biên của tỉnh Lai Châu, là con đường huyết mạch của chiến trường. Nhiệm vụ phục vụ chiến dịch đặt ra cho Sơn La vô cùng to lớn. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để bộ đội ăn no đánh thắng”. Tỉnh ủy chủ trương động viên cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Cùng với các cấp, các ngành Viễn thông Sơn La ngoài việc huy động lương thực thực phẩm cho chiến dịch việc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đối với chiến dịch. Trong điều kiện Sơn La vừa được giải phóng, ngành Viễn thông còn non trẻ, về tổ chức chưa được kiện toàn, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, thông tin chủ yếu vẫn là giao bưu, chưa có liên lạc bằng thông tin thoại (điện chính).

Để đáp ứng yêu cầu về thông tin, năm 1953, Nha Bưu điện Việt Nam và Bưu điện khu Tây Bắc xây dựng đường dây điện thoại từ Yên Bái tới tỉnh lỵ Sơn La. Đường điện thoại với đôi dây đồng, cột bằng tre hoặc gỗ theo đường từ Ba Khe - Lũng Lô - Tạ Khoa - Cò Nòi về trung tâm tỉnh lỵ Sơn La. Công trình xây dựng đường dây điện thoại được hoàn thành khẩn trương theo tiến độ của công trường mở dường 13, nối đường ô tô Yên Bái - Ba Khe với đường 41 (tức đường số 6 ngày nay) Sơn La - Hà Nội. Tuyến đường điện thoại tuy giản đơn với một số máy điện thoại cũ 910 thu được của thực dân Pháp, nhưng đã có thông tin điện chính giữa Khu và Tỉnh. Tiếp đó mạng lưới điện thoại được xây dựng theo đường quốc lộ 41 đi Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu. Tuyến đường điện thoại hoàn thành giúp cho các Huyện và Tỉnh có thông tin điện tín.

Nha Bưu điện Việt Nam và Bưu điện khu Tây Bắc đã kịp thời bổ sung cán bộ và trang thiết bị điện thoại của Trung Quốc viện trợ và của Nha Bưu điện tự sản xuất và máy 910 thu được của Pháp trong chiến dịch Biên giới. Để có đường dây điện thoại đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ chiến dịch CBCNV Viễn thông Sơn La đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kéo dây xuyên rừng, vượt sông, vượt núi, thu nhặt dây và máy của địch bỏ lại ở các đồn, bốt tại Nà Sản về tái sử dụng. Đường dây đoạn Mộc Châu - Tỉnh mới hoàn thành phải tháo gỡ 90 km để cung cấp cho Bộ Chỉ huy tiền phương. Thiếu dây, thiếu sứ anh em công nhân đã tận dụng dây thép gai và lấy cổ chai vỡ thay quả sứ. Thiếu điện đã tạo ra pin nước để tạo nguồn điện cho thiết bị. Tuy cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng với tinh thần sáng tạo, quả cảm và tận tụy của anh em công nhân, thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời phục vụ đắc lực cho sự chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Song song với việc đảm bảo thông tin điện tín, để phục vụ song hành Bưu điện khu Tây Bắc đã chỉ đạo xây dựng tuyến đường thư liên tỉnh Yên Bái - Sơn La - Lai Châu thành hệ thống trạm bưu điện chuyển tiếp, tuyến thư này qua địa phận Sơn La dài 300 km gồm 11 trạm: Ba Khe, Lũng Lô, Phù Yên, Tạ Khoa, Đèo Chẹn, Cò Nòi, Mường Bon, Sơn La, Thuận Châu, Pha Đin, Mường É, Tuần Giáo, Điện Biên. Mỗi trạm được bố trí từ 4 đến 5 giao thông viên, 01 trạm trưởng; các trạm có nhiệm vụ đảm bảo vận chuyển thư tín, công văn, báo chí, các mệnh lệnh chiến đấu từ Trung ương, từ khu ra tiền tuyến, xuống các tỉnh. Đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến thông tin điện thoại và đưa đón cán bộ đi công tác.

Ngày 13/3/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, gan dạ và bền bỉ đến ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến tháng Điện Biên Phủ đã buộc Chính phủ Pháp phải ký hiệp định Giơ-Ne-Vơ kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, Viễn thông  Sơn La cùng với nhân dân các dân tộc Sơn La vô cùng tự hào đã đóng góp sức mình vào chiến tháng Điện Biên Phủ. Trong suốt thời kỳ chuẩn bị cho chiến dịch cũng như 55 ngày đêm diễn ra chiến dịch, CBCNV Bưu điện - Viễn thông Sơn La nêu cao ý chí cách mạng, làm việc không quản ngày đêm, bằng đôi chân vạn dặm đã trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt qua những đoạn đường nguy hiểm, vận chuyển hàng chục tấn công văn, tài liệu, báo chí, thư từ và quà của hậu phương ra tiền tuyến, với quãng đường dài hàng chục vạn cây số, đưa đón hàng ngàn cán bộ, bộ đội đi công tác an toàn, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời và thông suốt. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Bưu điện - Viễn thông Sơn La vinh dự được Chính phủ tặng 10 huân chương kháng chiến hạng Hai và hạng Ba; 20 Huy chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì và nhiều bằng khen từ cấp Tỉnh trở lên, có hai đồng chí được công nhận là chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Gần 66 năm, một chặng đường xây dựng và trưởng thành của CBCNV ngành Bưu chính Viễn thông Sơn La, cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Sơn La có bề dày lịch sử đáng tự hào. Trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong xây dựng hòa bình và nhất là trong công cuộc đổi mới Viễn thông Sơn La luôn có mặt như một lực lượng xung kích phục vụ Đảng, chính quyền và nhân dân. Với lòng yêu nước và ý chí cách mạng cao, tất cả CBCNV Viễn thông Sơn La cùng với 12 dân tộc anh, em đã tạo nên những thành quả tốt đẹp: Xây dựng cơ sở vật chất ngành từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trên mặt trận thông tin liên lạc. Góp phần to lớn vào sự biến đổi và phát triển của địa phương.

Bước vào thời kỳ xây dựng, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh đòi hỏi khẩn trương, mạng thông tin phát triển nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới. Từ năm 1955 đến năm 1962 Bưu điện khu Tây Bắc được bổ xung nhiều cán bộ có trình độ trung cấp nghiệp vụ và sơ cấp kỹ thuật dây máy; đồng thời nhiều đồng chí được cử đi học dài hạn và chuyên tu để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin liên lạc của khu Tây Bắc.

Năm 1963, tỉnh Sơn La được tái lập, ty Bưu điện truyền thanh ra đời, cả tỉnh mới có 01 đài trung tâm, hai đài của huyện Quỳnh Nhai và Sông Mã. Mạng lưới điện thoại có 169 Km đường trục chính, 179 km đường nội tỉnh và 7 mạng lưới nội hạt được xây dựng từ năm 1958 nên xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng với đội ngũ CBCNV nhiệt tình, dồn hết tâm sức cho công việc nên công tác thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của cấp ủy và công tác điều hành của chính quyền.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bằng không quân sảy ra rất ác liệt (1965 - 1975), ngoài nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, công tác đào tạo cán bộ được coi trọng. Nhiều CBCNV có thành tích trong chiến đấu và sản xuất được cử đi học đại học và đào tạo tại địa phương. Viễn thông Sơn La đã phấn đấu trong mọi tình huống giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, liên tục, bí mật và an toàn; bảo vệ công văn tài liệu của Đảng và Nhà nước, bảo vệ nội bộ, phòng gian bảo mật, bảo vệ nhân lực, tài lực, vật lực và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành.

Từ năm 1975 đến nay, hòa nhập với sự tiến bộ chúng của toàn ngành, trên bước đường hiện đại hóa mạng lưới Viễn thông - CNTT, Viễn thông Sơn La có những bước tiến vượt bậc về công nghệ. Đáp ứng nhanh, đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, anh ninh quốc phòng và sự giao lưu tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.

Sự trưởng thành nhanh chóng của Viễn thông Sơn La là kết quả và công lao to lớn của nhiều thế hệ kế tiếp đóng góp, xây dựng nên. Ghi nhận những thành tích to lớn đó năm 1999 Nhà nước đã phong tăng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ cứu nước cho tập thể CBCNV và nhiều phần thưởng cao quý như: 03 huân chương lao động hạng nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều cờ, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, quân khu II, Công đoàn Bưu điện Việt Nam, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Sơn La trao tặng.

Từ năm 2005 đến nay, Viễn thông Sơn la đã được trao tặng: 06 cờ Tập đoàn, 02 cờ Bộ TTTT, 07 cờ Ủy ban nhân tỉnh Sơn La, 01 bằng khen Chính phủ 2010 - 2012.

Phát huy truyền thống vẻ vang một chặng đường lịch sử, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong thế ổn định và đi lên, CBCNV Viễn thông Sơn La đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch SXKD năm 2014 và những năm tiếp theo. Quyết giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, đồng thời đẩy nhanh, mạnh phát triển mạng lưới Viễn thông - CNTT góp phần xây dựng tỉnh Sơn La ngày càng giàu mạnh.

 Lường Hoàng Bun

Tin nổi bật