VNPT, Viettel cam kết triển khai rộng IPv6 vào đầu năm 2016

(ICTPress) - VNPT, Viettel vừa cho biết sẽ thử nghiệm cung cấp dịch vụ cố định, di động trên nền IPv6 cho một tập khách hàng thật và sẽ tiến hành cung cấp vào đầu năm 2016, bám sát lộ trình hành động IPv6 quốc gia.

Ngày 15/7, Ban Công tác Thúc đẩy Phát triển IPv6 Việt Nam đã vừa có các buổi làm việc với hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel và VNPT.

Tại buổi làm việc với VNPT, ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết 6 tháng cuối năm 2015, VNPT sẽ thử nghiệm IPv6 cho vài trăm thuê bao của VNPT. Tiếp theo, VNPT sẽ tiến hành đánh giá kết quả thử nghiệm. Từ đó, VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ truy nhập Internet, truyền số liệu, di động 3G, 4G, IPTV, Hội nghị truyền hình... trên nền IPv6 theo lộ trình hành động IPv6 quốc gia.

VNPT cũng đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật cũng như thực hiện các khâu chuẩn bị, đánh giá hiện trạng mạng lưới, đào tạo nhân lực vận hành mạng lưới... ngay từ những năm 2011 - 2012. Từ năm 2012, các trang thiết bị đưa vào trên mạng VNPT thầu bao giờ cũng yêu cầu có IPv6, ông Nghiêm Phú Hoàn cho biết thêm.

Đánh giá về quá trình chuẩn bị của VNPT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Trưởng ban công tác ghi nhận VNPT đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị cho IPv6 từ sớm, chẳng hạn như việc đưa yêu cầu tương thích IPv6 vào nội dung các gói gọi thầu ngay từ giai đoạn 2011 - 2012. Hạ tầng mạng lưới của VNPT đã tương đối sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang IPv6.

Bên cạnh đó, VNPT mới thành lập hai Tổng công ty mới là VNPT-Net và VNPT-Media, trong đó mảng kinh doanh nội dung VNPT cũng rất lớn nên đề nghị Tập đoàn quan tâm trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ đến nội dung, ứng dụng cho khách hàng thì cần đặt ra yêu cầu chuyển đổi IPv6. VNPT phải có chỉ đạo chung về vấn đề này. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề nghị VNPT có thể thử nghiệm triển khai IPv6 với báo điện tử VNMedia, một tờ báo có số lượng bạn đọc lớn.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng lưu ý VNPT và các nhà mạng khác cần xem xét, cân nhắc lộ trình sao cho hợp lý nhất để đến hết năm 2019 có thể cung cấp IPv6 trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, trong cuộc làm việc với Ban Công tác, Viettel cũng cho biết hầu hết các trang nội dung lớn tại Việt Nam đề chưa sẵn sàng  IPv6 (vnexpress, ngoisao.net…) nên gặp khó khăn về mặt kỹ thuật chuyển đổi sang IPv6 cần đầu tư hệ thống  NAT IPv6-IPv4 để truy xuất các nội dung IPv4. Trong khi đó, về thiết bị đầu cuối di động, Viettel cho biết phần lớn chưa hỗ trợ IPv6 cho 3G (Samsung Nexsus S, iPhone 4S, Windows Phone 7...).

Về triển khai công tác  IPv6 trong thời gian từ nay đến đầu năm 2016, Viettel cho biết trong quý III năm nay sẽ thử nghiệm trong Lab về cung cấp dịch vụ cố định (FTTx-PON), di động trên nền IPv6 với đầy đủ các dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng. Sang đến quý IV, Viettel sẽ ban hành thiết kế cung cấp dịch vụ di động, cố định trên nền IPv6 và thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho một tập khách hàng thật vào quý I/2016.

Viettel cũng cho biết biết, việc chuyển đổi sang IPv6 là tất yếu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp này, nhất là để phục vụ cho triển khai mạng LTE 4G.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Thường trực Ban công tác cho biết Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tổ chức buổi làm việc trực tiếp với với các doanh nghiệp để cùng rà soát đánh giá hiện trạng sẵn sàng với IPv6 và ghi nhận các khó khăn, kiến nghị trong chuyển đổi IPv6 để có giải pháp thúc đẩy tỉ lệ người sử dụng và lưu lượng IPv6 trong mạng mạng viễn thông/Internet Việt Nam.

QA

Tin nổi bật