Sách Trắng CNTT-TT 2017: chính thức công bố 12 nội dung về phát triển CNTT-TT

(ICTPress) - Sách Trắng CNTT-TT 2017 cung cấp số liệu thống kê chủ chốt về tình hình hoạt động của ngành trong 2 năm 2015 và 2016 bao gồm 12 nội dung đã được Bộ TT&TT chính thức công bố ngày 19/9/2017.

Lễ công bố Sách Trắng CNTT-TT năm 2017

Ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng gần 20 lần ngành công nghiệp ô tô

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, đơn vị thường trực Ban Biên tập Sách Trắng cho biết Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2017 tập trung vào việc cung cấp số liệu thống kê chủ chốt về tình hình hoạt động của ngành trong 2 năm 2015 và 2016 bao gồm 12 nội dung như: ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, an toàn thông tin, viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, bưu chính…

So với các năm trước, sách Trắng năm nay bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin để quản lý và thúc đẩy phát triển CNTT-TT Việt Nam như: dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp (DN), chỉ số đo lường khán giả truyền hình, thông tin số liệu về tình hình phát triển lĩnh vực dịch vụ CNTT… Các nội dung, thông tin được công bố và phát hành trên các ấn phẩm khác như số liệu về các tổ chức, DN CNTT, các sự kiện về CNTT-TT tiêu biểu… đã được lược bớt.

Theo thống kê của Sách Trắng năm nay, công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Tổng số DN CNTT cả nước năm 2016 ước tính là 24.501 DN, tăng 13,13% so với năm 2015. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT năm 2016 ước tính đạt 1.500.000 tỷ đồng (tương đương 67,693 tỷ USD, tăng 11,49% so với năm 2015), trong đó công nghiệp phần cứng là 58,838 tỷ USD, công nghiệp phần mềm là 3,038 tỷ USD, công nghiệp nội dung số là 739 triệu USD và dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là 5,078 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó phần cứng điện tử là 57,737 tỷ USD, phần mềm là 2,491 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.320 tỷ đồng, đóng góp khoảng 3,4% tổng ngân sách nhà nước.

Theo đại diện Vụ CNTT, nếu so sánh với ngành đang được coi là rất “nóng” hiện nay - ngành công nghiệp ô tô. Năm 2016, nhập khẩu 2,3 tỷ USD xe nguyên chiếc và 1,4 tỷ USD phụ tùng, tổng là 3,7 tỷ USD thì ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng gần 20 lần ngành công nghiệp ô tô.

Trong khi đó, thị trường Viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực. Theo số liệu trong Sách Trắng CNTT-VT Việt Nam vừa được phát hành, năm 2016 cả nước có 74 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất và 5 DN đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2016 đạt 136.499 tỷ đồng (tương đương 6,16 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2015); Tổng số thuê bao điện thoại di động (phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn và dữ liệu) đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao truy nhập băng rộng cố định đạt hơn 9 triệu thuê bao.

Năm 2016 cũng đánh dấu những nỗ lực của Bộ TT&TT hành động quyết liệt nhằm xóa bỏ vấn nạn tin nhắn rác. Kể từ cuối tháng 10, sau khi các nhà mạng ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn, cho đến hết năm 2016, khoảng 15 triệu SIM thuộc diện này bị khóa dịch vụ.

Năm 2016 cũng chứng kiến những cuộc tấn công mạng tăng mạnh với website Vietnam Airlines bị tấn công thay đổi giao diện vào ngày 29/7/2016. Theo thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) sự cố tấn công mạng trong năm 2016 cao gấp 4 lần năm 2015. Tuy nhiên, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng về vấn đề an toàn thông tin ngày càng được tăng cường, môi trường an toàn thông tin đã được cải thiện và người dùng đã chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự cố an toàn thông tin. Tỷ lệ tổ chức có sử dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử năm 2016 là 54% tăng 8% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, Việt Nam liên tục là nước có tổng số lượng tên miền quốc gia đăng ký cao nhất khu vực ASEAN. Tổng số tên miền .vn hiện đang duy trì trên hệ thống là 386.751 tên miền, tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký trên hệ thống là 994.161 tên miền. Đây được coi là tiền đề cho việc phát triển của các dịch vụ Internet vạn cật (IoT) cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Ngành CNTT-TT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển to lớn

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi Lễ công bố cho biết từ năm 2009, Bộ TT&TT đã tổ chức xây dựng Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam. “Đây là một ấn phẩm có uy tín, cung cấp số liệu thống kê chính thức về lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý, phản ánh hiện trạng phát triển CNTT-TT của đất nước, được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế sử dụng”.

Trong năm 2016, ngành TT&TT tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành ước đạt 1,64 triệu tỷ đồng (tương đương 72,7 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng đạt 9,1% so với năm 2015, cao hơn 3% so với tăng trưởng GDP trung bình cả nước. Cũng theo số liệu thu thập được, năm 2016, ngành CNTT-TT Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, gia công phần mềm và quy trình nghiệp vụ; đứng trong tốp đầu theo chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong khu vực ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm cao (thứ hai trong bốn mức phát triển), tăng 10 bậc so với năm 2015.

Theo Báo cáo CNTT Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thứ hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước, tăng 6 bậc so với năm 2015. Cũng theo Báo cáo này, giá cước dịch vụ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới. Những đánh giá trên là những ghi nhận khách quan của quốc tế về sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong giai đoạn qua.

Cũng theo Bộ trưởng, trong ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành CNTT-TT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển to lớn thông qua việc khai thác, làm chủ các công nghệ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, hội tụ viễn thông - CNTT - phát thanh truyền hình,… Trong bối cảnh này, công cuộc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT đã được xác định bởi sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và được định hướng bởi nhiều văn kiện trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị và các nghị quyết có liên quan của Chính phủ. Để tham mưu các chính sách hiệu quả cho Đảng và Nhà nước, việc thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu thống kê về tình hình phát triển của ngành CNTT-TT ngày càng cần thiết.

Nhằm phục vụ cho tham khảo và sử dụng được thuận tiện, gọn nhẹ, Sách Trắng 2017 được in thành 02 phiên bản. Bên cạnh phiên bản tiếng Việt được công bố hôm nay 19/9, phiên bản tiếng Anh dự kiến ra mắt vào tháng 10/2017. Đồng thời, Bộ sẽ công bố tài liệu này dưới dạng điện tử trên cổng thông tin của Bộ TT&TT để độc giá có thể tham khảo rộng rãi. 

 Minh Anh

Tin nổi bật