Năm 2017, nhóm nghề CNTT có nhu cầu tuyển dụng cao

(ICTPress) - Năm 2016 với sự phục hồi kinh tế, gia tăng công việc làm, rất nhiều nhóm ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng thêm, ngành CNTT- Viễn thông, đặc biệt nhóm nghề CNTT được ghi nhận có mức nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2016 rất cao là 19%.

Tiếp theo là dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kinh doanh 16,6%, Khách sạn – Nhà hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao với tỷ lệ 14,4%; Dệt may – Da giầy 14,1%, Bán buôn – bán lẻ 13,5%; Dược phẩm – Y tế 10,8%; Khai khoáng, sản xuất nhựa – hóa chất 10,1%; Điện – thiết bị điện 8,7%; Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm – Chứng khoản 8,7%; Cơ khí – Ô tô xe máy 7,8%; Xây dựng – Bất động sản 7,5%; Thực phẩm – Đồ uống và thuốc lá 6,4%; Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản 5%; Vận tải – Kho bãi 4%; Truyền thông quảng cáo 2,9%.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo khảo sát lương Việt Nam 2016 được Công ty Tư vấn đầu tư và quản lý doanh nghiệp Macconsult thực hiện khảo sát trực tuyến trên trang web http://jobcloud.vn, hệ thống website tuyển dụng, khảo sát lương và các giải pháp quản lý nhân sự.

Báo cáo này cho biết xu hướng tuyển dụng nhóm nghề CNTT trong năm 2016 gia tăng, cho thấy nhóm nghề CNTT vẫn là nghề “hot”.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Macconsult, Phụ trách Chương trình Khảo sát lương trực tuyến

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Macconsult, Phụ trách Chương trình Khảo sát lương cho biết với xu hướng ứng dụng CNTT mạnh mẽ nhóm nghề này đang trở nên hấp dẫn và tiếp tục gia tăng trong 2017. Không chỉ các doanh nghiệp (DN) CNTT mà các DN trong các ngành nghề khác cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động nhóm nghề CNTT để triển khai ứng dụng CNTT trong các phương thức quản lý của mình.

Báo cáo cũng đưa ra một số kết quả khảo sát đáng chú ý:

Top 5 nghề có mức lương cao nhất theo từng cấp bậc

Cấp bậc Nhân viên/Kỹ thuật viên: nghề Tư vấn – Hỗ trợ kinh doanh năm 2016 vẫn xếp top đầu tương tự năm 2015 với mức 7 triệu đồng/tháng, tiếp theo là nghề CNTT và Nhân sự ở mức 6,5 triệu đồng.

Ở cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư: nhóm nghề được ghi nhận có mức lương tháng trung bình cao nhất là Kiến trúc-Xây dựng (12 triệu đồng), tiếp theo là nghề Tư vấn – Hỗ trợ kinh doanh và Khách sạn – Nhà hàng (với mức lần lượt là 10,5 triệu và 10,2 triệu đồng). Nghề CNTT đứng thứ 4 thay vì thứ 3 so với năm 2015 (mức 9,25 triệu đồng) và đứng thứ 5 là nghề Truyền thông có mức lương trung bình là 8,5 triệu đồng. Năm 2016, nhóm nghề Khách sạn – Nhà hàng có mức tăng lương đáng kể và lọt top 5 nghề có mức lương trung bình cao nhất.

Ở cấp bậc Quản lý/Giám sát: dẫn đầu là nhóm nghề Bất động sản và Hàng không với mức lương trung bình là 28,5 triệu đồng/tháng và 28 triệu đồng/tháng; tiếp theo là nhóm nghề Dược phẩm, Tài chính và Tiếp thị với mức lương chênh lệch không đáng kể, lần lượt là 23,2 triệu – 22,5 triệu và 22 triệu đồng/tháng.

Nếu như năm 2015 ghi nhận nhóm nghề Dược phẩm – Chăm sóc sức khỏe dẫn đầu với mức lương 20 triệu đồng/tháng thì năm 2016 ghi nhận mức lương cao nhất cho nghề Bất động sản, điều này cho thấy sự tăng trưởng kinh doanh của ngành đầu tư xây dựng bất động sản.

Top 5 nghề có mức thưởng cao nhất theo từng cấp bậc

Nhóm nghề Bất động sản dẫn đầu trong bảng xếp hạng khi có mức thưởng trung bình năm cao nhất. Ở cấp bậc Quản lý/Giám sát có mức thưởng là 65 triệu đồng; cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư là 16 triệu đồng và cấp bậc Nhân viên/Kỹ thuật viên là 7,350 triệu đồng.

Nghề Dược phẩm đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng thay vì đứng thứ 1 như năm 2015 với mức thưởng trung bình năm là 55 triệu đồng ở cấp bậc Quản lý/Giám sát và 12,750 triệu đồng ở cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư.

Ở cấp bậc Quản lý/Giám sát ghi nhận các nghề có mức thưởng cao tiếp theo là nghề Tài chính, Tiếp thị và Hàng không với mức thưởng từ 22,5 triệu đến 25 triệu đồng. Đáng chú ý, ở cấp bậc này nhóm nghề CNTT không có tên trong top 5 nhóm nghề có mức thưởng trung bình cao nhưng ở cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư nhóm nghề này vẫn xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng với mức thưởng trung bình 10 triệu đồng tương đương với khoảng 1 tháng lương.

Theo dự đoán về kết quả kinh doanh của DN trong năm 2016, dịp thưởng cuối năm 2016 -2017 các DN có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều DN sản xuất khó tăng mức thưởng do năm 2016 đã điều chỉnh mức tăng lương cao hơn so với năm trước do sự thay đổi của chính sách lương tối thiểu của nhà nước. Vì vậy, nhìn chung mặt bằng tiền thưởng năm nay không có sự khác biệt so với năm 2015, các DN cho biết mức thưởng thông thường sẽ là 1 tháng lương bình quân trong năm của người lao động.

Đối với nhân sự cấp cao

Ở phân khúc nhân sự cấp cao, tăng đến 36% về lương và 20% về mức thưởng trung bình, nhóm nghề Quản lý - Điều hành vẫn luôn đứng đầu bảng ở mức lương và thưởng trong năm 2016, với mức lương trung bình là 47,894 triệu đồng/tháng và mức thưởng trung bình 91,778 triệu đồng/năm.

Năm 2016 tiếp tục ghi nhận mức độ khó tuyển dụng ở nhóm nghề này luôn ở mức cao (mức độ khó tuyển dụng theo thang điểm 5 cao nhất là 4,27/5). Điều này cho thấy phân khúc nhân sự cấp cao có sự thiếu hụt khá lớn tại thị trường Việt Nam.

Tỷ lệ tăng lương theo ngành

Tỷ lệ tăng lương trung bình năm 2016 là 10,8% tăng nhẹ so với năm 2015, trong đó ngành Dược phẩm – Y tế có mức tăng cao nhất là 18%. Ngành Tài chính – Bảo hiểm – Chứng khoán xếp thứ 3 với tỷ lệ 12,8% thay vì đứng đầu bảng năm 2015 với tỷ lệ 15%. Dự kiến năm 2017, tỷ lệ tăng lương có xu hướng tăng nhẹ. Điều này cho thấy việc điều chỉnh lương của các DN hàng năm đảm bảo phù hợp với sự điều chỉnh của pháp luật lao động về mức lương tối thiểu vùng.

Tỷ lệ nghỉ việc theo ngành

Tỷ lệ nghỉ việc trung bình theo ngành là 12,96%, tăng nhẹ so với năm 2015 là 11,58%. Trong đó, 3 ngành có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất là Dược phẩm – Y tế (33,8%); Bán buôn – Bán lẻ (17,3%) và Xây dựng – Bất động sản (15,7%). Tương tự năm 2015, năm 2016 tiếp tục ghi nhận ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất (4,3%).

Báo cáo khảo sát lương 2016 được công bố từ JobCloud cung cấp thông tin chi tiết về mức lương, thưởng, phúc lợi của hơn 600 chức danh thuộc 23 nhóm nghề. Báo cáo được đưa ra dựa trên dữ liệu khảo sát của gần 300 DN tham gia điều tra, được Macconsult thực hiện hỏi trực tiếp, và chắt lọc và 106.925 người lao động thuộc 16 ngành trong phạm vi cả nước. Sự khác biệt về mô hình khảo sát của JobCloud là thực hiện trực tuyến, liên tục quanh năm và có sự tham gia của cả DN và Người lao động. Do vậy, so với năm 2015, dữ liệu khảo sát 2016 tại JobCloud đã tăng đáng kể, đặc biệt với sự tham gia đông đảo của người lao động vào chương trình khảo sát lương. Năm 2016 tiếp tục ghi nhận tỷ lệ DN trong nước tham gia khảo sát chiếm chủ yếu (trên 85%).

Theo ông Lê Anh Cường, Chủ tịch Macconsult, kết quả khảo sát nêu trên chỉ mang tính chất thời điểm, bởi vào bất kỳ thời điểm nào DN và người lao động đều có thể tham gia khảo sát thông qua website http://jobcloud.vn và tra cứu dữ liệu khảo sát mới nhất (fresh data) cho từng chức danh nghề nghiệp để điều chỉnh chính sách lương kịp thời, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và thu hút nhân tài.

Ngoài ra, ông Lê Anh Cường cũng cho biết, sự khác biệt của mô hình khảo sát là DN và Người lao động đều có quyền tiếp cận và sử dụng miễn phí dữ liệu khảo sát và nhận được các hỗ trợ, ưu đãi khác như: Được tham gia miễn phí các khóa đào tạo về ứng dụng kết quả khảo sát trong việc xây dựng chính sách đãi ngộ. Được tiếp cận và sử dụng miễn phí phần mềm quản trị nhân sự theo thông lệ quản trị tốt nhất; Có đội ngũ chuyên viên tư vấn nhân sự hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc trong quá trình tham gia khảo sát và ứng dụng kết quả khảo sát tiền lương thị trường trong hoạt động quản trị nhân sự.

Với sự tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng DN và người lao động khắp cả nước vào chương trình khảo sát lương trực tuyến trên jobcloud.vn, chúng tôi tin tưởng rằng báo cáo khảo sát lương hàng năm sẽ phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện về mặt bằng tiền lương của hầu hết các chức danh, các nghề trên thị trường lao động. Thông qua đó, mong muốn mọi DN đều có cơ hội tiếp cận dữ liệu và nhanh chóng áp dụng hiệu quả công nghệ quản trị mới nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, ông Cường nhấn mạnh thêm.

Khảo  sát năm nay là sự tiếp nối thành công của chương trình khảo sát lương Việt Nam 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của cộng đồng DN và người lao động trong việc tiếp cận thông tin về xu hướng và mặt bằng tiền lương thị trường kịp thời và chính xác.

QA

Tin nổi bật