Năm 2016, ngành TT&TT tăng trưởng 9,3%

(ICTPress) - Năm 2016, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là ngành đa lĩnh vực tác động đến mọi mặt chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội chung sức để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Sáng nay 23/12. Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Bộ. Tại Hội nghị, Bộ TT&TT đã công bố tình hình phát triển lĩnh vực TT&TT năm 2016: 

Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Bộ TT&TT

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội:

Tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 18 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 131 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 10,11 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 50 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định đạt 11,85%; Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đạt 24,38%; Tỷ lệ người sử dụng Internet là 62,76% dân số; Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%; Tỷ lệ số xã có máy điện thoại đạt 100%; Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính đạt 100%; Sản lượng báo xuất bản đạt 1.000 triệu bản; Mức hưởng thụ báo chí bình quân đạt trên 11 bản báo/người/năm; Tỷ lệ phủ sóng phát thanh duy trì ở mức khoảng 98% trên diện tích cả nước và 99,5% trong dân cư; Tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt khoảng 95% diện tích cả nước.

Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh (SXKD):

Tổng doanh thu phát sinh toàn Ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%).

Trong đó, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng;  Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 2.245 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực bưu chính ước đạt 16.800 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng.

Tổng nộp NSNN toàn Ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016. Cụ thể: Tổng nộp NSNN lĩnh vực báo chí ước đạt 901 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực xuất bản ước đạt 70,79 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực bưu chính ước đạt 607 tỷ đồng;  Tổng nộp NSNN lĩnh vực viễn thông ước đạt 50.396 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực CNTT ước đạt 93.940 tỷ đồng.

Báo chí, PTTH và thông tin điện tử, thông tin đối ngoại và thông tin cơ sở:

Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng (ước tăng 13,93% so với năm 2015), trong đó, doanh thu lĩnh vực báo chí in và báo chí điện tử ước đạt 2.872 tỷ đồng; doanh thu lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) ước đạt 14.040 tỷ đồng, tổng nộp NSNN lĩnh vực báo chí năm 2016 ước đạt 901 tỷ đồng (đạt 105,78% so với kế hoạch năm), trong đó, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) lĩnh vực báo chí in và báo chí điện tử ước đạt 147 tỷ đồng; Lĩnh vực PTTH&TTĐT điện tử nộp NSNN ước đạt 754 tỷ đồng.

511.456 hộ gia đình nghèo và cận nghèo theo quy định của Chính phủ đã được hỗ trợ đầu thu cho với tổng kinh phí hỗ trợ là 301.898.445.730 đồng. 

Hiện tại, cả nước có 67 đài PTTH, trong đó có 2 đài Trung ương, đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và 64 đài địa phương 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá; 103  kênh truyền hình quảng bá; 79 kênh truyền hình trả tiền; 61 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép và 111 mạng xã hội đã cấp phép; 27 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, 11 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký trò chơi điện tử G2, G3 và đã có 93 quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trong năm 2016.

Hiện tại, số lượng DN được cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động là 111 DN. DN truyền hình trả tiền có tổng số 32, trong đó 2 DN truyền hình quảng bá, 30 DN truyền hình trả tiền, với tổng số lao động là 9.800 người. Số thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay là 12,5 triệu thuê bao. Doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt 12.000 tỷ.

Xuất bản, in và phát hành

Năm 2016, tổng số sách xuất bản ước thực hiện toàn ngành là 30.000 cuốn với khoảng 400 triệu bản, trong đó, sách giáo khoa phổ thông là 642 cuốn, 370 triệu bản.

Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 2.245 tỷ đồng (ước tăng 4,72% so với năm 2015), nộp NSNN lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 70,79 tỷ đồng (ước tăng 6,06% so với năm 2015).

DN bưu chính tăng lên nhanh chóng

Đến nay, số lượng các DN tham gia hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng và thành phần DN cũng đa dạng hơn. Tính đến nay có 172 DN được cấp giấy phép bưu chính (trong đó: 37 DN được cấp phép trong nước và quốc tế; 6 DN cấp phép quốc tế; 129 DN được cấp phép trong nước) và 172 DN được xác nhận thông báo hoạt động bưu chính (trong đó: 36 DN được xác nhận thông báo phạm vi trong nước và quốc tế; 6 DN được xác nhận thông báo hoạt động phạm vi quốc tế; 130 DN được xác nhận thông báo hoạt động phạm vi trong nước).

Với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ bưu chính công cộng, mạng lưới bưu chính công cộng hiện có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 63 bưu cục giao dịch cấp 1; 760 bưu cục giao dịch cấp 2; 1.793 bưu cục giao dịch cấp 3; 8.113 Điểm Bưu điện - Văn hóa xã; 434 đại lý bưu điện; 43 kiot; 1.460 thùng thư công cộng độc lập; bán kính phục vụ bình quân 2,93 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu 1 điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân đạt 7.164 người/điểm. Các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã tiếp tục phát huy được vai trò, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân thông qua sách, báo và phương tiện thông tin liên lạc.

Về kết quả SXKD, năm 2016, tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính ước đạt 16.800 tỷ đồng (ước tăng 12% so với năm 2015); nộp NSNN năm 2016 ước đạt 607 tỷ đồng (ước tăng 11,5% so với năm 2015).

Viễn thông, Internet và tần số vô tuyến điện

Tính đến tháng 11/2016, cả nước có 70 DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, trong đó, có 6 DN được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng; 33 DN được cấp phép chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông; 31 DN được cấp phép đồng thời thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng (ước tăng 7,5% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 27,32% vào tổng doanh thu toàn Ngành năm 2016; tổng nộp NSNN lĩnh vực viễn thông năm 2016 ước đạt 50.396 tỷ đồng (ước tăng 7,5% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 34,54% vào tổng nộp NSNN của Ngành năm 2016.

Đến nay, tổng số tên miền “.vn” hiện đang duy trì trên hệ thống là  383.747 tên miền, nâng tổng số tên miền tiếng Việt đăng ký trên hệ thống là hơn 988.997 tên miền; trong đó số lượng tên miền đã được đưa vào sử dụng thực tế trên các loại dịch vụ là 273.885 tên miền, chiếm khoảng 27,69% tổng số tên miền đăng ký.

Hiện nay, Việt Nam liên tục có số lượng tên miền quốc gia có đăng ký cao nhất khu vực Đông Nam Á – ASEAN. Số lượng địa chỉ IPv4 được cấp cho các thành viên ở thời điểm hiện tại là 15.847.168 địa chỉ. Việt Nam đứng thứ 02 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 8 Khu vực Châu Á, đứng thứ 30 trong tổng số các quốc gia giữ nhiều IPv4 nhất toàn cầu. Về địa chỉ IPv6, đã cấp 50 khối/48 và 27 khối/32. Về số hiệu mạng ASN, đã cấp phát tổng số 256 cho các thành viên địa chỉ IP và đang được sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, số nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là 96, với 153.364 tên miền quốc tế.

Công nghệ thông tin

Công nghiệp CNTT: Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng (ước tăng khoảng 10% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 70,22% vào tổng doanh thu toàn Ngành năm 2016; nộp NSNN ước đạt 93.940 tỷ đồng (ước tăng khoảng 10% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 64,38% vào tổng nộp NSNN của Ngành năm 2016.

Tính đến nay, tổng số nhân lực trong ngành Công nghiệp CNTT trên 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử khoảng trên 300.000 người, còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.

Ứng dụng CNTT: Hạ tầng kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Đến nay, khoảng 95% cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước tại các bộ, cơ quan ngang Bộ và trên 90% cán bộ công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công tác.

Hệ thống mạng nội bộ LAN được triển khai tại các bộ, ngành, địa phương (đến cấp đơn vị trực thuộc đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Cụ thể: 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ phục vụ công việc ngày càng tốt hơn; 100% số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối Internet băng thông rộng; theo báo cáo, có 19/22 bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai mạng WAN, trong đó đã kết nối tới 84% số đơn vị thuộc, trực thuộc; 51/63 tỉnh, thành phố báo cáo đã triển khai mạng WAN, trong đó 79% số đơn vị thuộc, trực thuộc đã kết nối với mạng diện rộng WAN.

Đào tạo nguồn nhân lực CNTT: Trong những năm gần đây, số lượng các trường đại học, cao đẳng đào tạo về CNTT, Ðiện tử - Viễn thông giữ ổn định ở con số khoảng 290 trường. Mặc dù số chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ tuyển sinh lại giảm. 

Ngọc Mai

Tin nổi bật