Học viện BCVT chuẩn bị tốt để đào tạo Truyền thông đa phương tiện

(ICTPress) - Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện thuộc Khoa Đa phương tiện sẽ là một hướng phát triển, một dấu ấn mới của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) trong tương lai sắp tới.

Với những góp ý và nhận xét của các chuyên gia đầu ngành, chương trình đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện sẽ đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp trong xu hướng truyền thông hiện đại.

Ngày 1/2/2016, Bộ TT&TT đã ra quyết định 173 phê duyệt Đề án thành lập khoa Đa phương tiện trực thuộc Học viện Công nghệ BCVT. Đồng thời sau đó, quyết định về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của khoa Đa phương tiện vừa được TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT ký ban hành.

Để chuẩn bị cho công tác đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện, hôm nay 11/05/2016, Học viện đã tổ chức hội thảo về chương trình đào tạo của ngành này. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cùng nhiều khách mời là chuyên gia như: GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo VN, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập báo Đại biểu nhân dân và các lãnh đạo của Học viện.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chỉ đạo các công tác chuẩn bị đào tạo chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện

TS. Lê Thị Hằng, đại diện tổ biên soạn chương trình đã trình bày những kết quả đạt được khi nghiên cứu và khảo sát khung chương trình trong thời gian qua. Với cách tiếp cận khoa học và logic, chương trình ngành Truyền thông Đa phương tiện của Học viện được tham khảo từ 15 khung chương trình của các trường đại học nổi tiếng cùng lĩnh vực trên thế giới như trường Quensland (Úc), trường Lyon (Pháp), trường FullSail (Mỹ)…

Theo TS. Hằng Truyền thông Đa phương tiện bao gồm PR, quảng cáo và báo chí sẽ được áp dụng trên nền tảng số sẽ là mục tiêu xây dựng chung của chương trình Truyền thông Đa phương tiện tại Học viện. Các cơ hội nghề nghiệp của sinh viên trong ngành này có thể trở thành nhà báo, biên tập viên, trợ lý sản xuất, quản lý nội dung hoặc quản lý mạng xã hội tại các doanh nghiệp và đơn vị nhà nước… Sinh viên không những được trang bị những kiến thức về nền tảng truyền thông, nội dung nói chung mà còn được thực hành và làm quen với những nền tảng công nghệ để phục vụ công việc của mình.

Cấu trúc của ngành Truyền thông Đa phương tiện sẽ phân chia theo 3 cấp độ với 125 tín chỉ, từ giáo dục đại cương với 40 tín chỉ, tiếp theo là khối lượng kiến thức chuyên ngành và cơ sở ngành gồm 75 tín chỉ và kết thúc với 10 tín chỉ phục vụ thực tập tốt nghiệp trước khi sinh viên ra trường.

Theo nhận xét của TS. Trần Bá Dung, làm nghiệp vụ báo chí cần 4 yếu tố chủ chốt là: thu thập xử lý thông tin, kỹ năng viết, kỹ năng biên tập và sử dụng công nghệ hiện đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ  trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết lĩnh vực TT&TT luôn phát triển và thay đổi, do đó, trong việc triển khai chương trình Truyền thông Đa phương tiện sắp tới rất cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia để hoàn thiện tốt nhất chương trình. Để chương trình hoàn thiện cần có thời gian và lộ trình cụ thể, Học viện công nghệ BCVT cần chuẩn bị các học liệu, chương trình và đội ngũ nhân lực ổn định phát triển tốt nhất.

Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT Vũ Văn San khẳng định, thời gian tới Học viện sẽ có sự đầu tư cả về đội ngũ và cơ sở vật chất để đưa khoa Đa phương tiện trở thành một trong những khoa đào tạo có uy tín, thế mạnh của trường, đồng thời là đơn vị đào tạo uy tín và chất lượng của Bộ TT&TT. 

Công Huy

Tin nổi bật