Các nhà quản trị dự án hàng đầu thế giới lần đầu tiên gặp gỡ tại Việt Nam

(ICTPress) - Hôm nay 6/11, các nhà quản trị dự án hàng đầu thế giới tới từ Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đã lần đầu tiên gặp gỡ tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 6 - 9/11 tại Hội nghị Quản trị dự án quốc tế PROMAC lần thứ 7.

Một đội dự án của FPT

Trường Đại học (ĐH) FPT và Hiệp hội Quản trị dự án SPM (Society of Project Management), Nhật Bản phối hợp đồng tổ chức sự kiện này.

Với yêu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, Quản trị dự án trở thành điểm quan trọng trong quản trị cấp trung và cao cấp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Hội nghị Quản trị dự án quốc tế PROMAC trở thành tâm điểm quan tâm của lãnh đạo trung và cao cấp của các công ty, tập đoàn lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Với sự quan tâm đặc biệt dành cho PROMAC 2013, Hội nghị năm nay đón hơn 250 đại biểu quốc tế tham dự tới từ 10 quốc gia khác nhau, trong đó chủ yếu là các nhà quản trị dự án tới từ bộ phận nghiên cứu, phát triển của các công ty lớn như Fujitsu, Hitachi, IBM Nhật Bản... cũng như các cán bộ tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu từ các trường đại học của Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... cùng thảo luận, chia sẻ các chủ đề liên quan trong quản trị dự án của các lĩnh vực như CNTT, Giáo dục, Kinh tế, Tài chính... Từ đó thúc đẩy việc quản lý dự án ở châu Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Hội nghị năm nay bao gồm 60 chủ đề nhỏ chia thành các buổi nói chuyện, tọa đàm, trao đổi. Năm 2012, PROMAC được tổ chức tại Hawaii, Mỹ. Đây là năm đầu tiên hội nghị này được tổ chức tại Việt Nam.

Đưa PROMAC tới Việt Nam, tổ chức SPM của Nhật Bản cùng ĐH FPT mong muốn PROMAC 2013 sẽ là cánh cửa mở ra cho các nhà quản trị dự án Việt Nam cơ hội tiếp cận và gia nhập cộng đồng quản trị dự án uy tín của Nhật Bản nói riêng, và của thế giới nói chung. Đồng thời, ĐH FPT cũng mang đến Hội nghị tiếng nói của một trường đại học khi đưa môn Quản trị dự án vào dạy trong chương trình chính khóa bắt buộc dành cho sinh viên.

Chia sẻ chung quan điểm giáo dục bám sát thực tế, đào tạo những gì doanh nghiệp và xã hội cần, ĐH FPT cùng 10 trường ĐH lớn từ các quốc gia khác, như ĐH Tokyo (Nhật Bản), ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), ĐH Công nghệ Malaysia... đã đặt vấn đề về tầm quan trọng của việc dạy cho sinh viên bộ môn Quản trị dự án từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tránh tình trạng sinh viên khi bước vào thị trường lao động, không thể thích nghi với những dự án đa dạng về quy mô và lĩnh vực.

Hiệu trưởng ĐH FPT, ông Lê Trường Tùng cho biết ĐH FPT là trường đầu tiên đưa bộ môn Quản trị dự án vào chương trình ĐH và đào tạo sau đại học chuyên ngành này. Việc đào tạo chuyên ngành này đòi hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, do vậy, ĐH FPT còn thường xuyên mời các chuyên gia quản trị dự án trung và cao cấp của các doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel, CMC... tới trao đổi, chia sẻ, hoặc đóng vai trò giảng viên để truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị dự án với sinh viên.

Ông Lê Trường Tùng cho biết về quản trị dự án Nhật Bản xếp vị trí thứ Nhất thế giới với điểm 10 và Việt Nam mới chỉ đạt 6 điểm.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình phát biểu chính "ICT - mô hình phát triển mới"

Tại Hội nghị, đại diện cộng đồng Quản trị dự án tại Việt Nam, PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT đã trình bày bài phát biểu chính “ICT - một sự dịch chuyển mô hình phát triển mới” (ICT - The new paradigm shift of development).

Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết tăng cường cạnh tranh quốc gia bằng ICT sẽ tạo ra một mô hình phát triển mới tăng trưởng nhanh và bền vững, dựa trên nền kinh tế tri thức, sáng tạo và các trải nghiệm đẳng cập thế giới. Không phải đầu tư quá nhiều nhưng bảo đảm cho môi trường và an ninh quốc gia.

"Nếu tăng 5% cho GDP/PPP (Tổng sản phẩm quốc nội/Sức mua tương đương) để vượt bẫy thu nhập trung bình thấp để vào năm 2024 đạt PPP/GDP lớn hơn 10.699 USD", Ông Trương Gia Bình cho hay.

Chuyển đổi mô hình phát triển mới

Chia sẻ về PROMAC 2013, ông Seki Tetsuro, Chủ tịch SPM, Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, với việc chọn Việt Nam, một đất nước tiềm năng về CNTT cũng như đang có cơ hội lớn để phát triển bứt phá, PROMAC 2013 trông đợi sẽ mang lại những thay đổi nhất định trong tư duy và cách thức quản trị dự án trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, Ban Tổ chức PROMAC trông đợi nhìn thấy sự hội nhập sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực giảng dạy của các trường đại học với nội dung Quản trị dự án. Đây là tiền đề cho sự hoà nhập của các trường ĐH nói chung với những thay đổi nhanh chóng trong đòi hỏi thực tế.

Minh Anh

Tin nổi bật