CEO 3.0: Xuyên thách thức - Nắm vận hội

(ICTPress) - Ngày 20/09/2012, diễn đàn Viet Nam CEO 2012 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị White Palace TP. Hồ Chí Minh.

Các diễn giả đang trao đổi về chủ đề CEO 3.0 Khác biệt hay là chết (Ảnh: yabahcm)

Đây là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam với sự liên kết đồng tổ chức của 6 Hiệp hội, câu lạc bộ Doanh nghiệp (DN) hàng đầu tại Việt Nam: Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM, CLB Doanh nhân Sài Gòn, CLB DN dẫn đầu, CLB doanh nhân 2030, CLB CEO TP.HCM, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao. Diễn đàn có mặt các diễn giả, các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Việt Nam và quốc tế cùng với 600 CEO trong cả nước tham dự và chia sẻ. Vietnam CEO Forum kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên lớn nhất dành cho các CEO Việt Nam.

Khai mạc diễn đàn là diễn văn chúc mừng của ông Nguyễn Phương Nam, trưởng ban chỉ đạo chương trình CEO Forum 2012, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM. Chương trình hội nghị gồm  ba phần: Phần 1 là bối cảnh vĩ mô - Thách thức và vận hội; Phần 2 là tọa đàm về Chân dung CEO 3.0; Phần 3 là phần Hội thảo chuyên sâu về các vấn đề quản trị rủi ro, nguồn nhân lực và làm cách nào để tạo sự khác biệt.

Về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, bà Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu kinh tế từng giữ cương vị Phó Chủ tịch VCCI đã nhận định rằng kinh tế thế giới phục hồi không chắc chắn và có dấu hiệu suy giảm. Môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi nhanh chóng, cấu trúc quyền lực các trung tâm tăng trưởng thay đổi, môi trường và tài nguyên ngày càng hạn hẹp, vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề về cơ cấu dân số và những thách thức mới về nhân khẩu.

Những tác động của kinh tế thế giới tác động đến nền kinh tế nước ta làm xuất khẩu hàng hóa khó khăn do giảm cầu ở thị trường nước ngoài, bảo hộ và cạnh tranh xuất khẩu tăng, tăng cạnh tranh giành vốn FDI, ODA và các nguồn khác khiến vốn khó kiếm và đặt đỏ hơn, làm giản tăng trưởng kinh tế, các biến động giá cả làm tăng lạm phát và những vấn đề môi trường, nguyên liệu và trình độ công nghệ làm nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương nếu không vượt lên, không thích ứng được với những đòi hỏi mới. Bênh cạnh đó, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn: WTO, các FTA (ASEAN+, EPA, TPP, EU). Các khu vực tự do mậu dịch FTA tạo nên những cơ hội lớn tiếp cận thị trường, xuất khẩu và thu hút đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh đối với các DN Việt Nam, đặt biệt sau năm 2015. Chúng ta cũng có bài học từ khi gia nhập WTO là chưa tận dụng những cơ hội, chưa sẵn sàng cho cạnh tranh; năng lực hội nhập yếu do mô hình tăng trưởng lạc hậu ba nút thắt thể chế, nhân lực, hạ tầng cơ sở; các vấn đề tồn tại trong điều hành vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh của các ngành và DN, Bà Phạm Chi Lan trao đổi.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch hiệp hội DN vừa và nhỏ cũng khẳng định thêm về khủng hoảng tiền tệ, kinh tế khu vực và thế giới gây nên hoặc lạm phát cao hoặc giảm pháp xảy ra liên tục. Những vấn đề bất ổn kinh tế ở trong nước diễn ra ở mức cao và kéo dài như nhập siêu cao, bội chi ngân sách lớn, hệ số ICOR cao, nợ xấu ngày càng tăng, hệ thống hạ tầng không đồng bộ chất lượng kém. Giải pháp khắc phục những tồn tại và thách thức, ông cho rằng cần tiếp thục thực hiện hoàn chỉnh hệ thống thể chế, kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xác định rõ những việc cần phải làm ngay trong năm 2012 của nội dung tái cơ cấu ba lĩnh vực nêu trên; giải quyết nợ xấu, các ngân hàng yếu kém và những vấn đề trong hoạt động của các tập đoàn nhà nước.

Phần 2 mở đầu bằng tọa đàm với ông Andy Hồ, CEO của VinaCapital về chân dung CEO nhìn từ góc độ nhà đầu tư. Ông nêu nên phẩm chất mà một CEO cần có đó là cần biết, nhận rõ những nhược điểm của mình, những gì mình không khả năng hay nói một cách khác “biết những cái mình không biết” như ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường PACE chia sẻ.

Dưới góc nhìn của DN, những chia sẻ của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, ông Trần Lệ Nguyên PCT HĐQT Công ty Cổ phần Kinh Đô, là những CEO thế hệ gọi là 1.0, thế hệ CEO thời kỳ đổi mới đến ông Lê Hồng Minh Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của công ty Cổ phần Vinagame thuộc thế hệ CEO thời kỳ hội nhập (2.0), bắt đầu vươn ra biển lớn (3.0) đem đến cho các CEO tham dự những kinh nghiệm, quan điểm về một CEO thời kỳ đầy thách thức cũng như nhiều cơ hội này.

Có thể nói như ông Giản Tư Trung là chúng ta chưa có một thế hệ CEO 3.0 những CEO có tầm nhìn và tầm vóc khu vực thế giới mà chúng ta chỉ có một số doanh nhân đạt tiêu chuẩn 3.0 này với tư cách cá nhân không đủ để hình thành một thế hệ. Chúng ta đang từng bước đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những CEO chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn 3.0. Nói chung tiêu chí về một CEO 3.0 có nhiều quan điểm nhưng các diễn giả đều nhấn mạnh khả năng tự đổi mới, tạo sự khác biệt, tự đào tạo là một phẩm chất cần có ở CEO 3.0.

Vietnam CEO 3.0 lần này tổ chức thành công và là dịp để các CEO khắp mọi miền đất nước cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi từ những chuyên gia kinh tế, nhà chính sách, nhà đầu tư, học hỏi lẫn nhau, tạo một sân chơi bổ ích và thú vị cho các CEO Việt Nam. Nói theo cách bà Phạm Chi Lan thì “Thế giới đi vào thời kỳ phát triển mới nên đất nước phải phát triển theo hướng mới, do đó DN phải tự thay đổi và cùng nhau tạo sự thay đổi. CEO là người lãnh đạo sự thay đổi ấy. Đổi mới hay là chết”.

Chúc cho các CEO 3.0 tự đổi mới thành công.

Trung Thành

Tin nổi bật