Bưu điện chuẩn bị chi trả trợ cấp xã hội hiệu quả nhất

(ICTPress) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) vừa chính thức ký kết thỏa thuận cung cấp dịch vụ chi trả “Gói trợ cấp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình” qua Bưu điện.

Ảnh minh họa

Theo đó, trong thời gian thí điểm của Dự án, từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/6/2018, BĐVN sẽ thực hiện chi trả bằng tiền mặt gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình và thù lao hàng tháng cho cộng tác viên xã hội thuộc Dự án trên địa bàn 4 tỉnh triển khai thí điểm (Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh và Lâm Đồng). Trong đó bao gồm việc thực hiện chi trả tại các điểm phục vụ của BĐVN và tại nhà cho các đối tượng hưởng không thể tự đến điểm chi trả như người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng mà không có người lĩnh thay.

Để thực hiện việc chi trả theo dự án, bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN đã trao đổi với ICTPress về những chuẩn bị của BĐVN thực hiện công tác này:

Những chuẩn bị tích cực

BĐVN đã có những chuẩn bị tích cực như nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của dự án, các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện gói trợ giúp chi trả này, chỉ đạo Bưu điện 4 tỉnh tham gia thử nghiệm thực hiện khảo sát công tác chi trả trợ cấp trên địa bàn và xây dựng một phương án chi trả trên cơ sở tận dụng mạng lưới hạ tầng và con người của BĐVN. Trên cơ sở phương án chi trả đó, BĐVN đã cụ thể hóa bằng quy trình chi trả chặt chẽ, chi tiết, cụ thể sao cho việc chi trả này thuận tiện nhất đến người hưởng cũng như đảm bảo công tác quản lý của Tổng công ty BĐVN. Trên cơ sở các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, BĐVN cũng đã tổ chức các điểm chi trả tận dụng các điểm phục vụ trên mạng lưới và Điểm Bưu điện Văn hóa xã.

Toàn bộ thông tin chi trả, BĐVN đều chuẩn bị niêm yết công khai, tuyên truyền đến cho người dân trên địa bàn bằng tiếng Kinh, tiếng dân tộc đảm bảo cho người dân vùng sâu, xa hiểu rõ một cách tốt nhất chính sách của Đảng, Nhà nước về mục đích của gói trợ cấp này.

BĐVN cũng đã chuẩn bị một lực lượng chi trả được đào tạo, tập huấn và có kinh nghiệm trong chi trả bảo hiểm, lương hưu để phục vụ cho bà con. BĐVN cũng đã xây dựng quy trình chi trả theo các bước tác nghiệp cụ thể nhưng đơn giản để người trả, người hưởng giám sát lẫn nhau để đảm bảo chi trả đúng người, đúng số tiền và chính xác.

Ứng dụng CNTT trong quản lý chi trả

Bưu điện ngoài chức năng kinh doanh còn đảm nhiệm chức năng đảm bảo cung cấp các dịch vụ công theo nhiệm vụ, chương trình do Chính phủ giao. BĐVN thời gian qua đã thực hiện chi trả lương hưu và bắt đầu chi trả bảo trợ xã hội. Hiện nay, BĐVN một tháng chi trả hơn 2 triệu lượt cho người hưởng lương hưu và số tiền chi trả hơn 6000 tỷ đồng. Cho đến nay, có thể khẳng định BĐVN có nhiều kinh nghiệm chi trả trên diện rộng. Kinh nghiệm cốt lõi nhất là công tác quản lý người hưởng. Đối với việc chi trả lương hưu, BĐVN đã thực hiện quản lý người hưởng và cấp mã người hưởng và triển khai ứng dụng CNTT để thực hiện chi trả lương hưu.

Với việc chi trả gói trợ cấp xã hội, BĐVN nhanh chóng đưa ứng dụng CNTT trong quản lý và chi trả người hưởng trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm nhất và có lợi nhất cho cộng đồng, người hưởng và Bưu điện. BĐVN có hệ thống dữ liệu lớn về các đối tượng người hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế xã hội tự nguyện vì đã ứng dụng CNTT vào thực hiện chi trả.

BĐVN đã có một hệ thống CNTT thực hiện kết nối online 3000 điểm dịch vụ, có một chương trình phần mềm quản lý công tác chi trả lương hưu. Dịch vụ chi trả trợ cấp cũng sẽ được xây dựng trên nền tảng CNTT hiện có đã được đầu tư của BĐVN.

Hiện nay, Bưu điện là một trong những tổ chức có nhiều khách hàng hàng tháng ra bưu cục. Bình quân hàng tháng BĐVN cung cấp 9 triệu giao dịch tài chính nhỏ lẻ. Trong đó, có chi trả lương hưu, chi trả trợ cấp, tài chính bưu chính. BĐVN đã triển khai trả lương hưu ở 62 tỉnh và đến 1/7/2015, BĐVN sẽ chi trả lương hưu ở TP. HCM. Như vậy, BĐVN sẽ thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp trên 63 tỉnh.

Minh Anh ghi

Tin nổi bật