Bộ Tài chính xếp hạng đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2016

(ICTPress) - Bộ Tài chính có tổng cộng 214 dịch vụ công mức độ 3, 4 được cung cấp năm 2016, đứng đầu bảng xếp hạng theo số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ, 3, 4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016.

Ngành Hải quan ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Với quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy chính phủ điện tử (CPĐT) qua việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Nghị quyết về CPĐT (Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ), trong năm 2016, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được các cơ quan cung cấp ngày càng tăng.

Theo báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016 của Cục Tin học hóa Bộ TT&TT chủ trì, các Bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả cao (có hàng trăm nghìn đến hàng triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến) là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Các tỉnh, thành phố có nhiều hồ sơ được giải quyết trực tuyến là TP. Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang.  Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và DN đã giảm được nhiều thời gian, thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đứng đầu danh sách cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 56 dịch vụ công mức độ 3, 158 dịch vụ công mức độ 4. Bộ Tài chính còn đạt 28 triệu hồ sơ trực tuyến.

Xếp hạng theo số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016

Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá ứng dụng CNTT năm 2016 được Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT thực hiện, hiện nay còn có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại nhiều địa phương có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp. Nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin. Điều này làm cho việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân chưa thật sự thuận tiện và là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hiệu quả của dịch vụ.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Phó trưởng Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN tại cuộc họp của Ban mới đây cho biết năm nay, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT đã làm tăng dịch vụ công trực tuyến. Đã có một số cơ quan điển hình cung cấp hiệu quả dịch vụ công trực tuyến là Bộ Tài chính có 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 28 triệu hồ sơ. Các tỉnh thì thấp hơn nhưng cũng rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết có một số địa phương có số lượng dịch vụ công trực tuyến cao nhưng không có nhiều hồ sơ trực tuyến, thậm chí là không có. Có khoảng 12 tỉnh có được hơn 1000 hồ sơ hơn 1 năm.

Theo đó, ông Phú nhấn mạnh cần “quan tâm đến hiệu quả chứ không phải số lượng dịch vụ”. Trong chỉ tiêu chấm điểm cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Nội vụ chủ trì, Cục Tin học hóa sẽ đề nghị Bộ Nội vụ tính hồ sơ  trực tuyến, chứ không tính số lượng dịch vụ để quan tâm chất lượng.

Một vấn đề nữa được ông Phúc nêu là kết nối chia sẻ dữ liệu cần được quan tâm trong các năm tới và phải rất quyết tâm thì mới có kết quả. Bộ TT&TT đã có chủ trương tăng cường quản lý nhà nước về CSDL quốc gia ưu tiên triển khai trong đó có nhiều biện pháp hành chính, pháp lý, thúc ép kiểm tra để đẩy mạnh và khai thác cơ sở dữ liệu. Một thông tư kết nối các hệ thống thông tin của các Bộ ngành và các CSDL quốc gia cũng đang được dự thảo để trong quá trình triển khai xây dựng các đơn vị phải lưu tâm về tiêu chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo sau này có thể kết nối CSDL.

Được biết năm 2016, công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của CQNN được thực hiện đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các CQNN được đánh giá trên 6 nhóm tiêu chí là: (1) Hạ tầng kỹ thuật CNTT; (2) Triển khai Ứng dụng CNTT; (3) Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); (4) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (5) Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT và (6) Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016 có thể tải tại đây.

Minh Anh

Tin nổi bật